Pages - Menu

Thứ Sáu, 24 tháng 1, 2020

LỜI CHÚA VÀ GIÁO LÝ VIÊN

I.    TƯƠNG QUAN GIỮA GIÁO LÝ VIÊN VÀ LỜI CHÚA
 Không thể phủ nhận tương quan mật thiết và nền tảng giữa Giáo Lý Viên và Lời Chúa, bởi Lời Chúa là Tin Mừng cứu độ cần được loan báo cho muôn dân và  Giáo Lý viên là những Kitô hữu được Giáo Hội mời gọi để chia sẻ sứ mạng thánh thiện đó. Chính Lời Chúa đã trở nên lý do có mặt của Giáo Lý viên.
1.   Giáo Lý viên loan báo Lời Chúa:
Sứ mạng của Giáo Lý viên là loan báo Đức Giêsu qua Lời Ngài. Kinh Thánh là con đường trên đó, Giáo Lý viên đồng hành với người khác. Dựa vào Lời Chúa, Giáo Lý viên giới thiệu dung mạo và trình bầy Tin Mừng cứu độ của Đức Giêsu. Bằng Lời Chúa, Giáo Lý viên làm chứng Đức Giêsu - “Thiên Chúa làm người” và không ngừng “loan truyền Chúa chịu chết, và tuyên xưng Chúa sống lại cho tới khi Chúa đến”.
Như thế, Giáo Lý viên không dậy một lý thuyết, một học thuyết, hay một giả thuyết nào đó; càng không bận tâm đến những định đề toán học, khoa học, xã hội nhân văn hay sinh vật; Giáo Lý viên cũng không tuyên truyền, cổ võ cho đảng phái, tổ chức trần thế nào, và tuyệt đối không làm công tác tiếp thị, quảng cáo, chào hàng cho công ty.
Giáo Lý viên chỉ say mê rao giảng một Đức Giêsu, và chỉ đời của Đức Giêsu mới hấp dẫn, lôi cuốn Giáo Lý viên, và đủ sức hối thúc Giáo Lý viên dấn thân  phục vụ. Giáo Lý viên dường như bị  cuốn hút bởi Ngài để chấp nhận  bỏ mọi sự mà theo và làm chứng “Đấng chịu đóng đinh, điều mà  người Do Thái coi là ô nhục, không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ”(1 Cr 1,23). Và tâm tình của Giáo Lý viên là tình yêu của người môn  đệ chí cốt, nhà truyền giáo nhiệt thành, người cộng tác trung tín dành cho một mình Đức Giêsu, bởi sẽ không có gì tách Giáo Lý viên ra khỏi Đức Giêsu  như thánh Phaolô đã viết:
 “Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô ? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo ? … Và tôi tin chắc rằng:  cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương qủy lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thụ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” (Rm 8, 35-39).
Như thế sứ mạng của Giáo Lý viên đòi một tình yêu rất lớn, rất mạnh dành cho Đức Giêsu và với ý nghiã  này, Giáo Lý viên đích thực là người say mê Đức Giêsu và tận hiến phục vụ Ngài không chỉ một vài năm khi chưa cưới vợ,  lấy chồng  hay như một chút đóng góp lấy lệ trang điểm đời “người có đạo”; trái lại, đây là dấn thân của một đời người, cho suốt cuộc đời như lời tuyên xưng : “Loan truyền Chúa chịu chết, tuyên xưng Chúa sống lại cho tới khi Chúa đến”. “Cho tới khi Chúa đến” tức tới phút chót đời người  khi nhắm mắt xuôi tay mới thôi loan báo, mới ngừng tuyên xưng.   
2. Giáo Lý viên sống Lời Chúa:
Không có sứ mạng nào lại đòi phải yêu thắm thiết, yêu nồng nàn, yêu say đắm, yêu đến hy sinh mạng sống như sứ mạng loan báo Tin Mừng. Những công việc khác, cùng lắm đòi cố gắng, nhưng làm môn đệ, tông đồ, nhà truyền giáo, Giáo Lý viên thì tình yêu dành cho Đức Giêsu phải là điều kiện tiên quyết. Bởi không yêu mến, không gắn bó, không hết tình hết mình, chúng ta không thể thuộc về Đức Giêsu để biết rõ Ngài là ai, hầu có thể giới thiệu, làm chứng về Ngài cho người khác: “Ai không yêu mến thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là Tình Yêu” (1 Ga 8).
Chính vì tình yêu như điều kiện không  thể thiếu mà Giáo Lý viên sẽ chỉ loan báo, làm chứng, giới thiệu được người mình yêu khi cảm nghiệm và sống chính sự sống của con người ấy. Vì nội dung loan báo không là một lý thuyết, học thuyết nhưng là đời Đức Giêsu:  “Con người -Thiên Chúa” nên không sống với Ngài, không trở nên giống Ngài, không cảm nghiệm tình Ngài, Giáo Lý viên sẽ không  biết Ngài, và đủ xác tín để làm cho người khác tin ở Ngài. Vì không đủ gắn bó tình nghiã, Giáo Lý viên sẽ thiếu lửa khi loan báo, nghi ngờ khi tuyên xưng, dè dặt khi làm chứng, ngập ngừng khi rao giảng Đức Giêsu, và tất nhiên lời chứng và đời chứng nhân của Giáo Lý viên sẽ không có sức thuyết phục .

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét