Suy Niệm 8 : ĐỨC
MARIA, MẸ CỦA NHỮNG NGƯỜI SẮP QUA ĐỜI
Đứng dưới chân Thánh Giá,
Đức Maria không chỉ là Stabat Mater, người
Đàn Bà can đảm, người Mẹ qủa cảm :
đứng mà không ngã qụy, đứng mà không gục đổ, đứng mà không suy sụp trước khổ hình
kinh khủng Con mình đang gánh chịu, nhưng Mẹ còn “đứng đó” để đau đớn nỗi cô đơn quay quắt làm cháy khô cổ họng của
Đức Giêsu giờ hấp hối, khi rướn mình kêu lớn tiếng : “Ê-lô-i, Ê- lô- i, la ma xa bac-tha-ni !” Nghiã là : “Lạy Thiên Chúa, Thiên Cha của con, sao Chúa bỏ rơi
con ?” (Mc 15,34).
Đứng dưới chân Thánh Giá hôm đó trên đồi chết Canvê, Đức
Maria đã chứng kiến tận tường những giây phút đau khổ đến tận cùng của Đức Giêsu :
đau đớn vì đòn vọt tra tấn, vì đường dài
vác Thánh Giá từ dinh Philatô đến nơi hành hình trên Núi Sọ ; đau khổ vì môn
đệ, tông đồ kẻ thì phản bội chỉ điểm, kiếm tiền bỏ túi (x. Mc 14,4-10-11), người
thì phản phúc thẳng thừng thề thốt chối
bỏ “Tôi thề là không biết người ấy là ai” (Mc 14,71), số còn lại thì “cao bay xa chạy”, vì sợ liên lụy, chỉ còn duy nhất một mình Gioan đi với
và ở lại đến cùng (x. Ga 19,26-27). Ngài còn đau đớn vì những lời phỉ báng, thách
thức của đám đông (x ; Mc 15,29-32), và thái độ nhẫn tâm của đội quân thi
hành án (x. Lc 23,36). Nhưng kinh hoàng hơn cả, đắng đót hơn cả, tan nát cõi lòng
hơn cả chính là cảm tưởng bị Chúa Cha bỏ rơi, khi không một lời an ủi, một dấu
hiệu nâng đỡ, ủi an (x. Mc 15,33-35).
Đứng bên Thánh Giá hôm đó, Đức Maria đã chia sẻ nỗi nhục
nhằn của một Thiên Chúa đang hấp hối trong vô ơn, khinh mạn của loài người, khi
thiên tính hoàn toàn bị che dấu, và kẻ qua người lại đều nhục mạ Người, vừa lắc
đầu vừa nói : “Ê mi là kẻ phá Đền Thờ, và nội trong ba ngày xây lại được,
có giỏi thì xuống khỏi thập giá má cứu mình đi ! Các thượng tế và kinh sư
cũng chế giễu Người như vậy, họ nói với nhau : Hắn cứu được thiên hạ, mà
chẳng cứu nổi mình. Ông Kitô vua Ítraen, cứ xuống khỏi thập giá ngay bây giờ đi,
để chúng ta thấy và tin” (Mc 16,29-32) ; đồng thời xót xa nỗi đau của một
Con Người hoàn toàn thất bại sau ba năm gieo rắc, vun trồng cây Hạnh Phúc và xây
dựng con đường Bình An cho mọi người.
Đứng gần Thánh Giá buổi chiều buồn năm ấy, Đức Maria đã sống
từng giây cái chết của Đức Giêsu, Con Thiên Chúa, để chuộc tội và ban lại cho
con người hạnh phúc được sống, đồng thời sống niềm vui của con người tội lỗi, bất
hạnh, đáng phải chết vừa được Thiên Chúa thương xót, thứ tha và hứa ban Nước Trời
(x. Lc 23,43 ).
Bên Thánh Giá trên Canvê chiều tím năm xưa, Đức Maria đã
nuốt từng lời thương xót, thứ tha, trìu mến của Đức Giêsu, Thiên Chúa làm người
nói với con người, như với tông đồ Gioan và thân mẫu của Ngài : “Thưa Bà, đây là con Bà… và đây là Mẹ con” (Ga 19,26-27) ; với người gian phi : “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên
Đàng”
(Lc 2343) ; với tất cả những ai không tin, không yêu, không tôn trọng, nhưng
phỉ báng, cáo gian, vu khống, xúc phạm, làm tổn thương, hành hạ, giết chết Ngài, khi cầu xin Chúa Cha
ban ơn tha thứ : “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34). Và cùng lúc Đức Maria hiệp chung tâm tình và
lời cầu xin ơn thương xót của tội nhân cùng bị đóng đinh với Đức Giêsu : “Ông Giêsu ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi !” (Lc 23,42).
Bên Thánh Giá, Đức Maria cũng chứng kiến tận mắt với cõi
tòng nát tan Con mình tắt thở trên đỉnh Canvê pháp trường, khi nắng tím sững sờ
bao phủ, “bức màn trướng trong Đền Thờ bị xé ngay chính giữa, Đức Giêsu kêu lớn tiếng :
Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha” (Lc 23,45-46).
Và sau cùng, chính Mẹ đã nghe viên đại đội trưởng cất tiếng
tôn vinh Thiên Chúa rằng : “Người này đích thực là người công chính !”, và Mẹ thấy tận mắt “toàn thể dân chúng đã kéo đến xem cảnh tượng ấy, khi thấy
sự việc đã xảy ra, đều đấm ngực trở về” (Lc 23,47-48), để rồi vòng tay Mẹ sau đó đã ôm chặt xác
con, khi được tháo xuống khỏi Thánh Giá (x. Lc 23,50-56).
Qủa thực, trong gia đình thánh Nadarét, Đức Maria đã có mặt
khi thánh Giuse qua đời, và cũng hiện diện trọn vẹn giờ lâm chung của Đức Giêsu.
Vì thế, Mẹ biết rõ cái chết của “Thiên Chúa làm người” là Đức Giêsu, cũng như cái chết của con người là thánh
Giuse, nên Mẹ không thể không quan tâm đến giờ chết và cái chết của từng người chúng con là con cái Mẹ.
Đó là niềm tin tưởng của con cái đối với mẹ hiền, và đó cũng
là lý do cho phép chúng ta tin:
1.
Đức
Maria sẽ đến giúp chúng ta chống trả các cám dỗ ở giờ lâm tử:
Một trong những cám dỗ nặng nề và nguy hiểm mà chúng ta dễ
sập bẫy, sa chân nhất ở giờ chết là cám dỗ tuyệt vọng không tin ở Thiên
Chúa giầu lòng thương xót khi khám phá mình là kẻ tội lỗi đáng bị nguyền rủa, và
lên án.
Là Mẹ, Đức Maria sẽ có mặt để cùng chúng ta vượt qua những
cám dỗ dữ dội của Xatan ở giờ định mệnh, lúc mà toàn lực lượng của Hỏa Nguc được
huy động để cướp linh hồn chúng ta khỏi tay Thiên Chúa.
Mẹ sẽ giúp chúng ta chiến đấu chống lại cám dỗ thất vọng,
khi thấy mình “trần truồng công nghiệp, trần truồng công phúc, trần truồng
ân sủng”, như phạm nhân bị lột trần truồng khi bị hành hình, đóng đinh. Mẹ sẽ nâng đỡ
chúng ta không thất vọng vì thấy mình bất xứng, đời mình bất toàn, cuộc sống đầy
oan khiên, sai trái, bằng củng cố lòng trông cậy ở lòng thương xót Chúa, như người
gian phi cùng chịu đóng đinh bên phải Đức Giêsu, để khẩn khoản nài xin ơn tha
thứ trong giờ lâm tử.
Mẹ sẽ giúp chúng ta vượt qua thử thách tuyệt vọng, khi người
thân yêu, quen biết bỏ rơi, trở mặt bội bạc, ngược đãi, hầu được hoà vào nhịp đập
của trái tim bao dung, nhân ái của Đức Giêsu chịu đóng đinh, mà rộng lòng tha
thứ, bỏ qua tất cả nợ nần, thiếu sót, lầm lỗi cho mọi người, khi cầu xin với
Thiên Chúa Cha bằng lời cầu nguyện của Đức Giêsu : “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34).
Mẹ sẽ giúp chúng ta chiến thắng mưu chước của Xatan khi
chúng xúi ta kiêu căng, bất mãn do những đau đớn thân xác và đau khổ tinh thần ở
giờ chết, để không như người gian phi bên trái đã bực tức ngạo mạn thách thức
Thiên Chúa : “Ông không phải là Đấng Kitô sao ? Hãy tự cứu mình đi,
và cứu cả chúng tôi với !” (Lc 23,39).
2.
Đức
Maria dẫn chúng ta đến với Đức Giêsu, Con Mẹ ở giờ lâm chung :
Nếu đa số người có mặt ở Canvê hôm đó đã không nhận ra Đức
Giêsu là Thiên Chúa, qua hình hài phạm nhân bầm tím vì roi đòn, bết máu vì bị đóng
đinh, và nương long bị lưỡi đòng đâm thủng, để rồi đã lên tiếng chửi bới, thóa
mạ, thách thức, thì Đức Maria là người sống trọn vẹn mầu nhiệm cứu chuộc của Đức
Giêsu, Con Mẹ qua khổ hình Thánh Giá, qua tâm tình “đứng đó chiêm ngưỡng” và thái độ “đứng thẳng can trường” giữa một trời đau thương.
Vì thế, là Mẹ, Đức Maria sẽ dẫn chúng ta đến gặp Đức Giêsu
ở giờ lâm tử, khi dậy chúng ta nhận ra Thiên Chúa qua đau khổ ở những con người
khổ đau, qua thiệt thòi của những con người nghèo hèn, bị bạc đãi, bỏ rơi, qua
cuộc sống nhọc nhằn, đắng cay của những người bị bóc lột, áp bức.
Mẹ cũng chỉ bảo ta biết đón nhận ơn thống hối ở giờ lâm tử,
qua thái độ khiêm tốn, vâng phục của người tôi tớ trung thành, thái độ hiền lành,
đơn sơ của trẻ thơ không tham vọng, thủ đọan, thái độ phó thác của con thơ
trong vòng tay cha hiền, nhất là thái độ và tâm tình “trở về” của đứa con
hoang đàng trước tình yêu “vô cùng và đến cùng” của người cha nhân hậu là Thiên Chúa (x. Lc 15,11-32).
Là Mẹ, Đức Maria sẽ dậy chúng ta cầu nguyện ở giờ sắp chết,
như Đức Giêsu đã cầu nguyện với Chúa Cha : “Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha” (Lc 23,46). Đây là lời cầu nguyện của đứa con hoàn toàn
bất lực ở giờ chết, chỉ còn biết trông cậy vào lòng bao dung, nhân hậu của Cha
mình ; là lời van xin thống thiết phát xuất tận đáy lòng của tội nhân biết
mình chỉ còn có thể trông cậy vào lòng thương xót bao la, hải hà của Thiên Chúa
giầu Lòng Thương Xót, “Đấng đến để cứu những gì đã hư mất”.
3. Đức Maria an ủi chúng ta ở giờ lâm tử :
Nếu Đức Maria đã sống bằng chính tình yêu của mình hai cái
chết cùng một lúc : cái chết của Đức Giêsu, Thiên Chúa làm người, hoàn toàn
vô tội và là Đấng Cứu Chuộc, và cái chết của người gian phi “đích thực, đích danh” là tội nhân được Thiên Chúa cứu chuộc, thì Mẹ cũng sẽ không
từ khước có mặt với tình mẫu tử ở giờ chúng ta sắp qua đời, để an ủi chúng ta
trong cơn đau đớn của thân xác, vì bệnh tật, tuổi già, và những đau khổ tinh thần,
vì một đời thất bại, một cuộc sống vô nghiã, một cuộc đời vô tích sự, một đường
đời buồn nhiều hơn vui.
Là Mẹ của chúng ta qua lời trăn trối long trọng của Đức
Giêsu : “Đây là con Bà” khi giao phó thánh Gioan, đại diện nhân loại cho Mẹ mình, Đức Maria luôn thực
thi sứ mệnh làm Mẹ và vinh dự làm Mẹ của loài người, khi có mặt với những người
sắp qua đời này để đi vào đời sau. Mẹ sẽ đến ủi an, vì biết giờ chết là giờ cuốn
phim cuộc đời được chiếu lại trên màn ảnh cực lớn như một hiện tại tròn đầy, ở đó
không một tư tưởng, lời nói, việc làm tốt
xấu nào không được trình chiếu. Đó là lý do làm người sắp chết run sợ, ngao ngán,
ngã lòng, khi tội thì nặng nề, mà phúc thì nhẹ tênh, nhân đức thì ít, mà nết hư
tật xấu thì nhiều, và đó cũng là lúc những
người con sắp chết cần có Mẹ, cần được Mẹ đến bên giường ủi an, ở bên cạnh để ban
niềm hy vọng.
4.
Có
Đức Maria ở giờ lâm tử, chúng ta sẽ được cùng Mẹ, cùng triều thần thiên quốc và
toàn thể nhân loại ngợi khen Thiên Chúa :
Bởi ở đâu có Mẹ là có Đức Giêsu Thiên Chúa, mà nơi nào có
Thiên Chúa, ở đó có Thiên Đàng cùng triều thần thiên quốc, và toàn thể nhân loại,
vũ trụ, nên giờ chết có Mẹ, chúng ta sẽ có tất cả Hạnh Phúc và Vinh Dự của con
cái Thiên Chúa, để thay vì rên rỉ, rầu rĩ, lo âu, chúng ta sẽ hân hoan, vui mừng
như người xa quê lâu năm được trở về nhà Cha, mái ấm; thay vì run rẩy, sợ hãi,
chúng ta sẽ ngợi khen Thiên Chúa như viên đại đội trưởng đã cất lời ca tụng Đức
Giêsu là người công chính ; thay vì lấm lét trốn tránh, chúng ta sẽ hồn
nhiên xà vào lòng Thiên Chúa là Cha nhân hậu, luôn yêu thương, chiều chuộng con
cái mình.
Vâng, như người con trong cơn khốn cùng, biết mình sắp chết
không ngớt gọi tên mẹ mình, như người tử tội trên đường đến nơi hành quyết chỉ
dớn dác tìm hình bóng mẹ, như người con dù già nua, lớn tuổi, khi sắp chết cũng
vẫn ước ao được có mẹ ở bên, chúng con chạy đến cùng Mẹ, là Mẹ Đức Giêsu, Mẹ
Thiên Chúa, Mẹ con cái loài người, để van xin Mẹ đừng bỏ chúng con ở giờ lâm tử,
đừng quên chúng con khi chúng con sắp chết, đừng từ chối chúng con khi chúng
con chuẩn bị từ bỏ cõi đời này, nhưng ở với chúng con và dẫn đưa chúng con về với
Đức Giêsu, Con Mẹ yêu dấu.
Bởi khi còn sống, mẹ con mình luôn có nhau, vì Mẹ là Mẹ
chúng con, như Đức Giêsu đã ký thác chúng con cho Mẹ, nên khi giờ chết đến, Mẹ
cũng cho chúng con luôn được ở bên Mẹ, có Mẹ, vì có Mẹ, chúng con được chết lành
như thánh Giuse ; ở bên Mẹ, chúng con được ra đi bình an như Đức Giêsu ;
dưới mắt yêu thương của Mẹ, chúng con chắc chắn được ơn cứu rỗi, nhờ lòng thương
xót của Đức Giêsu, Con yêu dấu của Mẹ, Đấng không từ chối Mẹ bất cứ điều gì Mẹ
xin, như người gian phi bị đóng đinh bên phải Đức Giêsu đã được hứa ban Nước
Thiên Đàng ở giờ sau hết.
Chúng con xin phó thác cho Mẹ tất cả anh chị em đang chiến
đấu gay go trong giờ hấp hối, và tha thiết dâng lời cầu xin : “Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có
tội khi nay, và trong giờ lâm tử. Amen”.
Jorathe Nắng Tím
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét