Hơn lúc nào hết, trong những ngày này, qua báo chí, và
các phương tiện truyền thông, dư luận thế giới xôn xao, kể cả hoang mang về nhiều
sự việc liên quan đến Giáo Hội như cách chức Hồng Y, Giám Mục phải ra toà vì
bao che tội ấu dâm của nhiều linh mục, giáo phận phải bán cơ sở mục vụ để bồi
thường cho các nạn nhân bị lạm dụng, nhất là biến cố Hội Đồng Giám Mục Đức quyết
định đi đến cùng tiến trình đặt lại nhiều vấn đề trong Giáo Hội, trong đó có vấn
đề luân lý tình dục, độc thân linh mục, và kiểm soát lạm dụng quyền bính trong
Giáo Hội.
Riêng người viết, trước những sóng gió tưởng “chết đến nơi”,
thì hoàn toàn ngược lại : không xôn xao, cũng chẳng chao đảo, hoang mang,
sợ hãi, nhờ dựa vào những suy nghĩ đơn sơ xin được mạo muội chia sẻ với Bạn:
1. Thiên Chúa
táo bạo trong tình yêu :
Không kể đã táo bạo trong tình yêu khi tự nguyện xuống
làm người, Thiên Chúa của Đức Giêsu còn táo bạo trong tình yêu khi thành lập
Nhóm Mười Hai Tông Đồ, là rường cột của Hội Thánh.
Đức Giêsu đã táo bạo lập một nhóm mà nhìn vào với đôi
mắt thế gian, chúng ta thấy đó là một nhóm bình thường, không có gì nổi trội :
bình thường vì đa số là dân đánh cá, thuyền chài, không được ăn học đến nơi đến
chốn ; không có gì nổi trội, vì hầu hết các
vị đều nghèo hoặc chỉ đủ ăn, không ai thuộc giai cấp đại gia, giầu sang, phú
qúy, trừ Mátthêu nhờ làm nghề thuế vụ ; một nhóm bết bát thấy rõ khi thường
xuyên hục hặc tranh giành chỗ cao chỗ thấp, bên trái bên phải, vinh quang này,
danh giá nọ trong vương quốc của Thầy, mà các vị cứ tự vẽ ra, rồi hù dọa, đấu
đá, kéo bè kéo cánh thách thức, khích bác nhau (x. Mc 10, 35-40) ; bết bát,
khi anh quản lý của nhóm có tên Giuđa thoạt nghe tình hình căng thẳng đã vội
lén lút “đi đêm” với đối
phương và bán Thầy mình với giá rẻ mạt ba chục bạc (x. Mc 14,10-11), rồi anh
trưởng nhóm Simôn Phêrô năng nổ tuyên bố trung thành “Thưa Thầy, bỏ Thầy, chúng con biết theo ai ? Chỉ
Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời” (Ga 6,68), hoặc dõng dạc, trịnh trọng tuyên
xưng : “Thầy là Đức Kitô” (Mc 8,29), nhưng khi Thầy bị bắt, bị tra vấn, hỏi
cung bên trong dinh Thượng Tế Caipha thì chẳng ngại ngùng chối phăng : “Tôi không biết người này là ai” (x. Mc 14,66-71) ; một nhóm bết bát, khi Thầy yếu nhược, nhục nhằn kéo lê
Thánh Giá mà không một tông đồ dám lại gần, kề vai vác đỡ ; cả đến khi chết, tháo
xác xuống rồi, cũng không tìm đâu ra bóng dáng các vị, ngoại trừ Gioan nép mình kín đáo bên Đức Mẹ.
Tuy bình thường và bết bát như thế, nhưng Nhóm Mười
Hai vẫn được Đức Giêsu yêu thương vô cùng và “đến cùng”
(Ga 13,1). Ngài không bỏ ai, không khai trừ người nào, nhưng trung tín trong
tình yêu dành cho từng vị. Chính tình yêu táo bạo của Ngài đã biến đổi các vị,
và làm cho các vị nhận ra Thầy mình đích thực là Đấng Cứu Độ giầu lòng thương
xót, và kết qủa là tất cả các vị, trừ Giuđa, đã trung thành và chết để làm chứng
Thầy mình là Thiên Chúa, Đấng đến trong thế gian để cứu chuộc nhân loại.
Vì thế, chúng ta có lý do tin rằng : Thiên Chúa
có đường lối riêng của Ngài, khi táo bạo chọn những con người chẳng mấy gì sáng
giá, và thành lập một Nhóm “nòng
cốt” chẳng có gì
đáng tin tưởng, kỳ vọng. Thế mà Giáo Hội của Ngài vẫn trường tồn với những con
người bất toàn, yếu đuối ấy, chỉ vì nền tảng của Giáo Hội đã không là các ông,
nhưng là Tình Yêu táo bạo của Thiên Chúa trên các ông.
Đây cũng là lý do để chúng ta yên lòng và không hoang
mang khi những người lãnh đạo trong Giáo Hội xem ra bất xứng hay yếu đuối cách
này cách khác. Chúng ta đừng quên chính Đức Giêsu đã chọn các vị, như đã chọn
Nhóm Mười Hai rất bình thường và bết bát ngày xưa, để làm chứng cho mọi người :
tình yêu táo bạo của Thiên Chúa, và sức mạnh, khôn ngoan của Ngài được thể hiện
trong yếu đuối, tầm thường, bết bát của con người.
2. Thiên Chúa
kiên nhẫn trong giáo dục :
Có lần Đức Giêsu thốt lên : “Ôi thế hệ cứng lòng không chịu tin ! Tôi còn
phải ở cùng các người cho đến bao giờ, còn phải chịu đựng các người cho đến bao
giờ nữa ?” (Mc 9,19), khi
thấy các tông đồ không đủ xác tín. Ngài còn tỏ ra ngao ngán trước tính khí nóng
nẩy, háo thắng, tham vọng, kiêu căng như Tin Mừng kể lại : “các ông cãi nhau xem ai là người lớn hơn cả” (Mc 9,34) ; các ông xin lửa từ trời xuống thiêu hủy một làng người
Samari, vì họ không tiếp rước các ông (x. Lc 9,51-53), hoặc nhỏ nhen, cục bộ và
bực tức, khó chịu vì : “có
người nhân danh Thầy mà trừ qủy”
(Mc 9,38), rõ ràng nhất là chuyện tông đồ trưởng Phêrô đã giận dữ sử dụng bạo lực
khi “rút gươm chém đứt
tai tên đầy tớ” của Thượng tế
tên là Mankhô khi Đức Giêsu bị bắt (x. Ga 18,10). Trong bất cứ đề nghị mang tính
tham vọng, bạo lực, thiếu bác ái, huynh
đệ nào của các tông đồ, Đức Giêsu đều dậy
các tông đồ phải nhân hậu, bao dung, quảng đại, cởi mở, và hiền lành, khiêm nhường.
Điều đáng chú ý ở đây là sự kiên nhẫn trong giáo dục của
Đức Giêsu. Bằng chứng là Ngài không loại bỏ những thành viên “khó bảo, khó dậy,
khó đào tạo”, nhưng nhìn vào thiện chí đổi mới của các ông và ơn đổi mới của
Thiên Chúa. Ngài nhẫn nại trông cậy vào
Chúa Thánh Thần, Đấng sẽ đến sau Ngài để tiếp tục giáo dục, chỉ dậy, nhắc bảo,
đổi mới các tông đồ, như Tin Mừng Gioan đã ghi lại : sau khi trách
Philípphê : “Thầy ở với anh
em đã lâu, thế mà anh Philiphê, anh chưa biết Thầy ư ? Ai thấy Thầy là thấy
Chúa Cha. Sao anh lại nói : ‘Xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha’…” (Ga 14,9), Đức Giêsu đã khẳng định : “Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân
danh Thầy, Đấng đó sẽ dậy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều
Thầy đã nói với anh em” (Ga 14,26).
Thực vậy, cũng với tình yêu táo bạo và trung tín, Đức
Giêsu đã tin tưởng vào sự đổi mới của những con người hôm nay còn đang rất bất
xứng, bệ rạc, và ban cho họ ơn Chúa Thánh Thần để từng ngày nhận ra tình yêu của
Ngài dành cho họ, và họ sẽ được đổi mới bởi tình yêu táo bạo và trung tín này.
Thế nên ngày chịu chức, ngày tấn phong, ngày tuyên khấn
không được coi như đích đến, hay tột điểm của thánh thiện, vì như các tông đồ phải
chờ Chúa Thánh Thần hiện xuống, các vị mới “toàn tâm toàn ý” mãnh liệt xác tín sứ
vụ tông đồ, và hết mình thực hiện sứ vụ đó một cách qủa cảm bằng lên đường truyền
giáo khắp nơi, cho dù phải hy sinh chính mạng sống mình.
Do đó, phê phán với ác ý để làm mất uy tín, hạ thấp
danh dự những người của Giáo Hội thiết tưởng là việc không nên làm, nhưng phải
tránh, nếu chúng ta tin vào đường lối giáo dục mầu nhiệm của Thiên Chúa đối với
những người Chúa chọn. Vấn đề còn lại là các vị ấy có ý thức mình chưa hoàn thiện
để không kiêu căng, tự phụ, phách lối, cao ngạo, cửa quyền, trịch thượng, khinh
mạn, loại bỏ người này người nọ, nhưng từng ngày học với Chúa bài học hiền lành
và khiêm nhường (x. Mt 11,29), để trở nên mục tử tốt lành (x.Ga 10), vị thượng
tế biết cảm thương như thánh Phaolô viết : “Thượng tế nào cũng là người được chọn trong số người
phàm, và được đặt làm đại diện cho loài người, trong các mối tương quan với
Thiên Chúa, để dâng lễ phẩm cũng như tế vật đền tội. Vị ấy có khả năng cảm
thông với những kẻ ngu muội và những kẻ lầm lạc bởi vì chính người cũng đầy yếu
đuối ; mà vì yếu đuối, nên người phải dâng lễ đền tội cho dân thế nào, thì
cũng phải dâng lễ đền tội cho chính mình như vậy” (Dt 5, 1-3), đồng thời, giáo dân tức đoàn chiên của
các vị cũng phải ý thức : không ai
có quyền xét đoán, lên án ai (x. Mt 7,1-5), vì tất cả mọi người đều có thể
được đổi mới, và Thiên Chúa kỳ vọng ở cố gắng đổi mới của mỗi người, bởi Thiên
Chúa có đường lối giáo dục nhiệm mầu riêng của Ngài đối với từng người, và ban
đủ ơn cho những người có thiện chí trên đường đi theo và phụng sự Ngài.
Với ý thức: mình cần được trở nên tốt hơn, và không có
quyền xét đoán, lên án ai, chúng ta thực sự làm chứng tình yêu táo bạo, lòng
kiên nhẫn không gì sánh được trong công trình đào tạo con người của Thiên Chúa,
nhờ đó, chúng ta không bực dọc, bất mãn trước thiếu sót, kể cả tội lỗi của những
tông đồ, môn đệ Đức Giêsu, đồng thời giúp chúng ta biết thương cảm, chia sẻ,
nâng đỡ, cầu nguyện cho các vị, cũng như các vị luôn cầu nguyện cho chúng ta.
3. Thiên Chúa dùng tất cả để huấn luyện chúng
ta thành những “kẻ lưới người” thiện nghệ :
Mục tiêu của Ơn Gọi tông đồ là “các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh trở
nên những kẻ lưới người như lưới cá”
(Mc 1,17).
Với mục tiêu này, Đức Giêsu đã trực tiếp huấn luyện
các tông đồ, để các ông trở nên những ngư phủ thiện nghệ “đánh cá người”
trong cung cách hiền lành và khiêm nhường (Mt 11,29) của người đầy tớ trung tín
và tận tụy phục vụ (x. Mt 24,45) với nếp sống Bát Phúc (x. Mt 5,3-12), bằng
tinh thần cầu nguyện, phó thác, nhất là đời sống hy sinh của mục tử nhân lành sẵn
sàng hiến mạng sống vì đoàn chiên (x. Ga 10).
Để đạt mục tiêu trên, nghiã là để được trở nên “đồng hình đồng dạng” với Đức Giêsu (Rm 8,29), người đi theo Ngài được Ngài dẫn dắt qua mọi nẻo đường :
có nẻo đường thênh thang, nhưng cũng có nẻo đường lầy lội, quanh co, dốc đá, hiểm
trở ; có nẻo đường thơ mộng, lãng mạn, nhưng cũng có nẻo đường chán ngán,
thất vọng ; có nẻo đường đầy hoa thơm cỏ lạ, nhưng cũng có nẻo đường hoang
vu, đầy cạm bẫy ; có nẻo đường ngập tràn tình cảm đạo đức, nhưng cũng có nẻo
đường khô khan, nguội lạnh, hoang vắng ; có nẻo đường thánh thiện, ngát
hương thiêng nhân đức, nhưng cũng có nẻo đường
ngã qụy, giập vùi lê lết ; có nẻo đường hướng đạo người khác, nhưng
cũng có nẻo đường yếu đuối, đáng thương ; có nẻo đường khấp khởi mừng reo
chiến thắng, ngày về vinh quang, nhưng cũng có nẻo đường cô thân, thất bại, tủi
buồn, lầm lũi.
Và trên tất cả mọi nẻo đường, với mọi tình huống, tâm
trạng, Thiên Chúa luôn có mặt như người Cha nhân hậu giầu lòng thương xót, chậm
bất bình, rất khoan dung, nên không một chi tiết nào, dù dơ bẩn đến đâu, không
một mầu sắc nào, dù xám xịt, đen ngòm cỡ nào, mà không được Thiên Chúa dùng để
tạo nên tác phẩm tuyệt vời của Tình Yêu, bởi từ bàn tay và trái tim yêu thương
vời vợi, Thiên Chúa vẽ được những chữ thẳng trên những hàng kẻ cong, biến những
tội lỗi thành cơ hội để huấn luyện tâm tình thống hối, biết ơn, và sử dụng
chính những ngang ngược, kiêu căng, ngạo mạn, để dạy bài học khiêm tốn, bao
dung, nhân hậu với người khác. Xác tín điều này, thánh Phaolô đã qủa quyết với
tín hữu Rôma : “Chúng ta biết rằng :
Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh lợi ích cho những ai yêu mến Người, tức là
cho những kẻ được Người kêu gọi theo như ý Người định” (Rm 8,28).
Vì thế, sẽ không có lý do để chúng ta phê phán người
khác đang khi họ còn trên đường và chưa đến đích, bởi tất cả chúng ta đều là lữ
khách trên đường về, là môn sinh đang được đào tạo, huấn luyện để trở nên môn đệ
đích thực và xứng danh trong chương trình Cứu Thế của Đức Giêsu. Đó cũng là lý
do không cho phép chúng ta hoang mang, chao đảo, bất mãn trước những thiếu sót,
khuyết điểm, kể cả tội lỗi của người khác trong Giáo Hội, dù họ là ai, ở phẩm
trật nào, nắm giữ trách nhiệm quan trọng
đến đâu. Trái lại, với niềm tin vào chương trình đào tạo táo báo yêu thương và
kiên nhẫn đến cùng của Thiên Chúa, chúng ta giúp nhau tránh những vấp ngã, chia
sẻ với nhau những phương cách đối phó, giải quyết, mà không bôi bác, làm tổn
thương nhau, vì trên hết và trước hết, tất cả chúng ta là chi thể của một Thân
Thể duy nhất với đòi hỏi quan trọng nhất là Hiệp Nhất trong Đức Ái.
Giáng Sinh về, xin ơn Bình An của Ngôi Lời nhập thể ở
trong tâm hồn những người anh em đang lo âu cho tương lai, tiền đồ của Giáo Hội,
hay bất mãn, bực bội, thất vọng vì những “linh tinh, lôm côm, rắc rối” gây ra
cho Giáo Hội bởi chính những người của Giáo Hội, khi tin rằng Đức Giêsu yêu
Giáo Hội như Hiền Thê dấu ái và không ngừng đào tạo, đổi mới, thánh hoá tất cả
chúng ta, những con người ngu muội, yếu đuối, tội lỗi thuộc về Giáo Hội ấy, bởi cho những con người tầm thường, bết bát,
tội lụy là tất cả chúng ta, mà Đức Giêsu đã lập Giáo Hội của Ngài trên nền tảng
các Tông Đồ.
Jorathe Nắng Tím