Tôi có nhiều bạn ngoài Kitô giáo và một số đã qua đời.
Trừ một vài đám tang không thể đến dự vì đang ở qúa xa, còn hầu hết đám
tang các bạn không cùng đạo, tôi đều có mặt với luyến tiếc, nhớ
thương sâu sa của tình bạn.
Đám tang mới nhất là đám tang chị Mai. Tôi quen gia đình
chị đã gần bốn mươi năm. Chúng tôi là bạn thâm giao, nên bạn tôi là bạn chị,
bạn chị cũng là bạn tôi : lương giáo tương giao vui vẻ, đề huề. Hạnh phúc
mà người bạn Công Giáo đem đến cho gia đình chị, mà chị vẫn nhắc hoài là
dịp Đức Cha Ba Ba-tô-lô-mê-ô Nguyễn Sơn Lâm ghé thăm và cùng gia đình chị
đi chơi Futuroscope ở Poitiers, và anh chị từ Limoges lên Paris thăm Đức
Cha lần chót ở bệnh viện Georges Pompidou trước khi ngài về lại Thanh Hoá và
qua đời, cũng như kỷ niệm mãi không quên cùng nâng ly với Đức Cha Giuse Vũ Duy
Thống trên đường hành hương Đức Mẹ Lộ Đức.
Buổi tối canh thức bên quan tài chị, tôi cũng nhớ
những người bạn không cùng đạo đã ra đi : có những bạn vong niên như bác
sĩ Trương Quang Nhơn, không tôn giáo, thâm niên đảng viên cộng sản, người từng
chăm sóc nhiều giám mục, linh mục, mà có lần đã chia sẻ với tôi về
niềm tin và kết luận : “Tôi không thờ Thiên Chúa, nhưng tôi sống phục vụ
mọi người và không gian tham, hối lộ, cũng chẳng đàn áp, bóc lột ai,
nên tôi nghĩ : nếu có thiên đàng, thì sau này tôi sẽ ở trên đó” ;
bên cạnh là những người bạn cùng tuổi tôi như anh Hội, con người của mọi
ngừơi, lúc nào cũng năng nổ “giúp đỡ, làm ơn” đến quên đón con ở trường,
nên thường xuyên bị chị nhà trách móc, giận dỗi, nhưng rồi “chứng nào tật nấy”
đến chết cũng không bỏ được đam mê “ăn cơm nhà, vác ngà voi hàng tổng” ;
cũng có những người em lương giáo, hoặc không tôn giáo đã vội về bên kia thế
giới và mãi mãi tôi không quên những đức tính cao đẹp, những đặc
điểm dễ thương, và sâu sắc những ấn tượng thiện tâm, nhân ái.
Trước giờ tiễn đưa chị Mai đến nhà hoả táng, thân nhân,
bạn hữu, đồng nghiệp, và đồng hương Việt Nam chật kín “sảnh đường Thương
Tiếc”, ở đó mỗi người tự do chia sẻ tâm tình với người qúa cố.
Cháu Hoài Nam, con gái lớn nghẹn ngào nói với mẹ và về
mẹ. Cháu nức nở từng chữ : “Mẹ con là người mẹ tuyệt vời, người chị
tuyệt vời, người dì tuyệt vời…”. Cháu còn muốn nói thêm nhiều “tuyệt vời” khác của
mẹ, nhưng khóc qúa, nói không được… Tiếp theo là những đồng nghiệp ở trường,
phụ huynh học sinh, cả ông gác cổng người Ả Rập cũng xin được nói mấy
lời ngưỡng mộ, thương tiếc một con người dễ thương, hiền hậu, chịu đựng, bao
dung, chí tình và lạc quan, yêu đời.
Trên đường về nhà, mải mê trong ký ức về những người
bạn không cùng đạo đã qua đời, tôi miên man suy tư về ơn cứu độ.
1. Tôi thấy
các bạn ngoài Kitô giáo của tôi đã sống tinh thần Bát Phúc một cách đơn sơ, hồn
nhiên.
Các bạn tôi không ai ngỏ ý tìm hiểu đạo, cũng chẳng ai tỏ
ý muốn theo đạo, nên chắc chắn không ai biết Bát Phúc là gì, thế mà không người
nào trong họ đã không chọn cho mình ba, bốn mối Phúc để sống, và họ đã
sống triệt để những mối Phúc thánh thiện ấy đến ngày phải từ giã cõi đời.
Có người như anh bác sĩ Nguyễn Mạnh Phan kiên quyết bảo
vệ nguyên tắc : đã là người thì phải sống nhân ái, không nhân ái, không
được gọi là người, nên suốt đời tận tụy vì bệnh nhân, khám bệnh cho người
nghèo không lấy tiền, và luôn đề cao lòng thương cảm, từ bi, bác ái ;
người khác như chị Thu Hà thì say mê tinh thần buông bỏ, và tin “xác phàm
có một tương lai đời đời”, bởi con người mang dấu ấn của thần linh, nên không
thể chỉ là vật chất ; nhiều bạn khác rơi vào những mối Phúc khác như yêu
chuộng hoà bình, xây dựng bình an, “dĩ hoà vi qúy”, “một sự nhịn bằng chín sự lành”, nên
say sưa chuyện cho “chìm xuồng” những lời vu khống hồ đồ, thị phi không căn cứ,
và say mê hoà giải người này với người nọ, thu xếp, lo liệu để người này
làm hoà với người kia, và hạnh phúc của những bạn “có tâm hồn hoà bình” này là
thấy hôn nhân của bạn bè được hàn gắn, gia đình thiên hạ thôi xào xáo, lục
đục, chỗ làm thôi căng thẳng chuyện đấu đá, tranh giành.
Tóm lại, tôi thấy trong các bạn không cùng đạo của
tôi, ai cũng “ăn ngay ở lành”, sống có tâm, có đức, và vượt xa tôi ở số
lượng các mối “Bát Phúc”, dù không ai trong họ biết đó là Hiến Chương Nước Trời
đã được chính Đức Giêsu công bố, mà người Kitô hữu chúng tôi
phải thực hiện. Điều đáng nói ở đây là hầu như tất cả những người xin tạm
gọi là “ngoại đạo” mà tôi thân quen đều hiền lành, khiêm nhường, nhẫn nại, không
than trách, thất vọng trước nghịch cảnh, nhưng lạc quan tin vào tương lai được
bảo đảm bởi một Đấng Thiêng Liêng nào đó chưa gọi được tên, hay không muốn gọi
tên, vì lý do nào chưa được nói ra.
Họ có nhiều cơ duyên gần gũi với tinh thần của Hiến
Chương Nước Trời, và hồn nhiên, hạnh phúc sống những điều khoản của Hiến Chương
ấy.
2. Họ là
những nguời thiện tâm được Thiên Chúa chúc phúc :
Không biết Đức Giêsu, nhưng hồn nhiên, hạnh phúc sống
giáo lý cứu độ của Đức Giêsu, ắt hẳn họ phải là những người được Chúa
Thánh Thần hướng dẫn, bởi không có gì liên quan đến Đức Giêsu mà vắng bóng Chúa
Thánh Thần. Vậy những người được Thánh Thần hướng dẫn, dù chưa biết, nên chưa
tin Đức Giêsu là Thiên Chúa sẽ được đứng vào hàng ngũ nào ?
Thưa, họ là những người thiện tâm và đứng chung hàng ngũ
những người được Thiên Chúa yêu thương, chúc phúc, vì họ đáp ứng đòi hỏi của
Tin Mừng và xứng đáng nhận những gì Thiên Chúa hứa ban.
Khi hứa hạnh phúc Nước Trời cho những ai có tinh thần
nghèo khó, buông bỏ mình vì tha nhân ; hứa phần thưởng lớn lao trên thiên
đàng cho ai khát khao đời sống ngay lành, công chính ; hứa cho nhìn thấy
Thiên Chúa những tâm hồn trong sạch ; hứa thương xót những người có lòng
xót thương anh em khốn khó, cơ cùng, sa cơ, lầm lạc ; hứa ủi an những ai
sầu khổ, thiệt thòi vì yêu thương ; hứa nhận làm con những ai yêu mến, xây
dựng hòa bình, và hứa “Vương Quốc Nước Trời được dành sẵn từ tạo thiên lập địa”
cho những ai thương xót và sẻ chia với những người bé nhỏ, hèn mọn đang đói ăn
thiếu mặc, thất học, tật nguyền, đau yếu, lang thang không nhà không cửa, bị
tẩy chay, xa lánh, áp bức, tù đầy, Đức Giêsu đã không đóng cửa Nước Trời,
hoặc chỉ mở vừa đủ cho người có đạo, nhưng cho hết mọi người thiện
tâm, như các thiên thần trong đêm Giáng Sinh đã vui mừng công bố : “Bình
an dưới thế cho người thiện tâm” (Lc 2,14).
Vì người thiện tâm là người làm điều thiện như lương tâm
hướng dẫn, nên ai sống “tâm ngay lành, hướng thiện” sẽ là người được Thiên Chúa
thương ; vì thiện tâm là tâm vị tha, nhân ái, nên ai biết chạnh lòng cảm
thương, rộng lòng tha thứ, mở lòng thi ân, hết lòng phục vụ người khác sẽ là
người được Thiên Chúa cứu độ ; vì thiện tâm là tâm hồn thao thức tìm
kiếm và sẵn sàng đón nhận Chân Thiện Mỹ tuyệt đối, nên người thiện tâm thuộc về
Thiên Chúa và được Thiên Chúa dẫn dắt họ đến gặp Ngài trên nẻo đường Ngài muốn,
ở thời điểm Ngài định.
3. Họ là
những người đã được Đức Giêsu nói đến với tất cả ngưỡng mộ và yêu
thương trìu mến trong Tin Mừng :
Trong Tin Mừng, không phải một lần, nhưng nhiều lần Đức
Giêsu đã công khai tuyên dương đức tin của những người ngoài đạo. Họ là người
đàn bà ngoại đạo xứ Canaan đã kiên nhẫn van xin Ngài chữa con gái bà bị
qủy ám. Dù thái độ và câu trả lời của Đức Giêsu rất tiêu cực, nhưng bà vẫn một
mực vững tin và kiên trì nài nỉ, để rồi chính Đức Giêsu phải lên tiếng : “Này
bà, lòng tin của bà mạnh thật. Bà muốn sao thì sẽ được như vậy. Từ giờ đó, con
gái bà được khỏi” (Mt 15,28) ; họ là viên sĩ quan đại đội trưởng không
cùng tôn giáo với Đức Giêsu, và cũng không thuộc về tôn giáo mới của Ngài nhưng
đã tin và xin Ngài chữa cho đầy tớ của mình được khỏi với tâm tình khiêm
tốn tuyệt vời : “Thưa Ngài, tôi chẳng đáng đón tiếp Ngài vào nhà tôi,
nhưng xin Ngài chỉ nói một lời là đầy tớ tôi được khỏi bệnh” (Mt 8,8), và Đức
Giêsu đã tuyên dương đức tin của ông : “Tôi không thấy một người Israel
nào có lòng tin như thế !” (Mt 8,11), và bảo ông : “Ông cứ về
đi ! Ông tin thế nào thì được như vậy ! Và ngay giờ đó, người đầy tớ
ông được khỏi bệnh” (Mt 8,13).
Lời ca ngợi đức tin nơi người ngoại đạo của Đức Giêsu có
thể làm chúng ta, những người Kitô hữu thuộc diện “đạo gốc, đạo dòng”
chột dạ, và khó chịu, nhưng Đức Giêsu đã không chỉ dừng lại ở lời khen, và thái
độ ngưỡng mộ đức tin của anh chị em ngoại đạo, mà đi xa hơn, khi cảnh cáo chúng
ta, những người có đạo nguy cơ lọt ra khỏi Nước Trời, nếu không thận trọng, như
đã nghiêm nghị nói thẳng với những người đồng đạo Do Thái với Ngài : “Tôi
nói cho các ông hay : Từ phương đông phương tây, nhiều người sẽ đến dự
tiệc cùng các tổ phụ Ápraham, Ixaác và Giacóp trong Nước Trời. Nhưng con
cái Nước Trời thì sẽ bị quăng ra chỗ tối tăm bên ngoài, ở đó người
ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng” (Mt 8, 11-12).
Họ còn là
những người như Nicôđêmô, tuy không công khai là môn đệ của Đức Giêsu, nhưng đã
ở trong trái tim Ngài, vì là những người thiện tâm, khao khát Chân Thiện Mỹ khi
kín đáo đến gặp Đức Giêsu ban đêm và bầy tỏ tâm sự : “Thưa Thầy, chúng tôi
biết : Thầy là một vị tôn sư được Thiên Chúa sai đến. Qủa vậy, chẳng ai
làm được những dấu lạ Thầy làm, nếu Thiên Cha không ở cùng người ấy” (Ga 3,2).
Cũng chính ông, cùng với một người khác cũng ẩn danh, kín đáo ngưỡng mộ Đức
Giêsu tên là Giuse làng Arimathia đã xin được tháo xác, lo liệu tẩm liệm, “rồi
đặt Người vào ngôi mộ đục sẵn trong núi đá, nơi chưa chôn cất ai bao giờ” (Lc
23,53).
Vâng, mỗi lần
tiễn đưa người anh em, chị em không cùng đạo về bên kia thế giới, tôi thấy lòng
dạt dào một niềm tin yêu, trông cậy ở Đức Giêsu, Đấng Cứu Độ rất bao dung, nhân
hậu, Đấng đến và “đi tìm cho kỳ được” (x. Lc 15,4.8) tất cả những con cái
thiện tâm của Ngài, và sâu thẳm trong tâm hồn, tôi nghe văng vẳng tiếng hát các
thiên thần : “Bình an dưới thế cho người thiện tâm” (Lc 2,14 , tiếng Đức
Giêsu công bố “Tám Mối Phúc Thật” (Mt 5,3-12), và phán quyết hoàn toàn dựa trên
lòng Nhân Ái ngày chung thẩm (Mt 25,31-46)… Cũng trong sâu lắng tận đáy hồn,
tôi nghe lòng tràn đầy niềm vui ơn Thương Xót trên những người bạn không
cùng đạo đã sống một đời Nhân Ái của người Thiện Tâm được Thiên Chúa hứa yêu
thương, chúc phúc.
Jorathe
Nắng Tím
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét