Em bé yêu mẹ và chỉ mong được mẹ âu yếm ôm vào lòng. Lòng
mẹ, vòng tay mẹ là hạnh phúc tràn đầy của em. Trước tình mẹ, em thấy mình bé nhỏ
và càng bé nhỏ, em càng thấy mình được yêu hơn.
Không ai dậy em, nhưng em đã chọn phần tốt nhất trong
tình yêu là trở nên bé nhỏ. Bé nhỏ trong vòng tay ôm của mẹ, em đã nói lên cái
vĩ đại của lòng mẹ. Bé nhỏ bên ngực mẹ, em đã làm cho tình mẹ lớn hơn. Và tình
mẹ càng lớn, lòng mẹ càng bao la, em càng hạnh phúc, vì cái bao la, vĩ đại của
tình mẹ dành cho em.
Trong tình yêu đôi lứa, nét bé nhỏ, ngây thơ, vụng về
của đôi trẻ trong những ngày đầu mới quen, mới yêu là những kỷ niệm không thể
phai mờ. Và họ sẽ nhắc nhớ mãi buổi sáng ngây ngô, vụng dại, dễ thương, chập chững
yêu ấy.
Cả trong tình bạn, người ta cũng không tìm gì hơn là
những nét trẻ thơ, bé nhỏ. Chỉ có những người bạn chân tình trong những tình bạn
bé nhỏ.
Như thế, yêu nhau là chập chững cùng đi trên đường tình,
làm đường tình. Không có tình yêu thầy - trò, ông - cháu, hiểu theo nghiã có một
đối tượng lão luyện, dầy dạn, rành rõi hết mọi sự trong tình yêu. Và kinh nghiệm
cho thấy, yêu một con người bé nhỏ vẫn thấy hay và mộng mơ hơn yêu một tên phù
thủy đầy quyền năng.
Sở dĩ tình bé nhỏ đẹp, vì tình ấy cần đến một tình khác.
Lớn sẵn, to sẵn ắt chẳng cần ai, nhưng nhỏ bé luôn cần nương tựa, chở che, đùm
bọc, chia sẻ. Em bé cần mẹ, cần mọi người, vì em không tự làm được gi. Cuộc sống
của em không thể vắng bóng ân tình, yêu thương của người khác. Người khác tuy
khác em, nhưng gần em và em muốn có họ bên em, với em mãi. Em yêu người khác không
hẳn vì em tính toán lợi dụng họ, nhưng bản thân em bé bỏng, tự nó đã nói lên một
nhu cầu và nhu cầu này tự nhiên, chính đáng. Tình của em cũng bé nhỏ như em, không
bé nhỏ theo đơn vị đo lường, nhưng nhỏ bé trong cung cách. Nụ cười biết ơn, ánh
mắt chan chứa hạnh phúc của em bé hai tuổi trong tay mẹ, ai dám cho là bé nhỏ vì
ít oi. Nụ cười, ánh mắt ấy tuy rất bé vì là ánh mắt, nụ cười của em bé, rất nhỏ
vì nở trên mắt, trên môi em nhỏ; nhưng ánh mắt, nụ cười ấy ăm ắp cả trời bao la
và cao vời hơn tất cà. Cái gì đã làm cho những bé nhỏ trong em trở nên kỳ diệu,
tuyệt ý, nếu chẳng phải là vì tình yêu quá lớn, qúa vĩ đại nên đã phải mượn
cung cách thơ ngây, bé bỏng này để biện bạch, bộc lộ.
Hình ảnh này có thể giúp ta hiểu khối tình lớn lao của
Thiên Chúa trong em bé Giêsu bé bỏng ở Bêlem, Nazareth. Bởi tình Thiên Chúa ấy
lớn lao, vĩ đại qúa nên đã phải trở nên thật bé, thật nhỏ, thật thơ ngây, thật
vụng về…
Tình bé nhỏ còn đẹp vì nó luôn nhận ra giá trị tình yêu
nơi người khác. Khi cần đến ai, ta ít quên họ, ta dễ trân trọng khả năng của họ.
Tình yêu từ đó tăng trưởng từ nền tảng nhận ra giá trị của nhau. Ngược lại, yêu
nhau bằng cung cách “không bé nhỏ” sẽ cho một đường tình nhiều ổ gà, nhiều chướng
ngại vì không đủ bé nhỏ để lách qua những cồng kềnh, phức tạp, lôm côm, to lớn
của nhau.Tình yêu sẽ trắc trở khi cả hai cùng lớn, cùng mạnh. Cùng lớn mạnh nên
chẳng ai chịu ai, chẳng ai cần ai, chẳng ai nhận ra ai. Cơn cám dỗ ngàn đời của
người “lớn.” vẫn luôn là không nghe người khác, không muốn nhận giá trị của người
khác, không trân trọng yêu thương người khác.
Tình bé nhỏ còn là tình hy vọng. Ta hy vọng, cậy trông
nơi người khác vì ta chưa đủ lực, ta còn thiếu, còn yếu. Tình yêu mà tự hào “đã
đủ, đã đầy” khó có thể là một tình yêu thật, một tình yêu thăng tiến; bởi thái
độ tự mãn, tự đủ báo hiệu một suy thoái trầm trọng, một tình trạng còi xương mãn
tính của tình yêu trong khi tình yêu thật phải là tình muốn lớn, tìm lớn trong ý
thức còn thiếu sót, cần đỡ nâng. Người có ý thức “cần người khác.” để yêu, để học
yêu là người có cung cách bé nhỏ trong tình yêu.
Tình bé nhỏ còn là tình bao dung, bao dung cho người và
bao dung với mình. Vào dường tình đã có mấy ai không vấp ngã, té nhào? Trên đường
tình mấy người đã dám vỗ ngực xưng tên là hoàn hảo. Khi nhận mình lớn, ta khó
bao dung cho những yếu đuối của người, vì cho rằng họ không xứng đáng với tình
của ta; ta cũng không dễ thứ tha cho chính ta, vì không thể hiểu hoàn hảo như
ta, sao lại có thể vấp ngã. Với cung cách bé nhỏ, ta sẽ lướt thắng tất cả yếu đuối
nhờ khiêm tốn. Khiêm tốn sẽ giúp ta dứng dậy, đi tiếp đường tình mà không hề mặc
cảm, bối rối.
Tình bé nhỏ còn là tình hiền lành. Kẻ mạnh thường dữ,
kẻ bé nhỏ dữ với ai? Hiền lành là nền tảng cho tình yêu đứng vững. Cặp vợ chồng
dữ tợn suốt năm suốt tháng đấu tranh dành giật thắng lợi chỉ có thể xây chung một
điạ ngục hay một nhà tù. Thiên đàng không ở trong con tim hung dữ, nhưng chỉ rạng
rỡ trong dáng dấp hiền lành, khuôn mặt hiền hậu mang nét mượt mà, tình tứ của tình
yêu.
Khi trả lời các người đương thời câu hỏi: “ Ai là người
lớn nhất trong vương quốc của Ngài?”, Đức Kitô đã gọi một em bé đến gần và giới
thiệu với họ: “Chính em là người lớn nhất trong nước trời” (Lc 9,46-48).
Kinh ngạc vì vô lý, nhưng các ông phải yên lặng vì tình
yêu có lý riêng của nó và những câu chuyện tình khó hiểu cũng chỉ có thể lý giải
bằng tình yêu. Không cho các ông lớn, bà lớn là người lớn trong nước trời, Đức
Kitô đã cho ta thấy “nước trời” khác với “nước đời”. Nước trời là nước tình yêu,
có luật pháp tình yêu, có vua là tình yêu. Trong nước tình yêu này, người bé nhỏ
nhất sẽ có chỗ cao nhất và thứ tự ưu tiên bình thường hoàn toàn bị đảo ngược.
Học yêu thương với Đức Kitô, ta phải học bé nhỏ mỗi ngày.
Có trở nên bé nhỏ, ta mới thương được người khác, dung thứ những yếu đuối của
người khác, sống tình được với người khác. Những cái khác của người khác sẽ chỉ
“gần.” được ta, nếu ta chịu thu mình nhỏ lại một chút, rút “cái tôi” bé lại một
tị.
Nhỏ bé trong cung cách, nhỏ bé trong tâm tình, Đức Kitô
đang mời gọi chúng ta nhận vinh dự làm công chuá, hoàng tử trong nước Trời của
Ngài.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét