Giáng Sinh là lễ của niềm vui Cứu Độ, khi Ngôi Lời Thiên Chúa đã nhập thế, nhập thể để cứu
con người khỏi chết đời đời; Giáng Sinh là ngày hân hoan, hạnh phúc, khi Tin Mừng :
“Thiên Chúa yêu
thương loài người” được loan báo.
Vì thế Giáng Sinh rất vui, vì là mùa của Tình Yêu ; Giáng Sinh rất mừng, vì
là mùa của Sự Sống !
Nhưng một biến cố tang tóc, đau buồn đã xẩy ra giữa mùa
Giáng Sinh vui mừng. Biến cố đã làm nghẹn ngào tiếng hát : “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, Bình an dưới thế cho người
thiện tâm” của các thiên
thần (Lc 2,14), bởi Thiên Chúa vừa mới sinh ra, chưa kịp được mọi người vinh
danh, thì kẻ ác tâm đã lấy đi nhiều mạng sống vô tội ngay tại Bêlem, nơi Thiên Chúa hạ sinh làm người ;
biến cố đã làm khựng lại chân sáo phấn khởi, hân hoan “vừa đi vừa tôn vinh ca tụng Thiên Chúa” của các mục đồng (Lc 2,20), sau khi gặp được Hài Nhi
bọc tã, “đặt nằm trên máng
cỏ” (Lc 2,16), bởi hàng trăm hài nhi vô tội ở Bêlem và vùng lân
cận đã bị giết chết oan uổng (x. Mt 2,16-18) ; biến cố đã làm hoa mắt các đạo
sĩ trên đường từ Bêlem trở về xứ sở, khi nghe tin các hài nhi dưới hai tuổi ở Bêlem,
nơi các vị vừa rời gót đã bị thảm sát theo lệnh của Hêrôđê, người đã khôn khéo
dặn dò các vị : “xin qúy ngài đi
dò hỏi tường tận về Hài Nhi, và khi đã tìm thấy, xin báo lại cho tôi, để tôi cùng
đến bái lậy Người” (Mt 2, 8) ;
biến cố đã làm thánh Giuse và Đức Maria
mất ăn mất ngủ, và “ngay trong đêm phải đưa Hài Nhi Giêsu trốn sang Ai Cập” (Mt 2,14) theo như lời thiên sứ khẩn báo trong giấc mộng (Mt 2,13) ; và
biến cố đã lấy đi sự sống vừa nẩy mầm của
hàng trăm trẻ thơ hoàn toàn trong trắng, ngây thơ, không can dự gì đến chuyện của
người lớn, không biết gì đến chuyện triều đình, quốc gia, không liên quan gì đến
chuyện ngai vàng, quyền lực, để niềm đau,
nỗi khổ cùng với máu vô tội dâng cao ngút
trời, làm chết ngất bao trái tim, tan nát bao cuộc đời ở Bêlem và vùng lân cận
như Tin Mừng Mátthêu mô tả : “Ở Rama, vẳng nghe tiếng khóc than rền rĩ : tiếng bà
Rakhen khóc thương con mình và không chịu để cho người ta an ủi, vì chúng không
còn nữa” (Mt 2,18).
Vâng, tác giả của biến cố tang tóc, đau thương giữa mùa
Giáng Sinh hồng phúc chính là Hêrôđê, vua dân Do Thái (x. Mt 2,16). Ông là vua,
nên khi nghe có “vua dân Do Thái” sắp sinh ra, ông đã hỏang hốt, lo sợ mất ngai vàng, và
tham vọng quyền lực đã thúc đẩy ông đi đến quyết định giết hết các trẻ thơ dưới
hai tuổi.
Thủ đọan thật tinh vi, khi ra lệnh giết hết các trẻ thơ từ
hai tuổi trở xuống ở Bêlem và các vùng lân cận, để bảo đảm trăm phần trăm việc
thủ tiêu Hài Nhi Giêsu, vị vua tương lai của dân Do Thái. Theo tính toán thâm độc
này, sẽ không có bất cứ xác suất dù nhỏ đến đâu, cũng như không còn bất cứ kẽ hở
nào để lọt Hài Nhi Giêsu, đối tượng phải khẩn trương tiêu diệt.
Là vua, và tự cho mình là Sao, nên khi biết có Vì Sao Cứu
Thế vừa xuất hiện ở Bêlem, trên lãnh thổ của mình đang trị vì, Sao Vua Hêrôđê đã
quay cuồng, điên đảo tìm truy diệt cho kỳ được “Vì Sao lạ”, có tiềm năng đối đầu, đối kháng. Và ông đã thần tốc ban
lệnh tiêu diệt “Vì Sao lạ” bằng ra lệnh tàn sát tất cả trẻ thơ trong vùng.
Dưới con mắt của phàm nhân, Hêrôđê là người “nhìn xa trông rộng” đã bao quát được
cả thời gian và không gian để Hài Nhi Giêsu, vua tương lai của dân Do Thái
không thể thoát khỏi bàn tay sát thủ của ông. Với suy tính của loài người, Hêrôđê
là người khôn ngoan, khi thấy trước, lường
xa những bất trắc, nguy cơ cho ngai vàng, bằng cách diệt ngay lập tức và tận gốc mọi mầm mống bạo loạn, chiếm quyền, cướp ngôi. Trong tầm nhìn
của con người, Hêrôđê là người biết tính toán, sắp đặt, khi không để bất cứ bất ngờ bất lợi nào gây ảnh hưởng xấu đến uy
quyền và vinh quang của mình. Tóm lại, ông là con người hoàn hảo, ông vua tuyệt
vời, lãnh tụ tài giỏi. Ông có tất cả những điều kiện thành công theo kiểu thế
gian, và như thế gian đòi hỏi, nhưng ông thiếu một điểm rất quan trọng để thành
người, đó là lòng nhân ái.
Thực vậy, không phải tất cả những ai thành công là thành
nhân, không phải cứ “công thành
danh toại” là thành người,
không phải cứ đạt địa vị cao, chỗ đứng tốt là người tốt và cao thượng. Bằng chứng
là trước mắt chúng ta, không biết bao nhiêu người thành đạt mà gian ác ;
không ít người làm lớn mà tầm thường, đáng kinh tởm , và được mấy người nắm giữ vị thế cao ngất ngưởng trong thế gian
mà nhân ái, dễ thương.
Như Hêrôđê, làm vua đáng lẽ để lo cho dân hạnh phúc, quốc gia phú
cường, nhưng ông lại thủ đọan, nham hiểm ra lệnh giết cả những công dân bé bỏng,
vô tội, tuổi đời chưa qúa hai năm, vì tham vọng cá nhân và cơn giận điên cuồng. Rất nhiều người thế giá khác
cũng đã dùng quyền, dùng tìền, dùng ảnh hưởng của mình để tiêu diệt người khác không kém dã man, tàn bạo
như Hêrôđê.
Hôm nay, Giáng Sinh về, chúng ta không quên biến cố tang
tóc, đau thương đ xẩy ra ở Bêlem và vùng lân cận vào mùa Giáng Sinh cách đây hơn
hai ngàn năm, và qua đó, chúng ta nhận ra:
1. Tội
ác là do chính con người gây ra :
Biến cố thảm sát hằng
trăm trẻ thơ vô tội được Tin Mừng Mátthêu tường thuật chi tiết chắc chắn
chống lại ý muốn của Thiên Chúa, vì Ngôi Lời giáng sinh cốt đem sự sống cho con người, và làm
cho sự sống con người đạt giá trị linh thánh, và tuyệt đối, khi chính Thiên Chúa
đã tự nguyện mang lấy “sự sống con
người” ấy.
Cũng vì Thiên Chúa làm người như chúng ta, sống sự sống của
loài người chúng ta, mà sự sống con người
không còn bị coi là rẻ rúng, tầm thường, vô vị, không giá trị, không ý nghiã.
Trái lại, sự sống ấy được nâng cao, được tuyệt đối tôn trọng và giữ gìn, bảo vệ,
để không ai có quyền hủy hoại sự sống ấy,
dưới bất cứ hình thức nào, dù là sự sống của mình hay của người khác, bởi sự sống
thuộc về một mình Thiên Chúa, và chỉ một mình Thiên Chúa có quyền trên sự sống,
sự chết của con người.
Do đó, khi có tội ác chống lại sự sống, thì chắc chắn tội
ác ấy phát sinh từ gian ác, bạo lực của con người, như Cain đã giết chết em mình
là Aben, và như Hêrôđê đã ra lệnh thảm sát hằng trăm trẻ thơ vô tội.
2. Đau
khổ là hậu qủa của tội ác :
Ở đâu có tội ác, ở đấy có đau khổ, cũng như ở đâu có tình
yêu, ở đó có Thiên Chúa, và ngược lại : khi có phúc đức của lòng nhân ái
thì có bình an, và có Thiên Chúa thì có niềm vui thiên đàng, nên phần lớn đau
khổ là do chính anh em gây ra cho ta, hoặc chính ta gây ra cho anh em.
Nếu Cain không ghen tức và không giết em mình, thì Aben đã
được sống, và cả Cain cũng không bị Thiên Chúa phạt, đến nỗi phải đau đớn than
thân trách phận : “Hình phạt dành
cho con qúa nặng không thể mang nổi. Đây, hôm nay Ngài xua đuổi con khỏi mặt đất.
Con sẽ phải trốn tránh để khỏi giáp mặt Ngài, sẽ phải lang thang phiêu bạt trên
mặt đất, và bất cứ ai gặp con sẽ giết con” (St 4, 13-14) ; nếu Hêrôđê không ra lệnh giết các
em bé, thì cha mẹ các em đâu phải chết ngất vì khổ đau, khi con không còn nữa ;
nếu cậu thanh niên mười tám tuổi bốn tháng Nguyễn Hữu Tình không vì tự ái khi bị
bà chủ trách mắng vì biếng nhác công việc, và bê tha bia rượu đã nhẫn tâm giết hết năm người của gia đình bà chủ, thì chẳng ai phải chết, và không bao giờ có bản án
tử hình khắc nghiệt cho chính bản thân.
3. Tội
ác và đau khổ vẫn có mặt trong thế giới loài người cho đến tận thế :
Đau khổ lớn nhất của con người là sự chết, và sự chết đã
theo tội lỗi vào thế gian, nên bao lâu còn con người thì còn tội lỗi, bao lâu còn
tội lỗi, bấy lâu còn đau khổ, sự chết. Vì lẽ đó, Thiên Chúa xuống thế làm người
để cứu loài người ra khỏi tội lỗi để con người được hạnh phúc ngay ở đời này,
khi tội lỗi không còn khống chế những con người biết mở lòng đón nhận ơn sủng cứu
độ của Ngôi Lời Thiên Chúa (x. Rm 5,12-19).
Điều này cũng có nghiã : Tội ác và đau khổ vẫn có mặt
trong thế giới loài người, chứ không tự động biến mất, khi Ngôi Lời xuống thế,
bởi Thiên Chúa luôn tôn trọng tự do của mỗi người để mỗi người tự chọn hoặc Thiên
Chúa hoặc thế gian, hoặc gian ác hoặc nhân hậu, hoặc làm người thiện tâm hoặc làm
người ác tâm, hoặc thuộc về Thiên Chúa hoặc thuộc về Satan, hoặc sống hoặc chết,
hoặc lên thiên đàng hoặc xuống hoả ngục.
Khi Tin Mừng được loan báo Đấng Cứu Thế đã sinh ra, các
thiên thần đã cho chúng ta biết : Bình An của Thiên Chúa chỉ dành cho những người
thiện tâm, những người được Thiên Chúa thương. Thiện tâm hay được Thiên Chúa thương
chính là những người có lòng tốt, có ý ngay lành, có nhân ái, có bác ái - yêu
thương, có từ bi - hỉ xả. Họ là những người sống chân thật với tấm lòng vị tha,
biết cảm thông và giúp đỡ, dám rộng lượng và khoan dung, bởi ơn An Bình của Ngôi
Lời nhập thể không tuôn đổ bừa bãi trên thửa đất cằn khô của ganh ghét, trong
những trái tim sào huyệt của thủ đọan, mưu
mô ác độc, ở những góc tối kiêu căng của quyền lực, danh vọng, nơi những con
người ích kỷ, tham vọng, hãm hại tha nhân.
Thực vậy, xuống thế giữa thế giới loài người đầy tội ác và
đau khổ, “Thiên Chúa làm
người” đã trở nên Ơn Cứu Độ, Ơn Bình An cho tất cả những ai tội
lỗi, đau khổ biết chạy đến và tin ở Ngài. Ngài chính là nơi nương náu cho tội
nhân, chốn ủi an của người bất hạnh, đau khổ (x. Mt 5, 3-12), đồng thời cũng là
Tiếng Gọi để mọi người đi theo Ngài lên đường loan báo Tin Vui cho toàn thể nhân
loại : Hôm nay Thiên Chúa thương loài người, “hôm nay Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em” (Lc 2,11), hôm nay đoàn chiên bơ vơ, ngơ ngác có Mục Tử
nhân lành đến ở cùng và hiến mạng sống “cho đoàn chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10, 10). Và chỉ “nhờ Ngài, với Ngài và trong Ngài”, con người mới ra khỏi
vùng tăm tối của tội ác và “thung lũng” nước mắt khổ đau.
Để chạy đến với Đức Giêsu, tin Đức Giêsu và theo Đức Giêsu,
chúng ta phải trở nên những con người thiện tâm, tức có lòng nhân ái, là điều
kiện thiết yếu để được “Thiên Chúa làm
người” thương và ban
tràn đầy ơn Giáng Sinh của Ngài, ơn giải thoát khỏi cạm bẫy của tội ác và hậu qủa
khổ đau, khi có Chúa là Chúa Chiên lành, có Nước Trời là gia nghiệp, có Lòng Thương
Xót là bến đỗ hạnh phúc, Bình An.
Ước gì thế giới sẽ giảm nhanh, thưa dần những biến cố
tang tóc, đau thương hằng ngày làm nhói tim, đứt ruột, khi tội ác không ngừng
lan rộng, hoành hành. Và điều ước ấy luôn đợi chờ sự cộng tác của mọi người thiện
tâm trong việc loan báo Tin Mừng của Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ, Đấng đến để cho
thế gian “được sống và sống
dồi dào” (Ga 10,10).
Jorathe Nắng Tím