Khi
nói “quốc gia văn minh”, “con người có văn hoá”, “khu
phố văn hoá”, “đơn vị văn hoá”, “đất nước ngàn năm văn vật” hay “việc
làm có tính nhân văn”, người
ta hiểu ngay đó là quốc gia phát triển, con người tử tế, đơn vị đoàn kết, khu
phố không tệ đoan xã hội, và việc làm tốt đẹp, nhân ái. Như thế, tất cả những gì
được gọi là văn minh, văn hoá, văn vật, nhân văn, cũng như văn chương, văn nghệ
đều là những gì được đề cao và trân trọng,
bởi nó tốt đẹp và góp phần xây dựng hạnh phúc của con người. Và đương nhiên, sẽ
không có cái gọi là “văn hoá
đồi trụy”, vì văn hoá thì tốt
đẹp, đồi trụy thì xấu xa, nên cả hai không thể sánh vai đồng hành ; cũng
như không thể quan niệm những cụm từ tự thân mâu thuẫn như “văn hoá bê tha, văn hoá ngáo đá,
văn hoá nói dóc, văn hoá chôm chiả, văn hoá lường gạt, văn hoá sở khanh, văn hoá
bạo hành …”.
Vì
con người luôn cầu tiến, phát triển để mỗi ngày hạnh phúc hơn, nên xã hội loài
người không dừng lại một chỗ, không chôn chân ở một điểm, nhưng tiến mãi, để từ
một xã hội thiếu thốn, chật vật vì chậm tiến đến một xã hội văn minh với đầy đủ
tiện nghi phục vụ đời sống.
Vì
con người không đơn độc, nhưng “sống
chung, sống với” và làm thành
gia đình, xã hội, quốc gia, thế giới, nên các tương quan rất cần thiết được cải
thiện, để cuộc sống chung không là một gánh nặng phải chịu đựng nhau, nhưng là
niềm vui cùng nhau chung hưởng khi tư duy, chọn lựa, cũng như thái độ ứng xử, và
lối sống thường ngày thấm nhuần một nền văn hoá xứng hợp nhân phẩm và đạo đức làm
người.
Do
đó, ở đâu, và thời nào, xã hội loài người luôn nhắm đến một cuộc sống văn minh,
gồm những con người có văn hoá để đạt hạnh phúc tối đa trong sinh hoạt.
Bên
cạnh văn hoá lương thiện, văn hoá xin lỗi, văn hoá cám ơn, văn hoá dễ thương, văn
hoá thân thiện, văn hoá cạnh tranh lành mạnh, mà người viết đã hân hạnh chia sẻ
với Bạn, nay xin gửi đến Bạn những suy tư về một văn hoá khác, cũng không kém
phần quan trọng, đó là văn hoá cao thượng.
Văn
hoá cao thượng hệ tại ở cái nhìn lớn rộng, khác cái nhìn ngắn ngủi, chật hẹp của
kẻ tiểu nhân. Người có cái nhìn lớn rộng sẽ không ti tiện, nhỏ mọn, chấp nhất
người khác những chuyện “không
đâu”, cũng không bới móc, “vạch lá tìm sâu”, khai thác những khiếm khuyết của
người khác đến độ gay gắt, tàn bạo, càng không “bé xé ra to”, trầm trọng một cách lố bịch và ấu trĩ một sự việc không quan
trọng, nhất là không thổi phồng với ác tâm, ác ý một sự kiện mà bản chất không
có gì đáng nói.
Ở
người không văn hoá cao thượng, chúng ta gặp được lý do của những tư duy gò bó,
ghì trói, khép chặt, bởi họ luôn đặt mình ở tình trạng báo động, đề phòng, thủ
thân trước người khác, vì sợ mất những gì đang có, đang là. Nói cách khác, họ là
những con người cực kỳ ích kỷ đang ra sức bảo vệ “cái tôi”
và “những gì của tôi”. Khác với người có văn hoá cao
thượng với khối óc trải xa, và trái tim mở rộng, nên đón nhận được tất cả, bao
dung được tất cả, đồng hành được với tất cả.
Văn
hoá cao thượng đặt nền móng trên tinh thần trách nhiệm của “đại nhân, quân tử” biết mình có trách nhiệm trên
cuộc sống hạnh phúc của mọi người cùng sống. Bậc đại nhân, quân tử không
những ý thức mình có trách nhiệm với người khác một khi đã nhập cuộc vào đời, mà
còn đem hết tâm lực thực hiện cho bằng được ước muốn đem lại hạnh phúc đó. Chính
vì biết mình có trách nhiệm, mà người có văn hoá cao thượng không thấp, không hèn
để thù dai, thù vặt ; không đê tiện, đốn mạt để “ném đá giấu tay, xúi chó bụi rậm”, nhưng cư xử xứng đáng danh phận
của bậc đại nhân, trượng phu, trưởng thượng cao qúy, với tài cao, đức trọng, trí
lớn, tâm sâu.
Sở
dĩ người có văn hoá cao thượng ý thức trách nhiệm của mình với cộng đồng xã hội,
vì họ không ích kỷ, nhỏ mọn, nhưng biết rằng : bất cứ ai sống trong cuộc đời
đều phải mang trên vai trách nhiệm đem lại hạnh phúc cho người cùng sống, khi xác
tín : niềm vui của người khác chính là niềm vui của tôi, sự sống của người
khác cũng là sự sống của tôi, và hạnh phúc của tôi gắn liền với hạnh phúc của mọi
người, nên những thiếu sót, lầm lỗi, yếu kém ở người khác không bao giờ là cớ
cho tôi trù dập họ, trái lại, là lý do để tôi cảm thương, nâng đỡ, che chở, đóng
góp xây dựng, cải thiện.
Văn
hoá cao thượng còn hướng đến những gì tích cực, như hình ảnh của người ở tầm
cao và luôn hướng thượng, nên những đấu đá vặt vãnh, những bắt lỗi nhỏ nhặt, những
phiền trách ấu trĩ, những đòn thù trẻ con đều là những điều làm cho người có văn
hoá cao thượng kinh tởm, gớm ghiếc và tìm
cách tránh xa. Họ không như những tiểu nhân khi có chút quyền trong tay thì trả
thù xưa, rửa hận cũ, hay như những người đầu óc đặc sệt thành kiến, ích kỷ hở
ra là khẩn trương kết luận, là nghiêm trọng kết án những sai sót nhỏ nhoi của
người khác, mà không bao giờ tìm cho người khác một con đường tốt hơn, một lối
thoát an toàn, một hạnh phúc trong tầm tay.
Và
quan trọng hơn cả là người có văn hoá cao thượng dám lắng nghe và chấp nhận những
ý kiến trái ngược ý mình, cũng như trân trọng và đón nhận một cách lương thiện
Chân - Thiện - Mỹ ở người khác, trong tôn giáo, và chủ thuyết khác với tôn giáo,
chủ thuyết mình theo. Với họ, không có biên giới, vùng cấm của Chân - Thiện - Mỹ,
và mọi người đều có quyền và trách nhiệm đóng góp những gì chân thực, tốt đẹp
cho hạnh phúc chung của mọi người.
Sau
cùng, người có văn hoá cao thượng là người đặc biệt có lòng bao dung, khi không
ân oán sòng phẳng, không “mắt
đền mắt, răng đền răng”, nợ
máu phải trả bằng máu. Trái lại, tâm hồn cao thượng luôn cảm thông, thương xót,
bằng cách tìm cho kỳ được những lý lẽ để tha thứ, ân xá, khoan hồng. Văn hoá
cao thượng, vì thế, vượt xa những tầm thường của ganh ghét, tị hiềm, đố kỵ, hận
thù, ích kỷ, nhỏ nhen trong cuộc sống. Nhờ thế, đời người được thắm tươi niềm
vui sống.
Thực
vậy, văn hoá cao thượng làm cho cuộc sống chung trở nên nhẹ nhàng, đơn giản, bình
an và không ngừng thăng tiến, khi không ai nhỏ nhen chấp nhất những chuyện nhỏ
cần phải bỏ qua và quên đi ; khi mọi người tìm ở nhau những điểm mạnh, điểm
tốt để khuyến khích, động viên nhau làm tốt hơn, sống đẹp hơn ; khi người
người cùng chung tầm nhìn xa và cao, với tinh thần hợp tác lạc quan, tích cực.
Nền văn hoá cao thượng còn giúp mỗi người dễ dàng buông bỏ những bất đồng nhỏ
nhặt, những mâu thuẫn cỏn con khó tránh trong đời sống thường ngày, để tình người,
tình gia đình, tình bạn hữu không vì thế mà rạn nứt, đổ vỡ, gây bất hạnh cho cuộc
sống mà đáng lý ra phải hạnh phúc và hạnh phúc dồi dào.
Nhìn
vào cuộc sống hôm nay, chúng ta không khỏi buồn khi thấy các bậc hiền nhân, quân
tử cao qúy, các bậc đại nhân, trượng phu cao thượng xem ra ngày càng thưa thớt, có thể các vị đã trở thành “loài người qúy hiếm”, hoặc chính các vị không còn muốn xuất hiện trong một
xã hội mà cao thượng bị coi là “dở
hơi, thần kinh, lạc hậu”, và
đám người “ti tiện, đê hèn,
láu cá, ích kỷ” lại được
phần đông thiên hạ nâng lên hàng “thức
thời, biết sống, khôn ngoan”.
Ước
mơ một đất nước có nhiều con người được trang bị văn hoá cao thượng để người người,
nhà nhà, từ làng quê đến tỉnh thành, khắp nơi rực rỡ những ánh mắt cao thượng,
những lời nói cao thượng, những việc làm cao thượng đem lại “tình thân cao thượng” rạng ngời, là điều kiện không
thể thiếu của niềm vui đồng hành trên đường đời, và hạnh phúc “cùng chung nhau cuộc sống”.
Jorathe
Nắng Tím