Suy Niệm TIN MỪNG
CHÚA NHẬT XXXII Thường Niên, Năm C (Lc 20,27-38)
Khao
khát hạnh phúc và đi tìm hạnh phúc, đó là mẫu số chung của mọi người, mà ai cũng
bắt gặp được ở mình và ở người khác. Là người, ai cũng khao khát hạnh phúc, vì
từ nguyên thủy, ở buổi đầu tạo dựng, nguyên tổ loài người đã được sinh ra để hạnh
phúc, như sách Sáng Thế đã mô tả cảnh thiên đàng tại thế khi Thiên Chúa “sáng
tạo con người theo hình ảnh mình, Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh
Thiên Chúa, Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ. Thiên Chúa chúc lành
cho họ và Thiên Chúa phán với họ : Hãy sinh sôi nẩy nở thật nhiều, cho đầy
mặt đất. Hãy làm bá chủ cá biển, chim trời và mọi giống vật bò trên mặt đất (St
1, 27-28) …. và mọi thứ cây có trái mang hạt giống… và mọi thứ cỏ xanh tươi để làm lương thực” (x.
St 1,29-30). Thiên Chúa còn thường xuyên gặp gỡ, đi dạo rong chơi với Ađam và Evà (x. St 3,8). Và cuộc đời con người thật là hạnh phúc thiên đàng !
Nhưng
thiên đàng ấy đã mất, sau khi ông bà phạm tội và cảnh khổ, bất hạnh đã theo tội
lỗi vào thế gian, như lời truyền của Thiên Chúa với Evà: “Ta
sẽ làm cho ngươi phải cực nhọc thật nhiều khi thai nghén ; ngươi sẽ phải cực
nhọc lúc sinh con.” (St 3,16), và với Ađam : “đất
đai bị nguyền rủa vì ngươi ; ngươi sẽ phải cực nhọc mọi ngày trong cuộc đời
mới kiếm được miếng ăn từ đất mà ra. Đất đai sẽ trổ sinh gai góc cho ngươi, ngươi
sẽ ăn cỏ ngoài đồng. Ngươi sẽ phải đổ mồ hô trán mới có bánh ăn, cho đến khi trở
về với đất, vì từ đất ngươi đã được lấy ra. Ngươi là bụi đất, và sẽ trở về với
bụi đất” (St 3, 17-19).
Như
thế, con người đã biết thiên đàng là gì, và hạnh phúc ấy ra sao : Thiên Đàng
là tình trạng có Thiên Chúa hiện diện, con người ở với Thiên Chúa, và có tất cả
hạnh phúc của con cái Thiên Chúa, những đứa con được Thiên Chúa yêu thương, chăm
sóc. Ngược lại, Thiên Đàng mất đi, khi con người sợ hãi, trốn tránh Thiên Chúa,
vì cắt đứt tình nghiã với Thiên Chúa, như nguyên tổ loài người đã thưa với Thiên
Chúa khi Ngài hỏi : “Ngươi
ở đâu ?” sau khi ông bà phạm tội : “Con
nghe thấy tiếng Ngài trong vườn, con sợ hãi vì con trần truồng, nên con lẩn trốn”
(St 3, 9-10).
Thực
trạng “Sợ hãi, trần truồng và lẩn trốn”
Thiên Chúa chính là tình trạng đánh mất Thiên Đàng, khi con người không còn dám
đến gần Thiên Chúa như con thơ sà vào lòng cha mình, nhưng lấm lét, sợ hãi vì không
còn tin yêu, mà chỉ còn hình phạt ám ảnh ; khi con người mất hết những gì
Thiên Chúa dành sẵn cho từ đời đời để đời đời hạnh phúc, nhưng thay bằng thiếu
thốn, túng cực, bần hàn, nghèo khó ; khi con người không còn tự do ra vào
nhà Thiên Chúa như nhà Cha mình, và của cha không còn là của con, nhưng cạn kiệt
ân tình, cằn khô ơn nghiã vì phản bội, đổ vỡ tương quan do kiêu căng và âm mưu đoạt
ngôi, chiếm quyền, để phải lẩn trốn khi bị trục xuất, khai trừ (x. St 3,23-24).
Vì
kiêu căng và không tin yêu, con người đã tự mình làm mất Thiên Đàng, khi ương
ngạnh khước từ và bất trung, bất tín với Thiên Chúa. Chính vì thế, ước mơ tìm lại
Thiên Đàng đã mất không bao giờ nguôi ngoai trong mỗi người, bởi chúng ta đã được
dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa, được sinh ra từ ý muốn và tình yêu của Thiên
Chúa, nói cách khác, tất cả chúng ta thuộc về Thiên Chúa, vì được dựng nên từ
Ngài và cho Ngài, nên suốt đời mãi canh cánh nỗi nhớ Thiên Đàng, ở đó có Thiên
Chúa, Đấng Tạo Dựng toàn năng và Cha hiền giầu lòng thương xót.
Trong
Tin Mừng, không phải một lần, mà rất nhiều lần, người Do Thái đã đặt vấn đề sự
sống lại và Thiên Đàng với Đức Giêsu, bằng những cách hỏi khác nhau. Riêng Tin
Mừng Luca của chúa nhật XXXII Thường Niên, Năm C, mấy người Do Thái thuộc nhóm
Xa - Đốc là, “nhóm này chủ trương không có sự sống
lại” (Lc 20,27) đã hỏi Đức Giêsu về
chuyện vợ chồng ngày sau ở Thiên Đàng : “Thưa
Thầy, ông Môsê có viết cho chúng ta luật này : Nếu anh hay em của người nào
chết đi, đã có vợ mà không có con, thì người ấy phải lấy nàng, để sinh con nối
dòng cho anh, hay em mình. Vậy nhà kia có bẩy anh em trai. Người anh cả lấy vợ
nhưng chưa có con thì đã chết. Người thứ hai, rồi người thứ ba đã lấy người vợ
góa ấy. Cứ như vậy, bẩy anh em đều chết đi mà không để lại đứa con nào. Cuối cùng
người đàn bà ấy đã chết. Vậy trong ngày sống lại, người đàn bà ấy sẽ là vợ ai,
vì cả bẩy đã lấy nàng làm vợ ?”
(Lc 20,28-33).
Câu
hỏi thật hóc búa, nhưng không che dấu được giới hạn của con người trước Thiên
Chúa. Giới hạn ấy được phô bầy khi con người nhìn Thiên Đàng hoàn toàn khác với
những gì Thiên Chúa mặc khải. Với cái nhìn rất hữu hạn và thô thiển ấy, con người
quên mất yếu tính của Thiên Đàng, nghiã là chỉ đánh giá Thiên Đàng theo tiêu
chuẩn trần thế, định giá Thiên Đàng theo thang giá trị của con người trần tục với
những nhu cầu trần tục. Cái nhìn trần tục ấy còn hạ giá Thiên Đàng như nhiều người
vẫn mơ tưởng : ở Thiên Đàng có đủ món ăn chơi như ở trần gian, cũng rượu
ngon, gái đẹp, hút sách, cờ bạc và mọi thứ trên đời, mà chẳng phải vất vả đi làm
kiếm cơm gạo, hay ngay ngáy lo tiền nhà cuối tháng. Thiên Đàng trong tâm trí những
con người này là thứ thiên đàng do óc tưởng tưởng bị ám ảnh bởi ham muốn vật chất
và hưởng thụ, mà không mảy may dính dáng đến Thiên Đàng đích thực như Đức Giêsu
đã mặc khải :
1. Thiên
Đàng của Thiên Chúa hứa ban là nơi có Thiên Chúa hằng sống, Thiên Chúa của người
sống :
Bởi
bất hạnh lớn nhất của con người khi đánh mất thiên đàng tại thế, sau khi sa ngã
phạm tội, là phải chết. Cái chết là tai họa, hình phạt lớn nhất, vì chết khép lại,
đóng lại, cắt đứt, phá hoại tất cả, từ thân xác đến sự nghiệp, công trình, hiện
tại, tương lai, ước mơ, thao thức. Nay Thiên Đàng được ban lại cho những ai “được
xét là đáng hưởng phúc đời sau và sống lại từ cõi chết”
(Lc 20,34). Họ sẽ không bao giờ phải chết nữa, nhưng sống đời đời với Thiên Chúa
hằng sống.
Vì
thế, những gì thuộc thần chết, sự chết, cõi chết, và những gì có thể bị hư hao,
hủy hoại sẽ không còn ảnh hưởng trên những nguời được sống lại và sống đời đời
với Thiên Chúa là Sự Sống, nên những chuyện thuộc thế giới tương đối, hữu hạn,
nhất thời, những dịch vụ thuộc sinh hoạt trần thế của con người trần thế sẽ không
còn tái diễn ở thế giới dành cho những người đã sống lại từ cõi chết, và “không
thể chết nữa, vì họ được ngang hàng các thiên thần”
( Lc 20, 36). Ngang hàng các thiên thần có nghiã sự sống mới họ vừa lãnh nhận từ
Thiên Chúa hằng sống sau khi sống lại sẽ không còn là sự sống trong thân xác sẽ
phải hư nát như đã hư nát, cũng không còn là những hạnh phúc không vĩnh cửu của
con người còn mang trên mình thân xác sẽ chịu hủy hoại, tan rữa, nhưng là sự sống
và hạnh phúc dành riêng cho những con người đã sống lại, để từ nay họ sống sự sống
vĩnh cửu và hạnh phúc thiêng liêng như các thiên thần.
Khi
trả lời những người thuộc phái Xa Đốc : “Người
không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là Thiên Chúa của kẻ sống, vì đối với
Người, tất cả đều đang sống”
(Lc 20,38), Đức Giêsu đã cho chúng ta biết : ở Thiên Đàng, chúng ta sẽ không bị
sự chết đe dọa, khổ đau khống chế, nhưng sẽ sống một đời sống mới với sự sống
siêu nhiên của Thiên Chúa, vì được ở với Thiên Chuá hằng sống, Thiên Chúa của
người sống. Và hạnh phúc của chúng ta sẽ là hạnh phúc của các thiên thần, thụ tạo
thiêng liêng của Thiên Chúa (x. Lc 20,36).
2. Thiên
Đàng là Gia Đình của Thiên Chúa :
Chỉ
gọi là nhà, là mái ấm, là gia đình khi có bóng cha hiền hoà, có mẹ yêu dấu, có đàn
con ngoan, hiếu thảo. Nếu địa đàng của buổi đầu Sáng Tạo đã biến thành vườn chết,
ở đó, có cây tội lỗi, có Rắn độc qủy quyệt cám dỗ, có ông bà nguyên tổ phản bội,
bất trung, bất tín nên ra nông nỗi phải xấu hổ khi thấy mình trần truồng, phải
sợ hãi, lẩn trốn do không còn tấm áo ơn nghiã, và bị tước đi quyền làm công chúa,
hoàng tử, con của Vua Thiên Đàng, “Đấng
tạo thành trời đất muôn vật hữu hình và vô hình”,
thì Thiên Đàng là mái ấm, gia đình, nhà của Thiên Chúa, ở đó, Thiên Chúa trở lại
với con người như buổi đầu Ađam và Evà chưa phạm tội, khi mà con người còn trọn
vẹn vinh dự và quyền làm con Thiên Chúa, như Đức Giêsu đã qủa quyết : Những
người được sống lại “họ là con cái Thiên Chúa, vì là con
cái sự sống lại” (Lc 20,36).
Như
thế khi được nhận vào hàng ngũ “những
người được Cha Ta chúc phúc, hãy vào hưởng sự sống đời đời”
(Mt 25,34), người được sống lại không những sẽ không bao giờ phải chết nữa, nhưng
quan trọng và hạnh phúc gấp bội phần là được nhận làm con cái trong gia đình
Thiên Chúa. Đây là hạnh phúc vô cùng, hạnh phúc đích thực, cũng là cùng đích của
hành trình làm người trên dương thế, khi được Thiên Chúa xót thương, được gọi là
con Thiên Chúa, được nhìn thấy Thiên Chúa và được Thiên Chúa cho thoả lòng. Và
vì là con Thiên Chúa, những người được sống lại và được chúc phúc sẽ được Thiên
Đàng làm sở hữu, gia nghiệp, Nước Trời làm quê hương, gia đình, mái ấm, ở đó có
Thiên Chúa là Cha và không còn nước mắt khóc than, nhưng được vui mừng hớn hở vì
phần thưởng được dành cho trên Thiên Đàng thật vô cùng lớn lao, như Đức Giêsu đã
long trọng công bố trong Hiến Chương Nước Trời trên núi Bát Phúc năm xưa (x. Mt 5,3-12).
Vâng,
khi nhớ đến “thân phận sẽ phải chết”,
không ai không liên tưởng đến “tội
- phúc, thưởng - phạt, thiên đàng - hoả ngục”.
Người Do Thái đồng thời với Đức Giêsu đã thay chúng ta đặt những vấn nạn về đời
sau, những chuyện “khó nói và ít ai dám nghĩ tới”,
và Đức Giêsu đã mặc khải chân lý cuộc đời này, cũng như cuộc sống đời đời mai hậu
cho chúng ta.
Xin
Chúa thương ban cho mỗi người luôn ý thức và đừng bao giờ quên : tất cả mọi
người đều đã đến từ Thiên Chúa khi lãnh nhận ơn làm người với hình ảnh Ngài, và
nhập cuộc vào đời để thực hiện chương trình của Ngài, để rồi sẽ trở về với Ngài
sau hành trình dương thế.
Được
thuộc về Thiên Chúa, và là con cái Thiên Chúa, chúng ta hãy vui mừng vì vinh dư
cao qúy và hạnh phúc vô cùng có Thiên Chúa là Cha, Đấng đời đời trung tín và không
từ bỏ ai biết tín thác, trong cậy nơi Ngài đang khi “mong
đợi Ngài lại đến” và cho chúng ta được sống lại vinh
quang trong Nước Ngài.
Jorathe
Nắng Tím