Pages - Menu

Thứ Ba, 4 tháng 2, 2020

TÔN VINH MẸ LA VANG - NỮ VƯƠNG CÁC GIÁO HỮU VIỆT NAM


Suy Niệm 9 : TỪNG BƯỚC CHÂN MẸ ĐI
Đức Tin là lên đường, bởi không có đức tin bất động, nằm lì, ngồi yên, đứng bất động tại chỗ. Kinh Thánh làm chứng : bất kỳ ai được Thiên Chúa kêu gọi đều phải đứng dậy, lên đường, bước đi, như Thiên Chúa phán với Ápraham, tổ phụ của dân được chọn để tin vào Thiên Chúa duy nhất và nhân hậu : Hãy rời bỏ xứ sở, họ hàng và nhà cha ngươi, mà đi tới đất Ta sẽ chỉ cho ngươi (St 12,1) ; hoặc như  Môsê, lãnh tụ của Israel, người  đưa dân ra khỏi đất nô lệ Ai Cập đã  được Thiên Chúa sai đến gặp Pharaô (Xh 3,10) ; và các tông đồ trong Tân Ước đã được Đức Giêsu kêu gọi Hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá. Lập tức các ông bỏ chài lưới mà đi theo Người (Mc 1, 17-18).
Đức Maria là người tín hữu đầu tiên và lý tưởng. Nói cách khác, Mẹ là người thứ nhất tin Đức Giêsu là Thiên Chúa và là người có Đức Giêsu từng giây phút trong suốt cuộc đời. Là gương mẫu của người tin theo Đức Giêsu, là tín hữu lý tưởng mà người Kitô hữu mong đạt tới, Đức Maria đã dạy chúng ta từng bước trên hành trình đức tin, như Mẹ hiền dậy con thơ  từng bước đi chập chững.
1.   Đức Maria dậy chúng ta  đi những bước chân vui khi thành công, thịnh đạt, may mắn :
Trong cuộc sống, chúng ta không thiếu những giây phút vui tươi với thành qủa, những khoảnh khắc ấm áp tình phu thê, gia đình, những lúc hân hoan sau kết qủa thi cử, những ngày hoan lạc khi kế hoạch thành công tốt đẹp, những cây số thành công như diều gặp gió, những giờ phút bên người tình yêu thương, những năm tháng nhẹ trôi an bình, hạnh phúc.
Trên những bước chân khấp khởi vui mừng ấy, chúng ta thường nhớ rất nhiều và cũng quên rất nhiều :
Chúng ta vui nên nhớ đến công lao, công sức của mình, và tự hào vì công trạng, công nghiệp của bản thân, mà dễ quên đi công lao, công sức, công trạng, công nghiệp của những người đã góp công làm nên niềm vui ấy cho ta. Cái tôi trở thành đề tài nổi bật khi ta vui, cái mình trở thành trung tâm, khi ta toại nguyện, và đây là lúc rất nhiều người đã hết tình, hết mình vì ta bị quên lãng.
Qủa thực, khi thành công, ta chỉ nhớ đến ta, nhớ những gì thuộc về ta, và nhớ những người ta còn cần đến, còn nhờ cậy được, hoặc còn phải lệ thuộc, dưới trướng. Họ là những người có thể không hề giúp ta những năm tháng ta còn cơ hàn, túng bấn, nhưng tháng  ngày trước mặt, ta biết : không bám lấy họ, nấc thang danh vọng, sự nghiệp ta mơ sẽ khó đạt được, nếu không o bế, cung phụng, luồn cúi những người đương quyền, đương nhiệm, đương chức này.
Bên cạnh những người phải nhớ, cần nhớ là những người ta bỏ quên. Ta hay quên những người đã hết thời dù đã một thời sống chết vì ta ; ta thanh thản quên những người đã tận tụy lo cho ta, nhưng nay không còn khả năng ; và đặc biệt ta dễ dàng quên những người bé nhỏ, nghèo hèn, đau ốm, không của cải, vật chất, mà chỉ còn lại duy nhất trái tim thương ta, và tình yêu của họ lúc nào cũng muốn bao bọc, nâng đỡ ta. Ta quên nhanh những người ấy, vì bên ngoài xem ra họ không còn  có thể giúp ta trèo cao đến tột đỉnh thành công, danh vọng.
Chính vì thế, thái độ thường gặp khi ta thành công, khi đời ta trúng mùa phấn khởi, nhảy chân sáo chính là kiêu căng, tự mãn, tự phụ, hống hách, trịch thượng, coi Trời, coi người  bằng vung, vì nghĩ mình tài giỏi, toàn năng, một mình ta làm nên tất cả, vì ảo tưởng siêu nhân, siêu sao, siêu đẳng cấp.
Đức Maria thì khác. Mẹ đã chọn hai tâm tình khi đời vui với hai thái độ tuyệt vời của người tín hữu tin vào Thiên Chúa:
Tin Mừng Luca thuật lại chi tiết buổi gặp gỡ giữa hai chị em Êlisabét và Maria : “Bà Êlisabét vừa nghe tiếng bà Maria chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên, và bà được đầy tràn Thánh Thần, liền kêu lớn tiếng và nói rằng : Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc. Bởi đâu tôi được thân mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này ?” (Lc 1, 40-43).
Vừa gặp bà chị họ Êlisabét, Đức Maria đã được khen ngợi hết lời, bởi không lời ngợi khen, chúc tụng nào vinh quang và thánh thiện đối với ngưới tín hữu hơn : “Bởi đâu tôi được Thân Mẫu của Chúa tôi đến với tôi thế này ?” (Lc 1,43).
Thực vậy, lúc này Đức Maria ở trong trạng thái rất vui mừng vì  “được Thiên Chúa phúc phúc”. Và trong giây phút hạnh phúc ấy, Đức Maria đã phản ứng khác với nhiều người:
Trước hết, Mẹ nhận ra ngay thân phận mọn hèn của mình và tất cả những gì Mẹ nhận được đều là Hồng Ân của Thiên Chúa toàn năng, mà không “giả hình, điệu bộ” từ chối niềm vui của nữ tỳ luôn biết vâng phục và sẵn sàng thực hiện thánh ý của Thiên Chúa, như chính Mẹ đã thốt lên trong kinh Tạ Ơn:  
    “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng, vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi. Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới.” (Lc 1,46-48).
Khiêm tốn nhìn nhận thân phận nữ tỳ hèn mọn và chân nhận:  sở dĩ được “diễm phúc” là do “Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả” (Lc 1,49), Đức Maria còn tỏ lòng kính sợ Thiên Chúa, vì tâm tình kính sợ là tâm tình chính đáng mà bất cứ thụ tạo nào cũng  phải có đối với Đấng Chủ Tạo của mình. Đó cũng là thái độ hợp tình, hợp lý của tôi tớ đối với ông chủ, bởi thụ tạo cũng như tôi tớ luôn cần đến lòng thương xót của Đấng Chủ Tạo, và Ông Chủ để được tồn tại, yêu thương. (x. Lc 1,50).
Bên cạnh tâm tình khiêm tốn biết mình nhỏ bé, mọn hèn, và tâm tình cảm tạ, tri ân Thiên Chúa Toàn Năng giầu lòng thương xót, là tâm tình hướng đến những người bé nhỏ, hèn mọn khác chung quanh mình, vì người tín hữu đích thực, chính danh là người biết cảm thương và chia sẻ với mọi người, nhất là những người đói nghèo, kém cỏi, yếu đuối hơn mình (x. Lc 1,51-53).
Tóm lại, trên những cây số đường đời ngập tràn niềm vui, Đức Maria đã đi những bước Khiêm Tốn, Cảm Tạ, Yêu Thương : khiêm tốn biết mình là nữ tỳ hèn mọn, cảm ta hồng ân cao vời của Thiên Chúa, và hướng trái tim yêu thương đến anh chị em thiếu thốn, nghèo hèn. Nhờ những bước chân Khiêm Tốn, Cảm Tạ và Yêu Thương khi thành công, may mắn ấy, mà Mẹ luôn ở trong Thiên Chúa và đồng hành với mọi người như đòi hỏi của người Kitô hữu.
2.    Đức Maria dậy chúng ta đi những “bước chân buồn”, khi đời không đẹp như mơ:
Nếu đường đời có lúc hạnh thông, thì cũng có những khúc khó khăn, gian truân, hiểm trở, ở đó niềm vui bị thay thế bằng buồn phiền, sầu khổ, lo âu.
Như người mẹ hiền dậy con bước đi, tập cho con bước, Đức Maria cũng dậy chúng ta những bước chân trong hoàn cảnh ngặt nghèo, nguy hiểm, sầu buồn, như đã dậy chúng ta những bước chân vui” trên những con đường tươi đẹp “may mắn”, những con đường rực rỡ hoa lá “thành công”, những con đường thênh thang ngợp nắng gió “thịnh đạt”.
Ta hãy cùng chiêm ngắm Mẹ giây phút phân vân, bối rối khi sứ thần Gabrien truyền tin thụ thai Đức Giêsu, Ngôi Lời Thiên Chúa bởi quyền năng Chúa Thánh Thần (x. Lc 1,29) ; chiêm ngưỡng Mẹ đi trong đường hầm đức tin, khi “không hiểu gì đường lối của Thiên Chúa” trên đường từ Nadarét về Bêlem theo lệnh hoàng đế Augúttô truyền kiểm tra dân số, và sinh con đặt “nằm trong máng cỏ” (x. Lc 2,1-14); ngước nhìn Mẹ lo lắng vội vã đem con trốn sang Ai Cập để tránh lệnh truy lùng Hài Nhi Giêsu của vua Hêrôđê (x. Mt 2,13-14), và cùng Mẹ nghe lời tiên tri rất khủng khiếp đe dọa của cụ già ngôn sứ Simêôn : “Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà” (Lc 2,35). Ta cũng dõi theo bóng Mẹ tháng ngày cùng con chia sẻ những thị phi, chống đối, rình rập, truy lùng, rồi bắt bớ, đòn vọt, đóng đinh, tử hình do các thượng tế, luật sĩ bầy mưu, tính kế, sắp xếp, thực hiện, vì ganh ghét và cứng lòng không tin. Và chúng ta nhận ra : Đức Maria luôn giữ hai thái độ : vâng phục thánh ý và thâm trầm, lặng lẽ cầu nguyện.
Khi thánh Giuse toan tính bỏ đi cách kín đáo, vì thấy vợ mình có thai, mặc dù hai người chưa ăn nằm, gần gũi, Đức Maria đã âm thầm chịu đựng, không nói một lời và lặng lẽ cầu nguyện, với niềm phó thác tuyệt đối ở Thiên Chúa (x.Mt 1,18-25) ; khi tìm được Đức Giêsu sau ba ngày lạc mất ở Giêrusalem, Đức Maria đã chỉ lặng lẽ “ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng” (Lc 2,51), dù không hiểu lời Đức Giêsu: “Sao cha mẹ lại tìm con ? Cha mẹ không biết con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?” (Lc 2,49), và suốt đường Thánh Giá, và những giờ mắt đẫm lệ đứng nhìn con chết treo thê thảm, rồi ôm chặt xác con khi được tháo xuống từ Thánh Giá, Đức Maria đã luôn vâng phục thánh ý và thâm trầm, lặng lẽ cầu nguyện.
Qủa thực, tâm tình và thái độ của Đức Maria trong những ngày sầu thương, bị thử thách đã không giống chúng ta khi đau khổ vì thất bại. Thường khi không vừa ý, chúng ta bực bội kêu la, than trách đủ kiểu, đủ người; khi không đạt nguyện vọng, uớc mơ, hay kế hoạch đổ vỡ, chúng ta tìm cớ suy đoán nghi ngờ, quy trách, đổ tội cho người khác, và tức tối, căm thù người này người nọ; khi không may mắn, “ăn nên làm ra” như người chung quanh, chúng ta hiềm khích, “ghen ăn tức ở” với họ, mà ít người trong chúng ta nhìn ra thánh ý Thiên Chúa qua những biến cố, hoàn cảnh trái ý để vâng phục. Một điều chúng ta không quen làm nữa, đó là “giữ những sự ấy trong lòng” và âm thầm cầu nguyện, thâm trầm cầu nguyện, lặng lẽ cầu nguyện, đằm thắm cầu nguyện, nhất là khiêm tốn cầu nguyện để nài xin ơn trợ giúp.
Là Mẹ rất nhân lành, Đức Maria dậy chúng ta những bước chân Vâng Phục Thánh Ý và thâm trầm,  lặng lẽ Cầu Nguyện với tâm tình phó thác khi đường đời không an vui, khi cuộc đời  không  hạnh phúc, khi cuộc sống dường như bế tắc, bất hạnh, vì hơn ai hết, Mẹ đã trải qua những bối rối, căng thẳng của đời thiếu nữ sắp lấy chồng,  những lo âu do những biến cố bất ngờ và nguy hiểm của đời sống gia đình, những đắng đót khôn tả của lòng mẹ khi thấy con chịu đòn vọt, tra tấn, và hành hình man rợ cho đến chết, nên hơn mọi người, Mẹ cảm thông sâu sắc niềm đau, nỗi khổ, nước mắt nhục nhằn của người nghèo, người yếu, người kém may mắn, người bất hạnh, người lỗi lầm, người cô thế bị đàn áp, bóc lột. Đồng thời, Mẹ biết những bước chân “phải đi” khi đau khổ, những bước chân “nên đi” khi thất bại, những bước chân “cần đi” khi yếu đuối, để không đạp vào cạm bẫy kiêu căng, không ngã xuống hố ngờ vực, không rơi  xuống vực  sâu bất mãn, tuyệt vọng, và từng ngày Mẹ dậy chúng ta bước đi theo dấu chân Mẹ đã đi  ngày xưa trên hành trình dương thế với Đức Giêsu, Con yêu dấu của Mẹ.
Lậy Mẹ Maria là Sao Mai dẫn đường, xin dậy chúng con đi trong ngày vui, với những bước chân Khiêm Nhường biết mình là tôi tớ, để Cảm Tạ Chúa vì tất cả là Hồng Ân, và quan tâm, yêu thương mọi người là bạn đồng hành, và khi trời nổi giông tố, mây xám  giăng kín trời, và đường đời  dốc đá trơn trượt, xin Mẹ cầm tay chúng con đi từng bước Vâng Phục Thánh Ý và lặng lẽ Cầu Nguyện với niềm Phó Thác, Hy Vọng, vì Mẹ là Mẹ của chúng con, “Đấng làm cho chúng con được sống, được vui, được cậytrên đường đời lữ thứ, giữa thung lung nước mắt, “ở chốn khách đầy” này đang kêu khấn xin Mẹ dủ lòng thương. Amen.
Jorathe Nắng Tím

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét