Có thể cả đòi, ta không định nghiã nổi một lần: “Tình
yêu là gì, Sự Thật là gì?", nhưng suốtt đời ta vẫn yêu say sưa và gắn bó sống
chết cho tình yêu, sự thật. Sở dĩ không cần đến định nghiã là vì tình yêu, sự
thật đã thiết thân đi liền với sự sống, đến độ không còn nhận ra chỗ đứng riêng
lẻ của ba thực tại kết hợp này.
Quả thế, sự sống đến do tình yêu. Tình yêu của cha mẹ
cho ta sự sống, tình yêu của người khác cho ta vào đời; ngay cả trong nghịch cảnh
éo le nhất, ta vẫn luôn đến từ tình yêu của mẹ. Chính vì thế, có sự sống khi có
tình yêu, và đâu có tình yêu ở đó sự sống nẩy mầm. Tình yêu và sự sống gắn chặt,
đan quyện vào nhau, nên khi tách tình yêu ra khỏi sự sống thì sự sống sẽ lập tức
héo tàn.
Nhung chưa đủ, tình yêu và sự sống còn đòi sánh vai,
chung bước với sự thật. Sự thật là một thao thức triền miên và căn bản tiềm tàng
trong con người. Không ai không yêu mến sự thật, cũng không ai muốn bị người khác
lừa dối, bịp bợm. Sự thật cho tình yêu một chỗ dựa, cho sự sống một làn khí tốt.
Sống mà không thở hay chỉ thở khí độc ô nhiễm thì sớm muộn cũng chết. Sự sống cần
sự thật như khí lành cần cho phổi; không những chỉ cần như làn khí lành, như dưỡng
khí tốt, nó còn cần như một điều kiện để tồn tại.
Hãy nhìn vào một cuộc sống thiếu sự thật, người sống
trong cuộc sống này sẽ sống như những con rối trên sân khấu lừa bịp. Mỗi người
mỗi vai, mỗi người mỗi áo, mỗi người một vũ trụ xa lạ. Vai trò áo mão chỉ để đóng
kịch. Khi màn kéo lại, không ai nhận ra ai, vì sự thật không có.
Không có sự thật, người sẽ không dám tin người. Không
dám tin, làm sao dám yêu, dám hợp tác, và thế giới thiếu sự thật ấy sẽ sụp đổ,
tàn lụi theo đòi hỏi và quy trình của gian dối. Sở dĩ người ta gian dối vì người
ta muốn đốn gục, áp chế nhau, trong khi sự thật dù thế nào đi nữa cũng chỉ giải
phóng, gỡ trói con người. Khi sự thật đi vắng thì không những cuộc sống ngột ngạt
mà đến trái tim cũng trống vắng, hoang mang. Một tình trạng vô hồn, vô cảm, vô
vị như thế có còn cho con người sống quân bình, hạnh phúc?
Trong đời sống hằng ngày, ta có khuynh hướng và thói
quen không nói hết sự thật. Không nói hết sự thật tức là chỉ nói một nửa hay một
phần sự thật. Sự thật bị xếp xuống hàng bánh mì; nhưng bánh mì dù là nửa ổ, một
phần tư ổ cũng vẫn là bánh mì, trong khi một nửa sự thật, một phần tư sự thật sẽ
không còn là sự thật; vì sự thật không phải vật chất, nhưng có tính siêu việt,
toàn phần.
Một vài thí dụ về sự thật bị cắt xén đục gọt: chị Tư nằm
bệnh viện ít ngày, chồng phải đi làm đến tám giờ tối. Anh không thể săn sóc 4 đứa
con nhỏ, phải nhờ vợ chồng cô cháu gái đến ở để trông coi. Sau khi xuất viện, vì
một vài xích mích nhỏ, chị Tư đã bêu xấu chồng với nhiều người và “mồm loa mép
dải” kể lể: “ Trong thời gian tôi nằm viện, anh ấy đã không trông nom các cháu,
nhưng đưa gái về nhà trông nom hộ”. Chị không nói sai, nhưng không nói hết sự
thật. Chị không gian dối, nhưng cắt xén sự thật. Chị không điêu ngoa, nhưng chỉ
trình bầy một phần của sự thật. Kết quả là mọi người hiểu sai hoàn toàn sự thật,
hiểu lầm hoàn toàn sự việc đã xẩy ra và quy tội cho anh. Sự thật ấy đáng lẽ phải
được kể lại đầy đủ thì nay bị cắt tiả, bớt xén. Thay vì phải nói: “ Anh ấy không
trông nom các cháu vì bận đi làm, thì chị bỏ phần sau “bận đi làm.”, chỉ giữ phần
đấu: “anh ấy không trông nom các cháu”. Thay vì nói “đưa cả hai vợ chồng đứa cháu
gái, chị chỉ chọn “đưa và gái ” và làm thành một câu, một sự thật mới không thật
chút nào: “ anh ấy đua gái về nhà ”. Hẳn khi nghe chị “tả thương tả oán” cái cảnh
đơn chiếc khổ sở trong bệnh viện và ông chồng vô trách nhiệm, bê tha, trắc nết,
ai lại chẳng chép miệng trách móc, lên án ông chồng và thương cảm cho cô vợ xấu
số. Có nhiều khi chỉ bớt đi một chữ, sự thật đã bị bóp méo tàn nhẫn và đem lại
hậu qủa hoàn toàn trái ngược. Thì dụ thay vì nói đầy đủ sự thật qua câu: Cha sở
tiếp cô Hồng trong phòng khách, ta bỏ đi chữ khách, người nghe sẽ bắt buộc phải
hiểu khác và hình dung một khung cảnh gặp gỡ khác, có hại cho uy tín, thanh
danh của cha sở và cô Hồng: “Cha sở tiếp cô Hồng trong phòng “. Ta có thể ngụy
biện rằng phòng nào cũng thế thôi, vì phòng khách cũng là phòng. Ngụy biện như
thế là ngụy biện ác ý, ác ý ở chỗ tạo nghi ngờ, thắc mắc, ác ý ở hành động tung
hoả mù để mỗi người tự do hiểu theo nội dung nào mình thích, mà tâm lý chung thì
ai cũng thích hiểu theo nội dung xấu, bất lợi cho người khác, thích nghe nói xấu
người khác, thích tìm cái xấu nơi người khác.
Ngôn ngữ và cấu trúc văn phạm nhiều khi cũng đồng loã
với những ông thợ cắt xén, đục đẽo, bóp méo sự thật này. Trong tay các ông, trên
miệng các ông, sự thật bị làm thịt không thương tiếc. Một thí dụ về nét tế vi của
văn pháp có thể làm sai sự thật: sau khi dùng cơm ở nhà người bạn với món chả cá,
tôi kể lại cho gia đình: Hôm nay qua nhà anh Đạm, anh chả, chả ngon. Hai chữ
“chả;” khi viết còn có thể phân biệt ý nghiã riêng của hai chữ nhờ dấu phẩy, nhưng
khi nói, nhất là theo giọng người bắc thì câu trên có thể hiểu theo hai nghiã:
nghiã thứ nhất: ăn chả và chả thì ngon; nghiã thứ hai hoàn toàn ngược lại: ăn
chả, chả chẳng ngon chút nào. Chữ “chả” với người bắc cũng có nghiã: “chẳng”, một
từ để chối. Cứ nhìn các cô bắc kỳ õng ẹo “ em chả thế này, em chả thế kia ” khi
có người mang trầu cau đến hỏi cưới, các bạn sẽ thấy được cái lợi hại của ngôn
từ, chữ nghiã.
Khi cắt xén một phần sự thật, ta tự cho mình cảm tưởng
đã nói sự thật, tự sắp xếp an bình lương tâm vì đã không nói dối. Và thực tế đã
cho thấy tầm quan trọng và mức độ độc hại của kiểu trình bầy sự thật không toàn
phần này.
Thiếu sự thật kéo theo nhiều cái thiếu khác: thiếu tình
nghiã, thiếu tình người, thiếu đoàn kết, thiếu niềm vui.
Biết đời người thiếu những cái không thể thiếu, Đức
Kitô đã đến trong đời để trờ thành “sự thật, tình yêu và sự sống”. Trong Ngài mọi
người gặp được sự thật trọn vẹn, toàn phần có sức giải phóng, xây dựng. Ở Ngài,
con người nắm bắt được tình yêu xây dựng trên nền móng sự thật. Với nền móng vững
chắc, bảo đảm này, tình yêu mới khai nguồn một sự sống thật phong phú, viên mãn.
Tin ở Đức Kitô, ta tin Ngài không lừa ta, không ác tâm
cắt xén sự thật làm hại ta. Tâm hồn Ngài thanh thản, an bình thật, vì sự thật ở
nơi Ngài là chính Ngài. Đến với Ngài giữa thế giới nhiều gian dối, lọc kừa; đến
gần Ngài khi sự thật về ta bị đục bỏ, cắt xén, ta sẽ tìm lại bình an của “Thiên
Chúa Tình yêu và Chân Lý”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét