Pages - Menu

Thứ Sáu, 1 tháng 3, 2019

Mùa Chay - Mùa Hy Vọng

https://www.youtube.com/watch?v=XaCZSPkS_cs
Bài đọc sách tiên Tri Ezêkiel ngày cuối cùng của Mùa Chay, trước ngưỡng cửa Tuần Thánh mở ra một trời hy vọng: hy vọng đoàn tụ sau bao năm lưu đầy: “Này Ta sẽ kéo con cái Israel ra khỏi các dân, nơi chúng đã đến. Ta sẽ thâu họp chúng lại từ khắp nơi và đem chúng trở về trên đất của chúng” (Ed 37,21), hy vọng hiệp nhất sau những ly tan, cách biệt:” Ta sẽ làm cho chúng nên một dân tộc… Chúng sẽ không còn chia đôi làm hai nước nữa” (Ed 37,22), hy vọng trở về với Giavê Thiên Chúa sau những miệt mài phản bội và mê man bán thân trong sa đoạ: “Ta sẽ tẩy rửa chúng khỏi mọi thần ô uế và giải thoát chúng khỏi mọi bội phản” (Ed 37,23), hy vọng một đời thánh thiện, an bình có Giavê Thiên Chúa là mục tử chăn giắt: “Chúng sẽ là dân Ta và Ta là Thiên Chúa của chúng… Chúng chỉ có một mục tử và đi theo phán quyết của Ta. Chúng sẽ giữ các luật điều Ta dạy” (Ed 37,24), hy vọng có Thiên Chúa, Đấng hằng trung tín với điều Ngài đã ký kết ở cùng: “Ta sẽ kết với chúng giao ước bình an. Ta sẽ ở với chúng và Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng” (Ed 37,26-27).
Cả một trời hy vọng đang mở ra, mời gọi mầu tím xé lòng, xé hồn của Mùa Chay đi vào Tuần Thánh. Một trời bao la hy vọng với lời hứa đoàn tụ, tha thứ, giao hoà. Một trời thênh thang hy vọng với chương trình trả lại quyền làm con, trả lại quyền thừa kế, trả lại quyền sở hữu đất đai. Một trời rộn rã hy vọng với Giao Ước hoà bình, lời thề tình nghĩa. Một trời náo nức hy vọng với dòng dõi, miêu duệ ngày càng sinh sôi nảy nở và được chúc phúc bình an.
Một viễn tượng tươi đẹp chờ đón, một tương lai thịnh vượng trước mặt, một hạnh phúc an toàn, bảo đảm chờ con thuyền ghé bến. Mùa Chay đang giã từ màu tím suy tư trầm lặng, màu tím ăn năn day dứt, màu tím thống hối nghẹn ngào, màu tím hối hận xót xa. Mùa Chay cũng trở mình thức giấc và tung mình ra khỏi màu tím phân vân của buổi chiều trên đường về, vượt qua màu tím quạnh hiu của đêm dài nhớ “tội xưa lỗi cũ“, giã từ màu tím se thắt của cõi lòng khắc khoải, băn khoăn. Màu tím của khung trời Mùa Chay đang theo gió nhạt nhoà để thay bằng khung trời mới với màu xanh mới của niềm hy vọng.
 ngưỡng cửa Tuần Thánh, màu xanh tâm hồn nhú lên hy vọng được Thiên Chúa cứu độ và mầm hy vọng ấy sẽ trổ lá, đơm hoa, sinh nhiều quả ngon trái ngọt trong mùa Sống Lại.
Đức Kitô đã đưa ta vào Mùa Chay cầu nguyện với màu tím ăn năn, Ngài cũng đồng hành với ta vào Tuần Thánh với màu xanh của cành lá trên tay đám đông đang vẫy chào, chúc tụng Ngài trên đường vào thành thánh.
Tuy màu tím Mùa Chay đã khiêm nhường rút lui, nhưng không trái tim nào có thể quên nét hiền lành, dáng dễ thương của màu tím. Chính màu tím bẽn lẽn, thẹn thùng, trầm buồn, sầu tư đã âm thầm chuẩn bị màu xanh hy vọng cho Tuần Thánh, ở đó chúng ta được sống với Chúa cao điểm của Tình yêu cứu độ.

Mùa Chay - Mùa Tự Do

Tôi nhớ lời ca “Cho tôi được tự do, nói lên điều tôi nghĩ. Cho tôi được tự do, nói lên tiếng con tim” của phong trào Du Ca đã được sinh viên của thập niên bảy mươi ưa thích. Bài hát là khát khao tự do của người trẻ, là mơ ước của thế hệ đang lên, là niềm tự hào của bình minh tương lai đang ló dạng. Tự do không chỉ dành cho đám trẻ, là mục tiêu tranh đấu của giới trẻ, nhưng tự do là căn tính của con người, là chất làm cho con người là người, là đặc tính riêng biệt để con người không bị đồng hoá với con vật và tất nhiên tự do là điều kiện tất yếu cho con người hạnh phúc.
Con người không thể sống thiếu tự do, nên đau khổ và hình phạt nặng nề nhất đối với con người là lấy đi tự do của họ. Người tù có thể được ăn uống no đủ, chăn mền ấm áp, nhưng thiếu tự do, họ vẫn là người đau khổ, bất hạnh; trái lại, không có nhiều nhưng có tự do, con người vẫn cảm thấy mình hạnh phúc.
Tự do là một tình trạng trong đó con người làm chủ mình. Họ được làm những điều mình muốn, được sống cuộc đời mình chọn, được nói điều mình suy tư, đượcthực hiện điều mình mơ ước, được yêu thương người mình chọn. Tự do cho con người quyền quyết định cuộc đời và mưu cầu hạnh phúc cho đời mình cũng như đời những người thuộc về mình. Nói chung, tự do là trạng thái con người không bị gò bó, canh chừng, kiểm soát, áp chế, đe dọa.

Nhưng không phải có tự do là có quyền làm bất cứ điều gì, dù ảnh hưởng xấu đến người khác hay nguy hại lợi ích chung hoặc ỷ có tự do rồi phóng túng bừa bãi, bất chấp luật lệ, kỷ cương, nội quy, đường lối. Tự do vô kỷ luật là tự do tự hủy, tự do ích kỷ là tự do tự sát, tự do không cứu cánh là tự do tự thiêu, tự do không định hướng là tự do tự tử. Tự do tự nó không có ý nghĩa, giá trị gì, nhưng tự do luôn phải gắn với một đối tượng, một mục đích. Chính mục đích, đối tượng làm cho tự do trở thành một giá trị tuyệt vời, mang một ý nghĩa nhân bản sâu sa. Mục đích của tự do phải là hạnh phúc của chính mình và người khác. Người khác gắn với mình như một thực thể không thể tách rời, vì thế, khi tự do vi phạm quyền lợi và ảnh hưởng xấu trên hạnh phúc của người khác, tự do không còn là tự do chính danh, đúng nghĩa nữa mà là một lạm dụng không lương thiện bởi tự do bị lạm dụng đã làm tổn thương hạnh phúc là cứu cánh của con người, là mục tiêu của đời sống. Người ta sống để hạnh phúc, có ai sống để khổ đau bao giờ? Người ta làm việc để tìm hạnh phúc, hy sinh cho hạnh phúc, chứ đời nào dại dột “chịu thương chịu khó” để chuốc vào người bất hạnh. Vì thế tự do cũng phải đi theo hướng mưu tìm hạnh phúc và một khi trệch hướng, sai đường, tự do tức khắc sẽ phản bội con người và không được coi là giá trị có tính nhân bản nữa, vì đánh mất ý nghĩa, mục tiêu của mình.


Nhưng làm sao để biết mình có tự do?
Những ngày gần kề cuộc tử nạn, Đức Kitô đã đi thẳng vào cốt lõi của sứ mệnh cứu thế của Ngài và thẳng thừng chỉ mặt những người Biệt Phái, Luật Sĩ, Tư Tế giả hình. Trong bài Tin Mừng tuần cuối Mùa Chay Ngài đã gọi đám người này là nô lệ, những người không có tự do và không được quyền ở trong nhà Thiên Chúa. Tình hình sôi sục, căng thẳng giữa Đức Kitô và những người lãnh đạo tôn giáo đã rút ngắn hơn kế hoạch tiêu diệt Ngài và họ làm đủ cách để bắt và kết án Ngài.
Tiến trình tự do theo Đức Kitô bắt đầu bằng trung thành sống theo lời Ngài. Một khi đã sống lời Ngài, con người có sự thật và sự thật của Lời Ngài giải phóng con người khỏi mọi ràng buộc, gông cùm, xiềng xích của tội lỗi để con người được tự do. Tự do theo Ngài là sống sự thật của Lời Ngài, vì chỉ sự thật của Lời Ngài mới đảm bảo có tự do và là nền tảng vững chắc cho tự do; mới trả cho con người quyền tự do đích thực của con cái Thiên Chúa, Đấng đã ban cho con người tự do như hình ảnh Ngài ngay khi tạo dựng: “Nếu anh em tuân giữ lời Ta, anh em là môn đệ Ta và khi ấy anh em sẽ biết được sự thật. Chính sự thật sẽ đem lại tự do cho anh em” (Ga 8,31-32).
Chính sự thật đem lại tự do và sự thật là Lời Chúa. Như thế, Đức Kitô đã phủ nhận sự thật nơi miệng lưỡi thế gian và cảnh giác ta đừng nghe theo lời dụ dỗ, tán tỉnh của con người, nhưng chú tâm, lắng nghe và thực hành Lời Chúa. Bởi Lời Chúa có sự thật, nên ngoài Lời Chúa xác suất sự thật biến thiên, trồi sụt và không có gì bảo đảm.
Không có gì bảo đảm cho sự thật tức không có gì bảo đảm cho tự do, vì tự do được xây trên sự thật. Ở đây ta thấy Đức Kitô nhấn mạnh sự thật như nền tảng và cội nguồn của tự do. Sự thật làm phát sinh tự do, nuôi dưỡng tự do, củng cố tự do, thúc đẩy tự do, hướng dẫn tự do. Sự thật làm cho tự do trưởng thành, sự thật làm cho tự do kiên vững, sự thật làm cho tự do trường tồn. Vì thế, để đánh phá tự do, tiêu diệt tự do, hủy hoại tự do, đầu độc tự do, người ta chỉ cần đầu độc, hủy hoại, tiêu diệt, tấn công sự thật. Để xóa bỏ tự do, người ta chỉ mất chút công làm suy thoái sự thật, hạ cấp sự thật, bóp chết sự thật. Mất sự thật như nền tảng, như lẽ sống, tự do bắt buộc phải buông tay đầu hàng, bỏ cuộc.
Sự thật của Lời Chúa là sự thật của Tình Yêu. Lời Chúa là lời của tình yêu, lời tâm sự của trái tim Thiên Chúa với trái tim con người. Toàn bộ Kinh Thánh vĩ đại, đồ sộ ghi lại Lời Chúa đã chỉ mạc khải duy nhất một chân lý Thiên Chúa là Tình Yêu và Thiên Chúa ấy tha thiết yêu con người, dù con người chẳng là chi, chỉ là thụ tạo, nhưng là thụ tạo được Thiên Chúa đặc biệt cưng chiều, yêu thương. Chân lý của Lời Chúa là chân lý yêu thương, chân lý về một Tình Yêu đã nhập thể, nhập thếđể chuộc lại con người đã hư mất vì tội lỗi, chân lý về một Thiên Chúa làm người để chia sẻ với con người thân phận người, kiếp người, đời người như bằng chứng của một Tình Yêu vô cùng bao la, vĩ đại. Lời Chúa đầy ắp sự thật về một Thiên Chúa khắc khoải, đợi chờ, yêu thương, bênh đỡ, cứu độ người có tội và rộng lượng, bao dung thứ tha. Chân lý ngàn đời của Lời Chúa là hạnh phúc của con người từ nay được chuộc lại bằng máu của Con Thiên Chúa. Và công trình chuộc lại quyền làm con Thiên Chúa cho con người là chân lý ăm ắp, trải dài, miên man trong Lời Ngài.

Sự thật tình yêu của Thiên Chúa Tình yêu ấy là sự thật chắc chắn, sự thật cứu độ, sự thật ban sự sống. Sự thật về con người được Thiên Chúa yêu thương ấy là sự thật nền tảng, sự thật bảo đảm cho hạnh phúc của kiếp người, cho tương lai đời đời của con người trong đời sống mai hậu, bất diệt. Sự thật của Lời Chúa cho con người một chỗ đứng xứng đáng trong thế giới với tư cách chủ nhân có quyền trên mọi tạo vật và vị thế của con người trong cung lòng yêu thương của Thiên Chúa. Sự thật của Lời Chúa cũng cho con người nhận ra mình là con Thiên Chúa và có quyền thừa kế gia sản vĩnh cửu của Cha trên Trời.
Sự thật tình yêu ban tình yêu và trong tình yêu, ta có tự do. Bởi tình yêu là tự do, nên không thể quan niệm được một tình yêu không tự do. Chính tự do cho tình yêu thành hình, cũng như chính tình yêu phát sinh tự do. Tình yêu và tự do luôn hiệp nhất, đan quyện trong nhau, không thể tách rời. Khi yêu ai, ta yêu họ bằng tự do của mình. Có tự do, tình yêu mới là tình yêu đích thực, chính danh và mang một giá trị, nên cưỡng chế tình yêu là giết chết tình yêu, áp đặt tình yêu là hủy hoại tình yêu, xiềng xích tình yêu là phá đổ tình yêu. Tự do như hơi thở, như máu của tình yêu. Tự do như nắng mưa, sương trời nuôi sống tình yêu và như cơn gió cho diều tình yêu lên cao trong trời rộng.
Đức Kitô đặt nền tảng của tự do trên Lời Ngài, vì Lời Ngài là sự thật về Thiên Chúa, về con người và về nguồn cội, sứ mệnh, định mệnh của con người. Ở Lời Ngài, con người biết Thiên Chúa là ai và mình là ai, tương quan giữa Thiên Chúa và con người là tương quan nào và làm thế nào để con người đạt mục đích hạnh phúc đích thực của đời mình. Ở Lời Ngài, con người có sự thật về thế giới hữu hình đang sống và thế giới vô hình của đời đời mai hậu. Ở Lời Ngài, con người không còn nghi nan, hoang mang, mơ hồ về quá khứ, hiện tại, tương lai của đời mình, cũng không còn sợ hãi trước viễn cảnh một chuyến đi biền biệt vào một cõi sau xa lạ, đầy đe dọa…
Như thế, người tự do là người sống sự thật trong Lời Chúa, cắm sâu đời mình trong Lời Chúa. Họ được tự do vì sự thật của Lời Chúa luôn giải phóng họ khỏi mọi xiềng xích, ngục tù nô lệ; bởi Lời Chúa là Lời ban sự sống, tình yêu, sức mạnh và bình an. Lời Chúa không đàn áp, khống chế, đè bẹp ai, nhưng giải cứu, tháo gỡ, cởi trói, mang lại tự do. Lời Chúa mời gọi, đề nghị, khuyến khích mọi người nhưng không trói buộc, áp đặt ai. Lời Chúa là sự thật tình yêu, sự thật tự do, sự thật hạnh phúc. Ai ở trong Lời Ngài thì có hạnh phúc, tự do, tình yêu, sự thật. Lời Chúa giải phóng con người, thăng tiến con người, cứu độ con người để tất cả được trở nên con cái tự do của Thiên Chúa tình yêu, một Thiên Chúa đã nâng con người vượt trên tất cả các thụ tạo khác bằng ban cho con người Tự Do như hình ảnh của Ngài, hình ảnh một Thiên Chúa tự do trong tình yêu và tình yêu trong tự do.

Mùa Chay cho ta nhiều cơ hội lắng nghe Lời Chúa để nhận ra mình chưa có tự do hay mới chỉ một chút tự do chắp nối, hời hợt. Mùa Chay được sống Lời Chúa, ta mới thấy mình bấy lâu vẫn “vui” với đời nô lệ. Làm thân nô lệ, đáng lý phải sầu buồn, u uất, bất hạnh, đàng này lại vui thì quả là một dấu hiệu căn bệnh nô lệ kia đã trầm kha, sắp đến thời kỳ chót, nan y, bất trị. Ý thức mình chưa tự do là bước thứ nhất phải thực hiện để những bước sau sẽ là tìm đến Lời Chúa, học hỏi Lời Chúa, yêu mến Lời Chúa, tin tưởng Lời Chúa, ký thác ở Lời Chúa, cầu nguyện bằng Lời Chúa, sống Lời Chúa và nhiệt tâm loan truyền Lời Chúa cho mọi người bằng mọi phương tiện. Và chúng ta sẽ hạnh phúc vì mình được tự do yêu mến, tự do phục vụ, tự do gọi Thiên Chúa là Cha - Abba và gọi mọi người là anh chị em tôi.
Ước mong Mùa Chay sẽ là mùa chúng ta được tự do như những đứa con tự do của Thiên Chúa Tình yêu.

MÙA CHAY Cầu Nguyện


    Chúa muốn con cầu nguyện, vì khi cầu nguyện con bắt được liên lạc với Chúa, lọt vào vùng phủ sóng của Chúa, trực tiếp “on line”, nhắn tin, Face time, Facebook, Zalo với Chúa. Chúa muốn con sống đời cầu nguyện, để con với Chúa cận kề, để con được đồng hình đồng dạng và hiệp nhất nên một với Chúa. Cầu nguyện còn cho con nghe được tiếng Chúa nhắn nhủ, dậy bảo, và Chúa nghe được tiếng con thân thưa, kêu cầu.

    Như thế, cầu nguyện là Chúa và ta gặp gỡ, kết nối, giao lưu, hoà nhập với nhau, tức con gặp Cha, hai tâm hồn yêu nhau giao lưu, hiệp thông, đồng tình, đồng cảm, Thiên Chúa toàn năng giầu lòng thương xót kết nối với con người giới hạn, bất toàn, cần được xót thương, Đấng Chủ Tạo hạ mình để thụ tạo được hoà nhập trong Tuyệt Đối, Vô Cùng.
    Đức Giêsu đã liên lỉ cầu nguyện với Chúa Cha. Ngài cầu nguyện nhiều đến độ các tông đồ đã phải tự ý xin Ngài dạy các ông cầu nguyện (Lc 11, 1), vì các ông thấy không thể đi theo và ở với Ngài, nếu không cầu nguyện. Cầu nguyện vì thế phải trở thành lẽ sống, sức sống, chính đời sống, nói cách khác, đời của người môn đệ Đức Giêsu là đời cầu nguyện. Đây vừa là định nghĩa vừa là đòi hỏi không thể thiếu ở tâm hồn người muốn đi theo và thuộc về Đức Giêsu.
    Khi dạy các tông đồ cầu nguyện (Lc 11, 2 - 4), Đức Giêsu đã dậy các ông nội dung của cầu nguyện. Nội dung ấy gồm có:
    1/ “Tất cả mọi chúc tụng, vinh quang, danh dự đều quy về một mình Thiên Chúa là Cha toàn năng” (Lc 11, 4).
   Điều đó có nghĩa ta không cầu nguyện cho vinh quang của ta, không xin Chúa cho danh tiếng ta được mọi người biết đến và ngưỡng mộ, không nài xin Chúa cho quyền lực của ta vững mạnh hơn, lãnh địa của ta rộng lớn hơn, ảnh hưởng của ta bao trùm, phủ kín thiên hạ hơn, bởi một lý do duy nhất : mọi người được sinh vào đời bởi tình yêu của một Thiên Chúa là Cha, và người Cha Thiên Chúa đáng được con cái mình yêu mến, tôn thờ và phụng sự. Vì chung một Cha, nên mọi người là anh chị em của nhau, và một khi đã là anh chị em, không ai có quyền thống trị ai, càng không được phép bắt người khác sùng bái, chúc tụng, phục dịch, tôn vinh mình.
   Do đó, cầu nguyện cho vinh quang của mình là kiêu căng dành quyền được vinh quang của Thiên Chúa ; cầu nguyện cho thế lực thống trị của mình là ngạo mạn tước đoạt quyền được phụng thờ của Thiên Chúa, và việc chúc tụng, tôn vinh Thiên Chúa càng “chính đáng, công bình và mang lại lợi ích cho phần rỗi chúng ta” bao nhiêu, thì việc tự tìm vinh quang mình, tự xây ngai vàng cho mình càng lố bịch, điên rồ, bất công và nguy hại cho phần rỗi của chúng ta bấy nhiêu.

   2/ Khi chân nhận chỉ một mình Thiên Chúa là Đấng chí Thánh, là Cha toàn năng mà mọi vinh dự và vinh quang phải quy hướng về, chúng ta cũng nhận ra thân phận thụ tạo có giới hạn, yếu đuối, mong manh, vô thường của mình để khiêm tốn cầu xin với Đấng là nguồn của mọi sự thánh thiện, nguồn của mọi hồng ân, nguồn của mọi hạnh phúc, hoan lạc làm đầy những lổ hổng thiếu thốn phần hồn, phần xác của ta.
   Vì biết mình thiếu thốn, chúng ta xin Chúa ban “hằng ngày dùng đủ” (Lc 11, 3) : đủ ăn, đủ mặc, đủ chỗ ở, đủ việc làm để nuôi mình và gia đình, đủ sức khỏe thể xác, đủ nghị lực tinh thần, đủ đạo đức, đủ nhiệt huyết, đủ tình thân, đủ nghĩa khí, đủ những đức tính cần thiết như khôn ngoan, tiết độ để sống tốt, sống đẹp, sống nhân ái, thánh thiện.
    Xin Chúa cho “hằng ngày dùng đủ” để không rơi vào cạm bẫy của tội ác chỉ vì túng bấn, sa lầy trong bạo lực chỉ vì nghèo khổ, rớt xuống vực thẳm dối trá, lưu manh chỉ vì bế tắc, không còn đường sống. Nhiều người vô tội đã trở thành “vô số tội” chỉ vì đã không may mắn mắc phải cái tội nghèo, nguyên nhân của nhiều tội khác.
    Nhận ra phận làm con bé bỏng, phận làm anh chị em thân thương trong gia đình Thiên Chúa, chúng ta khó có thể cầu nguyện với thái độ kiêu căng của người biệt phái mà thánh Luca đã mô tả : Người biệt phái đứng thẳng và cầu nguyện rằng : “Lạy Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác : tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia. Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con”. Còn người thu thuế thì đứng đàng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời, nhưng vừa đấm bực vừa thưa rằng: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi” (Lc 18, 11-13).
   Trái lại, vì biết mình đáng thương, và luôn được Thiên Chúa và anh chi em mình xót thương, chúng ta sẽ không ngại cúi mình đấm ngực xin ơn tha thứ khi cầu nguyện, khiêm tốn, kín đáo, âm thầm cầu nguyện cùng Cha trên trời, Đấng biết mọi sự tận đáy sâu tâm hồn mỗi người (Mt 6, 6). Vì biết mình tội nhiều hơn phúc, công đức nhẹ hơn lỗi lầm, nên ta sẽ không xấu hổ sấp mình tha thiết nài xin như người đàn bà ngoài đạo đã khẩn khoản Đức Giêsu mà Tin Mừng đã tường thuật một cách sống động và xúc động : “Các môn đệ lại gần xin với Đức Giê su rằng : Xin Thầy bảo bà ấy về đi, vì bà ấy cứ theo chúng ta mà kêu mãi !”. Người đáp : “Thầy chỉ được sai đến với những chiên lạc nhà Itraen mà thôi”. Bà ấy bái lậy mà thưa Người rằng : “Lạy Ngài, xin cứu giúp tôi !” . Người đáp : “Không nên lấy bánh dành cho con cái mà ném cho lũ chó con”. Bà ấy nói : “Thưa Ngài, đúng thế, nhưng mà lũ chó con cũng được ăn những mảnh vụn bánh trên bàn chủ rớt xuống”. Bấy giờ, Đức Giêsu đáp : “Này bà, lòng tin của bà mạnh thật. Bà muốn sao, thì sẽ được như vậy”. Từ giờ đó, “con gái bà được khỏi” (Mt 15, 23 - 28).
   3/ Nội dung sau cùng Chúa dạy các tông đồ cầu nguyện, đó là cầu xin ơn tha thứ cho kẻ thù của mình (Lc 11, 4).
   Cao điểm của Đức ái Kitô giáo là yêu thương, tha thứ và cầu nguyện cho kẻ thù. Khi dạy chúng ta tha thứ cho kẻ thù, Đức Giêsu muốn chúng ta thực hiện việc tha thứ đó bằng cầu nguyện cho kẻ thù được Thiên Chúa tha thứ, như chúng ta đang cầu xin ơn tha thứ cho chính mình. Thực ra, chúng ta có xứng đáng gì để tha thứ cho người khác, dù họ đã ít nhiều xúc phạm, làm tổn thương ta.
Nếu đã nhận mình cũng đáng trách, đáng ghét, đáng lên án và đáng thương , vì cũng đã “làm nhiều điều gian ác trước Thiên Nhan”, và cũng đã gây không ít bất công cho người khác như kẻ thù đã gây cho ta, thì thái độ kênh kiệu với não trạng và ảo tưởng “bàn tay sạch của người thánh thiện, công chính” tưởng sẽ khó có thể được ta nhận về cho mình.
   Vì thế, khi cầu nguyện với tâm tình của người con hoang đàng đã trót dại “lỗi phạm với Trời và với Cha” (Lc 15, 18), như trong Tin Mừng Luca mô tả, chúng ta sẽ chỉ dám cầu xin với Thiên Chúa ơn tha thứ cho kẻ thù, mà không dám vênh váo, huyênh hoang vơ vào cho mình quyền tha thứ, để trân tráo, kiêu căng “chỉ tay năm ngón” tha cho người này, tha cho người nọ, vì thực chất, ta cũng tội lỗi như họ, trái tim ta cũng chất chứa đủ “mưu thâm chước độc”, cõi lòng ta cũng bừa bộn, nhơ nhớp, bàn tay ta cũng nhầy nhụa bạo lực, bất chính như kẻ thù, có khi còn ghê gớm, kinh tởm hơn cả kẻ thù bị ta coi là tồi tệ, xấu xa nhất.
   Do đó, chìa khoá để mở cửa lòng xót thương của Thiên Chúa, mở kho tàng ơn phúc của Nước Trời chính là việc cầu nguyện cho kẻ thù. Trong Tin Mừng Mátthêu, Đức Giêsu đã khẳng định : người đầy tớ kia mắc nợ ông chủ mười ngàn yến vàng. Vì không có gì để trả đã được ông chủ tha hết, nhưng ngay sau khi được tha hết nợ, anh ta đã không tha cho người bạn chỉ nợ anh một trăm quan tiền, món nợ quá nhỏ bé so với số nợ kếch sù anh vừa được ông chủ tha hết cho. Vì thế, không những không được tha nợ, người đầy tớ không có lòng thương xót ấy còn bị ông chủ tống vào ngục tối, vì ác độc đã “không thương xót đồng bạn, như đã được ông chủ thương xót” (x. Mt 18, 23 - 35).
   Và nếu việc cầu xin ơn tha thứ cho kẻ thù làm chạnh lòng Thiên Chúa, bắt trúng nhịp đập trái tim thương xót, bao dung của Ngài, thì việc cầu xin ơn tha thứ cho kẻ thù ấy cũng tránh cho ta khỏi mọi cám dỗ và sự dữ, bởi cám dỗ nặng nề nhất chính là ganh ghét, và sự dữ tàn phá kinh khủng nhất cũng là ganh ghét.
   Người biết và dám tha thiết khẩn nài ơn tha thứ cho kẻ làm khổ mình, biết và dám ước mong điều tốt lành cho kẻ vu oan, giáng họa cho mình, biết và dám hy sinh cho hạnh phúc của kẻ không yêu thương nhưng cố tình gây khó khăn, thiệt hại cho mình sẽ khó rơi vào cám dỗ của lòng ganh ghét và tránh được rất nhiều sự dữ, vì hầu hết các sự dữ đều phát sinh từ lòng ganh ghét. Cain, con trai đầu lòng của ông bà nguyên tổ Ađam – Evà đã chẳng giết em trai minh là Abel chỉ vỉ ganh ghét đó sao ? Và cơn cám dỗ đầu tiên, tội đầu tiên, sự dữ đầu tiên sau tội nguyên tổ đã là lòng ganh ghét (St 4, 1 - 8).
   4/ Một điều quan trọng sau cùng cần biết khi cầu nguyện là biết Thiên Chúa yêu thương hết mọi người, vì Thiên Chúa là Cha của mọi người, bất luận người đó là ai, xấu tốt thế nào.
   Chính vì yêu thương hết mọi người, mà Thiên Chúa muốn hết mọi người giao lưu, liên lạc, hiệp thông với Ngài trong tình yêu. Thiên Chúa yêu mọi người, và muốn chúng ta yêu như Ngài, khi dạy chúng ta tha thứ cho kẻ thù ; Chúa muốn tất cả “không sa chước cám dỗ”, tức không rơi vào tình trạng ganh ghét; Chúa muốn tất cả thoát mọi sự dữ, là trái đắng của hận thù, bạo lực, hệ quả tất yếu của lòng ganh ghét.
   Xác tín Thiên Chúa yêu thương mọi người và mời gọi mọi người cầu nguyện với Ngài và như Ngài, bất kể họ là ai, trong đạo hay ngoài đạo, thánh thiện hay tội lỗi, chúng ta sẽ không cầu nguyện cho người khác với ý nghĩ ích kỷ, phân cách:
Thiên Chúa chỉ yêu ta, và ta cầu xin Thiên Chúa thương yêu họ, mà quên rằng Thiên Chúa yêu tất cả chúng ta trước khi chúng ta biết và yêu mến Ngài, đồng thời Ngài yêu mọi người như yêu ta, và xót xa hơn ta gấp bội, khi một con người là hình ảnh Ngài, là con đã được cứu chuộc bằng giá máu của Ngài phải hư đi, xa khỏi vòng tay yêu thương đời đời của Ngài.
    Tóm lại, để lời cầu của chúng ta đẹp lòng Chúa, để Thánh Ý được thể hiện trong việc cầu nguyện, chúng ta không thể ra ngoài kinh nguyện của chính Đức Giêsu. “Của chính Đức Giêsu”, vì đó là kinh nguyện của chính Ngài dâng lên Chúa Cha ; là chính khắc khoải, mơ ước, chương trình của Ngài. Ngài muốn chúng ta cầu nguyện với Ngài, và như Ngài, vì Ngài biết chỉ một mình Ngài mới thực là “Con yêu dấu của Chúa Cha và đẹp lòng Chúa Cha mọi đàng”  (Mt 3, 17).
   Mùa chay là mùa tăng tốc cầu nguyện, mùa hối hả, hăng say đi tìm gặp gỡ, kết hiệp với Thiên Chúa và anh em, cũng là mùa trở về với tâm hồn để học cầu nguyện với Đức Giêsu, học nội dung của cầu nguyện, học thái độ, cung cách cầu nguyện, học tinh thần cầu nguyện để cầu nguyện trở thành niềm vui khôn tả của người mang trong cuộc đời, có trong cuộc sống Đức Giêsu, nguồn Tình Yêu và Ơn Phúc.
   Jorathe Nắng Tím


HÃY TRỞ VỀ


                                  Thứ Tư Lễ Tro : (Mt 6, 1-18)



   Trọng tâm của Lời Chúa hôm nay là hãy trở về với Thiên Chúa, vì Ngài là Đấng từ bi và nhân hậu.

   Ngôn sứ Giôen khoảng năm 400 trước Đức Giêsu đã kêu gọi mọi người : “Hãy hết lòng trở về, hãy ăn chay, khóc lóc, và thống thiết than van. Đừng xé áo nhưng hãy xé lòng. Hãy trở về cùng Đức Chúa là Thiên Chúa của anh em, bởi vì Ngài từ bi và nhân hậu, chậm giận và giầu tình thương” (Ge 2,12-13).
    Ông kêu gọi xé lòng thay vì xé áo, và xây dựng việc ăn chay, thống hối trở về trên nền tảng lòng nhân hậu của Thiên Chúa. Nói cách khác, sự trở về của con người chỉ có thể được thực hiện vì Thiên Chúa từ bi, nhân hậu.
   Thánh Phaolô khẳng định sự trở về của chúng ta là do ơn sủng : “Trong Đức Kitô, Thiên Chúa đã cho thế gian được hoà giải với Người. Người không còn chấp tội nhân loại nữa” (2Cr 5,19). Nhưng mỗi người phải cộng tác “bằng cách” để mình được hoà giải với Thiên Chúa qua việc thống hối trở về (2Cr 5, 20).
Trong Tin Mừng Mátthêu, Đức Giêsu không chỉ đồng tình với ngôn sứ Giôen khi chống lại việc ăn chay rềnh rang, hoành tráng bên ngoài, nhưng còn đi xa hơn, khi lên án thói giả hình, phô trương khi cầu nguyện và làm phúc bố thí. Như chúng ta biết : ăn chay, bố thí và cầu nguyện là ba cột trụ của Do Thái giáo, và Đức Giêsu đã công khai phê phán tệ nạn giả hình, khoe khoang, hãnh tiến và kêu gọi canh tân theo tinh thần mới của Tin Mừng:
1/ Tinh thần khiêm tốn, xoá mình khi làm phúc, bố thí :
    “Khi làm việc phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy. Bằng không, anh em sẽ chẳng được Cha của anh em, Đấng ngự trên trời ban thưởng. Vậy khi bố thí, đừng khua chiêng đánh trống, như bọn đạo Đức giả thường biểu diễn trong hội đường và ngoài phố xá cốt để được người ta khen” (Mt 6, 1-2).
2/ Tinh thần khiêm tốn, phó thác khi cầu nguyện :
    “Khi cầu nguyện, anh em đừng làm như bọn đạo đức giả..., nhưng hãy vào phòng, đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo... và thấu suốt những gì kín đáo” (Mt 6, 5-6).
3/ Tinh thần khiêm tốn, kín đáo, vui tươi khi ăn chay :
    “Khi ăn chay, anh em chớ làm bộ rầu rĩnhư bọn đạo đức giả: chúng làm cho ra vẻ thiểu não, để thiên hạ thấy là chúng ăn chay... Còn anh, khi ăn chay, nên rửa mặt cho sạch, chải đầu cho thơm, để không ai thấy là anh ăn chay, ngoại trừ Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo” (Mt 6, 16-17).
    Qua Tin Mừng thánh Mátthêu, chúng ta thấy được hoạt cảnh xã hội tôn giáo thời Đức Giêsu. Đó là một thời chuộng lễ nghi hình thức, thích phô trương việc đạo đức, và tinh thần tục hoá gieo rắc thói giả hình cực kỳ nguy hiểm trong cộng đồng. Chính thói giả hình ngày càng làm mất tính thánh thiêng của tôn giáo và biến tôn giáo thành một cơ chế thuần trần tục, ở đó, người ta mượn tôn giáo để trục lợi, bất chấp cả quyền sống của đồng đạo.
    Là Đấng đến để giải phóng con người, Đức Giêsu mạnh dạn đả phá thói giả hình, phô trương, vì đây là siêu vi trùng phá hoại mọi tương quan, liên đới : giả hình không cho ta làm con Thiên Chúa vì giả dối là chiêu trò của ma quỷ ; giả hình phá hoại tình hiệp thông trong anh em, vì giả hình là nguyên nhân của mọi thị phi, đố kỵ, chia rẽ ; giả hình biến chủ thể thành người vong thân, đánh mất chính mình khi mang một lúc nhiều mặt nạ. Đả phá thói giả hình, Đức Giêsu giải thoát con người khỏi xiềng xích của điêu ngoa, dối trá, là nọc độc của Rắn Satan. Nó thúc đẩy con người kiêu căng muốn biết mọi sự Thiên Chúa biết, bằng điêu ngoa phỉnh gạt ; nó gieo mầm phản nghịch Thiên Chúa vào lòng con người bằng gian manh dàn dựng, bầy vẽ, thêu dệt những điều không có, hầu mê hoặc con người.
    Tóm lại, người giả hình là bạn của ma quỷ, bởi ma quỷ là loài gian dối, là cha đẻ của xảo quyệt. Vì thế Đức Giêsu đã không mệt mỏi tuyên chiến với đạo quân giả hình và thẳng thừng lên án thói phô trương trong sinh hoạt phụng tự, đạo đức, dù trong đám họcó nhiều người thuộc hàng chức sắc tôn giáo vị vọng . 
    Thực vậy, Đức Giêsu ủng hộ và đồng tình với các ngôn sứ kêu gọi mọi người trở về với Thiên Chúa bằng việc ăn chay, làm phúc, và cầu nguyện, nhưng nghiêm khắc cảnh giác và lên án thói giả hình, phô trương trong những việc đạo đức này, bởi người giả hình không đến gần được Thiên Chúa, và người phô trương, kiêu căng không thể trở về gặp Ngài, vì việc đạo đức họ làm không được Thiên Chúa đoái nhìn, như Đức Giêsu đã quả quyết : “Chúng đã được phần thưởng” với thế gian rồi (Mt 6, 2. 5.16). 

Jorathe Nắng Tím


MÙA CHAY


   Mùa chay đến và khung cảnh sám hối ăn năn cho chúng ta cảm giác sợ hãi trước đau khổ và sự chết. Mầu tím tiếc nuối tháng ngày sống năm xưa với nhiều lầm lỗi đan quyện trong nỗi buồn thân phận đôi lúc làm chúng ta bi quan, yếm thế. Nhưng có thực đó là mục đích và ý nghĩa của mùa chay ?



   1/ Mùa chay cho chúng ta cơ hội sống kinh nghiệm nền tảng của đời sống :

   Hầu như chúng ta đều chung một ý nghĩ về đời sống và cho đời sống đối nghịch với sự chết. Nghĩa là chết - sống không thể đứng chung dưới một bầu trời. Mùa chay thì ngược lại khi chỉ cho chúng ta thấy đời sống đi ngang qua sự chết. Nói cách khác, sự chết nối liền hai sự sống : sự sống có giới hạn của đời này và đời sống vô hạn của đời sau.
   Đây là kinh nghiệm nền tảng của con người nói chung và người Kitô hữu nói riêng, nhờ sự chết và sự sống lại của Đức Giêsu, Đấng đã sống như con người, đã chết như con người, và đã sống lại để con người cũng được sống lại với Ngài.
    Kinh nghiệm sống lại từ cõi chết của Đức Giêsu cũng chính là kinh nghiệm “được sống lại” của chúng ta, vì chúng ta được tháp nhập vào Ngài và được chia sẻ vinh dự làm con Thiên Chúa với Ngài. Mùa chay vì thế là thời gian để nhận diện sự chết, không chỉ qua kinh nghiệm của những cái chết tương tự nhưng qua chính sự chết của Đức Giêsu.

    2/ Mùa chay và kinh nghiệm đau khổ:

   Chúng ta không tìm đau khổ, vì không phải điều Chúa muốn, nhưng không tránh những kinh nghiệm đau khổ đang đụng chạm đến đời sống của ta và của những người ta thương mến. Đau khổ thường được hiểu như cái giá phải trả cho những thiếu sót, như một đền bù, phạt vạ vì tội đã phạm. Trái với quan niệm thông thường này, Cựu Ước nhìn đau khổ như của lễ hy sinh có khả năng làm cho cộng đoàn đi vào hiệp thông với Thiên Chúa. Điểm thiết yếu trong hy lễ không phải lễ vật, nhưng là việc cộng đoàn quy tụ chung quanh hy lễ để hiệp thông với Thiên Chúa. Đây chính là ý nghĩa nền tảng của đau khổ mà mùa chay mang lại : chúng ta đau khổ để kết hiệp với Đức Kitô trong hiến lễ cứu độ. Đau khổ vì thế không mang một giá trị tự thân, nhưng trở nên giá trị vì góp phần vào mầu nhiệm hiệp thông của Thiên chúa và con người.

    3/ Mùa chay và kinh nghiệm một đời sống mới :

   Mùa chay cho ta kinh nghiệm về sự chết như nhịp cầu cho sự sống đi qua, cũng như đau khổ giúp ta đi vào hiệp thông với Thiên Chúa, mùa chay còn cho ta kinh nghiệm một đời sống có nhu cầu đổi mới vì sự sống vĩnh cửu và hiệp thông với Thiên Chúa. Nhu cầu đó là : ăn chay, chia sẻ và cầu nguyện.
   Ăn chay trong ý nghĩa mùa chay không là sự cắt giảm, hạn chế, nhưng là biểu hiện sống động của tự do, ở đó con người ý thức mình không là nô lệ của vật chất, không để vật chất làm chủ mình. Với ý nghĩa tích cực này, chúng ta xác tín một điều rất quan trọng, đó là đời sống hạnh phúc không hệ tại ở việc chiếm hữu của cải vật chất, nhưng hệ tại ở tình trạng được tự do trên của cải vật chất.
    Chia sẻ là việc làm thứ hai được đề nghị trong mùa chay, và mang một tầm quan trọng trong chương trình đổi mới đời sống. Mùa chay giúp ta kinh nghiệm chia sẻ để nhận ra rằng nhờ chia sẻ, ta đi vào gặp gỡ, hiệp thông với người khác, bởi ý nghĩa đích thực của chia sẻ là sống với người khác những kinh nghiêm chung. Trong ý nghĩa này, tôi trao tặng một phần tôi, một phần của tôi để người khác được sống và tôi được đi vào tương quan thân thiện với họ. Từ đó sẽ không còn “cái tôi” chống lại “người khác”, nhưng là “chúng tôi, chúng ta” giữ phần ưu tiên.
    Sau cùng là cầu nguyện như nhịp cầu hiệp thông nối kết ta với Thiên Chúa, và cùng lúc liên kết chúng ta lại với nhau.
    Tóm lại, mục đích của mùa chay là đem chúng ta vào hiệp thông với Đức Giêsu trong đau khổ và sự chết của Ngài, và nhờ được hiệp thông với Chúa, chúng ta được hiệp thông với nhau. Mùa chay, vì thế, sẽ mất hết ý nghĩa như Chúa muốn, nếu chúng ta bỏ quên chủ đích hiệp thông. Có hiệp thông, ta mới thấy đau khổ và sự chết, tuy làm sợ, nhưng không làm gục ngã, vì mang giá trị hiệp thông, điều kiện không thể thiếu cho hạnh phúc đích thực và đời đời của ta.
    Sống mùa chay trong tinh thần tìm về hiệp thông chính là tìm về gần bên Chúa, tìm xích lại gần nhau vằng thực hành ăn chay, chia sẻ vật chất với người khác và cầu nguyện. Với những cố gắng tiến về hiệp thông trong tinh thần của mùa chay, và với ơn Chúa, chúng ta dám tin sẽ sống ngày càng tốt đẹp hơn giới luật yêu thương của Thiên Chúa.

  Jorathe Nắng Tím


GIÁ CỦA TÌNH YÊU!


       GIÁ CỦA TÌNH YÊU LÀ LÀM CHO MỌI SỰ TRỞ THÀNH VÔ GIÁ
   Tình yêu là đối tượng được suy tư, lý giải, bàn bạc, biện bác, ca ngợi, kể cả sùng bái, thần tượng và chà đạp, khinh khi, lạm dụng nhất. Người ta có thể chết cho tình yêu, hiến mạng sống vì người mình yêu, nhưng đồng thời có thể hờ hững, dửng dưng, tàn nhẫn bán đứng, giết chết tình yêu.
    Lý do nào đã đưa đến những chọn lựa hoàn toàn khác biệt và đối nghịch trước tình yêu như thế ?
    Những người sợ tình yêu, tránh né tình yêu, lên án và thù ghét tình yêu thường cho rằng tình yêu đã làm họ mất nhiều hơn được, thiệt thòi hơn có lợi, thua nhiều hơn thắng. Trong cuộc tình, họ tự cho mình là những người thua cuộc, tự liệt mình vào đội ngũ bại quân, bại tướng và không ngớt than thở : tình yêu đã vô phúc biến tôi thành người hận tình trăm năm, kẻ thù tình thiên thu, truyền kiếp.
    Thực ra, kinh nghiệm yêu thương cho thấy : đi vào đường tình là đi vào con đường mất mát, thiệt thòi, bởi có tình nào cho nhau mà không đòi mất giờ, mất tiền, mất công, mất sức, khi tình được biểu hiện ? Có mối tình nào cho nhau mà không kéo theo từng khối hy sinh trĩu nặng ? Có tình nhân nào không khổ vì thương, buồn vì nhớ, lo vì nhiều giới hạn của nhau, và nhức nhối, nặng lòng, vì không làm được những điều tốt đẹp cho người mình yêu ? Có người nào không bồn chồn mất ăn mất ngủ, ra vào không yên, phập phồng lo sợ trước nguy hiểm thử thách đang rình rập, đe dọa người mình yêu thương ?
    Thực vậy, đi vào đường tình, người ta sẽ vì người yêu mà tự nguyện lắng lo, khắc khoải trăm chiều ; vì thương người tình mà sẵn sàng tần tảo đêm ngày ; vì cưng chiều tình nhân mà lặn lội khuya sớm. Bước vào tình yêu, ai cũng sẽ vì no ấm của người yêu mà thắt lưng buộc bụng, dè sẻn từng đồng, chắt chiu từng cắc ; vì hạnh phúc của người mình thương mà chẳng ngại cực thân, khổ thân, xả thân, hiến thân, quên mình. Đã không có “xa lộ tình” thênh thang, với đèn đường sáng rực ; cũng chẳng đường vào tình yêu nào lại thiếu gai nhọn của bông hồng, và mãi mãi người ta phải làm quen với nước mắt hy sinh khi yêu thương, bởi bản chất đích thực của tình yêu là cho đi và nhận lại, hiến dâng và nhận về, trao ban và nhận lãnh, nên trong tình yêu người ta hạnh phúc khi hy sinh, hy sinh trong hạnh phúc, bởi chính lúc hy sinh cho đi, hy sinh chịu thiệt thòi, hy sinh mất mát, thua lỗ, là lúc vui khôn tả, hạnh phúc vô cùng vì hy sinh được nhận về, hy sinh được nhận lại, hy sinh được đáp trả, hy sinh được người mình thương trân quý, công nhận.
    Như thế, với người ích kỷ sẽ không có ý niệm hy sinh, chia sẻ, gánh vác, quên mình trong tình yêu. Trái lại, khi yêu, họ chỉ muốn nhận mà không cho, chỉ vun vén mà không xởi lởi ban tặng, chỉ thu gom làm giầu “cái tôi”, mà không quan tâm chia sẻ với người khác, nên “yêu thương” nơi họ quả thực rất dị hợm, bệnh hoạn, và là một thất thu lớn, thiết hại to, lỗ vốn nặng cho chính họ, bằng chứng là họ coi tình yêu chỉ là tai ương khó cam, gánh nặng khó gánh. Nhưng đó chỉ là lý do bên ngoài, thấy được, trong khi lý do nội tại và chính yếu lại chưa được nhận diện. Đó là đa số chúng ta đã không nhận ra cái giá làm cho mọi sự trở nên vô giá của tình yêu.
1.     Tình yêu làm cho mọi sự trở thành vô giá, khi tình yêu làm cho tương đối trở thành tuyệt đối :
Thế giới loài người là thế giới của tương đối, và chính con người cũng tương đối như tất cả những gì hiện hữu quanh con người. Nhưng khi yêu thương, con người tương đối chạm vào Thiên Chúa tuyệt đối, đi vào thế giới tuyệt đối của Thiên Chúa, như Đức Giêsu đã khẳng định : “Ai yêu mến thì ở trong Thiên Chúa” (1Ga 4,16).
     Ở trong Thiên Chúa là ở trong tuyệt đối, vì Thiên Chúa là Tuyệt Đối. Ngài là sự thật tuyệt đối, sự tốt lành tuyệt đối, cái đẹp tuyệt đối. Được ở trong Thiên Chúa tuyệt đối, nhờ yêu thương, con người được biến đổi từ tương đối trở nên tuyệt đối trong Thiên Chúa, như giọt nước nhỏ bé được biến thành rượu trong ly rượu đầy.
     Như thế, khi yêu thương, tất cả những gì là tương đối đều được biến đổi thành tuyệt đối, những việc làm nhỏ bé trở nên tuyệt vời vĩ đại, những chuyện cỏn con, không mấy giá trị được biến thành cao cả, vô giá. Cái giá “vô giá” của tình yêu đã biến thành vô giá tất cả những vụn vặt, tầm thường, bé nhỏ không có giá trong đời sống và nơi con người tương đối. Những tương đối tưởng mãi mãi không có giá trị, không đáng gìn giữ, bảo quản bỗng trở thành vô giá, nhờ cái vô giá của tình yêu, khi tình yêu được hoà nhập trong Thiên Chúa, là Hữu Thể tuyệt đối.
2. Tình yêu làm cho mọi sự trở thành vô giá, khi tình yêu làm cho hữu hạn trở thành vô hạn, có cùng trở thành vô cùng :
Khi yêu thương, chúng ta chấp nhận thiệt thòi khi hy sinh, mất mát khi quên mình, sứt sát, tổn thương khi gánh vác thân phận người mình yêu, và những hy sinh, thiệt thòi, thương đau ấy từ bình diện “có cùng”, thuộc phạm trù có giới hạn được vượt lên và trở thành vô cùng, vô hạn. Nói cách khác, những việc làm vì yêu thương không còn là việc làm “có giới hạn” cho con người “có giới hạn”, nhưng biến thành việc làm vô cùng, vô hạn dành cho Đấng vô cùng, vô hạn, như Đức Giêsu đã công khai đồng hoá : “Bất cứ việc gì các ngươi làm cho những anh em bé nhỏ nhất là làm cho chính Ta” (Mt 25,40).
3.     Tình yêu làm cho mọi sự trở thành vô giá, khi tình yêu làm cho những gì chóng qua trở thành vĩnh cửu, đời đời :
Khi yêu thương ai hay làm phúc cho người nào, ta nhận được lòng biết ơn và phần thưởng của con người. Điều này muốn nói lên rằng công lênh ta nhận, danh dự, huân chương ta có do người khác ban tặng chỉ mang tính chóng qua theo quy luật của thế giới hữu hạn, hữu hình này, mà không có tính vĩnh hằng, bất biến. Nhưng khi tình yêu của con người được đụng chạm đến Thiên Chúa thì phần thưởng, công lênh của hành vi yêu thương nơi con người được trở nên đời đời, vĩnh cửu như Đức Giêsu đã công bố: “Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi từ thuở tạo thiên lập địa. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống ; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước ; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc ; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng ; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi  han” (Mt 25, 34-36).
Tóm lại, tình yêu ta dành cho người khác, vì ở trong Thiên Chúa và được Thiên Chúa đồng hoá thành chính tình yêu dành cho Ngài, nên công trạng, phần thưởng, hoa trái của việc làm tình yêu nơi ta được biến thành đời đời trong đời đời của Thiên Chúa. Và quả thực, tình yêu đã làm cho tất cả mọi việc, mọi sự dù tầm thường, nhỏ mọn, bề ngoài xem ra vô vị đến đâu đều trở nên vô giá, tuyệt vời, tuyệt đối, vô cùng, vô hạn và vĩnh cửu, đời đời trong Thiên Chúa.
Vì Thiên Chúa đã chọn Tinh Yêu làm bản tính của Ngài, chọn Tinh Yêu là con đường duy nhất để con người đến được với Ngài, chọn Tình Yêu là sự thật giải phóng con người khỏi những trói buộc thuộc cõi vô thường , tương đối, chọn Tình Yêu là bệ phóng cho phép con người được bước vào đời sống vĩnh cửu, đời đời. Khi nhận mình là “Đường, Sự Thật, Sự Sống. Không ai đến được với Chúa Cha mà không qua Thầy” ( Ga 14, 6), Đức Giêsu khẳng định Ngài là Tình Yêu và trong Tình Yêu là Ngài, chúng ta được biên đổi nên tạo vật tốt đẹp, thánh thiện như Ngài là Đấng Thánh.
Vì thế, sẽ không có việc làm nào của tình yêu bị lãng quên, không ước mơ hạnh phúc nào cho người khác bị bỏ qua, không khắc khoải thầm kín nào cho tương lai tốt đẹp của người anh em mang phận bọt bèo bị lu mờ, bôi xoá trong trái tim Thiên Chúa, vì Ngài là Tình Yêu, nên hằng chăm chú quan tâm, âu yếm đồng hành và sống động hiên diện trong cuộc đời và việc làm của những con người yêu thương.
Cũng thế, cuộc đời của người yêu thương được trở nên vô giá, vì đã không chỉ nhận diện và đón nhận tình yêu như món lợi khi chỉ muốn nhận mà không cho ; chỉ muốn sở hữu, chiếm đoạt mà không dâng hiến, trao tặng ; chỉ muốn được phục vụ mà không phục vụ ; chỉ muốn thu gom mà không san sẻ ; chỉ muốn phiền người mà không chịu để người phiền ; chỉ muốn vui riêng, hưởng một mình mà không đồng lao cộng tác, sầu chung, sướng cùng.
    Tình yêu trong Thiên Chúa đòi hy sinh cho người mình yêu và chỉ trong hy sinh, tình yêu mới sinh hoa trái hạnh phúc đích thực. Hoa trái đó là bình an của Đức Giêsu đã sống lại sau khi đã hy sinh đổ máu hiến mạng sống cho nhân loại mà Ngài yêu thương đến cùng.
    Một khi đã nắm vững cái giá “vô giá” của tình yêu, và sức mạnh phi thường của tình yêu khi làm cho tất cả mọi việc, mọi sự dù không có giá trị được trở nên vô giá, chúng ta sẽ hiểu tại sao Thiên Chúa muốn chúng ta yêu thương, và tại sao chúng ta không thể đạt hạnh phúc đích thực Thiên Chúa hứa ban, nếu sống ngoài tình yêu Thiên Chúa muốn chúng ta dành cho nhau.
    Tuần thánh là cao điểm của Tình Yêu Thiên Chúa dành cho con người. Xin cho mỗi người chúng ta biết yêu như Chúa và cùng Chúa yêu thương hết mình, hết tình để nâng lên thành vô giá mọi người, mọi sự, mọi việc, vì đó là thánh ý của Đấng đã muốn “kéo mọi người, mọi sự lên với mình” khi chịu treo trên thập tự.

Jorathe Nắng Tím