Tìm kiếm Blog này

Thứ Ba, 31 tháng 12, 2019

ĐẦU XUÂN, NHỚ QUÊ HƯƠNG

Là con dân Việt, dù xa quê hương vạn dặm, tôi vẫn một niềm nhung nhớ quê cha đất tổ, trường xưa, làng cũ, mái ấm đơn sơ ấp ủ tuổi thơ ; vẫn nôn nao niềm vui ngày Tết và khấp khởi hạnh phúc đón Năm Mới trước bàn thờ Chúa và tổ tiên giây phút Giao Thừa.
Với niềm nhung nhớ, nôn nao, khấp khởi ấy, đêm nay tôi hướng lòng về quê hương ngàn đời yêu dấu có tên Việt Nam, ở đó, có mồ mả ông bà, cha mẹ, anh chị, có bạn bè năm xưa cùng quê, cùng lớp ; ở đó đang vươn cao niềm hy vọng của tuổi trẻ ra sức phấn đấu để đi kịp bạn bè năm châu, mà chiến thắng vô địch bóng đá  SEA Games 2019 vừa qua đã là bằng chứng hùng hồn ; ở đó còn có những con người rất nghèo nhưng trong sạch, liêm khiết ; có những dáng dấp mảnh khảnh, bé nhỏ, tưởng yếu đuối, nhưng vô vàn can trường, qủa cảm đang sống cho và vì hạnh phúc của người khác như những cô giáo chôn đời ở buôn làng hẻo lánh vì tương lai của đám trẻ người dân tộc thiểu số, những chị y tá đồng lương không đủ ăn, nói chi đến áo quần, phấn son ngày đêm tận tụy quên mình bên những bệnh nhân nghèo, cô thế ; ở đó có những bà mẹ lưng còng bán vé số nuôi đàn con học đại học, những người cha “xe ôm”, phu hồ chai sạn sương gió, nắng mưa để hằng ngày có bữa ăn đạm bạc cho vợ con ở nhà ; ở đó cũng có những tấm lòng vui vì được phục vụ, hạnh phúc vì được chia sẻ, trao ban, và ở đó, ngày ngày dân tôi vẫn vui vẻ chuyện trò, vẫn niềm nở đón tiếp, vẫn rộn rã chung vui, vẫn ân tình, hào sảng, vẫn lạc quan, hồn nhiên, vẫn hy vọng, nhẫn nại, vẫn tự tại, ung dung, dù bóng tối vẫn rình rập, đêm đen vẫn bủa vây, mây mù vẫn giăng kín.    
Nhưng cùng lúc, khi hướng về quê hương vào những ngày “năm cũ sắp qua, năm mới sắp đến”, tôi không tránh khỏi nghe mắt mình cay sè một nỗi đau khôn tả : tôi đau nỗi đau của dân tôi bị bóc lột đến tận xương tủy, bị ăn chặn đến bắp ngô lép, củ sắn sùng, bởi những đại quan tham ô như hai bộ trưởng và nhiều quan chức lớn trong đại án AVG mà tòa án Hà Nội vừa tuyên xử ngày 28 tháng 12/2019 ; tôi đau nỗi bất hạnh của dân tôi, khi người bệnh bị chính quan chức bộ Y Tế bắt mua thuốc giả, như  Nguyễn Thị Thu Thủy, quản lý Dược của Bô Y Tế đã cho dân uống thuốc trị ung thư giả, vừa bị khởi tố ngày 18 tháng 12, hay như Nguyễn Thị Minh Châu, trưởng phòng tổ chức hành chính bộ Giáo Dục, bị khởi tố ngày 29 cùng tháng 12/ 2019, vì lợi dụng chức quyền để làm giầu khi cấp bằng đại học giả ; tôi đau nỗi lo của dân tôi khi thực phẩm không còn được kiểm soát, và người ta giết dần dân tôi bằng hóa chất độc hại biến thịt heo thối rữa thành thịt bò tươi ngon, biến trái cây xanh lè thành qủa thơm chín mọng, nên nhà thương nào cũng chật kín, chen chúc xếp hàng lấy vé khám bệnh từ 3 giờ sáng, và bệnh viện nào cũng ồn ào, huyên náo như trẩy hội.  
Tôi còn đau nỗi khổ của dân tôi luôn bị những nhóm lợi ích, gồm những người gian ác, có tiền có quyền lừa bịp, bán đứng ; tôi đau nỗi buồn của những gia đình đang êm ấm bỗng bị côn đồ ập vào nhà cướp của, đè phụ nữ ra hãm hiếp, rồi giết chết, những đứa em bị anh trai đâm chết chỉ vì dăm thước đất hương hảo, những nữ sinh bị hiếp ngay trong lớp học, bị đánh hội đồng giữa sân trường, giờ ra chơi, và không ít những thiếu nữ bị những người đáng tuổi cha chú bắt cóc, hãm hiếp đến kiệt sức, rồi xiết cổ bằng cây côn sắt, như trường hợp nạn nhân Cao Mỹ Duyên, nữ sinh trong vụ án với sáu án tử hình mà toà án Điện Biên vừa xét xử ngày 29 của tháng cuối năm 2019.
Tôi cũng đau nỗi xót xa của những người dân hiền lành, những hàng xóm tử tế, thân thiện, ăm ắp tình làng nghiã xóm đã bị đâm chết vô tội, vì can gián, khuyên bảo vợ chồng đang mâu thuẫn, như vụ án vừa xẩy ra ngày 26 tháng 12/2019, ở Thái Nguyên, trong đó cả bốn người hàng xóm đã bị anh chồng là Hoàng Văn Chín, 43 tuổi đâm chết, khi những nngười này ngăn cản anh trong khi anh hành hung và dùng dao giết vợ là bà Ma Thị Hồng.
Bên cạnh nỗi lo, nỗi buồn, nỗi xót xa làm đau, tôi còn sợ hãi trước hiện tượng rất mới ở những tháng cuối năm, khi trẻ em vị thành niên trong nước thi nhau nhẩy lầu, uống thuốc, cắt gân máu tự tử với thư tuyệt mệnh, mà hầu hết đều chung một nguyên nhân, đó là không chịu nổi áp lực của người lớn, và xã hội.
Chính hiện tượng tự tử ở tuổi thiếu niên rất mới này bắt tôi khựng lại giòng suy tư đau buồn về bất hạnh của dân tôi, và đặt tôi trước một vấn đề lớn hơn, đó là tương lai của dân nước.
Tôi lo cho tương lai của dân tôi, khi nhận ra : không chỉ tuổi trẻ bất hạnh đi tìm cái chết, vì không chịu nổi áp lực từ người lớn, mà nhiều người lớn cũng đang “muốn chết” vì không chịu nổi nhiều thứ áp lực rất kinh khủng, nặng nề.
Có những thứ áp lực từ bên ngoài như đòi hòi bức bách của một xã hội vật chất, tiêu thụ, thực dụng. Trong xã hội, mà đồng tiền là giá trị cao nhất, có sức mạnh vô song, không gì có thể chống lại, và nguyên tắc sinh hoạt của xã hội ấy là : người có tiền luôn có quyền, có lý, thì người nghèo, người không có của chỉ còn là cặn bã, nô lệ ; trong xã hội mà kẻ có tiền làm được tất cả vì xã hội coi những kẻ có tiền là thượng đế, như gặp thấy nhan nhản đó đây những bảng hiệu “có cánh”  : “khách hàng là thượng đế”, thì “nhân, lễ, nghiã, trí, tín” chỉ còn là hàng dổm, phế phẩm cần loại bỏ.
Vì sống trong xã hội đòi phải có tiền, cần phải có tiền, nên đồng tiền tạo nên áp lực rất nặng nề trên đời sống. Nặng nề khi thương trường trở thành chiến trường ; nặng nề khi muốn có tiền phải đấu đá, tranh giành, thủ đọan, bất chính, bất công, bạo lực ; nặng nề khi để có tiền, người ta phải bán rẻ lương tâm, hủy bỏ lương thiện, từ chối lương tri. Đồng tiền còn đẩy con người đến tham lam vô độ, và làm con người xa cách nhau vì “ganh ăn tức ở”, ghen ghét, đố kỵ, hận thù.
Nhưng có lẽ áp lực lớn nhất, căng thẳng nhất do xã hội vật chất gây ra, chính là con người không còn tin nhau. Không còn tin nhau khi đồng tiền làm người này nghi ngờ người kia, người kia ngờ vực người nọ, chỉ vì ai cũng dành phần lợi vật chất về mình, ai cũng tham, cũng muốn nhiều tiền và rất nhiều tiền. Cũng vì tham mà Nguyễn Văn Đông đã không tin em trai mình là Nguyễn Văn Hải nên đã vung dao giết nhiều người của gia đình em trai ; cũng vì không tin nhau, mà các phe nhóm rình rập trừ khử nhau để tránh hậu họa phản bội, vợ chồng đầu độc nhau, để bóc gỡ nguy cơ bất trung, bất tín, bởi một xã hội vắng bóng niềm tin là một xã hội nặng nề áp lực, vì không gì căng thẳng, ngột ngạt hơn khi phải sống với người mình không tin, không tin mình.
Những ngày cuối năm là thời điểm kết toán thu họach, tính sổ lời lỗ. Công ty, xí nghiệp tư nhân cũng như cơ quan Nhà Nước, tổ chức từ thiện, tôn giáo, cũng như gia đình, bản thân mỗi người, tất cả đều chọn một thời khắc dừng lại, nghỉ chân ở những này cuối năm để nhìn lại, xem lại, suy tính lại, sắp xếp lại, phân bổ lại, kế hoạch lại sao cho hợp tình, hợp lý, tốt đẹp, hài hoà, và đạt chỉ tiêu, hiệu qủa.
Thiết tưởng sẽ là một sắp xếp hợp lý, khi dân nước không còn chịu áp lực nặng nề của lòng tham không đáy của những quan chức tham ô chiếm đoạt tài sản quốc gia, bóc lột xương máu của đồng bào để vinh thân phì da ; sẽ là một phân bổ hợp tình, khi lòng tham được kiểm soát, giới hạn một cách có nhân văn, để không ai là sát thủ, không ai là nạn nhân, vì mâu thuẫn quyền lợi vật chất ; sẽ  là một kế hoạch xứng tầm, khi quyền lợi của mọi người được tôn trọng và bảo đảm, để không ai vào bệnh viện để được chữa trị lại chết, vì phải uống thuốc giả, không còn những sinh viên được đào tạo bởi những ông thầy không học mà có bằng tiến sĩ, cao học.
Vâng, Năm Mới là cơ hội thuận tiện để xem lại lối sống duy vật chất, tôn thờ đồng tiền, thần tượng kẻ giầu sang đang được ưa chuộng trên quê hương, để thang giá trị nhân bản được tái lập, hầu đem lại cuộc sống có giá trị nhờ tính nhân văn, nhân ái ; Năm Mới là khởi điểm cần thiết tìm lại động cơ phát triển các tương quan đặt trên niềm tin, lẽ công bằng, tình tương thân tương ái, hầu bảo đảm một đời sống an bình, hạnh phúc cho đất nước, dân tộc.  
Trước thềm Năm Mới, tuy còn đầy dẫy những chuyện buồn ở quê hương ; lôm côm những đại án tham quan ; tang thương, đẫm máu những cảnh giết lát, hãm hại  trong nhà ngoài ngõ, tôi vẫn vững một niềm hy vọng : đất nước tôi sẽ khá hơn trong Năm Mới, khi mọi người ý thức : chúng ta chỉ có thể khá hơn, nếu bớt tham lam, bớt ganh ghét, bớt cạnh tranh bất chính, bớt lấy thịt đè người, bớt nham hiểm thủ đoạn, bớt hành xử phi nhân, bớt coi người nghèo, kẻ yếu là sâu bọ, đồ bỏ, bớt hống hách, cửa quyền, bớt côn đồ, bạo lực. Bởi chỉ bớt những thứ độc hại đó, đất nước mới lành mạnh, đồng bào mới hạnh phúc, quê hương mới bình an, và Xuân về mới rạng ngời, tươi sáng.
Bởi thế, lời chúc Năm Mới dâng về Quê Hương, kính gửi về Đất Mẹ của tôi sẽ chỉ là niềm Mơ Ước : “Dân Việt từ nay biết thương nhau hơn, tin nhau hơn, cho Hạnh Phúc bất tận của Mùa Xuân quê hương”.
Jorathe Nắng Tím