Không
ai là người Kitô hữu lại không biết đến cầu nguyện : cầu nguyện như bổn phận
thảo hiếu đối với Cha trên Trời ; cầu nguyện là lẽ sống, vì thiếu cầu nguyện,
người tín hữu không thể hiệp thông, hiệp nhất trong Chúa và với anh chị
em ; cầu nguyện để xin ơn trợ giúp, ủi an, và các ơn lành hồn xác ; cầu
nguyện để khỏi sa chước cám dỗ. Nhưng “biết đến cầu nguyện” chưa phải là “biết
cầu nguyện”. Bằng chứng là các tông đồ khi thấy Đức Giêsu thường xuyên cầu nguyện
đã xin Ngài dạy các ông cầu nguyện (Lc 11,1). Và Ngài đã dạy các ông Kinh Lạy
Cha (x. Mt 6,9-13), đồng thời dạy các ông :
·
“Khi cầu nguyện, anh em đừng lải nhải như dân ngoại ; họ nghĩ rằng :
cứ nói nhiều là được nhận lời. Đừng bắt chước họ, vì Cha anh em đã biết rõ anh em
cần gì, trước khi anh em cầu xin” (Mt 6,7-8).
· “Khi
cầu nguyện, anh em đừng làm như bọn đạo đức giả : chúng thích đứng cầu
nguyện trong các hội đường, hoặc ngoài các ngã ba ngã tư, cho người ta thấy… Còn
anh em, khi cầu nguyện, hãy vào phòng đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng cha của
anh em, Đấng hiện diện kín nơi đáo, và thấu suốt những gì kín đáo…” (Mt 6,5-6).
· “Hãy
yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. Như vậy, anh em mới
được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời
của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người
công chính cũng như kẻ bất chính. Vì nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình,
thì anh em nào có công chi ? Ngay cả những người thu thuế cũng chẳng làm
như thế sao ? Nếu anh em chỉ chào hỏi anh em mình thôi, thì anh em có làm điều
gì lạ thường đâu ? Ngay cả người ngoại cũng chẳng làm như thế sao ? Vậy
anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt
5,44-48).
Qua những dặn dò, chỉ dẫn cầu nguyện của Đức Giêsu,
chúng ta nhận thấy :
1. Con đường nên thánh của mỗi người hệ tại ở
việc cầu nguyện với thái độ khiêm nhường, tín thác ở Thiên Chúa là Cha giầu
lòng thương xót, Đấng biết con cái mình cần gì, thiếu gì.
Dụ
ngôn người Pharisêu kiêu căng tự nhận mình là đạo đức, thánh thiện và người thu
thuế khiêm nhường biết mình là kẻ tội lỗi cùng lên Đền Thờ cầu nguyện của Tin Mừng
Luca đã cực tả điều Đức Giêsu muốn có ở tâm hồn cầu nguyện : Người Pharisêu
đứng thẳng, nguyện thầm rằng : “Lậy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không
như bao kẻ khác : tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế
kia. Con ăn chay một tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của
con”. Còn người thu thuế thì đứng đằng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời,
nhưng vừa đấm ngực vừa thưa rằng : ‘Lậy Thiên Chúa, xin thương xót con là
kẻ tội lỗi’ (Lc 18,11-13). Và Đức Giêsu kết luận : “Tôi nói cho các ông biết :
người này khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính rồi ; còn người
kia thì không. Vì phàm ai tôn mnìh lên sẽ bị hạ xuống ; còn ai hạ mình xuống
sẽ được tôn lên” (Lc 18,14).
2. Con
đường nên thánh còn hệ tại ở việc thực hiện Đức Ái ở mức độ anh hùng, khi “yêu
kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em” (Mt 5, 44).
Như
thế, cầu nguyện và thực hành Đức Ái luôn phải đi đôi với nhau, như cây Thánh Giá,
với thanh gỗ dọc cắm sâu vào đời sống và vươn cao tới Trời, biểu hiện tâm hồn cầu
nguyện luôn gắn bó, kết hiệp với Thiên Chúa ; và thanh gỗ ngang của Thánh
Giá chính là đôi tay giang rộng ôm lấy anh em đồng loại khi yêu thương, phục vụ
mọi người, bất kể họ là ai.
Bên
cạnh những điều được căn dặn trên, Đức Giêsu còn một bí mật của cầu nguyện, mà
chỉ ở những ngày cuối đời, vào giờ phút quyết liệt, kinh khủng nhất, Ngài mới tỏ
ra cho các tông đồ, là những người được đi cùng Ngài vào vườn Cây Dầu trước khi
Ngài bị bắt. Đó là cầu nguyện theo ý của Thiên Chúa Cha.
Tuy
trong Kinh Lạy Cha, Ngài đã dạy các tông đồ cầu nguyện : “Xin cho ý Cha thể
hiện dưới đất cũng như trên trời” (Mt 6,10 ), nhưng các ông không hiểu hết ý
nghiã của lời cầu “theo ý Thiên Chúa” này, bởi chưa rơi vào hoàn cảnh đắng cay,
nghiệt ngã, chưa ở bước đường cùng bế tắc, chưa bị kẹt vào đêm tối của con nợ bị
chủ nợ thuê đầu gấu truy lùng, chưa bị cùm chân còng tay trong phòng biệt giam
vì bị hàm oan, tố láo, chưa bị Bề Trên nổi giận, ra tay sửa phạt vì bị hiểu lầm,
chưa bị thiên hạ “bầy binh bố trận” cho “knock - out”, lọt lưới, các tông đồ cũng
như chúng ta không thể hiểu được cái khó khăn khi phải cầu xin theo Thánh Ý Chúa,
không cảm nghiệm được nỗi đau rướm máu khi lời cầu xin “theo ý mình” không được
khứng nhận, chưa thể hiểu mãnh lực của cơn cám dỗ “không tin ở Thiên Chúa toàn
năng và yêu thương” khi nhu cầu cấp bách không được Thiên Chúa đáp ứng, và hoàn
cảnh bi đát, khốn cùng không được Thiên Chúa can thiệp.
Để
các tông đồ hiểu cái khó khăn khi phải thống thiết cầu nguyện “theo thánh ý Thiên
Chúa, mà không theo ý mình” ở những hoàn cảnh cam go, nghiệt ngã, Đức Giêsu đã
cùng các môn đệ đi ra núi Ô - liu. Đến nơi, Người bảo các ông : “Anh em hãy
cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ”. Rồi Người đi xa các ông một quãng chừng bằng ném
một hòn đá, và qùy cầu nguyện rằng : “Lạy Cha, nếu đẹp ý Cha, thì xin Cha
cất chén đắng này xa con. Tuy vậy, xin đừng theo ý con, nhưng xin theo ý Cha”
(Lc 22,40-42). Lúc bấy giờ “lòng xao xuyến bồi hồi, nên Người càng khẩn thiết cầu
xin. Và mồ hôi Người như những giọt máu rơi xuống đất” (Lc 22,4).
Người
xao xuyến, bồi hồi vì cuộc khổ nạn và cái chết gần kề, ở đó mọi người bỏ Ngài,
các tông đồ thì kẻ chối, người phản bội, số còn lại bỏ chạy “mất dép”, chỉ còn
lại thân mẫu, vài người phụ nữ, và duy nhất một tông đồ Gioan ở lại với Ngài dưới
chân Thánh Giá ; Ngài xao xuyến, bồi hồi vì gánh nặng vô song của tội lỗi đè
trên đôi vai, và đường thánh giá dài lê thê, não nề, kinh khủng trước mặt. Chính
trong giây phút cực căng thẳng và khủng hoảng này, Ngài cảm thấy chén phải uống
đắng đót, khó uống qúa, và đã cầu xin Chúa Cha : “Nếu được, thì xin Cha cất
chén đắng này cho con”. Và các tông đồ đã bắt đầu hiểu được cái khó của lời cầu
xin theo Thánh Ý, cho đến khi chính các ông lâm trận, rơi vào thử thách khi Thầy
bị bắt, bị lên án đóng đinh, các ông mới thấm thía thách đố cam go của lời cầu
nguyện : xin cho Thánh Ý Cha được thể hiện, mà không phải ý con.
Vâng,
cầu nguyện như Đức Giêsu tiên vàn sẽ là cầu nguyện theo Thánh Ý Chúa Cha, nghĩa
là “xin cho Ý Cha được thể hiện dưới đất cũng như trên trời”. Sở dĩ Đức Giêsu đã
cầu nguyện được như thế, vì Ngài hoàn toàn xác tín : Chúa Cha yêu thương
Ngài vô cùng, như khi chịu phép rửa bên sông Giôđanô, “Người thấy Thần Khí Thiên
Chúa đáp xuống như chim bồ câu và ngự trên Người”. Và có tiếng từ trời phán :
“Đây là con yêu dấu của Ta, đẹp lòng Ta mọi đàng” (Mt 3,17) ; Ngài còn xác
tín : “Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy” (Ga 14,11).
Với
niềm xác tín thuộc về Chúa Cha trọn vẹn và được hiệp nhất trong tình yêu với Chúa
Cha, Đức Giêsu đã vượt qua cám dỗ theo ý mình, để cầu nguyện theo thánh ý Chúa Cha, dù có lúc tâm
hồn xao xuyến, bồi hồi đến đổ mồ hôi máu, khi gánh nặng cuộc đời đè bẹp sức người
có hạn, tưởng không còn có thể lết đi.
Lạy
Đức Giêsu, xin nâng đỡ lời cầu nguyện còn yếu đuối, dè dặt, do dự, so đo, tính
toán, nghi ngại, ngờ vực của chúng con trước Thánh Ý của Chúa. Xin giúp chúng
con không chỉ cầu nguyện với trái tim nồng nàn yêu thương, và với thái độ đơn sơ,
khiêm nhường, kín đáo, mà còn dám cầu nguyện với lòng tín thác tuyệt đối ở Thánh
Ý của Thiên Chúa, là “mẹ hiền an ủi con thơ” (Is 66,13), là gà mẹ tập hợp, chở
che đàn con dưới cánh (Mt 23,37), và mãi mãi Thiên Chúa là Mẹ hiền yêu thương biết
rõ con cái cần gì trước khi con cái cầu xin (x. Mt 6,8).
Jorathe Nắng Tím