Pages - Menu

Thứ Sáu, 8 tháng 11, 2019

VĂN HÓA CẢM ƠN


Đầu tháng Mười Một, Giáo Hội Công Giáo toàn cầu mừng lễ các Thánh nam, nữ và cầu nguyện cho các đẳng linh hồn để biểu hiện mầu nhiệm Hiệp Thông. Trong hiệp thông bao hàm lòng biết ơn, và nghiã cử đền đáp “ơn sâu nghiã nặng” của người sống đối với người đã qua đời. Cũng trong tháng này, vào thứ năm của tuần thứ tư, Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ mừng lễ Thanksgiving, là lễ toàn dân dâng lời tạ ơn Trời đã ban cho đất nước và mọi người một năm bình an. Đây được coi là nét đẹp của văn minh nhân loại, mà người viết xin được gọi là “Văn Hoá Cảm Ơn”.

Sở dĩ gọi là nét đẹp, vì đó là điều tốt đẹp mà ai cũng phải công nhận, bởi không ai có thể chối từ, phủ nhận giá trị của lòng biết ơn và nghiã cử đền ơn, đáp ơn ; cũng không ai không muốn người khác biết ơn, nhớ ơn mình. Gọi là văn hoá, vì biết ơn là tinh hoa, cái tuyệt vời còn đọng lại làm cho nếp nghĩ, nếp sống của con người đượm thắm tính người và tình người.
Biết ơn, vì thế là điều không thể thiếu ở mỗi người, không chỉ vì tính nhân văn tốt đẹp, vì giá trị cao qúy, mà còn là bổn phận, nghiã vụ và vinh dự của con người trong đời sống. Là bổn phận, vì có ai ra đời làm người, trưởng thành và sống đời người lại không cần đến tình thương và lòng tốt của người khác ? Là nghiã vụ, vì  có ai tự mình vào đời và một mình làm nên tất cả, mà không chịu ơn ai ? Là vinh dự, vì lòng biết ơn làm cho người biết ơn trở nên đáng kính, đáng yêu, dễ thương, dễ mến, và nghiã cử biết ơn làm cho mọi người ngưỡng mộ, cảm phục.
Hãy quan sát một gia đình, ở đó không ai biết ơn ai, khi con cái  bất hiếu, vợ chồng vô ơn, và cả nhà, từ tháng trước qua tháng sau, từ năm này sang năm nọ, không ai biết nói lời “cảm ơn”, không ai tỏ một thái độ, cử chỉ, hành động biết ơn người thân yêu cùng mâm cơm, cùng mái ấm ; đó là chưa kể gia đình ấy chẳng quan tâm đến họ hàng, gia tộc, hàng xóm láng giềng, và tất nhiên lời cảm ơn được các thành viên gia đình xếp vào loại hàng xa xỉ cực hiếm.
Trong sinh hoạt xã hội, nếu văn hoá biết ơn không thâm nhập và bao trùm, thì lời cám ơn, thái độ tri ân, tâm tình cảm tạ đều bị coi là chuyện hoang đường, cổ tích, rườm rà, vô ích, và người ta ra vào gặp gỡ, đối tác, trao đổi, như những người không quen biết từ những hành tinh xa lạ. Vì thế, thỉnh thoảng chúng ta cũng cần cho dừng lại nhịp sống vội vã, tất tả, để hỏi xem : Lối sống vô cảm, vô ơn có khi nào đã len lỏi vào gia đình, cộng đoàn, khu phố, làng xóm của chúng ta mà chúng ta chưa biết không ?
Qủa thực, không cần phải đợi lâu mới có đáp án, vì chỉ cần hỏi những người giúp việc trong nhà có bao giờ nhận được lời cảm ơn của ông bà chủ, và các con ông bà chủ không ? Những tiếp viên trong các quán ăn, nhà hàng có thường nhận được lời cảm ơn của khách không ? Những em bé và những người làm công vất vả, lam lũ, nghèo khó thi thoảng có được người lớn, người có chức tước, quyền thế, ảnh hưởng mở lời cảm ơn không ? Những cô y tá, y công quên mình, ngày đêm tận tụy phục vụ trong các bệnh viện, trạm xá có được bệnh nhân tỏ lòng trìu mến, và biết ơn không ? Những học sinh, sinh viên có nghĩ tới việc mở lời cảm ơn thầy cô sau giờ học không ? Những bác tài lái xe buýt, taxi, xe đò, hay những anh xe ôm có nhận được lời cảm ơn không ? Hay ai nấy chỉ nghĩ : “trả tiền, chi tiền xong rồi thôi. Đã tốn tiền, sao lại phải cảm ơn ?”. Nhiều người còn gay gắt hạch sách : “Không cảm ơn tôi thì thôi, chứ mắc mớ gì tôi phải cảm ơn vì tôi không ăn, tôi không bệnh, tôi không đi xe, tôi không học, tôi không mua thì các anh chị lấy tiền đâu mà sống ?”. Thật kinh dị ý nghĩ nặc mùi “buôn bán, thương trường” của một xã hội hoàn toàn bị đồng tiền chi phối, điều khiển !
Vì thế, một xã hội không “Văn Hoá Cảm Ơn” sẽ dần dà biến con người thành những người máy lạnh lùng, vô cảm và mọi tương quan sẽ thoái hoá xuống hàng đổi chác, mua bán, mất hết nhân nghiã, ân tình. Mất nhân nghiã, ân tình vì nhân nghiã không thể “cân, đo, đong, đếm”, ân tình không thể tính toán bằng thước đo vật chất, bằng cân tiểu ly định lượng vàng bạc, hay qua máy đếm tiền tinh xảo ở ngân hàng, vì nhân nghiã là một giá trị thiêng liêng, và ân tình thì vô hình, bất tử, nên có khi chỉ cho nhau một ly nước lạnh, một chén cơm nguội chẳng đáng giá gì cũng đã là cho nhau cả tấm lòng, trao tặng nhau cả khối tình yêu thương.     
Đứng trước những thiếu sót, khập khễnh, chênh vênh, xiêu vẹo của nền văn hoá biết ơn, chúng ta phải làm gì ?
Thiết tưởng chẳng có gì phải làm ngoài “Biết”. Biết mình cần nhiều người, biết mình đã cần, đang cần, và mãi mãi cần rất nhiều người, bằng chứng là chết rồi cũng còn cần người tẩm liệm, chôn cất, hoả táng, cúng viếng, ma chay, xin lễ cầu nguyện… ; biết mình chịu ơn nhiều người : chịu ơn trực tiếp đã đành, mà còn chịu ơn gián tiếp vô số những  người chưa một lần nghe tên, như những người đã phát minh ra điện, bóng đèn, và phương tiện giao thông như máy bay, xe lửa, xe hơi, sáng chế những đồ gia dụng cần thiết như máy giặt, nồi điện, robot quét nhà, những nhu cầu thông tin, liên lạc như internet, điện thoại…và hàng triệu những sản phẩm ích dụng khác làm cho đời sống thoải mái, hạnh phúc hơn ; chưa kể biết bao nhiêu người đã dầy công học tập để phục vụ đời sống ở mọi lãnh vực từ vật chất, thể lý  đến tâm linh như các bác sĩ, kỹ sư, kiến trúc sư, nhạc sĩ, nhạc công, nhà tâm lý, linh mục, thượng toạ, đại đức, thầy cô giáo….  Ngoài ra, cũng cần biết : so với những gì người đời cống hiến, trao tặng, thì những gì chúng ta đóng góp cho đời qủa không có gì đáng kể. Nhưng vấn đề không phải ít hay nhiều, vĩ đại hay không đáng kể, nhưng vấn đề hệ tại ở việc chúng ta có biết để Biết Ơn, có biết để Ghi Ơn, có biết để Nhớ Ơn, có biết để Đền Ơn người khác hay không.   
Bên cạnh Biết để sống “Văn Hoá Cảm Ơn”, chúng ta còn phải làm cho nền văn hoá biết ơn ấy lan toả, lớn mạnh, bằng làm gương biết ơn, sống tinh thần biết ơn, thực hành Văn Hóa Cảm Ơn, khi không quên nói lời cảm ơn với thái độ biết ơn chân thành ; bằng nhắc nhở con em, nhất là tập cho các bé nói lời cảm ơn trong các nhà trẻ, mẫu giáo, tiểu học, để nếp sống có nhân văn, tình người ăn sâu vào đời sống các bé ngay từ ấu thơ, bởi hậu qủa của cộng đoàn xã hội gồm toàn những người vô ơn sẽ vô cùng bi thảm, khi không ai biết ơn ai, để rồi đến một lúc mọi người của xã hội, cộng đoàn ấy sẽ biến thành vô cảm, nhẫn tâm, độc ác với nhau, như câu nói trứ danh bằng tiếng latinh : Homo homini lupus - Người là lang sói của người.
Thực vậy, nếu “lời chào nhau” đẹp, thì “lời cảm ơn nhau” còn đẹp hơn rất nhiều, vì cảm ơn gói ghém tâm tình yêu mến sâu đậm. Khi cảm ơn ai, ta không chỉ tỏ lòng yêu mến bản thân người ấy, mà còn biểu hiện sự trân trọng đối với việc làm của người ấy dành cho ta. Lời cám ơn khi ấy không những có giá trị nhân bản, mà còn mang giá trị tâm linh, một giá trị tuyệt đối, vô cùng. Từ đó, đời sống của ta được nâng lên tầm mới, phong phú và thăng hoa.
Những tháng cuối năm là dịp chúng ta tỏ lòng cảm ơn nhau. Nếu nước ngoài có lễ Thanksgiving, thì ở quê hương chúng ta có lễ Tạ Ơn ngày cuối năm, và đặc biệt ngày đầu năm, là dịp người người, nhà nhà đến với nhau với lời chúc Tết rạo rực ân tình, nôn nao tình nghiã, cũng là dịp mọi người cảm ơn nhau, tỏ lòng biết ơn nhau về những nghiã cử đã dành cho nhau trong suốt năm cũ. Truyền thống và văn hoá đạo đức, nhân bản sống động ấy mong mãi được gìn giữ, phát huy, để  chúng ta không phải hổ thẹn với Tổ Tiên và hậu duệ về tình trạng thiếu Văn Hoá Cảm Ơn của thời đại chúng ta đang làm chủ.         
Joratrhe Nắng Tím