Tìm kiếm Blog này

Thứ Sáu, 6 tháng 12, 2019

ĐƯỢC HOÀ GIẢI VÀ ĐỔI MỚI TRONG THIÊN CHÚA LÀM NGƯỜI

Hình ảnh đổi mới để đón Đấng Cứu Thế đã được Tin Mừng Luca cực tả với lời chép từ sách ngôn sứ Isaia : Có tiếng người hô trong hoang địa : hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi. Mọi thung lũng, phải lấp cho đầy, mọi núi đồi, phải bạt cho thấp, khúc quanh co, phải uốn cho ngay, đường lối lõm, phải san cho phẳng. Rồi hết mọi người phàm sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa (Lc 3,4-6). Hình ảnh ấy được thánh Phaolô, tông đồ dân ngoại khai triển cụ thể và sống động trong thư gửi giáo đoàn Êphêxô : Anh em phải cởi bỏ con người cũ với nếp sống xưa, là con người phải hư nát vì bị những ham muốn lừa dối, anh em phải để Thần Khí đổi mới tâm trí anh em và phải mặc lấy con người mới, là con người đã được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa để thật sự sống công bình và thánh thiện (Ep 4,22-24).     
Như thế, đợi chờ của Thiên Chúa và cũng là đòi hỏi của Ngài ở con người, khi Ngài đến trong thế giới, chính là mỗi người phải đổi mới để trở nên thụ tạo mới trong Đức Giêsu Kitô, nên niềm vui của lễ Giáng Sinh không chỉ là mừng Thiên Chúa xuống thế làm người, nhưng còn là mừng con người được tái sinh, được thanh tẩy, biến đổi, và được trở nên mới trong Đức Giêsu, Thiên Chúa làm người, như thánh Phaolô  khẳng định : Phàm ai ở trong Đức Kitô đều là thụ tạo mới. Cái cũ đã qua, và cái mới đã có đây rồi. Mọi sự ấy đều do bởi Thiên Chúa là Đấng đã nhờ Đức Kitô mà cho chúng ta được hoà giải với Người… Thật vậy, trong Đức Kitô, Thiên Chúa đã cho thế gian được hoà giải với Người (2Cr 5,17-19).  
Và niềm vui Giáng Sinh chính là con người được hoà giải với Thiên Chúa trong Đức Giêsu, Ngôi Lời nhập thể. Được hoà giải với Thiên Chúa nghiã là được trở nên con Thiên Chúa (Ga 1,12), được sinh ra một lần nữa bởi ơn trên (Ga 3,3), được mặc lấy con người mới, con người hằng được đổi mới theo hình ảnh Đấng Tạo Hoá (Cl 3,10), được trở nên Đền Thờ của Chúa Thánh Thần (x. 1 Cr 6,19), được là phần thân thể của Đức Kitô (x. 1Cr 6,15), khi được sống chính sự sống của Đức Kitô : Tôi sống nhưng không phải tôi sống, nhưng là Đức Kitô sống trong tôi  (x.Gl 2,20).  
1.   Được hòa giải với Thiên Chúa :
Sở dĩ con người tội lỗi được hoà giải với Thiên Chúa, vì chính Thiên Chúa giầu lòng thương xót đã muốn con người được cứu sống, và chính Ngài tự nguyện đến làm của lễ xoá tội nhân loại. Nói cách khác, không phải con người tự mình thực hiện việc hoà giải, nhưng chính Thiên Chúa đã tự hạ mình hoà giải với con người, chỉ vì thương xót con người, như thánh Phaolô đã viết : Đức Kitô đã yêu thương chúng ta, và vì chúng ta, đã tự nộp mình làm hiến lễ, làm hy lễ dâng lên Thiên Chúa (Ep 5,2), để chuộc tội nhân loại, và hoà giải con người với Thiên Chúa. Ngài là Chiên Thiên Chúa, Đấng xoá tội trần gian (Ga 1,29), là mục tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên (Ga 10,15), là Đấng đã phải trả giá đắt mà chuộc lấy anh em (1 Cr 6,20).
2.   Trở thành tạo vật mới :
Khi được hoà giải với Thiên Chúa, chúng ta nên một với Đức Kitô nhờ được chết như Người đã chết…, và được sống như Người đã sống lại. Chúng ta biết rằng : con người cũ nơi chúng ta đã bị đóng đinh vào thập giá với Đức Kitô, như vậy, con người do tội lỗi thống trị đã bị hủy diệt, để chúng ta không còn là nô lệ cho tội lỗi nữa (x.Rm 6, 5-7), nhưng được đổi mới theo hình ảnh Thiên Chúa (Cl 3,10), như thánh Phaolô kêu gọi các tín hữu giáo đoàn Côlôxê : Anh em là những người được Thiên Chúa tuyển lựa, thánh hiến và yêu thương, nên hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hoà và nhẫn nại. Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau.. Và trên hết mọi đức tính, anh em phải có lòng bác ái : đó là mối dây liên kết tuyệt hảo. (Cl 3,12-15).                
Tóm lại, ý nghiã quan trọng nhất của Giáng Sinh, chính là chúng ta được hoà giải với Thiên Chúa trong Đức Giêsu và nhờ Đức Giêsu, Thiên Chúa làm người, và cũng nhờ và trong Đức Giêsu, chúng ta được trở nên tạo vật mới.
Nhưng để được hoà giải và trở nên tạo vật mới, Thiên Chúa đòi chúng ta phải tin ở Đức Giêsu, Ngôi Lời của Thiên Chúa : tin Ngài thương ta, tin Ngài cứu độ ta, bởi không tin Ngài là Đấng Cứu Độ, chúng ta không thể ở trong Ngài và nhờ Ngài để được hoà giải với Thiên Chúa Cha. Bên cạnh đó, chúng ta được mời gọi giã từ con người cũ, nghiã là đọan tuyệt với quá khứ tội lỗi để có thể đón nhận ơn Cứu Độ bằng mặc lấy con người mới. Ở đây, chúng ta ghi nhận một số khó khăn thường gặp trên hành trình Đổi Mới chính mình.
a.   Khó trút bỏ gánh nặng qúa khứ :
Không phải gánh nặng nào cũng dễ trút bỏ, bởi có những gánh nặng quá khứ rất đáng bỏ, cần bỏ, nhưng không dễ bỏ như gánh nặng của tình yêu đổ vỡ, gánh nặng của thất bại nghề nghiệp, gánh nặng của lầm lỡ, tội lụy, gánh nặng của ân oán, hận thù, cả những gánh nặng của uy tín bị dập vùi, danh dự bị chà đạp.
Vì khó bỏ, nên người ta khó tha thứ những yếu đuối, dại khờ, thiếu sót của mình, lại càng khó quên khuyết điểm, sai phạm, lỗi lầm của người khác. Những gánh nặng qúa khứ không được trút bỏ sẽ như những cối đá ngày đêm đè sâu, nhận chìm con người xuống vực thẳm mặc cảm đủ thể loại, và trói  chặt con người trong bất hạnh không lối thoát, để công trình hoà giải với Thiên Chúa và với tha nhân, cũng như đòi hỏi phải đổi mới bản thân trở nên bất khả thi, khi qúa khứ cứ đeo bám  như gông cùm, xiềng xích, không cho con người được hưởng bình an của hoà giải và hạnh phúc của thụ tạo mới với hình ảnh của Đấng Tạo Hoá. 
Do đó, biết và dám trút bỏ những gánh nặng qúa khứ là điều kiện cần thiết để sống ơn hoà giải và đổi mới trong Đức Giêsu, khi tin vào lòng thương xót, bao dung, nhân hậu của Thiên Chúa, Đấng tha thứ tất cả lỗi lầm, tội lụy của những ai tín thác ở Ngài. Bởi không trút bỏ gánh nặng quá khứ, chúng ta vẫn không tín thác trăm phần trăm vào lòng tốt và giá trị tuyệt đối của ơn Cứu Độ, như ngôn sứ Isaia đã tuyên sấm : Đức Chúa phán như sau : Các ngươi đừng nhớ lại những chuyện ngày xưa, chớ quan tâm về những việc thưở trước (Is 43,18).
b.   Khó quên những vết thương lòng :
Người ta thích khơi lại chuyện cũ đau buồn, và khoét sâu vết thương lòng ngày trước, ngay cả vết thương đã khép miệng, hoặc lâu ngày thành sẹo, mặc dù  khơi lại chỉ  thêm buồn, và khoét sâu sẽ não nề hơn. Người có khuynh hướng đào khoét vết thương qúa khứ thường bị thúc đẩy bởi khao khát thầm kín thích được mọi người  chú ý, quan tâm, khi cho nỗi đau  quá khứ của mình là kỳ công, và trầm trọng vết thương lòng mà họ coi như không bao giờ có thể liền da, rịn máu, để rồi hiện tại đang sống chỉ còn là xót xa, đắng đót, căm phẫn, uất hận, tổn thương, bất mãn, than trách, thiệt thòi. Không vượt qua được những vết thương quá khứ, không quên được những tổn thất của tâm hồn, người ta sẽ bị kẹt vào một tình huống tiêu cực dễ dẫn đến kiêu căng và thù hận : kiêu căng vì đặt cái tôi ở vị trí quan trọng mà mọi nguời phải quan tâm, và thù hận vì lòng luôn nặng trĩu với ân oán trả vay.
Vì thế, để được hoà giải và đổi mới trong và nhờ Đức Giêsu, chúng ta không thể để lòng bị choáng ngộp bởi những gánh nặng ân oán, thất bại, tội lỗi của qúa khứ, bởi Thiên Chúa cần chỗ trống trong trái tim chúng ta để cư ngụ, và tâm hồn chúng ta cần chỗ rộng để đón nhận ơn sủng của Ngài ; cần đoạn tuyệt quá khứ, để  hiện tại đón nhận ơn hoà giải, đổi mới ; cần hôm qua yếu đuối, tội lỗi được xếp lại, để hôm nay được trải ra trước lòng thương xót, bao dung của Thiên Chúa ; cần tháng ngày qua bất xứng, bất toàn được lui vào quên lãng, để chỉ còn thấy tình thương của Cha nhân hậu trên đường về hôm nay của con. Và chỉ khi nào qúa khứ tự nguyện khép lại, hiện tại mới  trở thành quà tặng hoàn hảo của ân sủng ; chỉ khi nào hôm qua không lấn sân hôm nay, hiện tại mới  được tình yêu làm tròn đầy, và có chỗ cho tương quan thiết thực giữa Thiên Chúa và tâm hồn, nhất là mới thực sự đi vào Hoà Giải với chính mình, với tha nhân và với Thiên Chúa, khi tất cả được đổi mới trong Đức Giêsu, nhờ giá máu Cứu Chuộc của Ngài. 
Giáng Sinh về với hiện tại được chúc phúc, một hiện tại cứu độ, ở đó, Thiên Chúa muốn chúng ta sống trọn vẹn và đầy đủ từng phút giây, mà không tiếc nuối qúa khứ đã huy hoàng, hoành tráng hơn hiện tại, cũng không đay nghiến, nguyền rủa qúa khứ chất chồng tội lỗi, ngổn ngang thất bại, càng không lười biếng, bi quan ở lì trong qúa khứ, như điểm đến sau cùng. Với mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể, hiện tại là thời điểm Thiên Chúa đến, thời gian Chúa cứu độ, cũng là cơ hội qúy giá chúng ta được hoà giải với Thiên Chúa, với anh em và chính mình. Nhờ đó, chúng ta được trở nên thụ tạo mới trong Đức Giêsu, Đấng Cứu Độ loài người.
Trước máng cỏ có Hài Nhi Giêsu, chúng ta cùng xin ơn can đảm để đọan tuyệt với quá khứ tội lỗi, và quên đi qúa khứ tội lỗi ấy, vì tin ở lòng thương xót, bao dung, nhân hậu của Đức Giêsu, Thiên Chúa làm người, bởi không đọan tuyệt và quên đi qúa khứ  của con người cũ, chúng ta khó có thể hưởng ơn Hoà Giải và Đổi Mới của Đấng đến trong thế giới để hoà giải nhân loại với Thiên Chúa, hoà giải nhân loại với nhau, và đổi mới tâm hồn mỗi người, cũng như toàn thể địa cầu.
Jorathe Nắng Tím