Mầu
nhiệm Thiên Chúa xuống thế làm người là mầu nhiệm Thiên Chúa từ trời đi xuống
thế giới loài người, mầu nhiệm Ngôi Lời đi vào nhà con người, đi đến vùng đất
con người sống, đi với con người trên đường đời và trong cuộc sống với tất cả
chiều kích, khiá cạnh của cuộc đời ấy. Trên hành trình Nhập Thể ấy, đôi chân của
Thiên Chúa làm người đã dong duổi từ buổi đầu thụ thai trong lòng Đức Trinh Nữ
Maria, khi cùng Mẹ đến thăm bà dì Êlisabét, cho đến bước chân cuối cùng trên đồi
Gôlgôtha, nơi Ngài chịu đóng đinh, và treo lên khỏi đất.
Thực
vậy, nếu Đức Tin của Ápraham, Môsê, và các tổ phụ Israel, cũng như ơn gọi của các
tông đồ, môn đệ Đức Giêsu trong Tân Ước đều bắt đầu và kết thúc bằng đôi chân lên
đường, ra đi, “bỏ xứ sở, họ hàng và nhà
cha ngươi” (St 12,1), bỏ đàn chiên,
đi gặp con cái Itrael (Xh 3,13), “đến
với Pharaô để đưa để đưa dân Ta là con cái Ítraen ra khỏi Ai Cập” (Xh 3,10), “bỏ
thuyền chài, bỏ cả cha để đi theo”
(Mt 4,22), “vì tôi sẽ làm cho
các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá”
(Mt 4,19), thì mầu nhiệm Nhập Thể chính là những bước chân Thiên Chúa đến với con người, và hạnh phúc của con người,
khi đôi chân lên đường tìm gặp Thiên Chúa.
Vì
thế, không có đôi chân lên đường, Đức Tin không thể được gieo trồng và lớn lên ;
không có bàn chân ra khỏi “cái
tôi”, Đức Ái không thể nẩy
mầm, sinh hoa kết qủa ; không có bước chân liều lĩnh đi về phiá trước để đến
với người khác, Niềm Hy Vọng không thể loé sáng, xuất hiện.
Chúng
ta hãy chiêm ngắm đôi chân Giáng Sinh của Đức Mẹ và thánh Giuse trên đường từ
Nadarét về nguyên quán Bêlem, miền Giuđê để khai căn cước, theo lệnh “kiểm tra dân số trong khắp cả thiên hạ” của hoàng đế Augúttô (Lc 2,1), và ở Bêlem
những ngày đông người ấy, hai đấng “đã
không tìm được chỗ trong nhà trọ”,
mà Đức Mẹ “đã tới ngày mãn nguyệt
khai hoa” (Lc 2,6-7). Cũng những
bước chân tin yêu, phó thác, không lâu sau, đã cùng Hài Nhi Giêsu trốn sang Ai Cập
ngay trong đêm, khi sứ thần Chúa hiện ra báo mộng cho thánh Giuse, vì vua Hêrôđê
đang ráo riết truy lùng tìm giết con trẻ (x. Mt 2,13-18).
Bên
cạnh những bước chân của Thánh Gia là những
đôi chân hân hoan tìm đến chuồng lừa Bêlem ngay trong đêm Giáng Sinh của các mục
đồng. Họ đã đến và đã gặp “Hài
Nhi đặt nằm trong máng cỏ”,
đúng như Tin Vui các thiên thần đã loan báo cho họ : “Hôm
nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đavít, Người là Đấng
Kitô, Đức Chúa. Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người : anh em sẽ gặp thấy một
trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ”
(Lc 2,11-12).
Đặc
biệt là những bàn chân các đạo sĩ đã vất vả đến từ phương Đông, khi dõi theo ánh
sao lạ, và các vị “đã mừng rỡ vô cùng” gặp được Hài Nhi và “sấp mình thờ lậy Người” (Mt 2,11).
Qủa
thực, toàn cảnh Giáng Sinh là những bàn chân vất vả đi tìm Thiên Chúa, những đôi
chân phấn khởi gặp gỡ Ngôi Lời, những bước chân hối hả trốn chạy Thần Dữ. Bầu
khí ấy còn rộn ràng với những bước chân
của người yêu mến Sự Thật, tưng bừng với những nhịp chân reo vui ngày Thiên Chúa
đến cư ngụ giữa dân Người, những đôi chân khấp khởi, hạnh phúc của đoàn lũ những
người sẵn sàng bỏ mọi sự, lên đường đi
theo Đức Giêsu, Ngôi Lời nhập thể.
Họ
là những người không ngại lên đường theo Tiếng Gọi, không lười biếng nằm lì một
chỗ, khép kín, co cụm trong pháo đài ích kỷ, nhưng như các đạo sĩ, họ đã liều lĩnh
lên đường, mạo hiểm ra đi, vì tin vào Ánh Sao lạ dẫn đường, tin vào sự can thiệp
của Trời cao. Họ khác với các thượng tế và kinh sư, tuy biết rõ những gì các ngôn
sứ đã tiên báo về vị “Lãnh Tụ chăn dắt Ítraen
sẽ ra đời ở Bêlem, miền đất Giuđa”
(x. Mt 2,4-5), nhưng đã không lên đường, không cất bước, không đi tìm, không đến
gặp Đấng mà toàn dân mong đợi. Cũng như vua Hêrôđê, họ không đi, không bước đi,
vì không muốn hay không thể ra khỏi ngai
toà, rời xa dinh thự, tạm biệt vị thế,
giã từ quyền lực, giũ bỏ “cái
tôi” họ đang nắm giữ, làm
chủ. Trái lại, từ chỗ ngồi của quyền lực, từ sức mạnh của bạo lực, họ đã như Hêrôđê
ra lệnh “giết tất cả các con trẻ
ở Bêlem và toàn vùng lân cận”
(Mt 2,16), gây đau thương, khốn khó cho nhiều người.
Qủa
thực, nếu Hêrôđê đã khiêm tốn lên đường cùng đi Bêlem với các đạo sĩ, thì chắc
chắn họ đã nhận ra Đấng Cứu Thế là Thiên Chúa nhân hậu, từ bi, hay chạnh lòng,
khi thấy Hài Nhi bé bỏng, dễ thương, không chút đe dọa nằm trong máng cỏ khó
nghèo, và thảm cảnh các trẻ thơ dưới hai tuổi ở Bêlem và vùng phụ cận bị giết
oan uổng bởi ông đã không xẩy ra, để không ai phải đứt ruột, nát lòng khi nghe “ở Rama tiếng khóc than rền rĩ :
tiếng bà Rakhen khóc thương con mình và không chịu để cho người ta an ủi, vì chúng
không còn nữa” (Mt 2,18) ; nếu các
thượng tế và kinh sư đã mạnh dạn cùng ba đạo sĩ lên đường đến Bêlem, thì não trạng
kiêu căng, cục bộ, cửa quyền và thái độ hống hách, coi thường người khác, cứng
lòng, ngoan cố trước lời các ngôn sứ về Đấng Cứu Thế của giai cấp lãnh đạo
trong Đạo Do Thái đã không đưa cả “đạo, đời » đến bế tắc, đường cùng,
đánh dấu bằng biến cố Đền Thờ Giêrusalem bị quân đội Rôma tàn phá, và dân chúng
bị tản mát, lưu đầy.
Vâng,
Giáng Sinh về với những bước đi rộn ràng niềm vui “đến
với các dân tộc” của các nhà truyền giáo
để loan báo Tin Mừng : Thiên Chúa yêu thương loài người và ban bình an cho
người thiện tâm ; Giáng Sinh đến, với hạnh phúc chan hoà trong từng nhịp bước
của người được sai đi, để kể cho mọi người : Thiên Chúa Cứu Độ đang ở giữa
chúng ta ; Giáng Sinh trở lại, với niềm hy vọng ở đôi chân không mệt mỏi đồng hành với người tật
nguyền, bệnh hoạn, yếu đuối, và báo Tin Vui cho họ : Thiên Chúa đã đoái thương
dân Người, và cứu chữa dân Người, như lời ngôn sứ Isaia : “Người đã mang lấy các tật nguyền của
ta và gánh lấy các bệnh hoạn của ta”
(Mt 8,17) ; Giáng Sinh toả sáng soi dẫn từng bước chân người thiện tâm trên đường đi tìm Thiên Chúa
nơi những người bé nhỏ, bị quên lãng, bỏ
rơi, những người nghèo hèn, không tiếng nói, những người thấp cổ bé miệng, bị hàm
oan, vu khống, kết án oan sai, đầy đọa, hiếp đáp, và báo cho họ Tin Mừng của
Thiên Chúa làm người : người nghèo được nghe Tin Mừng, kẻ bị giam cầm biết mình
được tha, người mù biết mình được sáng mắt, kẻ bị áp bức biết mình được trả tự
do, và mọi người được hưởng năm hồng ân của Thiên Chúa (x. Mt 4,18-19).
Giáng
Sinh năm nay lại một lần nữa mời gọi chúng ta rời nhà ra đi theo Tiếng Gọi, từ
bỏ pháo đài “Cái Tôi” ích kỷ để lên đường tìm gặp Thiên Chúa
trong người khác, bỏ lại sau lưng tất cả để xuống thuyền ra sâu, ra xa với Đức
Giêsu, Thiên Chúa làm người, Đấng đã bỏ Trời cao, bỏ thiên nhan, bỏ vị thế Thiên
Chúa, “mặc lấy thân nô lệ, trở
nên giống phàm nhân sống như người trần thế”
(Pl 2,7), chỉ vì yêu thương, muốn ở cùng, đồng hành với con người để chia sẻ đến
cùng, và tận cùng mọi sự của con người, ngoại trừ tội lỗi để con người được cứu
độ. Lên đường với Đức Giêsu, xuống thuyền với Đức Giêsu, chúng ta cùng Đức Giêsu
đến với mọi người, và đưa mọi người đến
với Đức Giêsu để ơn Bình An của Thiên Chúa làm người tràn đầy trên mọi người,
chẳng trừ ai.
Xin
Chúa Hài Đồng cho chúng ta đôi chân biết lên đường mà không sợ đường xa, nguy
hiểm ; xuống thuyền mà không sợ biển sâu, sóng dữ ; đi ra khỏi nhà mình,
mà không sợ mất “cái tôi” ích kỷ, hưởng thụ, để Tin Vui Giáng
Sinh, Tin Mừng Nhập Thể được loan báo cho muôn dân, đem lại ơn Cứu Rỗi cho chúng
ta và mọi người.
Jorathe
Nắng Tím