Tìm kiếm Blog này

Thứ Bảy, 18 tháng 4, 2020

THỜI ĐẠI BỊ ĐE DỌA

Sau tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, thủ tướng Anh quốc Boris Johnson, nay đến tổng thống Pháp Emmanuel Macron lên tiếng đặt vấn đề “Trung Quốc” trong bối cảnh của dịch Covid-19 tính đến hôm nay 18.04.2020 đã lấy đi hơn 140.000 sinh mạng, 2.135.410 người bị lây nhiễm, và 4,4 tỷ người trên thế giới, tức 57% dân số toàn cầu phải áp dụng chế độ cách ly xã hội.
Trước số tử vong, lây nhiễm làm ngộp thở, nền kinh tế đổ dốc không thắng, sinh hoạt xã hội ngưng trệ, đảo lộn tạo nên tâm trạng bất an, hoảng loạn, nhiều giả thuyết ban đầu nay được đặt thành đề tài nghiên cứu, nhiều dấu hiệu bất thường nay được đem ra điều tra, làm rõ, nhiều điều không cần nói, không nên nói khi quan hệ ngoại giao còn bình thường nay được thẳng thừng yêu cầu xử lý từ miệng  các nhà lãnh đạo. Và người ta bắt đầu đặt chính quyền Trung Quốc thành một “ẩn số để thế giới cùng truy tìm “lời giải”, đáp án.
Có rất nhiều dấu hiệu đưa đến nghi vấn Covid-19 thuộc chương trình vũ khí vi trùng được sản xuất bị “rò rỉ” hoặc “tung ra” từ Vũ Hán, Trung Quốc trong ý đồ làm tê liệt, sụp đổ các quốc gia đối thủ hầu thực hiện tham vọng bá chủ thế giới của nhà cầm quyền Trung Quốc. Những dấu hiệu, và cách hành xử đáng nghi ngờ  của chính quyền Trung Quốc không những lôi kéo chú ý của giới lãnh đạo nhiều quốc gia, mà còn là câu chuyện ngày càng sôi nổi của quần chúng, đám đông thuộc mọi giai cấp, thành phần, trình độ.
Người viết không lạm bàn chính trị, chỉ mượn tình hình Covid-19 và khuynh hướng thế giới để được chia sẻ  một vài suy tư về tương lai nhân loại:
1.   Nhân loại đang bước vào thời kỳ bị đe dọa nặng nề của chiến tranh:
Đe dọa lớn nhất mà thế giới nhận ra sau nạn dịch Covid-19 là chương trình phát triển bí mật vũ khí sinh học, vũ khí vi trùng. Chỉ một con vi khuẩn mang tên Corona, hay Covid-19 mà thế giới đã chịu hậu qủa rất nặng nề: tử vong hằng trăm ngàn trong một thời gian qúa ngắn, kinh tế suy sụp, với một tương lai mờ mịt, nhiều khó khăn.
Bên cạnh hậu qủa đang phải gánh chịu là đe dọa thường xuyên của vũ khí sinh học, vũ khí vi trùng tương tự như Covid-19, hay ngàn lần nguy hiểm, do khả năng tàn phá nhiều và nhanh. Những vũ khí “vô hình”, vũ khí nổ tung thế giới mà không ai nghe gì, tiêu diệt nhân loại mà không người nào hay biết trở thành đe dọa liên  lỷ và kinh hoàng, vì chỉ khi “ngộp thở” mới biết mình sẽ tắt thở trong vài giây do những vũ khí khó nhận diện, khó khống chế, và hầu như không thể kiểm soát vì tính đột biến “muôn hình vạn trạng” mà một số quốc gia đã có sẵn trong tay.
Qủa thực, chỉ một chút suy nghĩ, người ta cũng mừơng tượng tương lai thế giới  bị đe dọa ở mức trầm trọng đáng lo ngại, nếu thực sự Covid-19 nằm trong ý đồ “thăm dò, và thử sức” của Trung Quốc; chỉ một thoáng suy tư, người ta cũng thấy nguy cơ bị hủy diệt của một thế giới liên tục bị đe dọa bởi tham vọng bá chủ được hậu thuẫn và thực hiện bằng những phòng thí nghiệm  vũ khí sinh học, những chương trình tiêu diệt hàng loạt, những chiến lược, chiến thuật tàn sát đồng loại  phi nhân ngoài sức tưởng tượng. 
2.   Các quốc gia cần nhau để tồn tại, nhưng  chủ nghiã dân tộc qúa khích phá vỡ công trình “thế giới sống chung hoà bình”:
Không ai có thể chối cãi các quốc gia cần nhau để phát triển, vì thế giới ngày càng trở nên như một đại gia đình, mà mọi thành viên liên đới, tương trợ và ảnh hưởng trên nhau. Một quốc gia chiến tranh sẽ đem đến cho các nước láng diềng nhiều khó khăn, chẳng hạn như phải gánh vác lượng người tỵ nạn bỏ nước tránh bom đạn, hay tránh chế độ độc tài, diệt chủng…
Vì thế, chủ trương chung của các nước là thiết lập quan hệ tốt đẹp trong tinh thần tương trợ và tôn trọng chủ quyền, để tất cả cùng tồn tại, cùng phát triển. Tuy thế, bên cạnh cố gắng này, người ta gặp phải sức đối kháng dữ dội của những nhóm dân tộc qúa khích. Những nhóm này ngày càng nhiều và hoạt động hăng say, với chủ trương loại trừ người ngoại quốc, không giúp đỡ các quốc gia chậm tiến, hay đang lâm chiến nhiều khó khăn, bế tắc, nhưng bảo thủ, và bảo vệ tối đa quyền lợi người dân bản xứ, với một tinh thần bài ngoại qúa khích, kỳ thị cực đoan.
Những nhóm này có mặt ngày càng nhiều trong quốc hội, chính phủ các nước và không ít  người dân bị dụ dỗ đi vào đường lối dân tộc qúa khích nguy hiểm này, một bất lợi lớn cho công trình xây dựng  hoà bình, hợp tác phát triển giữa các dân tộc, quốc gia, như điều kiện không thể thiếu cho một thế giới văn minh.
3.   Chủ nghiã bành trướng, bá chủ là tai ương lớn của nhân loại:
Hiện giờ thì Trung Quốc rất “mang tiếng” về chủ trương bành trướng, đường lối xâm lăng, chiến thuật “cả vú lấp miệng em”, dùng bạo lực thôn tính lãnh thổ các nước láng giềng, trong đó có biển đảo của Việt Nam. Bằng chứng là từ nhiều năm nay, đường lưỡi bỏ Biển Đông mà Trung Quốc ngang nhiên nhận chủ quyền, ngang ngược vẽ lại hải đồ khi xóa những đảo thuộc Việt Nam khỏi bản đồ Việt Nam và đặt vào lãnh hải của mình đã gây sóng gió trên thế giới, đặc biệt những nước liên quan.
Qủa thực, chủ trương và những hành động của Trung Quốc không lương thiện và thân thiện chút nào với các nước láng diềng. Chính Nhà Nước Trung Quốc với chủ trương bành trướng, xâm lăng trên đã làm mất đi hình ảnh đẹp về một dân tộc có nền văn hoá lâu đời và phong phú, và làm cho người Trung Hoa định cư ở các nước không còn được “nhìn” một cách thiện cảm, đáng tin cậy.
Tất nhiên, không chỉ có Trung Quốc nuôi mộng bá vương, mà còn những quốc gia khác cũng không từ bỏ giấc mộng bá chủ thế giới này. Và đó chính là nỗi lo của nhân loại, khi “chiến tranh các vì sao” nổ tung, kéo theo một thế giới bị tàn khốc tiêu diệt.   
Tóm lại, chúng ta đang sống trong một thế giới nhiều đe dọa, mà đe doạ lớn là hoạ bị tiêu diệt vì vũ khí sinh học, vũ khí vi trùng được dùng khi có chiến tranh, mà nguyên nhân phát sinh chiến tranh chính là chủ nghiã dân tộc cực đoan và  mộng xâm lăng, bành trướng.
Covid-19 là cơ hội cho chúng ta suy nghĩ, nhận định, và tiên liệu.
Chúng ta đã suy nghĩ và nhận định thế giới cần hoà bình, tương trợ và hợp tác để sống chung hạnh phúc, và cùng nhau phát triển, nhưng tham vọng của một số quốc gia không luôn tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện lý tưởng đó.
Chúng ta cũng nhận ra nguy hiểm của những khả thể chiến tranh và sức phá hoại vô cùng kinh khủng của nó, nếu chẳng may xẩy ra.
    Chúng ta còn nhận diện khuynh hướng thu mình, khép mình để đi đến tự lập toàn bộ của nhiều quốc gia, và nhất là chúng ta đang đối diện với đe dọa của chủ nghiã dân tộc cực đoan đưa đến kỳ thị chủng tộc và chủ trương bành trướng, bá chủ của những nước lớn.
Sau cùng, chúng ta khám phá ra rằng không Thượng Đế nào, không quyền lực siêu nhiên nào đầy đọa con người, làm khổ con người, nhưng chính con người đầy đọa, làm khổ, đe dọa nhau.
Vấn đề còn lại: chúng ta phải tiên liệu thế nào, phải chuẩn bị tương lai làm sao để thế giới không tiếp tục chìm sâu vào một tương lai đầy đe dọa?
Nhiều người bi quan cho rằng sẽ khó tránh khỏi một đại chiến thế giới và số người chết sẽ là điều không ai dám nghĩ đến. Riêng người viết, với tinh thần lạc quan, và niềm tin tưởng vào Ơn Trên hy vọng một thay đổi có lợi cho toàn thế giới sau trận dịch Covid-19, bởi qua những ngày cách ly ở mọi cấp độ quốc gia, thế giới, vấn đề đã được phần đông các nhà lãnh đạo nhận diện và những biện pháp cần thiết để bảo vệ sinh tồn của nhân loại, cũng như chủ quyền độc lập  và thịnh vượng của các quốc gia cũng đã được đặc biệt quan tâm.
Tuy thế không thể thiếu ý thức của mỗi người về sự cần thiết cấp bách của một nền văn minh tình thương và văn minh sự sống. Đó là hai nền văn minh có chung một mục đích, một đường lối, một hoạt động: phục vụ con người.
Thiếu văn minh tình thương, hận thù sẽ thống trị và đẩy con người đến bạo lực tiêu diệt. Bỏ quên văn minh sự sống, sự chết sẽ trấn áp, hoành hành và con người sẽ chỉ còn là những con số được thêm bớt dễ dàng trên biểu đồ của sức mạnh tiêu diệt.
Hai nền văn minh như hai mặt của lòng nhân ái, mà bất cứ xã hội loài người nào không có, bất cứ một tập thể, cộng đồng “con người” nào coi thường, hoặc từ chối, hủy bỏ đều sẽ đi đến hủy diệt, vì duy nhất lòng nhân ái bảo dảm cuộc sống chung hoà bình giữa con người với con người, nhờ chung một tình người; duy nhất  lòng nhân ái giải quyết tốt đẹp mọi mâu thuẫn, căng thẳng giữa các quốc gia, bởi giá trị của một dân tộc, nét cao qúy của một đất nước hệ tại đời sống lương thiện, nếp sống nhân đạo như đòi hỏi của lương tâm ngay thẳng, quân bình.     
Ước mơ thế giới ra khỏi muà đe dọa để bước vào mùa bình an; thoát khỏi những ngày tháng cách ly để đi đến gặp gỡ thân thiện, hợp tác chân thành trên cơ sở cùng phát triển, cùng hạnh phúc.
Jorathe Nắng Tím

0 nhận xét: