Pages - Menu

Thứ Tư, 19 tháng 2, 2020

MÙA CHAY TRUYỀN GIÁO (2)


Suy Niệm 2 : Trái Tim biết cảm thương, chạnh lòng
Trên đường theo Đức Giêsu truyền giáo, các tông đồ đã nhiều lần bộc lộ tinh thần còn xa Tin Mừng của các ông, khi dễ dãi chọn những phương án, và cách giải quyết thuần nhân loại trước những vấn đề của con người, không như Đức Giêsu mong muốn. Một trong những điều Ngài không mong muốn đó, chính là trái tim vô cảm, không biết cảm thương, chạnh lòng.
Một vài trường hợp cụ thể, điển hình :
Tin Mừng Matthêu kể câu chuyện người đàn bà xứ Canaan. Bà có đứa con gái bị qủy ám, nên lẽo đẽo đi theo và năn nỉ Đức Giêsu thương cứu chữa. Bà lớn tiếng kể lể, thở than, kêu van đến nỗi làm các tông đồ phát cáu, bực bội, và các ông đã  đề nghị với Đức Giêsu một phương án : “Xin Thầy bảo bà ấy về đi, vì bà ấy cứ theo chúng ta mà kêu mãi !” (Mt 15, 23).
Kêu mãi, than hoài làm người nghe đầy tai, nên nổi quạu ; kêu hoài, than mãi khiến người chung quanh phải khó chịu, nổi khùng. Các môn đệ của Đức Giêsu đã rơi vào tình trạng nổi quạu, nổi khùng này, và đã chọn giải pháp bảo bà ấy về đi cho mọi người được yên, bớt nhức đầu.
Tin Mừng Máccô kể về đám đông dân chúng say mê nghe Đức Giêsu giảng dậy đã rơi vào tình trạng đói, khi trời đã về chiều và ở nơi hoang vắng. Trước hoàn cảnh này, các môn đệ cũng đã đề nghị một giải pháp mau chóng, giản tiện, thuần nhân loại, đó là giải tán, khi thưa với Đức Giêsu : Xin Thầy cho dân chúng về…” (Mc 6,36).
Tin Mừng Luca thì kể chuyện các em bé được cha mẹ dẫn đến để xin Đức Giêsu đặt tay chúc lành, nhưng các môn đệ của Đức Giêsu thấy thế đã la rầy chúng (Lc 18,15).
Nếu có những người ngày xưa từng bước đi theo Đức Giêsu, nhưng đã không “chạnh lòng” như Ngài khi thấy đám đông “như bầy chiên không người chăn dắt” (Mc 6,34) ; nếu có người  chăm chú nghe Đức Giêsu rao giảng trên đất nước Palestin cách đây hơn hai ngàn năm, nhưng đã không “xót xa” như Ngài, khi thấy bà goá  trên đường đi chôn con trai duy nhất ở thành Nain (x. Lc 7,13) ; nếu có những người vất vả chen lấn để sờ được vào gấu áo Đức Giêsu ngày xưa, nhưng đã không  “thương cảm” như Ngài trước đoàn người đông đảo bệnh tật (x. Mt 14,14) ; nếu nhiều người có Đạo cách đây hai mươi mốt thế kỷ đã không “chạnh lòng thương” người anh em bị bọn cướp trấn lột, đánh nhừ tử, rồi bỏ mặc “nửa sống nửa chết” bên đường (x. Lc 10,33), thì hôm nay cũng không thiếu những người có đạo đầy quyền thế đã cho lệnh giải tán đám đông nghèo khó hay đến làm phiền ; không thiếu những tín hữu chẳng biết xót xa, thương cảm là gì trước những thân phận thiếu ăn, thiếu mặc, gầy giơ xương, nghèo kiết xác của đồng đạo, và nhiều lắm những người mang danh Kitô hữu “rất kêu, rất bóng, rất nổi, rất hoành tráng”, nhưng hoàn toàn không mang trên mình một hình ảnh, một dáng dấp, một thái độ, một lời nói, một việc làm “chạnh lòng thương” của Đức Giêsu. Và ngày xưa cũng như ngày nay, hôm nào cũng như hôm nay, thế giới vẫn không thiếu những con người vô cảm, trong Giáo Hội cũng không khó gặp những trái tim chai đá, giữa xứ đạo cũng còn nhan nhản những tấm lòng cứng cỏi, băng giá, vô tình trước đau khổ, khốn nạn của đồng đạo, tha nhân.
Nhưng có một con người không thể vô cảm, có một sứ mệnh không cho phép vô tình, vô tâm, có một ơn gọi không chấp nhận trái tim cạn khô lòng thuơng xót, đó là con người truyền giáo, sứ mệnh truyền giáo, ơn gọi truyền giáo, trái tim nhà truyền giáo.
Bởi truyền giáo là giới thiệu Đức Giêsu, dung mạo của Chúa Cha giầu lòng thương xót, bao dung ; truyền giáo là đồng hành với người khác đi vào trái tim thương cảm của Đức Giêsu, Thiên Chúa luôn chạnh lòng xót thương ; truyền giáo là cộng tác với Thiên Chúa trong công việc biến đổi trái tim kiêu căng, chai cứng, vô cảm của con người thành hiền lành, khiêm nhường, yêu thương, nhẫn nại, hy vọng và hy sinh vì hạnh phúc của tha nhân như trái tim Đức Giêsu ; truyền giáo là mở cõi lòng, mở tâm tư đón nhận tất cả, nên mọi sự cho tất cả trong yêu thương, phục vụ ; truyền giáo là nhân danh Đức Giêsu, Đấng là Tình Yêu cứu độ để “loan báo Tin Mừng cho người nghèo..., công bố cho kẻ giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, và công bố năm hồng ân của Chúa” (Lc 4,18-19), nên vô cảm, vô tâm, vô tình không thể chung sống với nhà truyền giáo, người rao giảng Tin Mừng, giới thiệu và làm cho mọi người tin yêu, tôn thờ Đức Giêsu, Thiên Chúa Tình Yêu, Đấng luôn chạnh lòng, trắc ẩn, thương xót, bênh vực, giải thoát, cứu chữa.
Vâng, nhà truyền giáo là người mang Đức Giêsu, Đấng luôn chạnh lòng thương xót ; là người loan báo Đức Giêsu, Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian ; là người chuyển ban ơn Bình An của Đức Giêsu, “Thiên Chúa làm người” đã hiến mạng để cứu chuộc con người tội lỗi sẽ khó có thể sống ơn gọi và sứ mạng truyền giáo của mình, nếu không biết chạnh lòng thương xót, vì thực ra, ơn gọi truyền giáo, sứ mệnh truyền giáo, cũng như con người truyền giáo chính là Thương Xót mọi người như Đức Giêsu đã chạnh lòng thương xót.        
Khi còn ở với các Tông Đồ, Đức Giêsu đặc biệt chú tâm đào tạo con tim của các vị để các vị biết chạnh lòng như Ngài, biết nhìn đoàn chiên như Ngài nhìn, biết chăm nom, săn sóc đoàn chiên như Ngài chăm nom, săn sóc, nhất là biết hy sinh cho đoàn chiên như Ngài đã hy sinh. Vì thế, mỗi lần các vị chọn phương án không bác ái, như xin lửa từ trời xuống đốt một làng xứ Samari để trừng phạt dân làng đã không đón tiếp Đức Giêsu và các ông (x. Lc 9,52-56), hoặc tìm cách giải quyết cho “được việc”, nhưng thiếu từ tâm theo kiểu thế gian như “giải tán, đuổi về, la mắng”, thì đều bị Ngài khiển trách, dậy bảo.
Thực vậy, chỉ với trái tim biết thương cảm, chạnh lòng như Đức Giêsu, nhà truyền giáo mới thực sự truyền giáo khi quy tụ mọi người quanh Lời Chúa và Thánh Thể. Nếu không, nhà truyền giáo sẽ chỉ làm công việc của nhân viên quảng cáo, tiếp thị, khi giới thiệu một mặt hàng, một sản phẩm, mà không giới thiệu “Con Người Thiên Chúa”, không làm chứng Tình Yêu của Thiên Chúa, Đấng từ bi và nhân hậu, và không làm cho Đức Giêsu được có mặt và lớn lên trong trái tim và cuộc đời  mọi người, như điều Chúa muốn ở người được gọi và sai đi truyền giáo.
Jorathe Nắng Tím

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét