Cao điểm của tình yêu là chết cho người mình yêu. Chân
lý này ai cũng biết và đều nhận là một giá trị. Nhưng hiểu cái chết như thế nào
và thế nào mới là chết thì chưa hẳn mọi người hiểu như nhau.
Có người coi đó là cái chết bình thương, như những cái
chết thường ngày: thân xác không còn sự sống, để lâu sẽ thối rữa, phải đem chôn
hoặc hoả táng. Bên cạnh là cái chết của những người yêu nhau hy sinh thay mạng,
hiến mạng, đền mạng, thí mạng, đổi mạng, liều mạng cho nhau, vì nhau: những cái
chết của Đúc Kitô trên Thánh Giá, của Maximilien Kolbe trong trại tập trung Đức
Quốc Xã, của người vợ trong tác phẩm “Anh phải sống” của Khái Hưng khi tự buông
tay để giòng nước lũ cuốn trôi cho chồng được sống. Những cái chết ấy rất đẹp,
rất tình, rất cao thượng làm cho tình yêu trở nên tuyệt đối, làm cho những người
yêu nhau trở nên bất tử. Những cái chết ấy thực sự là những biểu chứng hùng hồn
của một tình yêu mãnh liệt, vĩ đại và mạnh hơn sự chết (Dc 8,6).
Có người sợ chết, không dám nghĩ đến một thứ tình có
thể chết cho người mình yêu. Họ vui lòng đứng xa kính cẩn, nghiêng mình, ngả mũ
chào những anh hùng của tình yêu, nhưng không muốn dấn thân như những anh hùng
này. Với họ, tình yêu phải dừng chân trước ngưỡng cửa của sự chết, vì chết là hết,
hết rồi lấy đâu mà yêu.
Tôi không nghĩ như họ và không giản đơn cái chết cho tình
yêu chỉ là những cái chết vật lý, xác thể. Nếu tình yêu thiêng liêng, vô hình,
bất diệt thì cái chết trong tình yêu không thể đơn thuần bị đóng vào mành khung
thể lý. Khi yêu ai, xác thân tôi có thể không chếtt, vẫn còn đó, vẫn sinh hoạt đó;
nhưng tâm hồn tôi chết, danh dự tôi chết, tương lai tôi chết, sự nghiệp tôi chết
và nhiều cái khác thuộc về tôi, “là tôi.” chết. Tôi chết cho người tôi yêu những
cái chết câm lặng, đớn đau, triển hạn, quay quắt, tang thưong, cay đắng trăm lần
hơn một lần chết thân xác để rồi được yên thân, được quên hết, được an nghỉ. Tôi
không chết trên thân xác tôi vì một tình yêu nhưng thâm sâu, tận cùng, thăm thẳm
trong tôi ngự trị cả một thế giới chết vì yêu.
Nhiều người tự tử vì tình. Họ không kham nổi cái chết
từng ngày, cái chết gặm nhấm cuộc đời; họ không đủ gan lì đối diện từng phút sống
trước cái chết ngạo mạn dưới nhiều bộ dạng, nên đành tìm cho mình một cái chết
thể lý, chết cho xong một đời, cho yên trăm bề, cho đẹp trăm mối. Cái chết lúc
này là một giải thoát vĩnh viễn, một cởi trói trọn vẹn, một ngơi nghỉ ngàn thu.
Không ai sẽ quấy rầy, không ai sẽ gọi cửa, không ai sẽ đợi chờ để không còn phải
thổn thức khổ đau, không còn tức tưởi tuyệt vọng. Đời người đã được chính người
kết thúc tại đây qua cái chết chọn lựa đã để lại nhiều khoảng trống khó hiểu …
Chết trong tình yêu phải được hiểu rộng, cao và xa hơn
những cái chết thể lý. Bởi tình yêu thiêng liêng, vô hình, vô sắc nên những cái
chết dành cho nó cũng phải thiêng liêng, vô hình, không giới hạn. Đức Kitô chết
không chỉ một lần trên Thánh Giá, nhưng chết dài dài, chết nhiều lần suốt hành trình
dong duổi yêu thương. Ngài chết trước những kiêu căng của những người Biệt Phái
chăm chỉ giữ luật, hăng say bảo vệ Đức Tin, nhưng thiếu từ tâm, bác ái. Ngài chết
nhiều lần vì những tham vọng, những gây gỗ của các môn đệ vì chỗ ngồi chỗ đứng,
chỗ trên chỗ dưới. Ngài chết vì thái độ dửng dưng, coi thường của bà con họ hàng.
Ngài chết truớc những bồng bột, nhẹ dạ của đám đông nay theo mai bỏ, ủng hộ đó
rồi đả đảo đó. Ngài chết vì những mạ ly công khai, những hiềm khích âm ỉ, những
chống đối gần xa của nhiều người không chân nhận mô hình và dường lối cứu thế của
Ngài. Ngài chết vì những nghi ngờ chụp mũ của giáo quyền, những truy lùng đe doạ
của thế quyền, ngay cả những vô tình, vô ơn của các môn đệ nhiều năm gần gũi, sát
cánh bên Ngài. Nhiều nỗi buồn, nhiều nỗi khổ, nhiều u uất đã làm Ngài chết. Hình
ảnh một Đấng Cứu Thế trong giây phút đơn côi đã phải thốt lên: “ Linh hồn Thầy
buồn đến chết được” (Mc 14,33-34).
Buồn mà chết được sẽ hết buồn, buồn không chết được mới
ngàn lần đau buồn hơn. Có một lần ở vào hoàn cảnh bi thảm, tuyệt vọng khi không
một tia sang hy vọng, không một lời ủi an, không một ánh mắt cảm thông, không một
bàn tay nâng đỡ, không một ngõ ngách vượt thoát, ta mới thấm thiá nỗi khổ, niềm
đau của cơn buồn đến chết được.
Biết trước con đường tình yêu sẽ là con đường đau khổ,
nhiều gai góc, nhiều nước mắt hy sinh, Đức Kitô đã nói với các môn đệ tình nguyện
đi theo Ngài ngay từ giây phút đầu: “ Nếu anh em muốn theo Thầy, hãy bỏ mình mà
vác thập tự” (Mc 8,34). Ngài không dấu diếm chén đắng tình yêu mà Ngài và những
ai muốn theo Ngài phải uống (Mc 10,38).
Uống chén đắng, vác thập tự, bỏ mình toàn là những việc
làm đau buồn, vất vả, chết chóc. Có ai ham sống lại đi tìm thập tự, có ai yêu đời
lại liều lĩnh bỏ mình, có ai mơ hạnh phúc ngọt ngào lại đi tìm chén đắng? Cuộc
hành trình của Đức Kitô không giống những hành trình khác, nhưng lại là hành trình
trăm phần trăm yêu thương. Khi mời gọi mọi người cùng đi với Ngài trên hành trình
tình yêu này, Đức Kitô gián tiếp mời gọi họ chết với Ngài mỗi ngày.
Như thế, ai cũng có thể là anh hùng trong tình yêu; bởi
ai cũng có khả thể chết mỗi ngày, ở mọi nơi vì yêu thương người khác. Cái chết
vì tình yêu không con bị hạn hẹp vào một lần chết thể lý, nhưng là trăm ngàn lần
chết âm thầm kín đáo, không kèn trống ma chay, những cái chết anh hùng không ồn
ào, huyên náo, những lần chết trọn tình trọn nghiã, không thiệp báo tang, không
vòng cườm phúng điếu. Những cái chết liên tục và suốt đời như thế không dễ như
ta tưởng. Nó đòi cởi bỏ nhiều lắm, từ vật chất đến tinh thần, từ những gì mình
có đến chính bản ngã qúy báu. Chết một lần có lẽ khó, nhưng không khó bằng chết
dai dẳng, chết nhiều lần. Tình nào cũng đòi đi đến tận cùng lý lẽ của nó, đường
tình nào cũng đòi thấy những cây số sau cùng. Không cuộc tình nào chịu dang dở,
không đường tình nào muốn rẽ ngang, không ân tình nào muốn đứt gánh. Và tận cùng,
cuối cùng, đến cùng của tình ấy là chết cho nhau. Có chết cho nhau, có chết dài
dài vì nhau, ta mới nếm được ngọt ngào của tình cho nhau, thứ mật tình chỉ chịu
tiết từ những lần chết vì yêu này.
Đức Kitô đã yêu suốt đời. Ngài muốn yêu bằng tình yêu
lớn nhất, thứ tình dám đưong đầu với sự chết. Khi chọn tình lớn nhất này, Ngài đã
phải chết để minh chứng sức mạnh của tình Ngài. Cái chết tưởng toàn năng, nhưng
đã phải bó tay đầu hàng khối tình vĩ đại. Cái chết tưởng sẽ làm sợ mọi người,
ai ngờ không làm sợ những người yêu nhau. Đứng trước chọn lựa lên đường theo Đức
Kitô để yêu thương hay rút êm tìm một ốc đảo, ta phải can đảm nhìn thẳng “luận
lý cuối cùng ” của tình yêu, dù luận lý cuối cùng này không mấy hấp dẫn, để không
nản lòng khi tình yêu đòi nhiều hy sinh, đòi nhiều lần chết, đòi liên lỷ quên mình;
bởi cuối cùng luật của “luận lý không dễ lý luận” của tình yêu là bất cứ một mối
tình chân thật nào cũng đòi phải trở thành tình lớn hơn sự chết và để lớn hơn sự
chết, tình ấy chỉ còn duy nhất một cách là vui lòng chết đi, chết mãi, chết không
ngại ngùng cho người mình yêu như Đức Kitô đã chết.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét