KHÔN NGOAN
Tiễn
con đi học xa, hay ra nước ngoài lao động, mẹ già sụt sùi: “Phải khôn ngoan,
con nhé!”; đưa con về nhà chồng, người cha nắm chặt tay con gái với giọng trầm
buồn khuyên nhủ: “Con khôn ngoan nhé!”; đầm đià nước mắt trước giờ chia tay “em
hậu phương, anh tiền tuyến”, người vợ trẻ ruột đứt từng khúc dặn dò: “Anh… phải…
khôn… ngoan… nhé!”; bà cố của các cha ngày nhận xứ mới cũng thì thầm nhắc bảo: “Mẹ
hằng cầu xin Chúa cho con khôn ngoan!”; và ngay cả Đức Giêsu cũng tha thiết căn
dặn các môn đệ: “Anh em phải khôn như rắn...”, vì “Thầy sai anh em đi như chiên
đi vào giữa bầy sói” (Mt 10,16), khi sai các ông lên đường truyền giáo.
Như
thế đủ biết khôn ngoan quan trọng và cần thiết cỡ nào! Quan trọng vì khôn ngoan
giúp giải quyết êm đềm, tốt đẹp, thành công mọi khó khăn, rắc rối, bế tắc, giúp
vượt qua mọi tình huống nhiêu khê, phức tạp, bất ngờ, mà người khờ khạo, hậu đậu,
không bén nhạy, thiếu sáng kiến, nóng nảy bộp chộp, hay ù lì nhát đảm đều khó
có thể vững tay lèo lái. Cần thiết vì cuộc đời không đơn sơ, lòng người không
đơn thuần là “lòng nhân”, việc đời không luôn đơn giản, nhưng biến đổi phức tạp,
nghiêng ngả, ngược xuôi, tráo trở, lật lọng, nên khó đánh giá, đo lường, thấu
hiểu.
Tóm
lại, lý do người ta cần khôn ngoan, vì cuộc đời không đơn giản, và người đời
không luôn chân chất, đơn sơ. Bởi cuộc đời không đơn giản, nên dễ lầm đời, mà lầm
trên đường đời thì mất hướng, lầm giữa chợ đời thì lạc lõng, chơ vơ, lầm trong
biển đời thì chìm sâu mất tích. Bởi người đời không đơn sơ, nên đời người dễ bị
hụt hẫng, chênh vênh vì bị lừa gạt; bởi người đời không chân chất, nên đời người
chao đảo, sụp đổ vì bị đâm sau lưng, phản bội; bởi người đời không hiền lành,
nên đời người phải cay đắng tả tơi, tang thương tàn rụi vì bạo lực người đời
đàn áp, tiêu diệt.
Vì
thế, khôn ngoan là hành trang không thể thiếu khi vào đời, vũ khí không thể
quên mang theo khi sống với người khác, bởi người đôi khi không là “người” nhưng
là lang sói, và đời không luôn là đường thênh thang, đồng cỏ xanh, suối trong
làm đã cơn khát người lữ khách, nhưng là biển sâu đen ngòm với sóng dữ, đá ngầm
Chính
vì khôn ngoan quan trọng và cần thiết cho cuộc sống con người, khi cuộc sống và
con người không luôn dễ hiểu, dễ lường, dễ sống, mà khôn ngoan thường bị mặc một
lớp áo thực dụng rất sặc sỡ, diêm dúa. Sặc sỡ thực dụng khi người ta trang điểm
cho khôn ngoan son phấn của “khôn lanh, khôn khéo”, và đeo cho khôn ngoan đủ thứ
bông tai, lắc tay, dây chuyền, vòng cổ diêm dúa của “ma lanh, ma mãnh, ma đầu”.
Thế là vì cần thiết và quan trọng, “khôn ngoan” bị đầu độc, biến thái thành những
thứ khôn xa lạ, đối nghịch với chính khôn ngoan.
Qủa
thực, chúng ta thường coi người khôn ngoan là người khéo léo: khéo dàn xếp
những mâu thuẫn trong tương quan, khéo “lên xuống” đúng thời, đúng nơi, khéo “lấy
lòng” để “được lòng” mọi người, khéo chớp thời thế, cơ hội, khéo đẩy đưa, luồn
lách, bôi
trơn, vo tròn. Nói chung người khôn ngoan là người khéo với mọi người, khéo trong
mọi hoàn cảnh, khéo ở mọi sự việc và họ là người thành công. Chính thành công,
thành đạt, thành tựu là mục tiêu của khôn ngoan, và làm cho khôn ngoan cao giá,
người khôn ngoan được trọng vọng dưới cái nhìn của người đời, theo kiểu thế
gian.
Vấn
đề được đặt ra đây là bản chất của khôn ngoan dưới cái nhìn của Đức Giêsu, để
nhà truyền giáo không rơi vào não trạng sai lầm về khôn ngoan theo suy nghĩ và
cách nhìn của trần thế :
1.
Khôn ngoan của nhà truyền
giáo phải đi đôi với Đơn Sơ:
Đức
Giêsu đã không tách rời khôn ngoan khỏi đơn sơ, khi căn dặn các môn đệ trước
khi các ông nhận bài sai lên đường truyền giáo: “Anh em phải khôn như rắn, và
đơn sơ như bồ câu” (Mt 19,16), như muốn dậy các ông: khôn ngoan và đơn sơ phải luôn đồng hành.
Nói
điều này, Đức Giêsu nhấn mạnh đơn sơ không thể tách rời khỏi khôn ngoan, vì
khôn ngoan đứng một mình sẽ nhanh chóng biến thái thành khôn ma mãnh, khôn ăn
người, khôn thủ lợi, khôn qủy quyệt, bởi một lý do rất đễ hiểu: mục tiêu của
khôn ngoan là tìm đạt thành công, nên khôn ngoan sẽ rất khó “ngoan” khi mục
đích thành công thúc bách, sẽ rất khó dừng trước bảng cấm “xảo trá, bạo lực”, rất
khó tự kềm chế trước cám dỗ của mưu mô,
thủ đọan đang khi thừa thắng xông lên,
giữa cao trào “đánh nhanh đánh mạnh” để sớm đạt mục đích “thành công”.
Khôn ngoan đứng một mình sẽ kiêu căng, tự
đắc trước sức cuốn của thành công, sẽ giương vây, vẫy cánh “tự cao tự đại” trước
thôi thúc như sóng thần của danh dự qúy giá “người khôn ngoan”; sẽ vênh váo
nghênh ngang nghĩ mình là “chià khóa thần diệu” có thể giải quyết mọi vấn đề
nan giải. Và một mình tự tung tự tác, khôn ngoan sẽ cho phép mình sử dụng cả những
phương tiện bất nhân, tàn nhẫn nếu cần.
Dặn
dò các môn đệ phải khôn ngoan và đơn sơ, cụm từ không thể tách riêng từng
chữ, nếu không sẽ không chỉ thiếu nghiã mà thiếu cả hướng đi, nếp sống phải có
của người môn đệ, vì Đức Giêsu đã thấy trước đơn sơ phải song hành, đồng hành với
khôn ngoan, như hai mặt của một đồng tiền, vì thiếu đơn sơ, khôn ngoan biến
thành ma giáo, qủy quyệt, lưu mạnh, hung bạo.
Bởi
đơn sơ là không gian ngoa, giả dối, không mưu mô, thủ đoạn, không nghĩ xấu hại
người, không toan tính điều ác, việc đồi bại, nên người đơn sơ phải có trái tim khao khát Chân Thiện Mỹ: trái
tim bình an với sự thật, trái tim hạnh phúc với những gì tốt đẹp, trái tim luôn
vươn cao, hướng về Tuyệt Đối. Người đơn sơ là người có tâm hồn vị tha luôn
nghĩ tốt, làm tốt cho mọi người, nên tâm hồn người khôn ngoan phải có yêu
thương ngự trị, có lòng tốt cư ngụ, có tình yêu nuôi lớn. Người đơn sơ sẽ không
“ăn người”, hại người, lợi dụng, vô ơn người, nhưng chân thành, chân chất, chân
thật, vì bản chất của người đơn sơ là không tìm mình, không tìm thành công cho
mình trên lưng, trên đầu người khác, không xây dựng ngai vàng của mình bằng biến
người khác thành những viên đá lót đường, những nấc thang, bệ gác chân, vì người
khôn ngoan đơn sơ, chân chất, chân thành như bồ câu.
2.
Khôn Ngoan của nhà truyền
giáo phải đi đôi với Hiền Lành:
Ngoài
Đơn Sơ, Đức Giêsu còn dậy các môn đệ của Ngài bài học quan trọng để sống khôn
ngoan, đó là “hiền lành và khiêm nhường
tận đáy lòng” (Mt 11,29), bởi mức độ
khôn ngoan cao nhất chính là được yêu thương, kính trọng: yêu thương bởi Thiên Chúa vì Thiên Chúa yêu
thương kẻ khiêm nhường, và kính trọng bởi người đời, vì không ai trọng kẻ kiêu
căng, cũng chẳng ai kính người xảo quyệt, hung dữ.
Thánh
Giacôbê đã phân biệt khôn ngoan thật và
khôn ngoan giả, đồng thời cho chúng ta tiêu chuẩn để phân định đâu là khôn
ngoan của Thiên Chúa “từ trời cao ban xuống” và đâu là “khôn ngoan của thế
gian, của con người, của ma qủy” (Gc 3,15).
Thánh
nhân khẳng định: Người khôn ngoan là người hiền hậu khi viết: “Trong anh em, ai
là người khôn ngoan hiểu biết? Người ấy hãy dùng lối sống tốt đẹp mà chứng tỏ rằng:
những hành động của họ phát xuất từ lòng
hiền hậu và đức khôn ngoan” (Gc 3,13).
Như
thế, khôn ngoan đi đôi với hiền hậu, và người khôn ngoan không thể là người “trong
lòng có sự ghen tương, chua chát, tranh chấp”, kể cả “gian dối, tự cao tự đại
mà nói dối, trái với sự thật” (Gc 3,14), nhưng là người được Chúa ban đức Khôn
Ngoan làm cho trở nên “thanh khiết, sau là hiếu hoà, khoan dung, mềm dẻo, đầy từ
bi và sinh nhiều hoa thơm trái tốt, không thiên vị, cũng chẳng giả hình” (Gc
3,17).
Vâng,
nhà truyền giáo được sai đi rao giảng Tin Mừng, và làm chứng Đức Giêsu cho muôn
dân trên con đường không biên giới: địa lý không biên giới, thời gian không
biên giới, cả con người với lòng người khó lường, khó đoán cũng không biên giới.
Vì thế, ơn khôn ngoan là ơn hệ trọng nhà truyền giáo cần xin với Chúa, như vua
Salômôn đã chẳng xin Thiên Chúa điều gì ngoài sự khôn ngoan, khi thưa với Chúa:
“Xin ban cho tôi tớ Chúa đây, một
tâm hồn biết lắng nghe, để cai trị dân Chúa và phân biệt phải trái” (1 V 3,8),
và Chúa đã ban cho vua “một tâm hồn khôn ngoan minh mẫn (1 V 3,12), Ngài “cho
vua Salômôn được dồi dào khôn ngoan, thông thạo, và một trái tim bao la như cát
ngoài bãi biển.” (1 V 5,9), hoặc như Gióp đã luôn ca ngợi đức Khôn Ngoan của Thiên
Chúa: “Ở nơi Thiên Chúa có cả khôn ngoan lẫn sức mạnh” (G 12,13), “đường nẻo của
khôn ngoan một mình Thiên Chúa tỏ, chính người biết nơi ở của khôn ngoan” (G
28,23).
Xác
tín khôn ngoan đích thực là kính sợ Chúa (x. G 28,28), là đơn sơ, hiền lành,
chân thực với mọi người, nhà truyền giáo sẽ tránh được rất nhiều cạm bẫy trên
đường loan báo Tin Mừng Cứu Độ và làm chứng Đức Giêsu chịu đóng đinh, mà cạm bẫy
nguy hiểm nhất chính là tìm thành công bên ngoài bằng mọi giá, khi chạy theo “khôn
ngoan của thế gian, của con người, của ma qủy” (Gc 3,15) để rơi vào gian dối,
thủ đọan, hung dữ, kiêu căng, bạo lực là những điều hoàn toàn trái nghịch với đức
Khôn Ngoan “từ trời cao ban xuống” cho người môn đệ.
Jorathe
Nắng Tím
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét