Pages - Menu

Thứ Ba, 9 tháng 4, 2019

LỄ LÁ


                        Suy Niệm TIN MỪNG CHÚA NHẬT LỄ LÁ
  Chúa Nhật Lễ Lá cho chúng ta niềm vui của các môn đệ khi đám đông người Do Thái năm xưa “lấy áo choàng của mình trải xuống mặt đường”, và lớn tiếng hô : “Chúc tụng Đức Vua, Đấng ngự đến nhân danh Chúa !” (Lc 19, 36-38).
     Qủa thực, Đức Giêsu đã long trọng tiến vào thành thánh Giêrusalem trước sự ngưỡng mộ của dân chúng. Bằng chứng là không ai bảo ai, tất cả đều chen chúc nhau trải áo trên đường để đón bước chân Đức Giêsu và lớn tiếng hoan hô, chúc tụng Ngài.
     Việc làm tự phát trên hoàn toàn hợp lý, hợp tình, xuất phát từ tấm lòng : lòng yêu mến một con người thánh thiện, tốt lành, bao dung ; lòng ngưỡng mộ một con người đã làm nhiều phép lạ phi thường, chữa nhiều bệnh nhân, xua đuổi qủy dữ, có quyền trên thiên nhiên, cho cả kẻ chết sống lại...
     Nhưng đám đông, trong khi chúc tụng, hoan hô “Đấng ngự đến nhân danh Chúa”, vẫn chưa hiểu gì về Đức Giêsu, chưa tin Ngài là Thiên Chúa, mà chỉ nghĩ Ngài là con người phi thường, nhờ ơn Chúa đã làm được những việc người thường không làm được. Chính vì thế, cũng đám đông ấy đã nhanh chóng trở mặt, khi bị các thượng tế, kinh sư xúi giục, hò hét lên án, đả đảo, đòi đóng đinh Đức Giêsu.
    Vì không tin Đức Giêsu là Thiên Chúa, một Thiên Chúa vô cùng khiêm hạ, “không nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2,6-8), nên không chỉ những người Do Thái năm xưa đã vấp phạm, mà cả chúng ta, những người đang sống hôm nay cũng liều mình vấp phạm khi từ chối thiên tính của Đức Giêsu.
    Sở dĩ người Do Thái đã vấp phạm và chúng ta dễ vấp phạm, vì Đức Giêsu, Thiên Chúa làm người đã không làm người quyền qúy để hưởng thụ, không làm người quyền lực để thống trị, không làm người quyền uy để đe dọa, lên án, nhưng làm người nhỏ bé để những ai bé nhỏ không bị xa lánh, bỏ rơi ; làm người yếu đuối để người tội lỗi không bị xua đuổi, trừng phạt ; làm người nghèo khó để phận tôi tớ, mọn hèn được bảo bọc, yêu thương ; làm người đau khổ để những ai khổ đau được an ủi, vỗ về ; làm người phải chết để kiếp người phải chết được cùng Ngài sống lại.       
     Thánh Gioan đã viết về tình trạng không nhận ra Đức Giêsu là “Thiên Chúa làm người” của phần đông nhân loại: “Người ở giữa thế gian, và thế gian đã nhờ Người mà có, nhưng lại không nhận biết Người. Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận” (Ga 1, 10-11).
    Ngay các môn đệ của Đức Giêsu, tuy kề cận, cũng đã không hoàn toàn tin Ngài là Thiên Chúa, bởi các ông khó có thể chấp nhận một Thiên Chúa khó nghèo, khiêm hạ, không vinh quang, không hoành tráng, không thế lực, không uy quyền, chưa kể nhiều phen thất thế, thất bại như bị dân chúng đả đảo, giáo quyền tẩy chay, chính quyền lên án, môn đồ phản bội, bán đứng, trốn chạy, bỏ rơi.
   Tin Mừng Chúa Nhật Lễ Lá cũng cho chúng ta nhận ra sức mạnh của Tình Yêu cứu độ trong Thiên Chúa khiêm hạ và vâng phục. Thánh Phaolô đã quả quyết : “Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu, để khi vừa nghe danh thánh Giêsu, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái qùy ; và để tôn vinh Chúa Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng : Đức Giêsu Kitô là Chúa”.. (Pl 2, 9-11).
     Và điều cuối cùng Đức Giêsu muốn gửi trao các môn đệ của Ngài trong những ngày cuối đời, chính là tình yêu hiến thân, tình yêu hiệp nhất, tình yêu chia sẻ trong cùng một tấm bánh và cùng một chén rượu, khi “Người cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, bẻ ra trao cho các môn đệ và nói : Đây là mình Thầy, hiến tế vì anh em. Anh em hãy làm việc này, mà nhớ đến Thầy”. Và tới tuần rượu cuối bữa ăn, Người cũng làm như vậy và nói: “Chén này là giao ước mới, lập bằng máu Thầy, máu đổ ra vì anh em” (Ga 22,19-20).
    Bí tích Thánh Thể chính là bí tích của tình yêu dâng hiến, tình yêu chết cho người mình yêu, tình yêu đến cùng và trọn vẹn ; cũng chính là Giao Ước mới mang lại ơn cứu độ cho muôn dân, đồng thời là bí tích của Hiệp Nhất. Đức Giêsu trong những ngày sau cùng trên dương thế đã không ngừng nhắc nhở các môn đệ : Hãy hiệp  nhất nên một trong Thầy, và hãy hiệp nhất với nhau trong Thầy (Ga 17, 21). Và để hiệp nhất nên một với nhau trong Thiên Chúa, mỗi người phải học với Đức Giêsu tinh thần khiêm hạ, xoá mình, như thánh Phaolô đã khuyên các tín hữu thành Philípphê: “Anh em hãy có cùng một cảm nghĩ, cùng một lòng mến, cùng một tâm hồn, cùng một ý hướng như nhau. Đừng làm chỉ vì ganh tị hay vì hư danh, nhưng hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi người khác hơn mình. Mỗi người đừng tìm lợi ích cho riêng mình, nhưng hãy tìm lợi ích cho người khác. Giữa anh em với nhau, anh em hãy có những tâm tình  như chính Đức Kitô Giêsu” (Pl 2,2-5).
    Lạy Đức Giêsu Kitô là vua khiêm nhường và nhân hậu, giàu lòng xót thương, xin uốn nắn, biến đổi qủa tim chai đá, cứng cỏi của chúng con nên giống trái tim Ngài.
Jorathe Nắng Tím

HÀNH HƯƠNG

         Mỗi lần về thăm quê hương, tôi lại theo gia đình, bạn bè đi hành hương Đức Mẹ La Vang thuộc giáo phận Huế, Đức Mẹ Tà Pao, Phan Thiết, Đức Mẹ Núi Cúi, Xuân Lộc, và Đền Các Thánh Tử Đạo, Hải Dương.  Đến đâu, tôi cũng nức lòng  trước lòng thành tín  sốt sắng  của đám đông hành hương gồm tín hữu công giáo cũng như tín đồ các tôn giáo bạn, cả những anh em vô thần kín đáo, ẩn danh. Và ở đâu, hình ảnh đám đông từ khắp nơi tuốn đến gặp Đức Giêsu trong tin mừng Mátthêu cũng trở lại trong tim óc và làm tôi hớn hở, vui mừng trong Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ tôi (Lc 1,47), như tâm tình dạt dào hạnh phúc của Đức Maria trong bài ca Ngợi Khen, Magnificat khi Đức Mẹ đến thăm bà chị họ Êlisabét (x. Lc 1,39-56).
            Tin Mừng Mátthêu thuật lại :
   Thế rồi, Đức Giêsu đi khắp miền Galilê, giảng dậy trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời, và chữa hết mọi kẻ bệnh hoạn, tật nguyền trong dân. Danh tiếng Người đồn ra khắp xứ  Xyri. Thiên hạ đem đến cho Người mọi kẻ ốm đau, mắc đủ thứ bệnh hoạn, tật nguyền : những kẻ bị quỷ ám, kinh phong, bại liệt ; và Người đã chữa họ. Từ miền Galilê, vùng Thập Tỉnh, thành Giêrusalem, miền Giuđê và vùng bên kia sông Giođan, dân chúng lũ lượt kéo đến đi theo Người (Mt 4,23-25).
      Ngắm nhìn anh em từ khắp miền đất nước tuốn đến hành hương, cầu nguyện, tôi thấy đám đông dân chúng kéo đến găp Đức Giêsu ngày xưa ở Galilê cũng không khác đám đông đồng bào lương giáo rủ nhau đi tìm Đức Giêsu, Đấng Cứu Độ,  Đức Maria, Mẹ rất thánh của Ngài, các thánh Tử Đạo cha ông, những  chứng nhân Đức Tin hào hùng,  và gương mẫu Đức Ái  qủa cảm.
          1 .    Hành Hương đi tìm :
    Phần đông những người đến hành hương đều là những người đi tìm.  Sở dĩ  đi tìm, vì trên hành trình cuộc đời, họ đã tìm nhưng chưa gặp, hoặc đã gặp nhiều, nhưng không là  Đấng họ mong ngóng, trông đợi :
a.     Họ cần tìm một Đấng đáng tin, Đấng không lừa dối, gạt gẫm, bịp bợm ; Đấng không ép họ uống buà mê thuốc lú, Đấng  không ngôn hành bất nhất, không lợi dụng lòng thành, tính đơn sơ, hồn nhiên, chất phác và hoàn cảnh khó khăn, ngặt nghèo, bế tắc của họ để làm tiền,  và biến họ thành con tin suốt đời lệ thuộc một thế lực thần linh làm sợ hãi.
b.     Họ cần tìm một Đấng quyền năng nhưng nhân hậu, uy lực nhưng đầy lòng thương xót, thấu suốt mọi sự nhưng rộng lượng bao dung, nói tắt là thương họ, vì đời người nào xem ra cũng ít nhiều bị bầm dâp bởi bạo lực, và là nạn nhân của  bất trung, bất nhân, bất nghiã.   
c.      Họ cần tìm một Đấng có trái tim người mẹ để được ủi an, vỗ về ; có tình thương của người cha để  vực dậy, nâng đỡ, có tình yêu của mục tử sẵn lòng hiến mạng sống vì sự sống và  hạnh phúc của đàn chiên, bởi đời họ ngổn ngang trăm nỗi sầu tủi,  thương đau, nhục nhằn.
d.     Họ cần tìm một lẽ sống, một lý do cho đời sống  hướng đi,  ý nghiã, giá trị, vì bấy lâu phần đông trong họ đã sống mà không biết tại sao sống, sống để làm gì, chết rồi đi đâu, về đâu , nhất là tại sao phải sống để rồi phải chết ? Không ai đã trả lời thoả đáng những vấn nạn ngày đêm dằn vặt, thiêu đốt tâm can này. Vì thế, họ đi tìm Đấng có quyền ban cho họ niềm vui sống, hạnh phúc sống, mặc dù cuộc sống không luôn đẹp như mơ, không luôn hiền như biển lặng.  
e.      Họ cần tìm một Đấng Cứu Độ đích thực, để không chỉ cứu họ khỏi đau ốm, tật nguyền, khỏi khó khăn gia đình, bế tắc kinh tế, trắc trở  tương quan, mà còn chữa lành những căn bệnh thiêng liêng, tinh thần, nội tâm mà chỉ họ và Đấng ấy biết.
     Do đó, khi đến  linh địa, người hành hương không chỉ đến cốt để xin ơn này ơn nọ, khấn vái nhu cầu này nhu cầu kia, rồi khi được ơn, và nhu cầu tọai nguyện thì hí hửng tạ ơn, cúng tiền, nhưng khi phải tay trắng trở về thì lòng buồn rười rượi, khó chịu, bực bội, than trách.
     Có nhiều quan điểm chống lại việc xì xụp khấn vái xin ơn ở những nơi hành hương, vì cho rằng người ta đã quên bổn phận quan trọng nhất của người tín hữu là thờ phượng, ngợi khen và sẵn sàng đón nhận thánh ý Thiên Chúa, nghiã là không để việc xin ơn cho mình làm lu mờ việc thờ phượng Chúa và đón nhận thánh giá Chúa trao.
    Thực ra, khi đặt vấn đề này, chúng ta đừng quên đám đông ngày xưa đã kéo đến với Đức Giêsu trước hết vì họ đã được nghe danh tiếng của Ngài qua người này người nọ. Danh tiếng ấy là  Người đã chữa hết mọi kẻ bệnh hoạn, tật nguyền trong dân (Mt 4,23), và họ đã đem đến cho Người  mọi kẻ ốm đau, mắc đủ thứ bệnh hoạn tật nguyền : những kẻ bị quỷ ám, kinh phong, bại liệt (Mt 4,24). Và Tin Mừng khẳng định : Người đã chữa họ (Mt 4,24).
    Như thế, Đức Giêsu đã vui lòng đón nhận đám đông đến với Ngài với tất cả bệnh hoạn, tật nguyền của thân thể. Bằng chứng là Ngài đã làm phép lạ chữa họ, bởi  Ngài biết và thấy họ đến với Ngài với cây thánh giá sần sùi nặng trĩu trên vai họ và  trên hành trình thánh giá với thánh giá cuộc đời đủ loại, đủ cỡ, với sức nặng của đau đớn thân xác, khổ đau tâm hồn, của đói rét, nợ nần, mặc cảm, bị đời đàn áp, vu khống, tẩy chay,  xử tệ, bỏ rơi,  bắt nạt,  ăn hiếp, kết án oan uổng.  Họ đến với Chúa với thánh giá có sẵn trên vai, nặng trĩu trong hồn, chứ không thảnh thơi, ngon lành, vô can như khách du lịch.
       Với đôi mắt của Thiên Chúa đầy lòng xót thương, Đức Giêsu nhìn thấy thánh giá của mỗi người đến với Ngài trên đường hành hương ; Đức Mẹ cảm được sức nặng thánh giá trên vai mỗi người hành hương, vì Mẹ đã từng vác ; các thánh Tử Đạo hiểu được nỗi lo sợ và yếu đuối của phận người bé bỏng, mong manh trong gian truân, thử thách, nên chúng ta không cần phân loại anh chị em đến hành hương thuộc loại nào, đội ngũ nào, khi tự cho mình quyền phân biệt ai đến để chỉ xin ơn và ai  đến để thờ phượng. Thiết tưởng việc đó không thuộc quyền của chúng ta, vì đôi mắt của chúng ta thường thiển cận khi phán xét anh em. Đàng khác, chúng ta cũng phải học với thánh tông đồ Philípphê  tinh thần cởi mở , hồn nhiên, và  trân trọng người khác trong truyền giáo khi trả lời ông Na -tha- na -en : Cứ đến mà xem ! (Ga 1,46), khi ông này muốn biết Đức Giêsu là ai.   
         2.     Hành Hương đi học :
     Ngay sau đọan Tin Mừng chúng ta vừa chia sẻ , thánh Mátthêu viết  tiếp: Thấy đám đông, Đức Giêsu lên núi. Người ngồi xuống, các môn đệ đến gần bên. Người mở miệng dậy họ rằng : Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ. Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp. Phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an. Phúc thay ai khát khao nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thoả lòng. Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương. Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chuá. Phúc thay ai xây dựng hoà bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa. Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ. Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa. Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao (Mt 5,1-12).
    Tin Mừng kể rất rõ : Đức Giêsu mở miệng dậy họ (Mt 5, 2), nghiã là đám đông không chỉ đến tìm  Đức Giêsu, Đấng Cứu Độ, để được Ngài chữa lành những vết thương trên thân thể và trong tâm hồn, mà còn đến để học với  Ngài, để nghe Ngài chỉ bảo đường ngay nẻo chính, hướng dẫn vào cuộc sống hạnh phúc, bình an.
     Đức Giêsu đã dậy đám đông đi theo Ngài con đường hạnh phúc thật, khi đám đông bất hạnh vì đói ăn, thiếu mặc ; vì sầu buồn, khóc lóc ; vì mất số, mất cửa », có khi mất cả mạng sống do hăng say tranh đấu cho công lý, hoà bình ; vì bị vu khống, mạ lị, tẩy chay, bách hại khi xả thân loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa. Trước mặt Ngài hôm đó là đám đông gồm những con người đau khổ, và Ngài đã chạnh lòng thương họ. Ngài thương cuộc sống lầm than, lam lũ, vất vả của họ và dậy họ Hiến Chương Nước Trời, khi mở ra cho những con người buồn nhiều hơn vui này hạnh phúc Thiên Chúa dành cho họ.
     Học với Đức Giêsu khi đi hành hương là học khiêm nhường, hiền lành ; học nghèo khó, trong sạch ; học công bình, xót thương ; học hy sinh, hiến mình ; học nhẫn nhịn, chịu đựng; học quả cảm, kiên cường, nhất là học vâng phục thánh ý Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh, tình huống, bởi mục đích của việc học là để mỗi ngày trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Giêsu hơn, nên một  với Thiên Chúa trong mọi sự  như Đức Giêsu đã dậy : Anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện (Mt 5,48).
      Vâng,  đời người Kitô hữu là cuộc hành hương dài,  vất vả. Trên đường hành hương này, chúng ta đi tìm gặp Thiên Chúa trong tâm hồn, nơi anh em, giữa lòng Giáo Hội, qua các biến cố, và ở những nơi Ngài chọn để tỏ lòng thương xót của Ngài.
       Và ở bất cứ cây số nào trên đường hành hương, Đức Giêsu đều hiện diện để làm nhẹ gánh nặng cuộc đời  chúng ta như lời Ngài hứa : Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi, bồi dưỡng… Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng (Mt 11,28. 30).
         Bên cạnh Đức Giêsu có Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa và Mẹ chúng ta. Mẹ sẽ dậy chúng ta điều cần thiết, đó là Người bảo gì, thì anh em cứ việc làm theo (Ga 2,5) : làm theo ý Đức Giêsu, như Đức Giêsu chỉ dậy.
          Sau cùng, chúng ta có các Thánh , là Bạn và Chứng Nhân của Đức Giêsu luôn đồng hành để  nâng đỡ, khuyến khích bằng cầu thay nguyện giúp, và làm chứng Thiên Chúa là Đấng Cứu Độ  giầu lòng xót thương đã hiến mạng sống để tất cả nhân loại chúng ta được sống và sống dồi dào (Ga 10,10).
      Với tinh thần hành hương đi tìm Chúa và học với Chúa, chắc chắn chúng ta sẽ không rơi vào tình trạng cuồng tín hoặc mê tín, nhưng sẽ từng bước hành hương với Đức Tin của Hội Thánh, và cùng anh em đến gặp Đức Giêsu, Đấng Cứu Độ giầu lòng thương xót.
Jorathe Nắng Tím

MÊ TÍN

    Những tuần lễ qua, trên mạng xã hội, người ta xôn xao bình luận về chuyện oan gia trái chủ ở chùa Ba vàng, Qủang Ninh, và dư luận thuận chiều, nghịch chiều đã không mệt mỏi xoay quanh đề tài mê tín rất nóng và thời sự này.
    Thực ra, mê tín không  được các tôn giáo chính danh công nhận hay tham gia, khuyến khích, ủng hộ bao giờ. Trái lại, mê tín, dị đoan đứng đầu danh sách bị loại bỏ và bị coi là tai họa đối với niềm tin tôn giáo. Hai tôn giáo lớn ở Việt Nam là Phật giáo và Thiên Chúa giáo đều kêu gọi tín đồ, tín hữu của mình xa tránh những tục lệ mê tín như cúng sao giải hạn, xin xăm, bói toán, kiêng kị, gieo qủe, lên đồng, gọi vong …
     Trước hết, đạo Phật không mê tín, dị đoan, vì giáo lý nhà Phật phủ nhận tất cả thần linh, và ngay cả Thượng Đế ; đồng thời đặt chính con người là trọng tâm, cứu cánh : con người tự giải thoát mình, không dựa vào thần thánh, không cậy vào người khác cầu thay nguyện giúp, bởi tất cả đều do Nghiệp mình đã tạo. Người khác cùng lắm cũng chỉ phụ được một chút rất nhỏ, không mang tính quyết định.
    Chính vì phủ nhận vai trò của thần thánh, nên Phật giáo không tìm đến sức mạnh của thần linh, và nếu không cần đến thần linh, thì tại sao phải tin để rồi có tình trạng dị đoan, mê tín ?.
   Những việc làm được coi là mê tín trong Phật giáo chỉ là tập tục đến từ văn hoá Trung Hoa, và vì tôn trọng nền văn hóa, nhà Phật đã làm ngơ…Một thí dụ về tập tục đốt hình nhân khi an táng người chết : Ngày xưa trong xã hội Trung Hoa, khi người chủ chết thì các nàng hầu phải chết theo để tiếp tục hầu hạ ông chủ ở bên kia thế giới. Thấy cảnh phải chết theo kinh hoàng, thương tâm và phi nhân qúa, các thầy trong Phật Giáo Trung Hoa mới nghĩ ra cách dậy cho các tín đồ thay vì người thật phải chết theo, thì làm những hình nộm bằng giấy, rồi đốt, làm như đã có người chết theo rồi…
      Cũng trong ý tưởng về mê tín, Hoà thượng Thích Thanh Từ trong Một số thái độ sai lầm của phật tử đăng trong Phật giáo trong mạch sống dân tộc ở mục 2 : Tin Phật như tin thần linh. đã viết : Người bình dân đến với đức Phật để cầu ban phước, che chở, ủng hộ hơn là tìm giác ngộ … Quan niệm Phật như vị thần linh chỉ coi việc ban phước, giáng họa; vì vậy, người ta không ngại gặp Phật thì cúng, gặp thần thì lậy, gặp qủy thì cầu xin. Bởi trên cương vị ban phước, giáng họa, họ không phân biệt đâu trọng đâu khinh, miễn vị nào đem lại được những điều cầu nguyện của họ là linh thiêng, bằng không thì hết linh ứng. Hết linh ứng thì họ bỏ không theo nữa, dù Phật cũng thế. Do đó, trong dân gian những cốt Cô, cốt Cậu đã báo cho họ những tai nạn sắp đến và đã cho họ bùa chú để họ dán trong nhà khiến con cháu mạnh giỏi, làm ăn phát đạt. Niềm tin Phật như vậy, họ rất dễ tin mà cũng rất dễ bỏ, nếu một sở nguyện được thành, hoặc không toại nguyện.
   Có những người đến với Phật không do hiểu Phật pháp mà nhờ ông Đồng, bà Cốt mách phải quy y Phật sẽ khỏi tai nạn chẳng hạn, họ liền lên chùa xin quy y. Hoặc có người do xin xăm hay bói qủe, trong xăm qủe dậy theo Phật hay thờ Phật thì mọi sự được an lành…, họ liền phát nguyện quy y Phật. Hoặc vị trụ trì có học bùa chú trừ ma, yếm qủy, ngừơi có con bệnh đến nhờ thầy trị chữa, nếu con lành bệnh liền xin quy y Phật (trích Jorathe Nắng Tím, Phật Giáo và Công Giáo, NXB Tôn Giáo, 2014, tr.46-47).
      Một bài viết đăng trên tạp chí Thằng Mõ, số tháng Giêng 2019, tại Mỹ của thầy Thiện Ý, khi bàn về hủ tục cúng sao dịp đầu xuân. Tác giả đã nêu lên tục cúng sao giải hạn là một trong rất nhiều hủ tục mê tín, đồng thời xác quyết giáo lý Nhân Qủa của Phật giáo không dính dáng gì đến chuyện mê tín, dị đoan:
      Rõ ràng tục cúng sao hạn không phát xuất từ đạo Phật… Quan niệm này là trên trời có 24 ngôi sao do 24 vị thần chủ có ảnh hưởng  đến số phận con người, trong đó 9 ngôi sao sáng sẽ luân phiên chiếu mệnh mỗi năm. Đó là các sao La hầu, Thổ Tú, Thủy Diệu, Thái Bạch, Thái Dương, Vân Hớn, Kế Đô, Thái Âm, Mộc Đức. Chín vì sao này hay còn gọi là Cửu Diệu là các sao phối trí theo các phương, sắp xếp theo 12 chi và ngũ hành. Trong chín ngôi sao này, có sao tốt, có sao xấu. Nhưng phần nhiều, không ai nghe nói nhiều đến sao tốt mang đến điềm lành gì cả, mà chỉ nghe những tiêu cực, đáng sợ của những ngôi sao xấu. Đầu năm mới, ai bị sao xấu chiếu mệnh, người này sẽ gặp phải chuyện không may, tai nạn, ốm đau, bệnh tật …
       Những hủ tục, dị đoan khiến mình thêm âu lo vì năm mới đến thay vì bồng ông Phúc vào nhà thì mình lại hoảng sợ vì bị sao xấu chiếu mệnh. Sáng mồng một mình đã vội vã đi chùa, đi miếu dâng sớ cúng sao vì sợ nếu không làm kịp, các hung tinh sẽ giáng họa lên gia đình, hay chính bản thân. Nỗi sợ hãi đã khiến cho nhiều gia đình không đón xuân một cách trọn vẹn vì lòng luôn nơm nớp lo sợ.
       Là người con Phật, chúng ta phải triệt để không tin theo những hủ tục, mê tín dị đoan, buôn thần bán thánh. Vì luật nhân qủa, nghiệp báo và phứơc báo đều do chính mình gây tạo và cũng do chính mình thụ hưởng. Phật dậy rằng : Không một vị trời thần nào có quyền năng thưởng phạt, hay làm giảm thiểu những tội phước mình đã tạo ra. Thay vào tiền tài, vật thực dâng cúng cho các hung tinh, mình có thể làm phước, bố thí cho những kẻ bất hạnh, nghèo cùng rồi hồi hướng công đức lành này cầu cho gia đình được hưởng một mùa xuân an lành, hạnh phúc… Cầu bình an đầu năm không có nghiã là đi cúng sao hạn để được tai qua nạn khỏi, mà là gia đình nhắc nhau nhân đầu xuân mới lễ Phật, tụng kinh tự mình làm mới, tạo thêm phước lành, tránh làm điều xấu ác, tu thân tích đức để nhờ công đức này, gia đình đuợc an vui, hạnh phúc suốt năm. Đó mới đúng theo luật nhân qủa : Tạo nhân lành sẽ hưởng qủa lành là vậy !.
        Bên cạnh Phật giáo là Thiên Chúa giáo với giáo lý cấm mê tín dị đoan được ghi rõ trong sách Giáo Lý Công Giáo như sau :
Mê tín là lệch lạc trong tâm tình tôn giáo và trong cách thể hiện tâm tình này. Mê tín cũng có thể xẩy ra khi chúng ta thờ phượng Thiên Chúa chân thật, ví dụ như gán một ý nghiã ma thuật cho một số thực hành vốn chính đáng hay cần thiết. Nếu cho rằng chỉ cần đọc các lời kinh hay làm các dấu chỉ bí tích là có hiệu qủa, bất chấp những tâm tình phải có bên trong, người ta rơi vào mê tín (x. Mt 23,16 – 22) (Khoản 2111, Sách Giáo Lý Công Giáo).
    Thiên Chúa có thể cho các ngôn sứ hay các thánh nhân biết về tương lai. Tuy vậy, thái độ đúng đắn của Kitô hữu là phó thác hoàn toàn trong tay Chúa Quan Phòng những gì thuộc về tương lai và từ bỏ mọi thứ tò mò thiếu lành mạnh trong lãnh vực này. Thế nhưng, ai không tiên liệu là người thiếu trách nhiệm (khoản 2115  SGLCG).
     Phải loại bỏ mọi hình thức bói toán : cậy nhờ Xatan hay ma qủi, gọi hồn người chết hay những cách khác ngỡ rằng sẽ đoán được tương lai (x. Đnl 18, 10 ; Gr 29,8). Coi tử vi, chiêm tinh, xem chỉ tay, giải điều mộng, xin xăm, bói toán qúa khứ vị lại, đồng bóng là những hình thức che giấu ước muốn có quyền trên thời gian, trên lịch sử và trên cả con người, cũng như ước muốn liên kết với các thế lực huyền bí. Điều này nghịch với lòng tôn kính và thần phục chỉ dành cho Thiên Chúa (Khoản 2116 SGLCG).
   Ai muốn dùng ma thuật hay phù thủy để chế ngự các thế lực huyền bí, bắt chúng phục vụ mình và nắm được quyền lực siêu phàm trên người khác dù là để chữa bệnh, cũng lỗi nặng nhân đức thờ phượng. Các việc này càng đáng lên án hơn nữa khi có dụng ý hại người, hay nhờ đến sự can thiệp của ma qủi. Mang bùa cũng là điều đáng trách. Chiêu hồn thường đi kèm cả bói toán hay ma thuật. Hội Thánh cảnh giác các tín hữu phải xa lánh các điều ấy. Khi dùng các phương thuốc gia truyền không được kêu cầu các thế lực ma qủi cũng như lợi dụng sự nhẹ dạ của người khác (Khoản 2117 SGLCG).
       Như thế, chúng ta không còn lý do nghi ngờ hay chụp mũ các tôn giáo là mê tín, hoặc chủ trương, dung dưỡng các hoạt động mê tín, dị đoan, nhưng loại trừ hẳn não trạng : tôn giáo làm mê muội tín đồ bằng các thủ đọan mê tín, dị đoan, buôn thần bán thánh.
      Để nắm vững vấn đề, thiết tưởng chúng ta cần phân biệt rõ hơn giữa niềm tin và mê tín :     
1.    Niềm tin tôn giáo đòi hiểu biết, trong khi mê tín là kết qủa của mê muội :
     Bất cứ niềm tin nào cũng đòi hiểu biết, nghiã là trong niềm tin, lý trí làm công việc tìm lý do khả tín của mình để niềm tin có một nền tảng đáng tin.
     Người tín hữu theo một tôn giáo là dấn thân tin một Đấng được tôn giáo ấy giới thiệu, loan truyền, làm chứng, nên không ai có thể tin nếu không biết về Đấng mình tin, và chỉ tin khi lý trí người tín hữu chấp nhận những điều nghe kể về Đấng ấy là đáng tin, những chứng cứ về Đấng ấy là khả tín, nghiã là không phi lý, hay ngược lại suy tư, luận lý tự nhiên, bình thường.
    Mê tín thì ngược lại, khi người ta không biết gì, hoặc biết rất ít, rất mơ hồ về người và điều mình tin, nhất là những điều này không có  nền tảng để có thể tin đươc, vì phi lý và tự thân mâu thuẫn.
     Thầy Thiện Ý trưng dẫn cái phi lý của chuyện cúng sao giải hạn như sau : Hủ tục mê tín dị đoan đẵ làm tốn phí không biết bao nhiêu tiền của và những lo sợ vô lý, viển vông. Xin hỏi hiện dân số toàn thế giới là khoảng trên bảy tỉ (theo thống kê ngày 12 tháng 3 năm 2012 của văn phòng thống kê Hoa Kỳ - USCB), chia đều ra theo chín ngôi sao chiếu mệnh, thì kết qủa có khoảng 777 triệu người trên thế giới có cùng một ngôi sao chiếu mệnh trong một năm ! Nếu chỉ tính dân số nước Việt Nam là 88 triệu, thì có khoảng 9 triệu 700 ngàn người Việt trong nước có cùng một sao chiếu mệnh ! !!   Nhưng thử nhìn con số trên đây, chúng ta có thể tưởng tượng được rằng có chừng ấy người (777 triệu) sẽ phải chịu tai họa giống như mình trong một năm ; và năm sau cũng chừng ấy người chịu tai họa cho năm kế tiếp vì sinh nhằm sao xấu !. Thưc là điều phi lý không thể hiểu nổi.
2.    Niềm tin tôn giáo đòi yêu mến, tin tưởng, khác với mê tín mang nặng lo âu, sợ hãi :
   Đức Tin luôn mang lại niềm vui, vì khi tin, ngừơi tín hữu hay tín đồ hạnh phúc vì biết mình được yêu bởi Đấng mình đã tin và yêu mến. Không ai có thể tin người mình không yêu mến, cũng như không ai có thể yêu mến người mình không tin. Tin và yêu sánh đôi với nhau, nên có tin là có yêu, có yêu mới tin được, và người tin luôn là người hạnh phúc vì yêu và được yêu.
     Niềm tin tôn giáo là gắn bó thiết thân giữa cá nhân mỗi người với Đấng siêu nhiên. Gắn bó thiết thân ấy chính là tình yêu và lòng tin tưởng, nên niềm tin không bao giờ sợ hãi, khác với mê tín đầy ắp lo âu, sợ sệt, vì chỉ có đe dọa, và vắng bóng tín nhiệm, yêu thương.
     Nhưng tại sao có sự khác biệt này giữa người có đức tin và người mê tín ?
   Thưa vì người có đức tin tin vào Đấng thương mình, tin ở Đấng có quyền năng nhưng nhân hậu luôn cứu giúp mình, trong khi người mê tín tin vì sợ hãi một sức mạnh không tên, một thế lực vô danh, một khuôn mặt bí ẩn luôn soi bói, rình rập, một bàn tay uy lực, nhưng  tàn ác, nên tin của mê tín là tin vì bị đe dọa, tin vì sợ tai hoạ, tin để tránh bị trừng  phạt, báo oán, chứ không tin vì yêu, tin vì hy vọng, tin vì ký thác vào tình thương, và lòng nhân hậu của Đấng quyền năng, nhưng tốt lành, nhân ái, như tín hữu Kitô giáo tin Đức Giêsu là Thiên Chúa giầu lòng thương xót, chậm bất bình và rất đỗi khoan dung, và tín đồ Phật giáo tin ở Đức Thích Ca Mâu Ni là người đắc đạo và đầy lòng từ bi, hỉ xả, thương yêu, giúp đỡ.
3.    Niềm tin tôn giáo không mua bán, trao đổi bằng vật chất như mê tín :
      Nói đến niềm tin, đức tin, tôn giáo nào cũng trân trọng như giá trị tuyệt đối linh thiêng, nên không thể dùng vật chất để trao đổi, mua bán niềm tin, đức tin. Người tín hữu, tín đồ tin yêu Đấng giáo chủ của mình với tâm hồn trong sáng, với trái tim tinh ròng nồng nàn, và sự gắn bó giữa tín đồ, tín hữu với Đấng thiêng liêng là một tương quan nội tâm, thánh thiện.
     Vì thế, khi có hoạt động buôn thần bán thánh, tức trao đổi bằng vật chất như tiền bạc, của cải giữa thần thánh và con người thì đức tin không còn, và niềm tin biến thành mê tín, bởi ơn lành, phúc trọng nhận được từ Đấng thiêng liêng là ơn được ban nhưng không, nghiã là ban vô điều kiện, khi con người cầu xin Đấng mình tin yêu với lòng thành. 
     Khác với mê tín, ở đó, người mê tín đi mua sự may mắn, trao đổi với Sức Mạnh huyền bí bằng tiền bạc, của cải để thoát khỏi tai họa, nguy hiểm nào đó, và đạt được điều mong ước. Vì thế, bất cứ hành vi mê tín nào cũng nại đến vật chất, cũng đòi phải trả tiền, trả công, trả ơn quyền lực huyền bí qua người trung gian. Đó là lý do người ta lợi dụng nhiều người nhẹ dạ, cả tin để lừa tiền, gạt của, khi tự cho mình là người biết được ý Trời, nghe được tiếng của thần thánh, khi có người đến hỏi về tương lai, vận mệnh, hoặc xin ơn này, ơn nọ.
4.    Niềm tin là chọn lựa tự do của người trưởng thành, không nhẹ da, cả tin như mê tín :
     Đức tin là sự sống của người tín hữu và đức tin ấy, niềm tin tôn giáo ấy đi với người tín hữu, tín đồ suốt hành trình cuộc đời của họ. Vì thế, đức tin lớn lên với thăng trầm của cuộc sống, với niềm vui, nỗi buồn từng ngày, với gian khó, thử thách của hoàn cảnh, và tương quan ở mọi chiều kích.
      Vì thế, sẽ không có đức tin nhẹ tênh, dễ dãi, nhưng đức tin nào cũng trầy trụa trải nghiệm vất vả, hy sinh ; niềm tin nào cũng rướm máu vì vượt qua nhiều chướng ngại thách đố, nên người tin sẽ là người trưởng thành, vì tự nguyện chọn lựa, tự ý dấn thân, tự do lên đường, và không hề bị ai dụ dỗ, áp lực. Đây chính là sự khác biệt giữa người tín hữu, tín đồ và người mê tín. Người có đức tin là người trrưởng thành khi đóng chặt niềm tin của mình vào Đấng là Sự Thật, và là Đường, trong khi người mê tín không biết ai thật, giả, điều gì đáng tin hay không đáng tin, nhưng cả tin, nhẹ dạ, để mình bị rủ rê, mua chuộc, tán tỉnh đi vào đường mê tín.
5.    Niềm tin mang tính hiệp thông, khác với mê tín là hành vi cá nhân và biệt lập :
   Đức Tin của tôn giáo chính danh nào, ngoài tính cá nhân, cũng mang tính cộng đoàn hiệp thông, nghiã là cùng tin với những người tin khác, cùng chia sẻ niềm tin với cộng đồng, đồng lao cộng khổ vì lợi ích chung, sẵn sàng hy sinh cho hạnh phúc của mọi người, và tương thân tương trợ trên hành trình đức tin.
     Khác với mê tín luôn là hành vi cá nhân, biệt lập, không dính dáng, quan tâm đến người khác, không can dự đến cộng đồng xã hội, vì chỉ nhắm mục đích phục vụ lợi ích cá nhân, tìm giải quyết nhu cầu riêng tư, nên mê tín luôn mang tính ích kỷ, đóng khung, khép kín, hạn hẹp, biệt lập, nhất là không minh bạch và không thể chia sẻ, hiệp thông.  
6.    Niềm tin làm con người hạnh phúc vì được yêu và bình an ; mê tín làm con người bất hạnh vì bị đe dọa và sợ hãi :
     Muốn biết một người có đức tin đích thực, có niềm tin chân chính, chúng ta chỉ cần nhìn xem họ có hạnh phúc, bình an hay không ? Người có đức tin không thể là người buồn sầu, thất vọng, chán đời, không muốn sống, vì đức tin là nguồn vui, ơn bình an, là lẽ sống cho đời người hạnh phúc. Người tín hữu Thiên Chúa giáo tìm đến Thiên Chúa là niềm vui của họ, vì Thiên Chúa yêu thương và cứu độ họ, vì Thiên Chúa nhân hậu và bao dung tha thứ cho họ mọi lỗi lầm, vì Thiên Chúa là gia nghiệp, phần thưởng, thirên đàng của họ ; cũng như người con Phật tìm đến cửa Phật để được thư thái, bình an.
     Khác hẳn niềm tin đem lại bình an nội tâm, và niềm vui sống với mọi người, với cuộc đời, mê tín chỉ đem lại bất hạnh, vì triền miên bị những đe dọa của tai ương đeo bám, bị thần thánh đe loi trừng phạt, bị vong hồn từ bao đời oan nghiệt đòi nợ, trả thù, báo oán. Người mê tín không khác người nghiện xì ke, ma túy, khi hoàn toàn lệ thuộc vào những phán quyết tào lao, đồng bóng của người tự nhận là sứ giả, phát ngôn của thần thánh. Họ mất hẳn tự tin, vì không còn bản lãnh và tinh thần độc lập, tự quyết ; họ tha hoá tận cùng khi không còn ý chí quyết định và họ bất hạnh hơn tất cả những người bất hạnh khác, vì phải sống trong đe dọa, sợ hãi, lo âu. Những lo sợ này do người trung gian giữa thần thánh và họ tạo ra để giữ họ làm con ti ; những đe dọa làm hoang mang, hỏang lọan, mất tinh thần là khí giới thần sầu qủy khốc và độc chiêu được những tay lừa đảo, buôn thần bán thánh sử dụng để làm tiền. Và những người trót rơi vào vực thẳm mê tín đã vô phúc trở thành nạn nhân đáng thương của những chiêu trò bịp bợm tinh vi và phi nhân luôn tìm đánh vào những người có tâm lý non nớt, bất ổn.
     Tóm lại, đức tin hay niềm tin tôn giáo luôn mang tính tự do, hiểu biết, bền bỉ, trưởng thành, hy sinh, minh bạch, khai phóng, vô vị lợi, không ích kỷ, không loại trừ, bình an và hạnh phúc. Trái lại, mê tín bị bao vây bởi mê muội, áp lực, khống chế, giai đọan, nhất thời, cá nhân, ích kỷ, khép kín, lọai trừ, giấu diếm, không minh bạch, dùng vật chất để mặc cả, đổi chác, bị đe dọa, sợ hãi, lệ thuộc, không bình an, và bất hạnh. 
      Cám ơn Bạn đã đón nhận những chia sẻ. Người viết hy vọng đã đóng góp chút ánh sáng để làm sáng tỏ niềm tin và cảnh giác tình trạng mê tín ngày càng lan rộng, khi điều kiện sống ngày càng khó khăn, xã hội ngày càng nhiều vấn đề, bởi mê tín có nhiều cơ hội tung hoành, quậy phá khi con người hoang mang, lo sợ, mất phương hướng, mất niềm tin trước những thử thách tưởng không thể vượt qua.
       Ước mong niềm tin và niềm vui luôn đồng hành với Bạn, và mê tín không bao giờ có cửa bước chân vào nhà Bạn.
Jorathe Nắng Tím