Tìm kiếm Blog này

Thứ Sáu, 4 tháng 10, 2019

TRUYỀN GIÁO VÀ CẦU NGUYỆN

Suy Niệm TIN MỪNG CHÚA NHẬT XXIX Thường Niên, Năm C
Đức tin Kitô giáo là sự gặp gỡ thiết thân giữa Thiên Chúa trong Đức Giêsu và con người. Vì là gặp gỡ thiết thân, nên không thể thiếu giao lưu, trao đổi, hiệp thông, hiệp nhất mà chỉ nhịp cầu Cầu Nguyện mới thực hiện được. Và vì không thể thiếu trong tương quan giữa con người với Thiên Chúa, nên cầu nguyện là đòi hỏi hàng đầu và là giáo huấn được Đức Giêsu quan tâm nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong Tin Mừng.
Trước hết, chúng ta hãy chiêm ngưỡng Đức Giêsu trong cầu nguyện. Ngài đã luôn cầu nguyện cùng Thiên Chúa, Cha Ngài, nhất là ở thời điểm của những biến cố quan trọng trên đường truyền giáo :
·      Ngài cầu nguyện khi chịu phép rửa của Gioan trên sông Giôđan : Khi toàn dân đã chịu phép rủa, Đức Giêsu cũng chịu phép rửa, và đang khi Người cầu nguyện, thì trời mở ra và Thánh Thần ngự xuống trên Người dưới hình dáng chim bồ câu. Lại có tếng từ trời phán rằng : Con là Con của Cha ; ngày hôm nay Cha đã sinh ra Con (Lc 3,21-22).
·      Ngài cầu nguyện trước khi chọn Mừơi Hai tông đồ : Trong những ngày ấy, Đức Giêsu lên núi cầu nguyện, và Người đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa. Đến sáng, Người kêu các môn đệ lại, chọn lấy mười hai ông và gọi là Tông Đồ (Lc 6, 12-13).    
·      Ngài cầu nguyện trước khi lên đường rao giảng Tin Mừng : Sáng sớm, lúc trời còn tối mịt, Người đã dậy, đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó. Ông Simôn và vác bạn kéo nhau đi tìm. Khi gặp Người, các ông thưa : Mọi người đang tìm Thầy đấy ! Người bảo các ông : Chúng ta hãy đi nơi khác, đến các làng xã chung quanh, để Thầy còn rao giảng ở đó nữa, vì Thầy ra đi cốt để làm việc đó. Rồi Người đi khắp miền Galilê, rao giảng trong các hội đường của họ, và trừ qủy (Mc 1,35-39).
·      Ngài cầu nguyện trước giờ bước vào cuộc tử nạn cứu thế : Người đi ra núi Ôliu như đã quen. Các môn đệ cũng theo Người. Đến nơi, Người bảo các ông : Anh em hãy cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ. Rồi Người đi xa các ông một quãng… và qùy gối càu nguyện rằng : Lậy Cha, nếu Cha muốn, xin cất chén này xa con. Tuy vậy, xin đừng cho ý con thể hiện, mà là ý Cha (Lc 22,39-42).
·      Ngài cầu nguyện trong giây phút cuối cùng của đời làm người, trên thánh giá với tâm tình tha thiết của người con dành cho Cha mình : Lậy Cha, con xin phó thác linh hồn con trong tay Cha (Lc 23,46).
Điều chúng ta nhận được ở Đức Giêsu, chính là trong mọi hoàn cảnh và sinh hoạt, Ngài luôn cầu nguyện để hiệp thông, hiệp nhất với Thiên Chúa Cha, nhất là để nhận ra và vâng phục thực thi thánh ý của Chúa Cha, bởi  đó là lẽ sống của Ngài : Lương thực  của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy, và hoàn tất công trình của Người (Ga 4,34).
Chiêm ngắm Đức Giêsu trong cầu nguyện cho chúng ta niềm xác tín về chỗ đứng không thể thiếu của cầu nguyện trong đời người môn đệ  Đức Giêsu trên đường đi theo Ngài loan báo Tin Mừng. Và đó chính là lý do Giáo Hội đã chọn dụ ngôn quan toà bất chính và bà goá quấy rầy trong Tin Mừng Luca cho ngày Chúa Nhật truyền giáo, mà ngay khởi đầu của dụ ngôn, thánh sử Luca đã nhấn mạnh trọng tâm : phải kiên tâm khi cầu nguyện : Đức Giêsu kể cho các môn đệ dụ ngôn sau đây, để dậy các ông phải cầu nguyện luôn, không được nản chí (Lc 18,1).
Trong dụ ngôn này, Đức Giêsu đã vẽ lên hình ảnh một quan toà chẳng kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng coi ai ra gì (Lc 18,2), bên cạnh là một bà góa nhây như điả sẵn sàng ngồi lì, lải nhải ăn vạ ngày này qua ngày khác để được toà minh xét cho. Hai hình ảnh đều qúa quắt : một ông quan toà lãnh đạm, kiêu căng, bất chính ; một người đàn bà goá bụa già hàm quấy rầy có bằng cấp. Người đàn bà ấy cần được quan toà minh xét, nhưng ông không quan tâm đoái hoài, và phải chờ đến khi bị mụ goá này quấy rầy đến độ nhức đầu nhức óc, không còn chịu nổi nữa, ông quan toà gian ác kia mới chịu thua mà xét xử cho xong, để mụ ta khỏi quấy rầy (x. Lc 2-5).
Đức Giêsu đã lấy lại lời của ông quan toà: Dầu rằng ta chẳng kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng coi ai ra gì, nhưng mụ góa này quấy rầy mãi, thì ta xét xử cho rồi, kẻo mụ ấy cứ đến hoài, làm ta nhức đầu nhức óc (Lc 18,4-5) để dậy các môn đệ bài học cầu nguyện, đó là : nếu ông quan toà bất chính kia cuối cùng đã phải xét xử vì không muốn bị quấy rầy, thì Thiên Chúa là Đấng nhân hậu, giầu lòng thương xót, lại hằng muốn cứu giúp, minh xử cho những ai kêu cầu Ngài lại không lắng nghe, mà lại bắt những người Ngài yêu thương, tuyển chọn đang kêu cầu Ngài phải chờ đợi mãi sao ? (x. Lc 18,6-7). Và Ngài quả quyết : Thiên Chúa sẽ mau chóng minh xét cho họ (Lc 18,8).  
Điều chúng ta muốn chia sẻ với nhau hôm nay trong chúa nhật truyền giáo chính là nhà truyền giáo với cầu nguyện, hay nói khác đi : sự cần thiết của cầu nguyện trong sứ vụ truyền giáo :
1.   Không cầu nguyện, truyền giáo chỉ còn là quảng cáo, tiếp thị :
Truyền giáo là loan báo Tin Mừng, mà Tin Mừng là chính Đức Giêsu, nên truyền giáo không là công tác tuyên truyền một chủ thuyết, rêu rao một luận điệu, qủang cáo một sản phẩm, rao bán một món đồ. Truyền giáo không xử dụng những kỹ năng lôi kéo đám đông, hoặc thủ thuật giành giật quần chúng như mị dân, mua chuộc, mồi chài, đe dọa, trấn áp… nhưng tuyệt đối tôn trọng tự do đón nhận chân lý Tin Mừng của mỗi người.
Chính vì loan báo con người Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa làm người, mà nhà truyền giáo phải thuộc về Con Người Thiên Chúa ấy, bởi không thuộc về Ngài, nhà truyền giáo không biết gì, hiểu gì về Ngài, và như thế, nhà truyền giáo chỉ còn là nhân viên tiếp thị của một công ty, nhân viên chào hàng, giới thiệu sản phẩm của một xí nghiệp, và công việc này hoàn toàn không đòi nhân viên phải thuộc về ai, hay phải toàn tâm toàn ý, yêu mến thiết tha người nào. Trái lại, loan báo Đức Giêsu, giới thiệu Đức Giêsu đòi phải biết Ngài, yêu Ngài, trở nên giống Ngài, hiệp thông trong Ngài, hiệp nhất với Ngài như cành nho gắn liền với cây nho (Ga 15,4), bởi Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được. Ai không ở lại trong Thầy, thì bị quăng ra ngoài như cành nho và sẽ khô héo (Ga 15,5-6).
Ở đây, Đức Giêsu đã không chỉ mời gọi các môn đệ hiệp thông, hiệp nhất với Ngài, mà còn quả quyết : nếu không hiệp nhất, hiệp thông với Ngài thì không những chẳng làm gì được, mà còn bị ném ra ngoài, rồi tự khô héo, tàn rụi đi. Như thế, việc cầu nguyện tức gắn bó thiết thân, liên lạc chặt chẽ, mật thiết với Đức Giêsu không còn là một đề nghi làm cũng được, không làm cũng không sao, nhưng là một lệnh truyền, một điều kiện tất yếu mà bất cứ nhà truyền giáo môn đệ, tông đồ nào cũng phải triệt để thực hiện.
Đức Giêsu còn long trọng công bố : Nếu anh em ở lai trong Thầy và Lời Thầy ở lại trong anh em, thì muốn gì, anh em cứ xin, anh em sẽ được như ý. Điều làm Chúa Cha được tôn vinh là : Anh em sinh nhiều hoa trái và trở thành môn đệ của Thầy (Ga 15,7-8).
Thật không còn gì phải nghi ngờ Cầu Nguyện là đòi hỏi thứ nhất, quan trọng nhất ở nhà truyền giáo, và người môn đệ Đức Giêsu, bởi hoa trái thiêng liêng có được nơi người được rao giảng Tin Mừng hoàn toàn hệ tại ở điều kiện ở lại trong Đức Giêsu, chứ không do khả năng rao giảng, kỹ thuật loan báo hay do uy tín, ảnh hưởng cá nhân của nhà truyền giáo. Chẳng thế mà thánh Phaolô đã tuyên tín : Tôi sống nhưng không phải tôi sống, mà là Đức Kitô sống trong tôi (Gl 2,20) , sau những năm tháng truyền giáo, với kinh nghiệm thiêng liêng của vị tông đồ dân ngoại biết rõ mình chỉ có thể thực sự loan báo Tin Mừng, rao giảng Đức Giêsu cách hữu hiệu và như ý Chúa muốn khi đạt đến tình trạng hoàn toàn tháp nhập đời mình vào Đức Giêsu bằng sống đời cầu nguyện, bởi tương quan đích thực giữa Thiên Chúa và con người chỉ được thiết lập trong và nhờ Đức Giêsu, như Đức Giêsu đã nói : Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy (Ga 14,23).  
2.   Không cầu nguyện, nhà truyền giáo không thể đứng vững trước sóng gió của cám dỗ :
Nếu ma qủy sàng chúng ta như sàng gạo (x. Lc 22,31), thì chúng sàng các nhà truyền giáo nhiều lần kỹ lưỡng hơn, bởi chúng vô cùng căm phẫn, thù ghét những ai bỏ mọi sự vì Tin Mừng, hy sinh trọn đời vì Nước Trời, và sẵn sàng hiến thân phụng sự Đức Giêsu và phục vụ Dân Ngài. Vì thế, nhà truyền giáo là đích điểm của mọi đòn thù ác độc của thế gian và  ma qủy, như Đức Giêsu trước khi lên Giêrusalem chịu chết đã cảnh báo các tông đồ của Ngài : Nếu thế gian ghét anh em, anh em hãy biết rằng nó đã ghét Thầy trước. Giả như anh em thuộc về thế gian, thì thế gian  đã yêu thích cái gì là của nó. Nhưng vì anh em không thuộc về thế gian và Thầy đã chọn, và tách anh em khỏi thế gian, nên thế gian ghét anh em… Họ sẽ làm tất cả những điều ấy chống lại anh em, vì anh em mang danh Thầy (Ga 15,18-19.21).
Và sự thật không thể chối cãi, đó là ma qủy  luôn tìm giăng bẫy các nhà truyền giáo trên đường loan báo Tin Mừng bằng những cám dỗ rất thâm độc :
a.   Cám dỗ quyền lực :
Nhà truyền giáo là người của quần chúng, vì gần gũi dân chúng, thường xuyên giao lưu, gặp gỡ đám đông, nên dễ quên mình là sứ giả mà lầm tưởng mình là tác giả ; dễ quên mình là khí cụ, mà ảo tưởng mình là ông chủ ; dễ quên mình là  mục tử, mà mơ tưởng ngai vàng lãnh tụ ; dễ quên mình là người được sai đi, mà hoang tưởng mình là người cầm cân nẩy mực mọi công trình, đường lối, kế hoạch ; dễ quên lời đoan hứa : Ngài phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ đi (Ga 3,30), mà ngạo mạn tạc tượng mình cho thiên hạ sùng kính để rồi trở thành nhà truyền giáo biến chất khi kiêu căng, tự mãn, độc đoán, độc tài, bất trị, vô cảm, nhẫn tâm, tàn ác.
Những ngày này, Đức Thánh Cha Phanxicô không ngừng lên tiếng đả phá tinh thần giáo sĩ trị  còn tồn tại trong Giáo Hội. Điều này phần nào nói lên cơn cám dỗ quyền lực nơi nhà truyền giáo, và môn đệ Đức Giêsu vẫn còn là ung nhọt làm nhức nhối Thân Thể mầu nhiệm của Ngài.
b.   Cám dỗ tìm thành công tức khắc, và thấy được :
Truyền giáo là giới thiệu Đức Giêsu cho người khác, là gieo những hạt giống Tin Mừng trong lòng mọi người, nên khao khát tự nhiên của nhà truyền giáo là mong thấy nhiều người trở lại đạo, và con số tân tòng tăng vọt. Đây thực là một cám dỗ nguy hiểm, vì  ma qủy sẽ lợi dụng ước mong thánh thiện ấy để biến nhà truyền giáo thành một con buôn thuần vật chất, nghiã là  để đạt thành qủa bên ngoài, tức khắc và thấy ngay được, nhà truyền giáo sẽ tìm mọi phương thế mang tính trần tục, mọi mánh lới, thủ đọan để lái mục đích  đích thực của truyền giáo sang mục tiêu tìm thành qủa bên ngoài, nhất thời, vật chất, xa dần Tin Mừng, tách rời khỏi Đức Giêsu. Ma qủy sẽ làm cho nhà truyền giáo say men thành qủa hoành tráng  bên ngoài, mà quên đi chân lý rất quan trọng, đó là chính Thiên Chúa mới là người làm cho hạt giống mọc lên, mới là Đấng thánh hoá, đổi mới, cứu độ, trong khi nhà truyền giáo không thể thánh hoá ai, cũng không tự mình đổi mới được tâm hồn nào, nếu không có Thiên Chúa.
Thánh Phaolô đã xác tín điều này khi ngài viết về vai trò thực sự của người rao giảng Tin Mừng trong thư gửi giáo đoàn Côrintô : Vậy Apôlô là gì ? Phaolô là gì ? Đó là những tôi tớ đã giúp cho anh em có đức tin, mỗi người đã làm theo khả năng Chúa ban. Tôi trồng, anh Apôlô tưới, nhưng Thiên Chúa mới làm cho lớn lên. Vì thế, kẻ trồng hay người tưới chẳng là gì cả, nhưng Thiên Chúa, Đấng làm cho lớn lên, mới đáng kể. Kẻ trồng, người tưới đều như nhau, nhưng ai nấy sẽ được thù lao tùy theo công khó của mình. Thực vậy, chúng tôi là cộng sự viên của Thiên Chúa. Anh em là cánh đồng của Thiên Chúa, là ngôi nhà Thiên Chúa xây lên (1Cr 3, 5-9). Chỗ khác, thánh tông đồ dân ngoại viết : Nguyện xin Thiên Chúa là nguồn mạch bình an thánh hoá toàn diện con người anh em (1 Tx 5,23), để nói lên chân lý : chỉ một mình Thiên Chúa là nguồn ơn sủng và chỉ một mình Ngài ban ơn thánh hoá các tâm hồn.
Như thế, nhà truyền giáo phải tôn trọng quyền làm lớn lên, và thánh hoá của Thiên Chúa bằng tin tưởng vào mầu nhiệm của thời gian trong công cuộc cứu độ, để không nóng nẩy, vội vàng, luống cuống, bực bội khi hạt giống được gieo chưa nẩy mầm đúng kỳ hạn, người tội lỗi chưa hối cải, ăn năn đúng ngày giờ mình muốn, người được rao giảng mãi chưa ngỏ lời xin theo đạo, vì chỉ Thiên Chúa mới biết khi nào và cách nào hạt giống sẽ nảy mầm và cây lớn lên. Phần nhà truyền giáo, với cái nhìn đức tin và niềm xác tín ở mầu nhiệm thời gian trong công trình cứu độ sẽ bình an, kiên nhẫn rao giảng mà không tìm đốt giai đọan, rút bớt thời gian với tham vọng tìm kết qủa tức thời, thấy được ngay trước mắt của thế gian.            
3.   Cám dỗ bỏ cuộc, đào ngũ khi gặp khó khăn, thất bại :
 Nếu ma qủy cám dỗ nhà truyền giáo khao khát những thành công cấp thời, và bên ngoài, thì chúng cũng cám dỗ nhà truyền giáo bỏ cuộc, bỏ hàng ngũ khi không thành công, bị hiểu lầm, gặp khó khăn. Ngoài cám dỗ buông xuôi, bỏ cuộc khi thất bại, bị khiển trách hay sơ sót, lỡ lầm trong nhiệm vụ đuợc trao phó, nhà truyền giáo còn bị cám dỗ nặng nề bỏ hàng ngũ khi bị chính anh em mình hiểu lầm, hàm oan, xử ép.
   Sở dĩ Đức Giêsu đã không ngớt khuyên các tông đồ, môn đệ của Ngài : Anh em hãy thương yêu nhau, và Người ta cứ dấu này mà nhận biết chúng con là môn đệ của Thầy (Ga 13,34-35), vì Ngài biết không yêu thương nhau là cơn cám dỗ kinh khủng, và tàn phá nhất, bởi khi không còn yêu thương, người ta trở thành lang sói của nhau ; khi đánh mất đức ái, môn đệ không thể nhận ra mình là anh em với nhau, vì cùng có một Thiên Chúa là Cha, và một Thầy là Đức Giêsu ; khi tình yêu thương không còn hiện diện, nhà truyền giáo sẽ không  còn ở trong, ở với Đức Giêsu nữa, mặc dù chính Ngài vừa là Đấng sai nhà truyền giáo đi, vừa là lẽ sống  của nhà truyền giáo, vừa là đối tượng của công cuộc rao giảng. Do đó, tâm hồn truyền giáo sẽ trống vắng, trái tim truyền giáo sẽ lạnh tanh, đôi chân truyền giáo sẽ chùn bước, niềm vui truyền giáo sẽ tắt lịm, và con đường truyền giáo sẽ đóng lại, tắc nghẽn. Từ đó, cám dỗ buông xuôi, bỏ cuộc, rời hàng ngũ sẽ chiếm đọat toàn thể con người và đời sống nhà truyền giáo.
Tóm lại, ngày cầu nguyện cho truyền giáo, Hội Thánh đã không nhắc nhở gì ngoài  cầu nguyện, khi chọn dụ ngôn Quan toà bất chính và bà goá quấy rầy (Lc 18,1-8) làm Tin Mừng cho ngày lễ, bởi Mẹ Hội Thánh biết : không cầu nguyện, sẽ không có truyền giáo, vì nhà truyền giáo thiếu cầu nguyện sẽ biến thái thành nhà qủang cáo, nhân viên tiếp thị, vì không có Đức Giêsu, Đấng sẽ làm cho hạt giống Tin Mừng lớn lên. Thiếu cầu nguyện, nhà truyền giáo cũng không thể đứng vững trước vô số cám dỗ, mà ở đây, chỉ nêu ra một vài cám dỗ tiêu biểu, như Đức Giêsu hằng nhắc nhở : Anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện để khỏi sa chước cám dỗ (Mt 26,41).
Và để thực hiện điều Thiên Chúa mong ước trên, chúng ta phải cậy đến ơn phù trợ của Chúa Thánh Thần, Đấng làm cho chúng ta nên nghiã tử của Thiên Chúa nhờ đó, chúng ta được kêu lên : Ápba ! Cha ơi ! (Rm 8,15), và dậy chúng ta biết cầu nguyện thế nào cho phải, đồng thời cầu thay nguyện giúp chúng ta, cũng như cho dân thánh theo đúng ý Thiên Chúa (x. Rm 8,26-27).  Cũng với tác động của Chúa Thánh Thần, Giáo Hội truyền giáo đã được khai sinh trong ngày lễ Ngũ Tuần khi từ trời bỗng phát ra một tiếng động như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà, nơi mọi người đang tụ họp. Rồi họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một. Và ai nấy đều đuợc tràn đầy Thánh Thần… (Cv 2, 1-4).
Hiệp thông cùng Giáo Hội, chúng ta xin Chúa ban cho mọi tín hữu, trong đó có chúng ta tinh thần truyền giáo ngày càng thăng tiến, lớn lên với đời cầu nguyện.
Jorathe Nắng Tím