II.
LỜI CHÚA ĐEM LẠI GÌ ?
Kinh Thánh Cựu Ước là
lịch sử dân Thiên Chúa, một dân được Thiên Chúa chọn với tổ phụ Áp-ra- ham để mặc
khải chân lý một Thiên Chúa. Cựu Ước chuẩn bị cho Tân Ước, cũng như dân tộc
Ít-ra-en chuẩn bị cho sự quy tụ đông đảo các dân tộc chung quanh Đức Giêsu.
Kinh thánh Tân Ước là
đời Đức Giêsu, là lịch sử của Thiên Chúa làm người giữa loài người để cứu chuộc
mọi người. Trong Tân Ước, Lời Đức Giêsu được ghi chép bởi những chứng nhân đã sống
với Đức Giêsu hoặc người khác hay cộng đoàn tín hữu ghi chép lại từ lời kể, và
chứng từ sống động của những chứng nhân trực tiếp này. Tác giả chính của Kinh
Thánh là Thiên Chúa. Những tác giả nhân loại tuy vẫn giữ phong cách hành văn
riêng, lối diễn tả đặc thù của từng người, nhưng tất cả đều được linh ứng để
chân lý Đức Tin được ghi lại đầy đủ, trọn vẹn.
Như thế Lời Chúa là Đức
Giêsu. Chính Ngài là Ngôi Lời và “Ngôi Lời là Thiên Chúa.. Nhờ Ngôi Lời, vạn vật
được tạo thành. Điều đã được tạo thành ở nơi Người là sự sống và sự sống là ánh
sáng cho nhân loại. Ánh sáng chiếu trong
bóng tối, và bóng tối đã không diệt được ánh sáng”” (Ga 1,1- 5). “ Người
ở giữa thế gian, và thế gian đã nhờ Người mà có, nhưng lại không nhận biết Người.
Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà
chẳng chịu đón nhận.. Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta.
Chúng tôi đã được thấy vinh quang của Người, vinh quang mà Chúa ban cho Người,
là Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật” (Ga 1, 10-14).
Thánh Gioan tông đồ,
môn đệ được Đức Giêsu yêu đặc biệt đã xác tín ngay chương đầu của Tin Mừng ngài
viết: Ngôi Lời là Thiên Chúa làm người và ở giữa chúng ta. Ngôi Lời là Lời của
Thiên Chúa, Lời ban sự sống, ánh sáng chân lý và hạnh phúc đời đời.
Như thế, loan báo Lời
Chúa là loan báo chính Chúa, rao truyền Lời Chúa là rao truyền đời Chúa, làm chứng
Lời Chúa là tuyên xưng Chúa chết và sống lại cho tới khi Chúa đến.
Cũng chính vì loan báo
Đức Giêsu là Ngôi Lời của Thiên Chúa, mà đời Giáo Lý viên phải được đổi mới bởi
Lời Chúa nhờ thấm nhuần Lời Chúa và sống Lời Chúa một cách thiết thực, sâu sa,
nhiệt tình. Không có môn đệ hay nhà truyền giáo dửng dưng, ươn lười, chỉ có môn
đệ chí tình và người được sai đi nhiệt thành. Giáo Lý viên là môn đệ, nên không
thể hờ hững với Lời Chúa, chểnh mảng với sứ mệnh loan báo Tin Mừng. Trái lại,
Giáo Lý viên ý thức mình phải nên giống Đức Giêsu, Ngôi Lời của Thiên Chúa mỗi
ngày hơn nhờ sống và rao truyền Lời Ngài. Thánh Phaolô đã cho thấy mục tiên của
đời tông đồ là sống chính Đức Giêsu: “Tôi sống, nhưng không phải tôi sống, mà
là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2, 20).
Sống Đức Giêsu là sống
Lời Chúa, và điều kiện để rao giảng Lời Chúa là phải sống Lời ấy, sống sự sống của Thiên Chúa làm người ấy trước đó. Điều
đó cũng có nghiã: người rao giảng Tin Mừng vừa loan báo, làm chứng, vừa phải sống
Đấng mình làm chứng và thực hành Lời
mình rao giảng, bởi Lời Chúa không như
các môn khoa học khác, chỉ cần dậy hết giáo án là xong, không cần phải quan tâm
sống điều mình dậy.
Nhưng một khi đã hội đủ
điều kiện trên, chúng ta tự hỏi: Lời Chúa đem lại cho chúng ta những gì ? Bởi nếu
không biết chắc Lời Chúa mang lại những gì, Giáo Lý viên sẽ không đủ tin tưởng
để sống và rao giảng, đồng thời người nghe Lời Chúa, học Lời Chúa cũng không hứng
thú để chuyên cần, chăm chỉ học và say mê đem Lời Chúa thực hành trong đời sống.
Để trả lời câu hỏi
trên, chúng ta cùng chia sẻ câu chuyện vua Đavít cướp vợ của viên sĩ quan thuộc
cấp tên là Urigia trong Cựu Ước:
“Vào một buổi chiều, vua Đavít từ trên giường trỗi dậy,
và đi bách bộ trên sân thượng đền vua. Từ sân thượng, vua thấy một người đàn bà
đang tắm. Nàng nhan sắc tuyệt vời. Vua Đavít sai người đi điều tra về người đàn
bà, và người ta nói: “Đó chính là bà Bát-sê -va, con gái ông Êliam, vợ ông
Urigia, người Khết. Vua Đavít sai lính biệt phái đến đón nàng. Nàng đến với vua
và vua ăn nằm với nàng…Rồi nàng trở về nhà mình và có thai. Nàng sai người đến
báo tin cho vua Đavít rằng: “Tôi có thai”.
“Vua Đavít sai người đến nói với ông Gioáp: “Hãy sai
Urigia về gặp ta”. Ông Gioáp sai ông Urigia về gặp vua Đavít. Khi ông Urigia đến
với vua, vua Đavít hỏi thăm về ông Gioáp, về quân binh, về chiến sự. Rồi vua
Đavít bảo ông Urigia: “Hãy xuống nhà của ngươi và rửa chân”. Ông Urigia ra khỏi
đền vua, có người bưng theo một phần thức ăn của nhà vua theo sau. Nhưng ông
Urigia nằm ở cửa đền vua với tất cả bề tôi của chúa thượng ông, và ông không xuống
nhà mình.
Người ta báo cho vua Đavít rằng: “Ông Urigia đã không
xuống nhà ông. Vua Đavít hỏi ông Urigia: “Chẳng phải ngươi đi đường xa mới về ư
? Tại sao ngươi không xuống nhà của ngươi ?” Ông Urigia thưa với vua Đavít rằng:
“Hòm Bia cũng như Ítraen và Giuđa đang ở lều, chủ tướng tôi là ông Gioáp và các
bề tôi của chúa thượng đang ở ngoài đồng trống, mà tôi đây lại về nhà ăn uống
và nằm với vợ tôi sao ? Tôi xin lấy chính mạng sống của ngài mà thề rằng: Tôi sẽ
không làm điều ấy! ”. Vua Đavít bảo ông Urigia: “Hãy ở lại đây hôm nay nữa,
ngày mai ta sẽ cho ngươi đi…
Sáng hôm sau, vua Đavít viết thư cho ông Gioáp và gửi
ông Urigia mang đi. Trong thư, vua viết rằng: “Hãy đặt Urigia ở tuyến đầu, chỗ
mặt trận nặng nhất, rồi rút lui bỏ nó lại, để nó bị trúng thương mà chết”. Ông
Gioáp đang thám sát thành liền để ông Urigia ở chỗ ông biết là có quân hùng mạnh
nhất. Người (Ammon) trong thành xông ra, giao chiến với ông Gioáp. Một số người
trong quân binh, trong các bề tôi vua Đavít đã ngã gục, và ông Urigia, người Khết
cũng chết….
Vợ ông Urigia nghe tin chồng mình đã chết thì làm ma cho chồng. Khi tang lễ đã
xong, vua Đavít sai người đi đón nàng về nhà mình. Nàng trở thành vợ vua và
sinh cho vua một con trai. Nhưng hành động của vua Đavít không đẹp lòng Thiên
Chúa” (2 Sm 11).
“Thiên Chúa sai ngôn sứ Nathan đến với vua Đavít. Ông
vào gặp vua và nói với vua: “Có hai người trong cùng một thành, một người giầu
và một người nghèo. Người giầu thì có chiên dê và bò, nhiều lắm. Còn người
nghèo chẳng có gì cả, ngoài con chiên cái nhỏ độc nhất ông đã mua. Ông nuôi nó,
nó lớn lên ở bên ông, cùng với con cái ông, nó ăn chung bánh với ông, uống
chung chén với ông, ngủ trong lòng ông: Ông coi nó như một đứa con gái. Có
khách đến thăm người giầu, ông này tiếc của, không bắt chiên dê hay bò của mình
mà làm thịt đãi người khách đến thăm ông. Ông bắt con chiên cái của người nghèo
mà làm thịt đãi người khách đến thăm ông”.
Vua Đavít bừng bừng nổi giận với người giầu ấy và nói
với ngôn sứ Nathan: “Có Thiên Chúa hằng sống, kẻ nào làm điều ấy thật đáng chết!
Nó phải đền gấp bốn con chiên cái, bởi nó đã làm chuyện ấy, và đã không có lòng
thương xót”. Ngôn sứ Nathan nói với vua Đavít: “Kẻ đó chính là ngài ! Đức Chúa,
Thiên Chúa của Ítraen phán thế này: “Chính ta đã xức dầu phong ngươi làm vua
Ítraen, chính ta đã giải thoát ngươi khỏi tay vua Saun. Ta đã ban cho ngươi nhà
của chúa thượng ngươi, và đã đặt các bà vợ của chúa thượng ngươi vào vòng tay
ngươi. Ta đã cho ngươi nhà Ítraen và Giuđa. Nếu bấy nhiêu mà còn qúa ít, thì Ta
sẽ ban thêm cho ngươi gấp mấy lần như thế nữa. Vậy tại sao ngươi lại khinh dể lời
Đức Chúa và làm những điều trái mắt Người ? Ngươi đã dùng gươm đâm Urigia, người
Khết; vợ y, ngươi đã cướp làm vợ ngươi; còn y, ngươi đã dùng gươm của của con
cái Ammon mà giết. Ấy vậy, gươm sẽ không ngừng chém người nhà của ngươi, bởi vì
ngươi đã khinh dể Ta và cướp vợ của Urigia, người Khết , làm vợ ngươi…..
Bấy giờ Đavít nói với ông Nathan : “Tôi thật đắc tội với
Thiên Chúa”. Ông Nathan nói với vua Đavít: “Về phiá Thiên Chúa, Ngài đã bỏ qua
tội của ngài rồi, và ngài sẽ không phải chết. Thế nhưng vì trong việc này, ngài
đã khinh dể Thiên Chúa, nên đứa trẻ ngài sinh được chắc chắn sẽ phải chết”. Rồi
ngôn sứ Nathan trở về nhà….” (2Sm12, 1-15).
1.
Lời Chúa mở mắt con
người mù loà:
Câu chuyện có thực, vì
là sự thực xưa như trái đất, khi sự dữ theo tội lỗi vào thế gian đã làm con người
mù loà không nhận ra điều xấu mình đang làm, điều tồi bại mình sắp thực hiện.
Đavít vì mê sắc đẹp của Bát-sê-va, vợ của Urigia và ham muốn thân xác nàng đã
không nhìn ra tội mình sắp phạm: cướp vợ người khác và âm mưu giết chồng của
người đàn bà này. Đây là tội khó tha, nhưng không khó gặp trong xã hội loài người
ở bất cứ đâu, trong bất cứ thời đại nào, bởi đã là con người là mang lấy hậu qủa
“mù quáng, mù loà, đui chột” của tội lỗi.
Ngôn sứ Nathan đã đến
gặp Đavít và chuyển đến vua Lời Thiên Chúa. Chính Lời Chúa đã mở mắt vua để vua
thấy điều mình làm là gian ác, ghê tởm truớc mắt Thiên Chúa và loài người. Lời
Chúa đã cho vua nhận ra mình có tội, đáng khinh bỉ, đáng bị nguyền rủa và luận
phạt. Sự dữ và tội lỗi đã làm mắt vua mù loà trước sự thật về mình và sự thật về
người khác. Sự thật về mình không được thấy, nên vua đã mù quáng nghĩ mình có
quyền trên vợ của người khác, và trên chính mạng sống của người chồng bị vua cướp
mất vợ. Sư thật về người khác bị che khuất, nên vua mới ngang nhiên phá hoại một
gia đình, làm tổn thương nhân vị, vi phạm nhân quyền và quyền làm vợ chồng của
Urigia – Bát-sê -va khi mưu mô gài Urigia về phép để che dấu, lấp liếm chuyện
nàng đã có thai với vua, nhất là đẩy Urigia sau đó vào chỗ chết thê thảm ngoài trận
tuyến.
Nhờ Lời Chúa được ngôn
sứ Nathan, vua Đavít đã mở mắt để thấy mình sai trái và tội ác tầy trời mình đã
phạm.
Nhận ra mình có tội là
điều kiện để được tha tội. Nếu Đavít không được Lời Chúa mở mắt để nhìn rõ tội
mình phạm và nhận ra mình là tội nhân thì ông vẫn cứng đầu không nghe Lời Thiên
Chúa trách móc qua ngôn sứ Nathan ; và như thế tội ác của vua mãi mãi không được Thiên Chúa thứ
tha. Nhưng nhờ nghe Lời Chúa, Đavít đã nhận mình có tội và thống hối ăn năn.
Tội lỗi có một sức mạnh
khủng khiếp là làm mù mắt tội nhân trước sự thật về Thiên Chúa và sự thánh thiện,
tốt đẹp của Ngài trong vũ trụ, trong con người. Chính vì mù, mà con người coi
thường, khinh rẻ và ngang ngược trước Thiên Chúa và tàn phá, xâm phạm, làm tồn
thương đồng loại.
Cần có Lời Chúa là ánh
sáng, đôi mắt mù loà vì tội lỗi mới mở ra để thấy vinh quang mang lại hạnh phúc
thật của Thiên Chúa luôn chiếu toả trên con người. Khép chặt đôi mắt, con người
không thể nhận ra tình thương xót Chúa bao la, hải hà, và càng không nhận ra
tha nhân là anh em mình. Và vì mù loà, con người sẽ tiếp tục đi trong bóng đêm
lầm lạc dắt đến hủy diệt.
Trong Tân Ước, chính Đức
Giêsu đã mở mắt người mù từ lúc mới sinh (Ga 9), và nhiều người mù loà khác (Mt
9, 27 -30). Hình ảnh Ngài “nhổ nước miếng xuống đất, trộn thành bùn và xức vào
mắt người mù” (Ga 9,6) nói lên ánh sáng cho những tâm hồn mù loà đến từ sự đụng
chạm trực tiếp với Ngài, và Lời Ngài chính là Lời ban ánh sáng cứu độ, để rồi lời
cầu xin chúng ta dâng Chúa khi đọc Lời
Ngài cũng sẽ là lời van nài tha thiết của người mù thành Giê-ri-khô: “ Lậy Đức
Giêsu, xin cho mắt chúng tôi được mở ra !” (Mt 20,33).
2.
Lời Chúa tha tội:
Lời Thiên Chúa cũng
tha thứ cho Đavít như đã mở mắt ông. Trong Tân Ước, Đức Giêsu đã không ngừng
ban Lời tha thứ : “Tội con đã được tha”. Ngài tha tội khi làm phép lạ cho người
tê liệt lành bệnh (Mt 9, 1- 8). Nói Lời tha tội cho người tê liệt, Đức
Giêsu cho chúng ta thấy Lời Ngài là Lời
tha thứ, Lời ngài là Lời giải cứu chúng ta khỏi gông cùm tội lỗi.
Sở dĩ, Lời Chúa đem lại
ơn thứ tha, vì Thiên Chúa thương tội nhân, nên dùng Lời Ngài giải phóng con người
khỏi tù ngục của tội lỗi. Vì thế, Lời Chúa tự thân là ơn cứu sống, là ơn tha tội,
và mỗi Lời từ miệng Đức Giêsu đều là tình yêu thương xót có sức xoá tội, tẩy sạch,
làm cho tinh tuyền, như Ngài đã nói với người phụ nữ tội lỗi: “Tội của con đã
được tha !.. Hãy đi bình an” (Lc 7, 48-50).
3.
Lời Chúa ban sự sống
và hạnh phúc đời đời:
Hạnh phúc của Đavít là
được Thiên Chúa thứ tha, và vì được tha thứ, ông nhận được hạnh phúc thật là
giao hoà với Thiên Chúa: Thiên Chúa không oán phạt ông nữa, nhưng tha thứ và
chúc phúc cho ông và vương quốc, miêu duệ của ông. Đavít đã huởng hạnh phúc của
một vị vua hiếu thảo đối với Thiên Chúa Giavê và triều đại của Đavít đã là triều
đại được chúc phúc. Cũng vì được chúc phúc, từ dòng dõi ông, Đấng Cứu Thế là
Ngôi Lời đã sinh ra (Lc 1, 27, 32).
Đức Giêsu nhiều lần đã
minh định: Lời Ngài là Lời ban sự sống và hạnh phúc lớn nhất cho con người là lắng
nghe Lời Ngài : “Khi Đức Giêsu đang giảng dậy, thì giữa đám đông có một phụ nữ
lên tiếng thưa với Người: “Phúc thay người
mẹ đã cưu mang Thầy và vú đã cho thầy bú !”. Nhưng Người đáp lại : “Đúng hơn phải
nói rằng: Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ Lời Thiên Chúa” (Lc 11, 27-28), và
Phêrô đã thảng thốt kêu lên sau khi cảm nghiệm hạnh phúc được lắng nghe Lời Đức
Giêsu : “Lậy thầy, qủa thực Thầy có lời ban sự sống đời đời !”; cũng như viên
sĩ quan ngoại đạo đã tin ở Lời Đức Giêsu là Lời cứu chữa, cứu độ nên đã xin với
Ngài: “Lậy Chúa, con chẳng đáng Chúa ngự vào nhà con, nhưng xin Chúa phán một lời
thì người nhà con sẽ được lành bệnh” (Mt 8,5-8). Khi trả lời ma qủy trong sa mạc,
Đức Giêsu cũng đã khẳng định : “Người ta không chỉ sống bằng cơm bánh, nhưng
còn sống bằng Lời do miệng Thiên Chúa phán ra” (Mt 4,4).
Tóm lại, Lời Chúa mở mắt
con người mù qúang, thứ tha con người có tội và ban sự sống, hạnh phúc đời đời
cho con người bất hạnh phải chết. Tất cả tai ương như: trở nên mù loà, bị kềm kẹp,
bất hạnh, và phải chết đều là hậu qủa không thể tránh của tội lỗi. Người có tội
là người mù, người nô lệ, người khốn nạn cơ cực, và phải chết.
Đức Giêsu là Ngôi Lời
đến trong thề giới loài người để với Lời Ngài, con người được sáng mắt, được trở
về cuộc đời làm con cái tự do, và sống đời đời để hưởng hạnh phúc làm con Thiên
Chúa tình yêu. Với Lời Chúa, chúng ta được giải thoát khỏi quyền lực của thần dữ, và được cứu thoát
khỏi mọi thứ ngục tù, vì Lời Chúa giải phóng và cứu độ để con người tìm lại hạnh
phúc làm con của Cha trên trời.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét