Ai cũng có kinh nghiệm khổ đau khi tiễn biệt người thân
qua đời. Lần tiễn đưa cuối cùng buồn không sao kể xiết, lần chia tay vĩnh viễn,
nói sao hết khổ đau. Nước mắt người ở lại, đau đớn người còn sống trước yên
lặng não nề của người nằm xuống. Cái chết kinh hoàng, rùng rợn. Nó lấy đi tất
cả không bận tâm; nó càn quét tận cùng không do dự; nó cay nghiệt tàn ác không
thắc mắc, xót xa. Nhưng dù buồn đến đâu, dù tiếc thương đến mấy; ta vẫn phải
chấp nhận nhìn người thân ra đi.
Trong nỗi nhớ người thân, ta không cho phép mình nguôi
ngoai tình yêu, ta muốn họ mãi sống trong ta và một cách nào đó, họ trở nên bất
tử, luôn có mặt trong đời ta. Tình yêu ta dành cho họ xem ra không để uy quyền
của sự chết thống trị, không chịu cúi mình vâng theo định luật tan biến của hư
vô. Người ta yêu tuy vắng mặt trong thế giới vật lý hữu hình, nhưng ta muốn và
ta cảm thấy họ luôn hiện diện sống động trong trái tim ta.
Như thế, tình yêu không muốn chết, không chịu chết
theo định luật thể lý, không chịu tan biến theo thịt, da, xương, máu. Nó muốn
sống và sống mãi trong trái tim của những người sống khác. Nó muốn có mặt trong
đời đang sống của những người nhớ đến
nó và nó muốn trường tồn và nối dài đến vô tận sự sống của mình.
Khi người tôi yêu thương mất, tôi không muốn họ chết
trong trái tim tôi, nhưng giữ họ không chỉ trong ký ức, tâm tưởng mà còn trong
từng giây phút sống của đời tôi. Tôi thấy họ gần tôi hơn khi họ còn sống; tôi
chia sẻ với họ trọn vẹn và sâu xa đến độ tôi quên họ đã qua đời. Đời họ gắn với
đời tôi, tuy hai cuộc đời ở hai thế giới khác nhau. Kinh nghiệm ấy cho tôi nhận
ra tính bất tử của tình yêu. Tôi yêu được cả người chết, và người chết ấy “phải sống” để sống mãi trong tình yêu
tôi.Tình yêu không chết để tình yêu là mầu nhiệm. Tình yêu phải sống mãi cho
con người được giống hình ảnh đấng Chủ Tạo bất tử, hằng sống. Điều này cắt
nghĩa lý do và cách phân xử của Thiên Chúa trong ngày chung thẩm khi tình yêu
sẽ là điều kiện duy nhất, thước đo duy nhất, giá trị duy nhất để được nhận vào
cung lòng Thiên Chúa Tình Yêu. Nếu tình yêu cũng nát rữa như da thịt, tiêu tan
như xương cốt thì còn đâu gạch nối giữa đất với trời, giữa Thiên Chúa với con
người, giữa người sống và người chết?
Tính bất tử còn có lý do hiện hữu vì con người hữu
hạn, có cùng phải tiếp tục hành trình của mình vào vô hạn, vô cùng. Vô hạn, vô
cùng vì con người từ khi được tạo dựng đã mang sẵn mầm sống vĩnh cửu của tình
yêu.
Gửi gắm tình yêu cho người đã khuất là bí tích hiệp
thông trong Giáo Hội. Khi cầu nguyện cho người quá cố, ta thực hiện bí tích
tình yêu, dấu ấn ngàn đời vĩnh cửu của những người theo Đức Kitô. Trong bí tích
này, chính Đức Kitô tình yêu là sức mạnh tác động và là điểm tụ của mọi gặp gỡ.
Chính Ngài cho tình yêu nơi ta bất tử và nối kết mọi con người bất tử bằng tình
yêu là chính Ngài.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét