Tìm kiếm Blog này

Thứ Sáu, 29 tháng 11, 2019

VĂN HÓA XIN LỖI

Tha thứ cho người khác là việc làm khó, vì đòi nhân ái và trái tim quảng đại, bao dung. Phải có lòng nhân mới nhận ra người xúc phạm, làm tổn thương mình còn nhiều giới hạn không vượt qua được, nên đã có lỗi với mình ; cũng như phải quảng đại, bao dung mới có thể xí xoá, bỏ qua những bất công người khác đã gây cho mình. Tuy khó, nhưng tha thứ vẫn còn dễ hơn xin lỗi, vì dù sao người tha thứ vẫn ở kèo trên, với thế thượng phong, đang khi người xin lỗi bị coi là thua cuộc, thất thế.
Vì xin lỗi ai là xin người ấy thứ tha lầm lỗi, bỏ qua thiếu sót, xóa đi tội lụy, quên đi hậu qủa xấu mình đã gây ra cho họ, nên xin lỗi tự nó là một hành động của người biết mình có lỗi, làm tội ; là thái độ hối lỗi, nhìn nhận khuyết điểm, thiếu sót mình đã vô tình hay cố ý sai phạm ; là việc làm của người đã gây ra thiệt hại cho người khác có nghiã vụ phải đền bù ; là đứng vào vị thế của người xin và đợi chờ người khác chấp thuận.  
Chính vì quan niệm và định nghiã không mấy tích cực của xin lỗi, mà nhiều người sợ xin lỗi, ngại xin lỗi, né tránh xin lỗi và sau cùng là không bao giờ xin lỗi. Không bao giờ xin lỗi vì không muốn mất thế, mất cửa, mất đẳng cấp, số má, khi cố tìm cho kỳ được lý do, dù chỉ là lý cùn để biện minh cho cái lỗi to tướng, cái tội rành rành, không thể chối cãi ; tránh né xin lỗi, vì xin lỗi phải tự hạ mình, tự xóa mình, tự làm mất đi một phần cái tôi vĩ đại ; ngần  ngại xin lỗi, vì phải ngượng ngùng đứng trước người có quyền tha tội, thứ lỗi cho mình ; sợ xin lỗi vì nghĩ người mình xúc phạm, làm tổn thương nay có cớ khinh khi, coi thường, đánh giá thấp, và có dịp lên lớp dậy dỗ, khuyên bảo, sửa sai mình.
Chỉ một vài gợi ý trên, chúng ta cũng đủ để thấy cái khó của xin lỗi, cái căng thẳng, xì trét khi phải cúi đầu xin lỗi, cái chán ngán khi phải ấp úng xin lỗi, cái mệt mỏi khi phải tìm lời xin lỗi, và cái cảnh đỏ mắt tía tai vì mắc cở khi xin lỗi. Và qủa thực, xin lỗi thật vất vả, khó khăn, ngượng ngùng !
Vì khó khăn, nên nhiều người không xin lỗi, dù biết mình làm lỗi ; cố tình lấp liếm lầm lỗi để khỏi phải xin lỗi ; lại có người cối chầy, ngang ngược, bất chấp điều sai trái mình đã làm, và thề cả đời sẽ chẳng xin lỗi ai. Cũng thế, vì vất vả, nên xin lỗi ngày càng trở thành chuyện cũ xa xưa, không còn hợp thời, thức thời, nếu không muốn nói là ngu ngơ, lập dị, đến nỗi người có văn hoá xin lỗi lại bị coi là khùng điên, dớ dẩn, thần kinh, tâm thần, lạc hậu …   
Rất nhiều tương quan ngày nay đang bên bờ đổ vỡ, không vì hoàn cảnh ngoại tại cho bằng vì người trong cuộc đã không đủ lương thiện để nhìn ra lầm lỗi, khiêm tốn để nhận lỗi, càng không đủ dũng cảm để xin lỗi, vì lầm tưởng : xin lỗi là đánh mất phẩm giá, hạ thấp danh dự, giảm thiểu uy tín của mình ; vì mang nặng não trạng : xin lỗi là yếu, là hèn, là ngu, là hiến cho thiên hạ dịp tốt, cơ may lấn lướt, giập vùi, đàn áp, đè đầu cưỡi cổ mình, nên dễ quên : lương thiện, khiêm tốn,  dũng cảm, công bình là những đức tính căn bản của con người, những điểm son của nhân vị, nét đẹp sáng ngời của nhân cách.
Thực vậy, để nhìn ra lầm lỗi, phải lương thiện, bởi không lương thiện, người ta sẽ rơi vào tình trạng : hoặc gian ngoa chạy tội, hoặc đổ lỗi cho người khác ; hoặc bai bải chối quanh, hoặc vấy vá đổ thừa hoàn cảnh. Lương thiện là thái độ của người trưởng thành khi dám nhìn thẳng vào việc làm của mình với những hậu qủa của nó. Việc làm tốt với kết qủa tốt, hay việc làm xấu với hậu qủa làm tổn thương người khác đều được nhìn dưới ánh sáng của lương tâm trong sáng, ngay thẳng, và đó chính là nét đẹp nhân văn rất cao qúy của người trưởng thành. Một khi đã lương thiện nhìn thẳng việc làm sai trái, người trưởng thành sẽ không dừng ở đó, nhưng tiến đến hành động khiêm tốn nhận lỗi, vì nhận lỗi là việc làm tất nhiên sau khi nhìn ra lầm lỗi một cách lương thiện. Họ sẽ không hèn nhát đổ vấy cho người khác, không kiêu căng vô trách nhiệm quy trách cho người  cộng sự, càng không ngạo mạn, nhẫn tâm, tàn ác bắt người khác, nhất là những người nhỏ bé, yếu kém, ngu si hơn mình phải nhận tội, chịu lỗi thay mình. Và công đọan cuối cùng cũng không kém cao thượng là dũng cảm mở lời xin lỗi người mình đã gây thiệt hại cách này cách khác, vật chất hay tinh thần, mà không tự ty, mắc cở, để trả lại sự công bình do bất công mình đã gây nên.
Tóm lại, bản chất của việc làm Xin Lỗi không là hành vi hèn nhát, nhu nhược, đánh mất mình, nhưng là hành vi và thái độ cao đẹp, cao thượng, cao qúy của người trưởng thành có lương thiện, khiêm tốn, dũng cảm, và công bình. Họ là những con người làm cho gia đình hạnh phúc, xã hội an lạc, thế giới hoà bình, vì biết xin lỗi khi làm lỗi, biết trả lại công bằng khi gây thiệt hại, tổn thương, nhất là qua Xin Lỗi, tương quan giữa người với người không rơi vào tình trạng đổ vỡ, bế tắc, bởi Xin Lỗi có khả năng tháo gỡ được tất cả những khúc mắc, giải toả được mọi căng thẳng, và đem lại bầu khí cảm thông, tôn trọng, xây dựng, an bình.
Ước mong nền văn hoá xin lỗi được mọi người tiếp tay phát huy, cổ vũ, để cơn sốt bạo lực không còn mãnh lực tàn phá con người và những giá trị nhân bản, đạo đức trên quê hương chúng ta, bởi hầu hết những thảm cảnh tang thương xẩy ra hằng ngày trong gia đình, giữa láng giềng, hàng xóm, ở sở làm đều phát sinh do thiếu một lời xin lỗi phát xuất từ trái tim lương thiện, khiêm nhường, dũng cảm, công bình của người trưởng thành, có văn hoá mà ở đâu và thời nào cũng luôn được trân trọng, yêu mến, noi gương.
Jorathe Nắng Tím