Pages - Menu

Thứ Tư, 18 tháng 12, 2019

BẠO HÀNH TRẺ EM TRONG GIA ĐÌNH

Từ năm 1990, Việt Nam là nước đầu tiên ở Châu Á, và quốc gia thứ hai trên thế giới ký Công Ước Quốc Tế về Quyền Trẻ Em. Tuy thế, các cuộc bạo hành trẻ em trong gia đình, ở học đường, cũng như ngoài xã hội ngày càng gia tăng với  tốc độ chóng mặt. Nguyên nhân nào đã và đang đưa trẻ em chúng ta vào vùng bạo hành đầy đe dọa, nguy hiểm này ?
Thực vậy, nạn bạo hành trẻ em đang làm nhức nhối rất nhiều trái tim. Làm sao tim người yêu trẻ không nhức nhối trước những  Lương Văn Tĩnh ở Cao Bằng  đã  thường xuyên gánh chịu những trận đòn vô cớ của người cha bê tha rượu chè, suốt tuổi thơ cho đến ngày cha qua đời, những Đỗ Doãn Lập ở Bắc Ninh bị cha đánh bể đầu  bằng điếu cầy inox tháng tám năm 2015, những Phan Văn Sỹ ở Nghệ An bị  mẹ xích chân, đánh bầm mình bằng đòn gánh. Tháo được xích, em bỏ nhà đi hoang từ dạo mới bẩy tuổi. Làm sao lòng người yêu trẻ không quặn đau trước những bé gái như Nguyễn Thị Kim Linh ở Bình Thuận bị mẹ đổ xăng đốt sống chỉ vì không bán hết vé số mẹ giao, những bé thơ như Trần Phương Đại mới bốn tuổi đã  bị  cha bóp cổ chết, rồi vùi xác dưới cát, chỉ vì em thấy cha đi chơi với bồ nhí. Làm sao nước mắt cảm thương không xót xa chảy khi em bé Khương Minh Khôi, hai mươi lăm tháng tuổi bị bà ngoại là Thạch Thị Sương bạo hành  phải chuyển đến khoa cấp cứu của bệnh viện đa khoa Bạc Liêu ngày 6. 12.2019 trong tình trạng nguy kịch, và vụ việc xẩy ra gần  nhất, vào trung tuần tháng 12/2019  tại Sóc Trăng, khi  người cha  đã ép con trai tám tuổi uống rượu rồi đăng clip, để làm áp lực trên vợ, khi chị giận chồng bỏ đi. Đó là chưa kể những cảnh làm tan nát lòng người có trái tim yêu trẻ khi phải nghe kể những màn hành hạ dã man trẻ em tự kỷ ở một số trung tâm tự kỷ ngay tại thành phố Hồ Chí Minh.
Qủa thực, con số trẻ em bị bạo hành ngày càng tăng. Theo số liệu chính thức của cơ quan chức năng Việt Nam, thì mỗi năm có trên bốn ngàn vụ bạo hành nghiêm trọng phải xử lý trước pháp luật, nghiã là bên cạnh con số “bốn ngàn” này, còn rất nhiều “ngàn” vụ bạo hành chưa đạt đến mức trầm trọng để pháp luật phải nghiêm minh xử lý, nhưng điều này không có nghiã  không đem lại hậu qủa nặng nề cho nạn nhân.
Các nạn nhân đáng thương của bạo hành hầu hết đều còn ở tuổi thơ, cái tuổi phải được nuôi nấng, cưng chiều, ân cần dậy bảo ; cái tuổi quấn quýt bên mẹ cha, ngồi trên gối mẹ, trong vòng tay cha.
Các nạn nhân ở tuổi thơ bé bỏng đã không thể hiểu tại sao mình lại bị đối xử dã man, bị đánh đập như thú vật, bị xua đuổi như kẻ gian ác, bị chửi bới như kẻ thù bởi chính những người đã sinh ra mình ? Các nạn nhân thơ ngây ấy sẽ chỉ biết ghi nhớ vào da thịt từng cú đấm, từng cái tát, từng trận đòn, và khắc ghi vào xương tủy từng lời đay nghiến, từng ngày bị bỏ đói, từng đêm bị đuổi ra đường, từng lần bị lột trần truồng làm trò cười cho đám đông hàng xóm hiếu kỳ. Và tất cả những đau đớn trên thân xác, cũng như những đau khổ tinh thần được ghi nhớ, ghi khắc đó sẽ mãi ám ảnh suốt cuộc đời nạn nhân, mà hậu qủa là tính tự ty, nhút nhát, thiếu tự tin, tiêu cực trước mọi tình cảm, dè dặt, nghi ngại đối với mọi người, nhất là một mối căm thù không tên ngày càng lớn dần, chờ cơ hội bộc phát thành hành vi tội ác.
Vì thế, người ta không ngạc nhiên khi phần lớn nạn nhân bị bạo hành trong gia đình khi còn bé đã trở thành tội phạm khi trưởng thành. Những hình ảnh bạo hành khó tẩy xóa trong óc não, những vết thương, vết sẹo tình cảm bị tổn thương hằn sâu trong tâm hồn đã đánh thức các nạn nhân trở lại vùng bạo lực, đồng thời thôi thúc lòng căm thù và biến nạn nhân của bạo lực ngày xưa thành tác nhân của bạo lực hôm nay.          
Nếu quan sát kỹ lưỡng, người ta sẽ nhận ra một số nguyên nhân tâm lý  gây ra các vụ bạo hành trẻ em trong gia đình :
1.   Do cha mẹ tự cho mình độc quyền sở hữu con cái :
Vẫn biết con cái thuộc về cha mẹ và cha mẹ có quyền trên con cái. Nhưng ngoài quyền trên con, cha mẹ còn bổn phận nuôi dưỡng, giáo dục, mà bổn phận cao cả, quan trọng, nền tảng hơn hết, chính là Yêu Thương. Thiếu đi bổn phận yêu thương, cha mẹ không còn là cha mẹ đích thực ; sao lãng bổn phận yêu thương, cha mẹ không còn được coi là cha mẹ của con cái, bởi yêu thương bao trùm tất cả đời con, yêu thương ấp ủ đời con, yêu thương cho con lớn thành người, yêu thương xây dựng bản ngã, nhân vị, tương lai của con, yêu thương chuẩn bị cho con đôi cánh để con tự bay trong trời rộng thênh thang thuộc về con, yêu thương tập cho con từng bước để vào đời, yêu thương chấp nhận ở lại nhà dõi bóng con trên hành trình đời sống mà không trói buộc đôi chân con, không giam giữ tự do lựa chọn cuộc sống của con, và một khi đã yêu thương thì  loại bỏ “trước tiên, ngay lập tức và mãi mãi” những gì dính dáng đến bạo hành độc ác, bạo lực dã man, hung bạo làm sợ hãi.
Khi tự cho mình độc quyền sở hữu con cái, cha mẹ dễ quên ơn gọi làm cha mẹ để yêu thương, vì con cái cần ở cha mẹ tình yêu, lòng thương xót hơn tất cả những gì khác, do nhu cầu thiết yếu ở con cái chính là nhu cầu tình yêu.
Vì thế, một em bé, dù được ăn ngon, mặc đẹp, nhưng thiếu tình yêu của cha mẹ, cũng vẫn bất hạnh trong cuộc sống và mất quân bình trong tiến trình hình thành nhân cách. Tự cho mình độc quyền sở hữu con cái, cha mẹ sẽ biến con cái thành sở hữu vật hoặc phương tiện, và toàn quyền xử lý, sinh sát trên phương tiện, sở hữu vật đó. Đây là lý do nhiều cha mẹ khi được người ngoài can gián, khuyên nhủ đừng đánh đập, hành hạ con cái, đã ngang nhiên trả lời : “Con tôi, tôi sinh ra nó, nên tôi muốn làm gì trên nó thì làm”. Thế ra, hễ cứ sinh con là có toàn quyền cho con sống, hoặc bắt con chết ; hễ cứ làm cha mẹ là có quyền cho con làm con hoặc bắt con làm nô lệ. Não trạng thật đáng sợ và kinh khiếp đã và đang đe dọa biết bao cuộc đời con cái !
2.   Cha mẹ lầm lẫn giáo dục với trừng phạt :
Hình phạt trong giáo dục không bao giờ được mang tính bạo hành, bạo lực, vì giáo dục luôn được thôi thúc bởi tình yêu, và phải ở trong bầu khí yêu thương. Ở ngoài tình yêu, giáo dục không còn là giáo dục. Đây là nguyên tắc căn bản của giáo dục, nên khi không yêu thương, người ta không giáo dục.
Cha mẹ giáo dục con tất nhiên phải yêu thương con, nên khi sửa trị con bằng những hình phạt không mang tính tôn trọng nhân phẩm của con như sử dụng nhục hình, đọa đầy thân xác, chẳng hạn lột trần truồng, trói tay, xích chân, không cho ăn, hoặc đổ đồ ăn xuống đất và bắt con ăn như chó ; cũng như những hình phạt làm tổn thương tinh thần như chửi bới, nguyền rủa nặng lời, đại loại như : mày đừng sinh ra thì hơn, tao khổ vì mày, vì mày mà tao phải cơ cực, nuôi chó còn có lợi hơn nuôi mày, mày không phải con tao, mày là đồ vô tích sự, mày chết cho rồi, đi cho khuất … Tất cả đều không giáo dục, vì là bạo lực, bạo hành, và hoàn toàn ở ngoài,  đối nghịch với yêu thương.
Nếu đặt mình vào vị thế của con cái đang bị đánh đập, chửi rủa, cha mẹ sẽ thấy mình  không còn là con cái của cha mẹ yêu thương, không còn là thành viên của mái ấm gia đình, không còn là người được quyền làm con cái của cha mẹ, nhưng đơn thuần là kẻ thù không đội trời chung của cha mẹ, người đang la hét rủa xả và dã man đánh đập con cái.
Bị đặt vào hoàn cảnh bị cha mẹ trừng phạt tàn nhẫn như đang đánh quân thù ấy, hỏi có người con nào dám nghĩ mình là con cái được cha mẹ yêu thương, dám tin mình là con được sinh ra “từ lòng mẹ bao la như biển Thái Bình, từ công cha cao vời như núi Thái Sơn”. Chắc chắn là không, và mãi mãi là không trong tâm khảm những đứa con bị cha mẹ giáo dục bằng hành hình, tra tấn.
Tóm lại, không thể sử dụng bất cứ hình phạt nào phảng phất bạo lực khi sửa dậy con cái, bởi  giáo dục luôn dị ứng với bạo lực. Giáo dục đòi tình yêu, cần tình yêu và chỉ thành công với tình yêu. Do đó, cha mẹ đừng lầm lẫn giáo dục với trừng phạt, hiểu như phương tiện bạo lực để giáo dục con cái, bởi hành vi bạo lực dù với cách thế, hay mức độ nào cũng hoàn toàn phản giáo dục, vì đem lại những hậu qủa cực kỳ bất lợi cho con cái, và tai hại lâu dài trong tương quan giữa con cái với cha mẹ.
Ở đây, chúng ta cần thay đổi não trạng : “yêu cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”. Có thể nguyên tắc đã áp dụng cách đây năm chục năm mà không gây bức xúc, khi mà ý thức nhân phẩm, nhân vị còn chưa rõ nét, nhưng ở vào thời đại mới, khi ý thức về quyền con người, quyền trẻ em, quyền cá nhân, quyền sống và hưởng hạnh phúc cuộc sống phát triển cao và mạnh, thì nguyên tắc giáo dục bằng roi đòn, thiết tưởng không còn hợp thời, vì cuộc sống ngày càng phát triển bắt buộc ta phải bỏ lại sau lưng những gì không còn xứng hợp với đòi hòi, nhu cầu mới của con người. Chúng ta cũng đừng quên : có rất nhiều cách sửa trị mang tính yêu thương và đạt hiệu qủa giáo dục cao, mà đã là cha mẹ, ai cũng biết phải làm gì cho hợp tình, hợp lý, hợp cảnh, một khi đã nằm lòng ý thức : bổn phận và quyền lợi chính yếu của cha mẹ là yêu thương con cái đến cùng, và tình yêu không bao giờ đội trời chung với bạo lực.
3.   Cha mẹ không sống cuộc sống của con :
Khi cho mình độc quyền sở hữu con cái, cha mẹ đã sai lầm cho mình có cả quyền trên toàn thể cuộc sống của con, khi dành độc quyền làm chủ đời con. Cha mẹ quên rằng không ai sống thay ai, chết thay ai, nhưng  mỗi người có cuộc đời riêng, phải sống cuộc đời riêng, và một mình làm cuộc đời  ấy. Người khác, dù cha mẹ cũng chỉ là người chuẩn bị, hướng dẫn, nâng đỡ, đồng hành, nhưng không bao giờ thay thế.
Vì thế, cha mẹ sẽ như chim mẹ tập cho chim con bay, để con tự mình bay trong trời rộng thênh thang, vì cả bầu trời ấy thuộc về con, và con được tự do, tha hồ bay lượn, làm cuộc đời mình trong đó. Sống thay con, nói cách khác, bắt con sống theo kiểu sống, nếp sống của mình, mà không cho con tự do chọn lựa cuộc sống, đó là xâm phạm quyền sống, chiếm đoạt quyền làm người của con. Và điều đó không xứng hợp với tình yêu chân chính của cha mẹ dành cho con cái, bởi cha mẹ yêu con cách chân chính phải biết chuẩn bị cho con vào đời bằng đôi chân của con, chuẩn bị cho con nhập cuộc bằng  khối óc, bàn tay của con, chuẩn bị cho con thành người  bằng tạo cho con niềm tin vào sứ mệnh làm người, trang bị cho con tình yêu đối với bản thân, với người và cuộc sống, đặc biệt lòng tự tin vào khả năng, và thiện chí. Cha mẹ yêu thương sẽ không lấy cánh đại bàng của mình mà che kín bầu trời tương lai của con, cũng không dùng nanh vuốt sắc nhọn đe dọa ước muốn mạo hiểm trước cuộc đời của con, càng không trở thành hàng rào, tường cao ngăn chặn, giam hãm hạnh phúc dấn thân nhập cuộc của con trên hành trình làm người.
Tóm lại, chỉ tình yêu đích thực của cha mẹ mới chấm dứt thảm trạng bạo hành trẻ em trong gia đình ; chỉ lòng thương của cha mẹ mới giải phóng con cái khỏi  nỗi sợ và đe dọa bị đánh đập, nguyền rủa ; chỉ hy sinh của cha mẹ mới cho con niềm vui và hạnh phúc được lớn lên làm người tự tin, tự trọng, tự trách nhiệm đời mình ; chỉ tâm hồn bao dung của cha mẹ mới cho con chắp cánh bay vào trời tương lai hy vọng ; chỉ tinh thần khai phóng, cởi mở của cha mẹ mới thực sự giáo dục con trở thành những con người đứng vững và bước nhanh trên đôi chân của mình ; chỉ tấm lòng nhân hậu và tâm tình trìu mến, dịu ngọt của cha mẹ mới sửa chữa những sai lầm, lấp đầy những khiếm khuyết, làm tròn trịa những thiếu sót của con, và chỉ trái tim yêu thương đến cùng của cha mẹ mới thực sự cho con hạnh phúc suốt đời được làm con cái của cha mẹ.
Noel về, mùa của tình yêu gia đình, mùa của niềm vui bé thơ, mùa hạnh phúc của những trái tim đang yêu và được yêu.
Xin Ánh Sáng Tình Yêu xua đi đêm tối của bạo lực trong các gia đình, để không một bé thơ nào còn bị bỏ đói, bị đánh đập, bị xua đổi, bị nguyền rủa, bị tống khứ khỏi  nôi ấm tình yêu là Cung Lòng Cha Mẹ, khỏi mái ấm tình yêu là Gia Đình An Vui, Hạnh Phúc kể từ Mùa Giáng Sinh Tình Yêu này.
Jorathe Nắng Tím