Cứ
sự thường, khi làm chủ và giữ vai trò lao động chính nuôi sống gia đình, người
ta sẽ có rất nhiều quyền, nếu không muốn nói là toàn quyền, và khuynh hướng thống
trị, sở hữu, muốn được mọi người nể sợ, cung phụng là cám dỗ rất khó vượt qua.
Thánh
Giuse ở vào trường hợp này trong gia đình thánh ở Nadarét. Ngài là chủ gia đình,
lao động chính bảo bọc Đức Maria và nuôi dưỡng, giáo dục Đức Giêsu.
Tin
Mừng kể rất ít về thánh Giuse, xem như Thiên Chúa muốn giấu kín ngài và chính ngài
cũng tự nguyện xóa mình.
Thiên
Chúa giấu kín ngài, nên chúng ta chỉ biết ngài thuộc dòng dõi Giacóp, con cháu
vua Đavít, riêng Tin Mừng Luca thì ghi rõ hơn: “Khi Đức Giêsu khởi sự rao giảng.
Người trạc ba mươi tuổi. Thiên hạ vẫn coi người là con ông Giuse. Giuse là con Êli” (Lc 3,23),
nhưng không được truyền thống nói về cha
mẹ mình, như đã nói về thân sinh của Đức Maria là Gioakim và Anna.
Thiên
Chúa giấu kín ngài, nên chúng ta chỉ biết về ngài qua những biến cố thời thơ ấu
của Đức Giêsu, và sự có mặt của ngài được kể trong Tin Mừng đã chấm dứt sau biến
cố Đức Giêsu bị lạc mất ở Giêrusalem, dịp lễ Vượt Qua năm mười hai tuổi (x. Lc
2,41-50).
Thiên
Chúa giấu kín ngài, nên Tin Mừng chỉ vắn tắt gọi ngài là “người công chính” (Mt
1,19), mà không ghi thêm bất cứ một lời ca ngợi, tuyên dương nào khác.
Thiên
Chúa giấu kín ngài, nên chỉ sai sứ thần hiện đến báo mộng (x. Mt 1,20 ;
2,13.19), mà không bao giờ hiện ra “tỏ tường” với ngài, như đã hiện ra với ông
Dacaria trong đền thờ (x. Lc 1,11) hay với Đức Mẹ ngày truyền tin (x. Lc 1,26).
Được
Thiên Chúa giấu kín, thánh Giuse cũng tự nguyện xóa mình ngay từ buổi đầu hôn
nhân, khi “định tâm bỏ đi cách kín đáo” để giữ thanh danh cho Đức Mẹ khi không
biết người con “được cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần” (Mt 1,20).
Thánh
Giuse tự nguyện xóa mình khi âm thầm, lặng lẽ chu toàn mọi bổn phận của người
chủ gia đình: yêu thương, bảo vệ, gìn giữ, nuôi nấng, giáo dục.
Thánh
Giuse tự nguyện xóa mình với tinh thần quên mình, hy sinh trước mọi thử thách,
sóng gió như đem gia đình trốn sang Ai Cập, để bảo toàn tính mạng của Hài Nhi
Giêsu (x. Mt 2,13-18).
Thánh
Giuse tự nguyện xóa mình khi phục vụ gia đình thánh trong thinh lặng, và Tin Mừng
không ghi lại bất cứ một lời nào của ngài, ngay cả khi tìm được Đức Giêsu sau
ba ngày lạc mất. Tuy rất “sửng sốt” nhưng ngài chẳng nói gì, chỉ có Đức Mẹ đã nói
với Đức Giêsu: “Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy?” (Lc 2,48).
Và
thánh Giuse đã tự nguyện xóa mình cách độc đáo cả trong đời sống của người lao
động.
Tự
nguyện xóa mình trong nghề nghiệp rất bình thường dưới mắt mọi người: ông thợ làm
đủ việc, từ đóng sửa bàn ghế, giường tủ đến những việc linh tinh, “không tên” bà
con lối xóm cần; tự nguyện xóa mình với nghề lao động chân tay ở đâu và thời nào
cũng bị coi là thấp kém hơn lao động trí thức, lao động “bàn giấy, công sở”; tự
nguyện xóa mình với đồng lương khiêm tốn, không cố định; tự nguyện xóa mình với
vị thế lao động không mấy được người đời tôn vinh, bằng chứng là có lần Đức Giêsu
trở lại quê làng Nadarét, đồng hương đã chẳng mấy hồ hởi, dù thán phục giáo huấn
của Ngài, khi kháo láo với nhau: “Ông này không phải là con ông Giuse đó sao?”.
Họ tỏ ra không mấy mặn mà, kính trọng nên Đức Giêsu đã nói với họ: “Tôi bảo thật
các ông: không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình” (Lc 4,22.24).
Thực
vậy, thánh Giuse là “người công chính”
như Tin Mừng khẳng định. Ngài công chính không chỉ vì tín thác ở Thiên Chúa và sống theo luật Ngài, mà còn công chính ở
tinh thần người tôi tớ luôn tự nguyện
xóa mình trong khi phục vụ chủ.
Âm
thầm, kín đáo, ẩn danh, ẩn tiếng trong đời sống gia đình, xã hội đã đành, ngay
đến sinh hoạt nghề nghiệp, đời sống lao động, thánh Giuse cũng chọn cho mình chỗ
khuất của người tôi tớ trung tín và khiêm nhường chỉ biết làm những gì chủ muốn,
và coi mình là “đầy tớ vô dụng”.
Khác
với Thánh Giuse, khi tinh thần xóa mình trong lao động ngày càng bị coi là lỗi
thời, lạc hậu, dại dột, điên khùng, vì lao động mà không tìm đường lên, lao động
mà không đấu đá, giành giật, lao động mà không “to tiếng lắm lời”, lao động mà
không “nói ra tiền, cười ra bạc”, lao động mà không tranh thủ kiếm chác làm giầu,
lao động mà không băng đảng, phe nhóm để tiến thân, lao động mà không “cố đấm ăn
xôi”, lao động mà không “trên đội dưới đạp”, lao động mà không “mồm miệng đỡ chân
tay”, “làm giả ăn thật”, lao động mà không biển thủ vật tư, ăn cắp hồ sơ, lao động
mà không làm theo bí quyết: “sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi” khi sẵn sàng
bơm chất độc vào trái cây để “một lời mười” thì đều bị coi là những người lao động
ngu si, thấp kém, thiếu năng lực.
Thực
vậy, ở cái thời mà lương tâm bị tán tận trầm trọng, tình người bạc bẽo đến rùng
mình, công bình bị chà đạp tận bùn sâu thì lao động không còn giá trị nhân văn,
không còn ý nghiã phục vụ nhân sinh cao đẹp. Bằng chứng là ngay giữa đại dịch,
trước nhu cầu qúa lớn của cộng đồng phải có khẩu trang để phòng dịch, mà nhiều giám đốc, trưởng phòng,
cán bộ nhà nước đã không chỉ nhẫn tâm đầu cơ, tích trữ, mà còn chiếm đoạt, thu
gom khẩu trang bán với giá cao để trục lợi.
Cũng
ở cái thời thực dụng, vật chất và hưởng thụ, khi mà tiền ngày càng trở thành giá
trị “duy nhất”, như người ta vẫn nói và cho là chân lý: “cái gì không mua được
bằng tiền sẽ mua được bằng rất nhiều tiền”, thì người lao động “nghèo, liêm chính”
không còn chỗ đứng được tôn trọng.
Mừng
lễ Thánh Giuse lao động, chúng ta nhớ đến những người lao động tử tế: tử tế
trong đời sống, tử tế trong việc làm, tử tế trong ý hướng lao động, khi làm việc
với niềm vui vì đem lại “cơm no áo ấm” cho người khác, lao động với tình yêu đích
thực, vì lao động là bằng chứng hùng hồn và cao đẹp của hy sinh; lao động với
niềm hy vọng, vì lao động là bàn tay xây dựng, vun xới tương lai người khác, là nụ cười tươi thắm và ánh mắt rạng
rỡ mở ra ngày mai ngời sáng cho mọi người, là trái tim ban bình an cho chính mình,
và chuyển tải Hạnh Phúc cho người chung quanh.
Và
cầu nguyện cho chính chúng ta, những người lao động của mọi ngành nghề, tinh thần
khiêm tốn xóa mình để suốt đời là người tôi tớ trung tín, khiêm nhường được Thiên
Chúa là Ông Chủ tốt lành yêu thương.
Jorathe
Nắng Tím
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét