Giáng
Sinh là lễ của toàn thể nhân loại, hạnh phúc cho hết mọi người, không trừ ai, vì
Tin “Thiên Chúa yêu thuơng
loài người” là Tin Vui cho
mọi người ở mọi thời, mọi nơi ; Tin “con người được Thiên Chúa cứu” là Tin Mừng cho toàn thể nhân loại, không trừ người
nào. Vì thế, bất luận chủng tộc, sắc dân, giai cấp, thành phần, hoàn cảnh nào
trong xã hội cũng đều có chỗ đứng, có tên, có phần trong sứ điệp, niềm vui, và
phúc lành của Thiên Chúa Giáng Sinh. Vấn đề là mỗi người có nhận ra mình có mặt
trong niềm vui, hạnh phúc Giáng Sinh hay không ?
Nếu
hình ảnh các mục đồng là hình ảnh người trẻ trong niềm vui Giáng Sinh, thì hình
ảnh Ba Vua, còn gọi là Đạo Sĩ hay các nhà chiêm tinh được coi là hình ảnh người
trí thức, nhà khoa học trong hạnh phúc của sự thật nhận được từ Thiên Chúa làm
người.
Tin
Mừng Mátthêu làm nổi bật chân dung ba đạo sĩ từ bên phương đông theo ngôi sao
chỉ đường đã tìm đến Bêlem bái thờ Hài Nhi Giêsu, mặc dù bị vua Hêrôđê âm mưu gài
bẫy. Chân dung các vị thật tuyệt vời với những nét đẹp tiêu biểu của người trí
thức, nhà khoa học :
1. Tinh thần khao khát tìm kiếm sự thật :
Ba
nhà đạo sĩ, thoạt thấy ngôi sao lạ, khi quan sát vận hành của các vì sao trên bầu
trời, đã lập tức đặt vấn đề. Quan sát hiện tượng và đặt vấn đề trước các hiện tượng,
sự kiện và nhận định cách khách quan để tìm ra chân lý, đó là đức tính căn bản
của người trí thức.
Người
trí thức khác người, và đáng yêu ở chỗ không ỷ mình nhiều kiến thức mà lười biếng
tìm tòi, học hỏi ; không dựa vào vinh dự của khoa bảng mà chủ quan tự mãn ;
không coi mình là thầy thiên hạ mà tiên thiên phủ nhận giá trị suy tư và chân lý
ở người khác, nhưng luôn khiêm tốn trước bao la của hiểu biết, biết nép mình bé
nhỏ trước kho tàng dường như vô tận của con người và vũ trụ, và hoà mình, thân
thiện đồng hành trên đường tìm gặp chân lý với mọi người. Vì khiêm tốn nên chăm
chỉ tìm tòi, thận trọng quan sát và khách quan nhận định ; vì hiền hoà, nhã
nhặn, nên không độc đoán, thành kiến ; vì hào hiệp, cởi mở nên xởi lởi cho
đi và trân trọng đón nhận tất cả mọi sự thật.
Với
tinh thần tìm kiếm chân lý, ba nhà đạo sĩ đã từ phương Đông đến Giêrusalem và hỏi :
“Đức Vua dân Do Thái mới
sinh, hiện ở đâu ?”
(Mt 2,2). Chính tinh thần khao khát chân lý đã giúp các vị không ngần ngại hỏi
thăm người này người nọ trên đường. Cũng như tại Giêrusalem, các vị đã không ngượng
ngùng đi tìm sự thật nơi những người kém hiểu biết hơn mình, không mắc cở khi được
chỉ đường, dẫn lối bởi những người thua mình rất xa ở kiến thức, học vị, bằng cấp,
bởi chân lý với người trí thức là đối tượng có giá trị cao, và là biển cả bao
la không ai có thể thấu suốt, nên dù suốt đời miệt mài tìm kiếm, họ vẫn xác tín :
“hiểu biết của mỗi người” chỉ là giọt nước trong đại dương
mênh mông, sâu thẳm.
2.
Tinh thần tôn trọng sự
thật :
Sự
thật của các vị là “chúng tôi
đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lậy
Người” (Mt 2,2).
Nếu
là người kiêu căng, các vị đã phải nói : chúng tôi tự mình biết Đấng Cứu
Thế sinh ra ở đâu, mà không cần vì sao dẫn lối, vì chúng tôi là người khoa bảng,
học thức, có trình độ ; nếu là người xảo trá, lưu manh, các vị đã phải lừa
dối thiên hạ, đại loại như : đây là chuyện nhỏ và chúng tôi thừa biết, đó
là chuyện bình thường chúng tôi nắm trong tay ; nếu là người tìm vinh
quang riêng mình, tìm tâng bốc “cái
tôi”, các vị đã chẳng nói rõ
cho mọi người : nhờ thấy vì sao của Đấng Cứu Thế, chúng tôi mới biết Ngài
sinh ra, nhờ dõi theo ánh sao của “Đấng
Cứu Tinh, chúng tôi mới đến được nơi này ; nếu là người nhiều thành kiến,
kỳ thị chủng tộc, các vị đã không nhận mình là những người từ phương Đông đi tìm
Đức Vua dân Do Thái mới sinh, hiện ở đâu ?
… và chúng tôi đến bái lậy Người”
(Mt 2,2).
Nhưng
vì trung thực, các vị mới nói lên sự thật “đã thấy vì sao Cứu Thế”, mới thành thực kể cho người khác “chúng tôi đã thấy vì sao của Người”, mới chân thực không “đánh lận con đen”, “lấy của người làm của ta”, và tinh thần tôn trọng sự thật đã là nét đẹp của người
trí thức được vinh danh trong trình thuật “Ba đạo sĩ đến bái lậy Hài Nhi Giêsu” (x. Mt 2,1-12).
3. Tinh
thần mạo hiểm vì sự thật, và bất khuất trước mọi uy lực :
Con
đường đi tìm Hài Nhi Giêsu, Đức Vua dân Do Thái của ba đạo sĩ đã là một cuộc mạo
hiểm liểu lĩnh, khi các vị dò hỏi nơi sinh của Hài Nhi ngay tại thủ đô Giêrusalem,
nơi có dinh Hêrôđê, vua đương vị của dân Do Thái. Chẳng thế mà ngay “khi nghe tin ấy, vua Hêrôđê bối
rối… liền triệu tập tất cả các thượng tế và kinh sư trong dân lại, rồi hỏi cho
biết Đấng Kitô phải sinh ra ở đâu ?” (Mt 2,3-4).
Không
những liều lĩnh mạo hiểm, các vị còn bất khuất, không sợ uy lực của vua Hêrôđê, nên đã đến gặp ông, dù ít nhiều đã nghe về sự nham hiểm, độc ác của ông,
khi “Hêrôđê bí mật cho vời
các đạo sĩ đến, hỏi cặn kẽ ngày giờ ngôi sao đã xuất hiện” (Mt 2,7). Qủa thực, Hêrôđê đã
khéo léo “giả nhân giả nghiã” ân cần dặn dò : “Xin qúy ngài đi dò hỏi tường tận
về Hài Nhi, và khi đã tìm thấy, xin báo lại cho tôi, để tôi cũng đến bái lạy Ngài” (Mt 2,8). Nhưng các vị đã về bằng
con đường khác, như được báo mộng (Mt 2,12). Phần Hêrođê, để tránh hậu họa bị
chiếm ngôi, ông cho lệnh giết “tất
cả các con trẻ ở Bêlem và toàn vùng lân cận, từ hai tuổi trở xuống, tính theo
ngày tháng ông đã hỏi cặn kẽ các nhà chiêm tinh” (Mt 2,16).
Vâng,
sở dĩ các vị được yêu mến như những nhà trí thức “uy vũ bất năng khuất”, vì dù biết vua Hêrôđê không chấp nhận Hài Nhi các vị
đang đi tìm, càng không kham nổi những điều
viết về Hài Nhi trong sách ngôn sứ : “Phần ngươi, hỡi Bêlem, miền đất Giuđa, ngươi đâu phải
là thành nhỏ nhất của Giuđa, vì ngươi là nơi vị lãnh tụ chăn dắt Íraen dân Ta sẽ
ra đời” (Mt 2,6), ba đạo sĩ
vẫn không run sợ trước uy lực của Hêrôđê mà giấu diếm sự thật, không nịnh bợ Hêrođê
vì ông là vua, mà bỏ dở hành trình đi tìm Hài Nhi, không hèn nhát khi bị đe dọa
xa gần mà từ bỏ nét đẹp cao qúy của người trí thức là bảo vệ và làm chứng cho sự
thật về Đấng Cứu Thế, Vua Dân Do Thái đã sinh ra, dù có phải hy sinh.
4. Tinh
thần khiêm tốn trước Thiên Chúa, là Sự Thật tuyệt đối :
Đến
hôm nay, ở thế kỷ XXI, vẫn không thiếu những người mang ý nghĩ : dân trí
thức, nhà khoa học, đám khoa bảng thường không có đức tin, nếu có thì rất hời hợt,
yếu kém, vì óc thực nghiệm làm họ khó tin Thiên Chúa và các mầu nhiệm của Ngài.
Người ta còn cho rằng đức tin đối nghịch với khoa học, vì khoa học thì thực tế, đòi được thí nghiệm, kiểm
nghiệm, “cân, đo, đong, đếm”, trong khi đức tin thì thiêng
liêng, gần ranh giới của mơ hồ, không tưởng, vô thực, nên đức tin xem ra chỉ thích
hợp và dành cho những ai ngu dốt, đần độn,
u mê, ngây ngô, khờ dại.
Chiêm
ngắm các đạo sĩ từ phương Đông trong trình thuật Giáng Sinh của Tin Mừng Mátthêu,
chúng ta thấy ý nghĩ trên không có nền tảng đứng vững, và không thể được coi là
tính cách của người trí thức, khoa học, khoa bảng, bởi con người trí thức vì được
sinh ra cho sự thật nên thuộc về Sự Thật tuyệt đối, để đôi chân trí thức không
bao giờ mệt mỏi trên đường tìm Sự Thật tuyệt đối, đôi mắt trí thức không bao giờ
rời xa đối tượng là Sự Thật tuyệt đối, trái tim trí thức không bao giờ ngừng nhịp
đập yêu mến Sự Thật tuyệt đối, đôi tay trí thức không bao giờ khép lại trước hồng
ân của Sự Thật tuyệt đối, và đầu gối trí thức luôn biết khiêm tốn quỳ phục bái
lậy Thiên Chúa là Sự Thật tuyệt đối, như ba vị đạo sĩ vừa đến Bêlem, “vào nhà, thấy Hài Nhi với thân mẫu
là bà Maria, liền sấp mình thờ lậy Người. Rồi họ mở bảo tráp, lấy vàng, nhũ hương,
và mộc dược mà dâng tiến”
(Mt 2,11).
Giáng
Sinh về, Ngôi Lời là Sự Thật của Thiên Chúa xuống thế làm người, và ở giữa loài
người. Ngài là Sự Thật yêu thương, Sự Thật giải phóng, Sự Thật cứu độ mà mọi người
khao khát đi tìm, trong đó, người trí thức, nhà khoa học, dân khoa bảng là những
người tiên phong, hăng hái nhất. Mang sứ mệnh yêu mến sự thật, người trí thức
không thể quay lưng từ chối Thiên Chúa là Sự Thật tuyệt đối, Nguồn Mạch của mọi
sự thật trên trời, dưới đất. Giữ trọng trách bảo vệ, gìn giữ sự thật, nhà khoa
học không thể chống lại Thiên Chúa là Sự Thật tuyệt đối, Nguyên Ủy của mọi sự
thật. Gánh vác sứ vụ truyền bá, phát huy sự thật, dân khoa bảng không thể phản
bội Thiên Chúa là Sự Thật tuyệt đối, lẽ sống và nền tảng cho mọi sự thật được đứng
vững, tồn tại.
Mừng
Thiên Chúa Ngôi Hai “là Đường,
là Sự Thật, và là Sự Sống” nhập
thể (Ga 14,6), để con người khỏi lầm đường lạc lối, chúng ta cầu xin cho mọi người
ơn biết tôn trọng sự thật : sự thật của bản thân, sự thật của người khác,
sự thật của cộng đoàn, sự thật của Thiên Chúa. Bởi không tôn trọng sự thật, chúng
ta không thuộc về Thiên Chúa, và không được hưởng ơn Bình An của Thiên Chúa làm
người, vì không là “người
thiện tâm” có tấm lòng ngay
thẳng, như Thiên Chúa muốn chọn để ban Bình An của Ngài (x. Lc 2,14).
Jorathe
Nắng Tím