Suy
Niệm TIN MỪNG CHÚA NHẬT III, MÙA VỌNG, Năm A
Nếu
trái tim là cơ quan quyết định cuối cùng chuyện sống, chết của thân xác, thì
trái tim cũng được coi là trung tâm điều khiển toàn bộ sinh hoạt tình cảm, tinh
thần, nên khi trái tim cứng cỏi, chai đá, khô cằn thì con người trở nên vô cảm,
lạnh lùng, hay khi rực lửa ganh ghét, hận
thù thì con người tàn ác, nhẫn tâm, và ngược lại, một trái tim tràn đầy hy vọng
sẽ đem lại chất ngất niềm vui, chứa chan hạnh phúc, dạt dào an bình, yêu thương.
Kinh
Thánh nói nhiều đến trái tim : có những trái tim chai đá như trái tim của
Pharaô “đã không thả cho
con cái Ítraen đi” (Xh
10,20), những trái tim giả dối của những người tôn kính Thiên Chúa “bằng môi bằng miệng, còn lòng
thì lại rất xa (x. Mt 15,8), những trái tim làm con người ra ô uế, vì phát xuất
những ý định gian tà, những tội giết người, ngoại tình, tà dâm, trộm cắp, làm
chứng gian và vu khống” (Mt
15,19), những trái tim hèn nhát như trái tim của Philatô vừa giao nộp người vô
tội cho các thượng tế và kỳ mục đem đi đóng đinh, vừa lấy nước rửa tay trước mặt
đám đông mà nói : “Ta
vô can trong vụ đổ máu người này”
(Mt 27,24), những trái tim tuyệt vọng như trái tim của Giuđa mặc dù đã thú nhận :
“Tôi đã phạm tội nộp người
vô tội, khiến Người phải chết oan”
(Mt 27,4), nhưng đã không đủ niềm hy vọng
để trở về với Thầy mình, Đấng giầu lòng
thương xót, chẳng chấp cứ tội ai.
Trước
những trái tim không như Thiên Chúa mong đợi, các ngôn sứ đã cảnh báo hình phạt
cho những người “để lòng
chai cứng như kim cương để khỏi vâng giữ Lề Luật và lời dậy bảo của Đức Chúa” ( Dcr 7,12), “những người ngoan cố, lì lợm,
chúng tự tách rời Thiên Chúa và bỏ đi luôn” (Gr 5,23). Trong Tân Ước, trước trái tim chai đá của người Do
Thái, thánh Gioan đã mượn lời ngôn sứ Isaia để trách móc, than thở : “Thiên Chúa đã làm mắt chúng ra
đui mù và lòng chúng ra chai đá, kẻo mắt chúng thấy và lòng chúng hiểu được mà hoán cải, rồi Ta sẽ chữa chúng
cho lành !” (Ga
12,40). Riêng tông đồ dân ngoại thì qủa quyết : những ai lòng dạ chai đá
không chịu hối cải thì “càng
làm cho cơn thịnh nộ của Thiên Chúa chồng chất trên đầu” (Rm 2,5).
Mùa
Vọng về, không chỉ cho chúng ta niềm hy vọng có Đất của Thiên Chúa làm gia nghiệp,
có Thiên Chúa đồng hành trên đường sự thật, sự sống, mà còn mời gọi chúng ta
xin Chúa đổi mới trái tim và cho chúng ta trái tim như Thiên Chúa muốn : “Ta sẽ ban tặng các ngươi một qủa
tim mới, sẽ đặt thần khí mới vào lòng các ngươi. Ta sẽ bỏ đi qủa tim bằng đá khỏi
thân mình các ngươi và sẽ ban tặng các ngươi một qủa tim bằng thịt. Chính thần
trí của Ta, Ta sẽ đặt vào lòng các ngươi, Ta sẽ làm cho các ngươi đi theo thánh
chỉ, tuân giữ các phán quyết của Ta và đem ra thi hành” (Ed 36,26-27). “Lúc ấy, chúng sẽ là dân của Ta và Ta sẽ là Thiên
Chúa của chúng” (Ed
11,20). “Ta sẽ ban cho
chúng một trái tim và một con đường hành động ; để chúng kính sợ Ta mãi
mãi, nhờ đó chúng và con cháu sau này được hạnh phúc. Ta sẽ lập với chúng một
giao ước muôn đời : Ta sẽ không bỏ chúng nữa, sẽ tiếp tục theo dõi và
không ngừng thi ân cho chúng, cũng như ban cho chúng lòng kính sợ Ta để chúng
không xa rời Ta nữa” (Gr
32,39-40).
Như
thế trái tim mới, bằng thịt được Thiên Chúa ban tặng trở thành điều kiện không
thể thiếu để chúng ta nhận được Thần Khí, và nhờ Thần Khí chúng ta mới biết
kính sợ và tuân giữ phán quyết của Thiên Chúa, hầu có hạnh phúc được Ngài hứa
ban. Tin Mừng Gioan đã khẳng định điều này khi Đức Giêsu trả lời ông
Nicôđêmô : “Thật tôi
bảo thật ông : không ai có thể thấy Nước Thiên Chúa, nếu không được sinh
ra một lần nữa bởi ơn trên”,
tức Thần Khí (Ga 3,3), bởi chỉ Thần Khí “mới làm cho anh em nên nghiã tử, nhờ đó chúng ta được kêu
lên : Ápba ! Cha ơi !” (Rm 8,15). Và trái tim mới đó, chính là trái tim mang niềm hy vọng
được Thiên Chúa yêu thương, cứu độ.
Với
trái tim hy vọng ở Đức Giêsu, Đấng nhân danh Thiên Chúa đến trong thế gian,
chúng ta mới tin những điều người khác “đã mắt thấy tai nghe” ở Ngài : họ đã thấy “người mù được xem thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ
điếc được nghe, người chết sống lại , người nghèo được nghe Tin Mừng” (Mt 11,5-6). Với trái tim hy vọng ở Đức Giêsu,
Đấng Thiên Sai, chúng ta mới tin Thiên Chúa yêu thương những con người bé mọn
và gọi họ là những người cao trọng nhất trong Nước Trời (Mt 11,11. 25-26). Với
trái tim hy vọng ở Đức Giêsu, chúng ta mới tin Thiên Chúa bênh đỡ, an ủi những thân phận khốn khổ, truân chuyên vì
gánh nặng cuộc đời khi kêu gọi : “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi,
tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng”
(Mt 11,28). Với trái tim hy vọng ở Đức Giêsu, Con Thiên Chúa ở giữa con người,
chúng ta mới tin Ngài là “tôi
trung của Thiên Chúa, hiền lành và khiêm nhường” (Mt 11,29), vì “Người sẽ không cãi vả, không kêu to, chẳng ai
nghe thấy Người lên tiếng giữa phố phường. Cây lau bị giập, Người không đành bẻ
gẫy, tim đèn leo lét, Người chẳng nỡ tắt đi, cho đến khi Người đưa công lý đến
toàn thắng, và muôn dân đặt niềm hy vọng nơi danh Người” (Mt 12,19-21). Với trái tim hy vọng ở Đức Giêsu, Chiên Thiên Chúa (Ga 1, 29), chúng
ta mới tin Ngài là “Mục Tử
nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên” (Ga 10,11), “để chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10). Với trái tim hy vọng ở Đức Giêsu, là
“Emmanuel - Thiên Chúa ở
cùng chúng tôi”, chúng ta
mới tin Ngài kính trọng, thương yêu, thân thiện giao lưu, và tình nghiã đồng
bàn với hết mọi người, kể cả những người bị xã hội tẩy chay, nguyền rủa, coi là tội lỗi
(x. Lc 15,1-3), vì sứ mệnh của Ngài trong thế gian là “đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất” (Lc 15,5) bởi Chúa Cha “sai Con của Người đến thế
gian không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian nhờ Con của Người,
mà được cứu độ” (Ga
3,17). Và với trái tim hy vọng ở Đức Giêsu, Đấng Cứu Độ, chúng ta mới tin Ngài
sẽ cho chúng ta được sống lại với Ngài, vì Ngài “là sự sống lại và là sự sống” (Ga 11,25).
Cũng
vậy, với trái tim hy vọng vừa được Thiên Chúa ban tặng, chúng ta mới có thể tin
mọi người là anh em của mình, và không ghét bỏ, lên án ai, vì “Cha trên trời cho mặt trời của
Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người
công chính cũng như kẻ bất chính”
(Mt 5,45). Với trái tim hy vọng ở Đức Giêsu, nguồn mạch yêu thương, chúng ta mới
có thể yêu người khác, dù họ không luôn dễ thương với ta, bởi yêu ai là mong ước
và đi tìm hạnh phúc cho họ, nên thiếu hy vọng, chúng ta không thể kiên trì và
miệt mài đi tìm hạnh phúc. Với trái tim hy vọng ở Đức Giêsu, nguồn ơn sủng,
chúng ta mới có thể hết mình tận tụy xây dựng lại tương lai của những con người
bị coi là hư hỏng, bỏ đi. Với trái tim hy vọng ở Đức Giêsu nhân hậu, chúng ta mới
nhận ra Thiên Chúa nơi những con người đói khát, đau yếu, rách rưới, tù đầy, tị
nạn, thất học, bị đời nguyền rủa, bỏ rơi (x. Mt 25,31-46) và hết tình yêu
thương, bảo vệ, giúp đỡ họ. Với trái tim hy vọng ở Đức Giêsu giầu lòng thương
xót, chúng ta mới nhìn thấy tương lai của người tội lỗi ; mới cảm nhận hạnh
phúc của tội nhân được thứ tha ; mới biết chung vui với thần thánh trên trời
“vì một người tội lỗi ăn
năn sám hối” (Lc 15,7).
Mùa Vọng về, chúng ta xin Chúa thay qủa tim
chai đá vì kiêu căng, ngạo mạn, cửa quyền, hống hách ; thay qủa tim cằn cỗi
vì gian tham, bóc lột, hối lộ, mánh mung ; thay qủa tim cứng cỏi vì ích kỷ,
đố kị, ghen tuông, thù hận ; thay qủa tim khô héo vì lửa nóng bạo lực phi
nhân ; thay qủa tim ô uế, thối rữa vì dục vọng bất chính, để với trái tim mới bằng thịt tràn đầy hy vọng
trong Đức Giêsu, Thiên Chúa làm người, chúng ta được hưởng niềm vui thiên đàng
ngay tại thế, và được sống “sự sống Thiên Chúa” ngay trong xác phàm yếu đuối,
tội lụy này, vì “Ngôi Lời
đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1,14), để chúng ta “không còn phải là nô lệ nữa, nhưng là con, người
thừa kế”, và anh em của
Ngài (x. Gl 4,7).
Jorathe Nắng Tím