Năm
nay đã qua khỏi lục tuần, nhưng hình ảnh thầy cô từ những năm mẫu giáo đến giờ
vẫn đầy ắp trong tôi. Và mỗi năm đến ngày Nhà Giáo, tôi lại không khỏi bùi ngùi, thổn thức nhớ từng thầy cô đã dạy dỗ
từ ngày chập chững đến trường, tập đánh vần, tô chữ …
Tôi
rất thích kể về thầy cô và những kỷ niệm thời còn đi học, và mỗi lần ôn lại “những
ngày xưa thân ái” ấy, tôi như được sống lại tuổi thơ thần tiên với thầy cô yêu
thương ở mái trường làng mái lá vách đất thưở ba mẹ và gia đình mới từ Bắc di cư
vào Nam. Thầy cô tôi, ai cũng dễ thương và hiền hoà, tận tụy và hy sinh, ân cần
và cởi mở, nghèo nhưng nghiã khí, liêm sỉ.
Thầy
cô tôi cũng như thầy cô của bao nhiêu học trò khác, thầy cô của bao nhiêu thế hệ
đàn anh, đàn em, của bao thời thế thăng trầm, đổi dời, các thầy cô vẫn thao thức
ước mơ, vẫn âm thầm và miệt mài cống hiến cho gia đình, xã hội, quê hương, đất
nước và thế giới những con người tử tế.
Vâng,
“những con người tử tế” là hoa trái của một đời “bán cháo phổi” của Thầy Cô ;
“những con người tử tế” là thành qủa của qúa trình “quên mình vì tương lai con
em” của Thầy Cô ; “những con người tử tế” là hoa xuân hạnh phúc mà Thầy Cô
đã chăm bẵm, vun trồng từ những tháng “hạ, thu, đông” dài đẵng dẵng ;
“những
con người tử tế” là vinh dự của dân tộc mà Thầy Cô đã góp phần kiến tạo ; “những
con người tử tế” vừa là bảo đảm vừa là hy vọng của một quốc gia phú cường, một
thế giới hoà bình, huynh đệ, mà Thầy Cô là kiến trúc sư đã chung tay xây dựng,
bởi lẽ sống, lý tưởng sống, phương châm sống, chỉ nam sống, nghị lực sống của
Thầy Cô chính là dâng tặng cho đời “những con người tử tế”.
Nhưng thế nào là
con người tử tế, nói cách khác, đâu là tiêu chuẩn tử tế được Thầy Cô đề
ra ?
Tôi
còn nhớ như in tấm bảng vẽ hàng chữ to đùng mầu đỏ trên nền trắng : “Tiên học lễ, hậu học văn” ngay cửa trường
như thường xuyên nhắc nhớ học sinh hai tiêu chuẩn của giáo dục là đào tạo
những con người vừa có kiến thức vừa có đạo đức, mà không thể thiếu một trong
hai.
Không
thể thiếu một trong hai, vì có kiến thức mà không đạo đức thì hại nhiều hơn lợi,
khi kẻ “có óc mà không có tim” sẽ thủ đoạn, mưu mô, bầy đủ thứ chiêu trò ma mãnh,
bẩn thỉu để lừa phỉnh, bóc lột, làm hại người khác hầu vun vén tiền của, quyền
lực, danh vọng cho riêng mình ; nhưng có tim mà thiếu óc, có đạo đức mà
thiếu kiến thức cũng không làm lợi nhiều cho xã hội, khi không đủ khả năng phân
định, giải quyết những khó khăn khi phục vụ. Tâm và trí phải đi đôi : tâm
tốt với trí cao, tâm lành với trí sáng sẽ giúp được mình và nhiều người.
Như
thế, người tử tế không chỉ là người có trí tuệ, được đào tạo trí thức, có vốn
liếng kiến thức đáng kể ; cũng không chỉ là người đạo đức, có tâm, có lòng,
nhưng phải là người vừa có Tâm vừa có Tầm : Tâm thiện, tâm lành và tầm nhìn
rộng, tầm thấy xa.
Nhưng
có hai tiêu chuẩn Trí và Đức rồi cũng chưa đủ để làm người tử tế, vì thiếu đối
tượng, bởi Tâm phải hướng đến ai, thương ai và Tầm phải biết sẽ phục vụ, đem lợi
ích cho người nào ?
Vì
thế, người tử tế phải là người có lòng nhân ái để tất cả khả năng trí thức và đạo
đức hướng về lòng yêu mến và phục vụ con người, đem lại niềm vui và hạnh phúc
cho người chung quanh. Người tử tế có mục tiêu hành động là phúc lợi của con người ;
có hướng đến là đời sống an vui của con người ; có đích tới là “con người được
hạnh phúc”, bởi nếu không nhắm đến con người, giáo dục sẽ vô nghiã, và những phấn
đấu, tận tụy, hy sinh của Thầy Cô sẽ không mang một giá trị nhân văn nào.
Thời
gian gần đây, một số dư luận khắt khe phê phán một số ít Thầy Cô có những việc
làm không mấy xứng hợp với vinh dự “Lương Sư Hưng Quốc” mà từ bao đời xã hội đã
dành cho. Trước một số sự việc đáng tiếc, người viết trộm nghĩ : có khi nào
chúng ta dành chút thời gian để tìm xem : có thể xã hội đã khắc nghiệt đẩy
các Thầy Cô vào một hoàn cảnh bế tắc nghiệt ngã, ở đó, bất cứ ai cũng chỉ còn duy
nhất một khả thể cuối cùng là phải cố vùng vẫy để sống còn ?
Phần
tôi, tận đáy sâu tâm hồn, tôi luôn yêu mến, trân trọng các Thầy Cô, vì các Thầy
Cô đã cho tôi hình ảnh sống động về một con người tử tế, lý tưởng cao đẹp được
làm người tử tế, và ý chí sắt đá phải trở nên người tử tế, và tôi tin rằng :
không Thầy Cô nào đã dấn thân vào nghề đào tạo người tử tế mà đã không nằm lòng,
và tự nhủ mỗi lần đứng trên bục, đưa mắt âu yếm nhìn từng học sinh :
1.
Không
chỉ là người chuyển tải kiến thức, tôi còn là người xây dựng những tâm hồn ngay
thẳng, thật thà, tôn trọng sự thật, những con người không gian dối, lọc lừa, không lưu manh, dối
trá, không hồ đồ tố cáo, không vu khống oan sai.
2.
Không
chỉ là người truyền đạt kiến thức, tôi còn là người chăm sóc, vun trồng những tâm
hồn yêu mến, trân trọng sự sống, bởi sự sống là quà tặng qúy giá của Thượng Đế
ban cho con người. Một xã hội mất ý thức
về giá trị của sự sống sẽ nhanh chóng suy đồi, trầm trọng sa sút và chênh vênh bờ thảm họa.
3.
Không
chỉ là người mở mang, khai phóng trí tuệ, tôi còn là người dậy trái tim biết yêu
thương, sống nhân ái, và biết chạnh lòng, bởi trái tim không được đào tạo để yêu
thương, nó sẽ biến thành hoả ngục của chính mình, và lửa thiêu đốt người khác.
Vâng,
tôi thương các Thầy Cô ; tôi mến tất cả những ai mang trong đời sứ mệnh giáo
dục những con người tử tế cho đời ; tôi nhớ ơn các Thầy Cô đã dạy tôi làm
người tử tế, và tôi muốn nói với đàn em, đàn con, đàn cháu : Hãy yêu mến
Thầy Cô, vì đời của Thầy Cô là chuỗi dài những tận tụy quên mình, những hy sinh
câm lặng, những chịu đựng thầm kín, những căng thẳng cam go, những đánh giá bất
công, những vô ơn, bạc bẽo, bởi khi chọn đời làm Thầy Giáo, Cô Giáo, các Thầy Cô
đã không chọn một nghề để sinh sống, một chỗ đứng “ăn nên làm ra”, một cơ hội “bốc
hốt, làm giầu”, nhưng đã chọn một Ơn Gọi, ơn gọi trồng người, ơn gọi chăm bẵm mầm
non “tử tế”, để gia đình, đất nước, thế giới được sống hạnh phúc trên vùng đất
lành có những con người tử tế.
Ngày
Nhà Giáo Việt Nam, người viết cùng các Bạn, xin kính chúc các Thầy Cô của chúng
ta An Bình tiến bước trên đường thực hiện Sứ Mệnh và Ơn Gọi tuyệt vời cao đẹp : “Lương Sư - Hưng Quốc
- Thầy Cô đạo đức, Quốc Gia hưng thịnh”.
Jorathe
Nắng Tím