Kinh
nghiệm bản thân cho phép chúng ta khẳng định : không gì khổ hơn khi phải sống với người thô lỗ, bậm trợn, sàm sỡ,
sỗ sàng, dơ dáy, bẩn thỉu, “ăn tục nói phét” ... Thế mới biết gánh nặng ngàn cân
phải gánh của người vợ có chồng “ăn nói” ngang ngược, lại thêm tật vũ phu, cái
tròng khó gỡ của những đứa con có cha “ăn ở” bừa bãi, “ăn mặc” không giống ai.
Thanh
lịch ở đây được hiểu là thanh tao, lịch thiệp. Đó là tình trạng, thái độ, nếp sống
ngược lại với những gì bị coi là không xứng hợp với con người trong cách ăn ở, ăn
nói, ăn uống, ăn mặc, nên người ăn ở bẩn thỉu, hôi hám vì biếng nhác dọn dẹp nhà
cửa, chăm sóc thân thể, người ăn nói tục tĩu, ngang ngược, người ăn uống bê
tha, thô lỗ, người ăn mặc lếch thếch, lôi thôi hay diêm dúa, lập dị như “lên đồng”
đều bị coi là người thiếu văn hoá thanh lịch.
Văn
hoá thanh lịch là dấu ấn của một xã hội văn minh, vì càng văn minh, con người càng
thấy mình phải nâng tầm đời sống, trong đó đời sống tinh thần nắm phần quan trọng.
Nhờ đời sống được nâng cao, con người không cư xử với nhau như thời còn “man di
mọi rợ” ; nhờ ánh sáng văn minh, người ta biết đối xử nhân văn hơn ; nhờ môi
trường văn minh, con người trở nên thanh nhã, lịch thiệp trong mọi sinh hoạt.
Trong
mọi sinh hoạt có nghiã toàn diện đời sống sẽ được nâng cấp, nâng tầm, để đời sống
chung trở nên nhẹ nhõm, dễ chịu, vui vẻ, hạnh phúc, ở đó, mọi sinh hoạt, từ hôn
nhân, gia đình, đến các sinh hoạt bên ngoài xã hội như học đường, đòan thể, nghể
nghiệp, chính trị… đều dễ thở, khoan khoái, đơn sơ, tốt đẹp, mang lại niềm vui
sống và nghị lực thăng tiến cho mọi người.
Như
thế, văn hoá thanh lịch còn là kết qủa của giáo dục, đào tạo, vì bất cứ nền văn
minh nào cũng phải đi qua ngưỡng cửa giáo dục, bởi không giáo dục, con người như
măng non sẽ thành những cây tre bất trị, những buị tre gai góc, không ích lợi
cho ai.
Chúng
ta hãy nhìn vào nếp “ăn ở” của người thiếu văn hoá thanh lịch, khi nhà cửa bừa
bãi, không ngăn nắp, trật tự, không sạch sẽ, nề nếp ; đồ ăn, thức uống nhơ nhớp,
mất vệ sinh, bầy bừa từ bếp đến giường nằm, xông lên mùi tanh tưởi. Chúng ta không
thể viện cớ nghèo mà tự cho phép ăn ở dơ dáy, không thể dựa vào thiếu thốn mà buông thả, bệ rạc, vì ngăn nắp, trật tự trong
nếp “ăn ở” là đòi hỏi tối thiểu đối với mọi người, không trừ ai.
Tiếp
theo, hãy quan sát cách “ăn nói” của người không có văn hoá thanh lịch. Họ sẽ nói
năng cộc cằn, sống sượng, nói không suy nghĩ, và bạ đâu nói đó, nói “tầm bậy tầm
bạ”, tục tĩu, thô bỉ, hồ đồ, sàm sỡ. Không được mọi người tôn trọng vì ăn nói “không
ra làm sao” đã đành, họ còn làm cho người đối diện phải ngượng ngùng, mắc cở, vì
những lời thô tục, hàm hồ, nhăng cuội, bốc phét của họ. Họ là những người không
những không kiểm soát được tính khí, mà còn không nắm bắt được điều gì mình nói
ra, chỉ vì thiếu hẳn một nền giáo dục làm người thanh lịch trong một xã hội có
văn hoá, văn minh.
Cả
trong cách ăn uống, người ta cũng cần được giáo dục ở gia đình, ngay từ tấm bé,
để không trở thành người ăn uống thô lỗ, “phàm phu tục tử”, ăn “không trông nồi,
ngồi không trông hướng”, ăn không ra người thanh nhã, lịch sự, nhưng bị khinh bỉ
và bị đời đánh giá : ăn không như người ăn.
Sau
cùng, chúng ta quan sát cách ăn mặc của người thiếu văn hoá thanh lịch. Họ sẽ ăn
mặc hoặc như người thiếu thốn, “khố rách áo ôm”, quần áo không giặt giũ đến nặng
mùi hôi hám, hoàn toàn khác với điều cha
ông đã căn dặn : “đói cho sạch, rách cho thơm” ; hoặc mầu mè sặc sỡ,
nhố nhăng, diêm duá, lập dị, khác người. Cả hai cách đều qúa đáng, vì lệch lạc,
khi không tôn trọng chuẩn định thanh tao, trang nhã, và lịch sự của xã hội.
Tính
cách thiếu văn hoá thanh lịch còn được nhận ra cả trong cách ăn xài, ăn chơi, bởi
người có văn hoá thanh lịch, dù ở hoàn cảnh
nào, với điều kiện nào cũng luôn có dáng dấp thanh nhã, tư thế thanh tao, phong
cách lịch sự của người văn minh, có văn hoá thanh lịch.
Để
làm người có văn hoá thanh lịch, chúng ta cần đến giáo dục, khởi đầu là giáo dục
con em ngay từ nôi ấm gia đình, để các em hiểu thế nào là thanh tao, trang nhã,
lịch sự, không chỉ trong tư tưởng, mà còn
qua cách ăn ở, ăn nói, ăn uống, ăn mặc … Và điểm quan trọng nhất là khi
sống có văn hoá thanh lịch, chúng ta không chỉ xây dựng vững chắc giá trị bản
thân, làm tăng lòng kính trọng của người khác, tạo thêm nhiều tương quan tốt đẹp,
gây nhiều tình cảm qúy báu, giúp mau chóng thành công, mà còn là một nghiã vụ đối
với xã hội loài người, bởi khi sống thanh lịch, chúng ta thể hiện tinh thần vị
tha, tôn trọng, yêu mến người khác một cách cụ thể, sống động và hữu hiệu nhất,
bởi nhờ ăn ở ngăn nắp, trật tự, khách đến nhà sẽ vui vì cảm nhận được ta trân
trọng đón tiếp ; nhờ ăn nói thanh lịch, người đối diện cảm thấy hạnh phúc,
vì những lời dễ thương, những câu nói thắm đặm tình nghiã, và sâu sắc lòng tôn
trọng của ta ; nhờ ăn uống thanh lịch, người đồng bàn sẽ “ăn ngon”, vì có
ta là bạn hiền, bạn biết “ăn sạch, ăn đẹp, ăn vui”, ăn trong hạnh phúc được cùng
nhau đồng bàn ; nhờ ăn mặc thanh lịch, ta không làm người chung quanh phải
khó chịu, bực bội, tránh né hoặc vì diêm
dúa, lập dị lôi kéo những ánh mắt khinh
bỉ, thị phi, hoặc vì áo quần nặng mùi, hay thân xác không được chăm sóc, tắm rửa
bốc mùi hôi.
Tóm
lại, sống trong xã hội văn minh của thế kỷ XXI, thời đại của kỹ thuật cực kỳ tân
tiến, chúng ta không thể bỏ qua văn hoá thanh lịch, vì văn minh loài người đòi
buộc con người phải thanh lịch, bởi không thanh lịch, ta không thể là người văn
minh. Có thanh lịch trong đời sống, sinh hoạt thường ngày giữa người với người
mới rộn rã vui tươi ; có thanh lịch trong ứng xử, đời sống xã hội mới rộn
ràng hạnh phúc ; có thanh lịch trong lời ăn tiếng nói, cuộc sống chung mới
tránh được căng thẳng, đố kỵ, tỵ hiềm.
Nếu
một xã hội ngày càng ngột ngạt vì qúa nhiều mâu thuẫn, bạo hành phần lớn do con
người không cư xử thanh nhã, lịch thiệp với nhau, thì một xã hội mà mọi người đều
được trang bị văn hoá thanh lịch sẽ đem lại niềm vui sống, nghị lực để thành công,
nhờ ai nấy đều trở thành chất xúc tác tuyệt vời của niềm vui, hy vọng, hạnh phúc
trong đòi sống.
Ước
mong những thanh toán đẫm máu, những chém giết lãng xẹc vì ngôn từ qua lại thô
lỗ, vì thái độ sàm sỡ, vì cách ứng xử không chút thanh lịch sớm chấm dứt trên đất
nước chúng ta, để mọi người không còn phải sợ hãi, khớp cơ, tránh mặt, xa lánh
nhau, nhưng thân thiện, chan hoà, ân cần chia sẻ, tương trợ, khi văn hoá thanh
lịch được đón nhận như nền tảng xây dựng một xã hội văn minh, nhân bản, điều kiện
không thể thiếu để sống chung an bình, hạnh phúc.
Jorathe
Nắng Tím