Suy Niệm TIN MỪNG LỄ ĐỨC GIÊSU KITÔ, VUA VŨ TRỤ - CHÚA NHẬT
XXXIV, Năm C
Cao
cả hơn mọi người, quyền thế hơn mọi người, giầu sang hơn mọi người thì chỉ có
vua. Làm vua thì muốn gì có nấy, muốn bao nhiêu cũng được, đòi bao nhiêu thần dân
cũng phải cung phụng dư thừa, nên ai cũng thích làm vua, cũng mơ được làm công
chúa, hoàng tử, có thân thế hoàng gia để đời mình được bao phủ bằng tất cả những
gì mình muốn.
Nhưng điều mơ ước thầm kín của con người, cái con
người cặm cụi, mầy mò tìm kiếm hơn cả trong giấc mơ làm vua, chính là quyền lực
để thống trị người khác và được người khác phục vụ. Nó luôn là khao khát cháy bỏng
nơi mỗi người như Đức Giêsu đã có lần khẳng định : “Anh
em biết : thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn
thì lấy quyền mà cai quản dân. Giữa anh em thì không được như vậy : Ai muốn
làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em. Và ai muốn làm đầu anh em
thì phải làm đầy tớ anh em. Cũng như Con Người đến không phải để được người ta
phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người”
(Mt 20,25-28).
Qủa
thực, Đức Giêsu là Vua toàn thể nhân loại, Vua toàn thể vũ trụ, Vua cả vương quốc
Thiên Đàng, vì Ngài là Thiên Chúa, “Đấng sẽ ngự đến trong
vinh quang của Người, có tất cả các thiên thần theo hầu, bấy giờ Người sẽ ngự lên
ngai vinh hiển của Người. Các dân thiên hạ sẽ được tập hợp trước mặt Người…”
như Đức Giêsu đã mặc khải khi nói về “Cuộc Phán Xét chung”
(Mt 25,31), nhưng Ngài không làm vua theo kiểu thế gian, không làm vua như giấc
mơ phàm tục của con người, không làm vua để hà hiếp, bóc lột, gian tham, hưởng
thụ, nhưng hoàn toàn ngược lại những gì con người háo hức tìm kiếm, khát khao
mong đợi.
Khi
khẳng định : Con Người đến “để phục vụ và hiến mạng
sống làm giá cứu chuộc muôn người” (Mt 20,28), Vua Giêsu đã
cho chúng ta, là thần dân của Ngài biết rõ Ngài làm vua thế nào, đường
lối cai trị và mục tiêu của Ngài ra sao.
1.
Ngài là Vua nhân hậu :
Hoàn
toàn khác các vị vua ở thế gian, Đức Giêsu đã đến trong thế gian để trở thành vị
vua nhân hậu : nhân hậu với trẻ em, khi bảo các tông đồ : “Cứ
để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng vì Nước Trời là của những ai giống
như chúng” ( Mt 19,14) ; nhân hậu với những
người đau yếu, bệnh tật, khi ân cần an ủi, chữa lành họ, như ngôn sứ Isaia đã
tiên báo về Ngài : “Người đã mang lấy các tật
nguyền của ta và gánh lấy các bệnh hoạn của ta”
(Mt 8,16-17) ; nhân hậu với những người bị qủy ám và xua đuổi ma qủy ra khỏi
họ (x. Mt 8,28-34) ; nhân hậu với những người tội lỗi bị xã hội tẩy chay,
và đến dùng bữa với họ, “vì Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi
người tội lỗi” (x. Mt 9,10-13) ; nhân hậu với
những người ngoại đạo khi làm phép lạ chữa thân nhân họ và công khai tuyên dương
đức tin của họ : “Tôi không thấy một người Ítraen nào
có lòng tin như thế” (Mt 8,10) ; nhân hậu với người
đàn bà ngoại tình bị bắt qủa tang và cứu sống chị khỏi bị ném đá theo Luật Môsê,
mà không một lời trách móc, miệt thị, nguyền rủa, nhưng dễ thương, tế nhị :
“Tôi không lên án chị đâu ! Thôi
chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa !”
(Ga 8,11) ; nhân hậu với bà goá đang đau khổ vì con trai duy nhất vừa mất,
khi cho con bà sống lại trên đường đem chôn (x. Lc 7,11-16) ; nhân hậu với
con người luôn bị cám dỗ, khi chấp nhận vào sa mạc để bị cám dỗ như con người
(x. Mt 4, 1-11) ; nhân hậu với những mảnh đời mục đồng nghèo khổ, cơ hàn
phải “sống ngoài đồng và thức đêm canh giữ
đàn vật” (Lc 2,8) khi chọn hang lừa, máng cỏ
Bêlem làm nơi hạ sinh để họ được là những người đầu tiên gặp “Emmanuel
- Thiên Chúa làm người và ở cùng chúng ta” ; nhân hậu với đôi
tân hôn giữa tiệc cưới chẳng may hết rượu, và làm phép lạ cho sáu chum nước lã biến
thành sáu chum rượu ngon (x. Ga 2,1-11) ; nhân hậu với cậu con trai hoang đàng,
tội lụy khi “chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ
anh ta và hôn lấy hôn để” khi chợt trông thấy “anh
ta còn ở đằng xa” (Lc 15,20) ; nhân hậu cả với đối
phương, kẻ thù khi xin Chúa Cha “tha cho họ, vì họ không
biết việc họ làm” (Lc 23,34), và dậy bảo các tông đồ :
“Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những
kẻ ngược đãi anh em” (Mt 5,43) ; nhân hậu với những
ai sầu khổ, khóc lóc, bị hàm oan, bách hại, bị đời o ép, xử tệ, bất công, và hứa
Nước Trời và phần thưởng vô cùng lớn lao trên thiên đàng cho họ (x. Mt
5,3-12) ; nhân hậu với đám đông đang đói vì khao khát lắng nghe Tin Mừng và
làm phép lạ hoá bánh ra nhiều cho họ no nê (x. Mt 15,32-38), nhân hậu với dân
chúng Do Thái khi thốt lên : “Đã bao lần Ta muốn tập
hợp con cái ngươi lại, như gà mẹ tập hợp đàn con dưới cánh, mà các ngươi không
chịu”. (Mt 23,37).
Thực
vậy, Đức Giêsu đã mặc khải Ngài là Vua khi nhắc lại cho những người Pharisêu lời
của vua Đavít nói về Ngài, khi được Thần Khí soi sáng : “Đức
Chúa phán cùng Chúa Thượng tôi : bên hữu Cha đây, Con lên ngự trị, để rồi
bao thù địch, Cha sẽ đặt dưới chân Con”, và Ngài cắt nghiã thêm cho
họ : “Vậy nếu vua Đavít gọi Đấng Kitô là
Chúa Thượng, thì làm sao Đấng Kitô lại là con vua ấy được ?”
(x. Mt 22,41-45). Nhưng Ngài không là Vua theo kiểu thế gian, mà là Vua nhân hậu
ngồi trên lưng lừa con tiến vào Đền Thờ như lời ngôn sứ đã báo trước : “Hãy
bảo thiếu nữ Sion ; kià Đức Vua của ngươi đang đến với ngươi. Người
hiền hậu ngồi trên lưng lừa, lưng lừa con, là con của một con vật chở đồ”
(Mt 21,4).
2.
Đường lối của vua Giêsu
là Khiêm Nhường và Thương Xót :
Dù
là Thiên Chúa, là Vua, nhưng Ngài đã chọn đường lối “trút
bỏ hết vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên phàm nhân, sống như người trần
thế. Người còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết trên cây thập
tự” (Pl 2,7-8) ; Ngài khiêm nhường
qùy xuống rửa chân cho con người, dù Ngài là Thiên Chúa (x. Ga 13,1-5) ;
Ngài khiêm nhường trước Thượng Hội Đồng Do Thái (x. Lc 22,66-71), trước toà án
Philatô và Hêrôđê (x. Lc 23,2-12) ; Ngài khiêm nhường khi bị nhục mạ trên đường
Thánh Giá : “Hắn đã cứu người khác, thì cứu lấy
mình đi, nếu thật hắn là Đấng Kitô của Thiên Chúa”
(Lc 23,35), và suốt đời đã khiêm nhường từ thời khắc nhập thể trong lòng Đức
Trinh Nữ Maria cho đến giây phút cuối cùng của đời làm người khi lớn tiếng kêu “Lậy
Cha, con xin phó thác linh hồn con trong tay Cha”
(Lc 23,46).
Bên
cạnh Khiêm Nhường là Lòng Thương Xót, đó là hai chân đi trên đường cai trị của
Vua Giêsu. “Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc
về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng”
(Ga 13,1). Yêu vô cùng và yêu đến cùng là đặc tính của tình yêu Thiên Chúa.
Thiên Chúa không yêu nửa chừng, yêu thời vụ, yêu nhất thời, yêu mây bay, qua đường,
nhưng yêu đến cùng. Tình yêu đến cùng ấy cũng là tình yêu không bao giờ dời đổi,
sút giảm, thay biến, nghiã là lúc nào cũng đầy tràn, nồng nàn, bao la, chứa
chan, vô cùng, tuyệt đối. Hãy nhìn người cha nhân hậu đã không hề thay đổi tình
yêu dành cho cậu con thứ hoang đàng. Trước khi cậu đòi chia của, bỏ nhà đi
hoang, cho đến khi cậu trở về với “thân tàn ma dại”,
người cha Thiên Chúa ấy vẫn một tình yêu thương, một lòng thương xót, một mực
bao dung, cho dù đã có bao lời dèm pha, thị phi, phê bình ông nhu nhược, và xúi
ông từ con, không cho cậu vào nhà.
Thực
vậy, Đức Vua Giêsu đã khiêm nhường để có thể thương xót hết mọi người chẳng trừ
ai, nên bất cứ ai xin Ngài thương xót đều đã được Ngài xót thương. Tin Mừng là
dung mạo khiêm nhường và thương xót của Đức Giêsu, Vua nhân hậu, ở đó, chúng ta
nhận ra đường lối cai trị trong vương quốc của Ngài. Dụ ngôn “tên
đầy tớ mắc nợ không có lòng thương xót” đã vẽ lên hình ảnh của
Đức Vua nhân hậu, giầu lòng thương xót, “đã chạnh lòng thương” và tha luôn cho tên đầy
tớ món nợ khổng lồ mười ngàn yến vàng, khi anh ta sấp mình xin Đức Vua thương xót.
Và đòi hỏi của Đức Vua với người đầy tớ được thương xót ấy cũng chỉ là lòng thương xót anh phải có đối
với anh em mình (x ; Mt 18,23-35), như Đức Giêsu đã tuyên bố trong Hiến Chương
Nước Trời : “Phúc cho ai xót thương người, vì họ
sẽ được Thiên Chúa xót thương” (Mt 5,7).
3. Mục
tiêu của Vua Giêsu là hiến mạng sống để cứu chuộc nhân loại :
Không
đọạn Tin Mừng nào đã làm nổi bật sứ vụ của Đức Giêsu trong thế gian bằng Tin Mừng
Gioan, chương 10, với hình ảnh sống động Mục Tử nhân lành :
“Tôi là cửa cho chiên ra vào… Tôi là
cửa. Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu. Người ấy sẽ ra vào và gặp được đồng cỏ…
Tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào”
(Ga 10,7-10). “Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Mục
Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên”
(Ga 10,11).
Là
Vua và là Đấng Cứu Độ, Đức Giêsu ngay từ buổi đầu đời mục vụ đã được giới thiệu
là “Chiên Thiên Chúa, Đấng gánh tội trần
gian” (Ga 1,29), vì mục tiêu phải đạt của
Ngài là cứu chuộc mọi người bằng giá máu và mạng sống của mình, cho dù có lúc
Ngài đã phải rùng mình khiếp sợ đến toát mồ hôi máu, trước giờ lên đường chịu
khổ hình và chết tức tưởi trên Thánh Giá (x. Lc 22,42-44).
Vâng,
Đức Giêsu chính là Vua, nhưng là Vua nhân hậu, cai trị bằng đường lối Khiêm Nhường
và Thương Xót để đạt mục tiêu Cứu Chuộc muôn người khỏi chết đời đời, và được làm
con Thiên Chúa. Chính vì Vua Giêsu không cao sang, kiêu kỳ, hống hách ; đi
đâu không ngưạ xe, cờ quạt, trống kèn hoành tráng ; đến đâu không quân dân
rầm rộ phủ phục, bái chào ; ở đâu không cung điện nguy nga, thê thiếp, tùy
tùng, kẻ hầu người hạ ; làm gì cũng không ồn ào, inh ỏi, “long
trời lở đất”, nên không mấy người đã nhận ra Ngài
là Đức Vua, bằng chứng là ngay giây phút Đức Giêsu nhân hậu, khiêm nhường, và
giầu lòng thương xót chiến thắng Thần Chết, chiến thắng ma qủy và hoàn thành công
trình Cứu Chuộc toàn thể nhân loại cũng không mấy người nhận ra Ngài là Thiên
Chúa, Vua muôn vua, Chúa các Chúa để tôn thờ, cảm tạ, vinh danh, trái lại, đám đông
chỉ thấy Đức Vua ấy là tên tử tội bị đóng đinh trần truồng và chết tức tưởi ô
nhục như tội nhân trên thập tự, ngoại trừ người gian phi cùng chịu đóng đinh bên
phải, đã nhận ra Ngài là Vua và đã tha thiết xin Ngài : “Ông
Giêsu ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi !”.
Và Đức Giêsu, Vua nhân hậu, khiêm nhường,
giầu lòng thương xót đã thân tình, âu yếm trả lời anh : “Tôi
bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng”
(Lc 23,43).
Lậy
Chúa Giêsu, xin cũng thương xót chúng con và cho chúng con được vào Nước Chúa
như người gian phi trên thập giá ở giờ chết đã nhận ra Chúa là Vua nhân hậu, giầu
lòng xót thương !
Jorathe
Nắng Tím