Tìm kiếm Blog này

Thứ Sáu, 17 tháng 4, 2020

ĐƯỜNG TRUYỀN GIÁO KHÔNG BIÊN GIỚI (2)

NHÀ TRUYỀN GIÁO LÀ NGƯỜI PHÚC ĐỨC
Tin Mừng Mátthêu ghi lại rất rõ những căn dặn của Đức Giêsu khi sai các môn đệ lên đường truyền giáo. Ngoài sứ vụ loan báo “Nước Trời đã đến gần” (Mt 10,7), các vị còn được mời gọi cho đi nhưng không những gì đã nhận được nhưng không, mà  năng quyền “chữa lành người đau yếu, làm cho người chết sống lại, cho người phong hủi được sạch bệnh, và khử trừ ma qủy” là một trong những gì các môn đệ đã được Đức Giêsu ban cho nhưng không. Bên cạnh sứ vụ với năng quyền này, Đức Giêsu còn muốn các môn đệ của Ngài là những người chúc phúc lành, ban bình an cho mọi người trên đường truyền giáo: “Vào nhà nào, anh em hãy chúc bình an cho nhà ấy” (Mt 10,12). Điều này đặt cho nhà truyền giáo một đòi hỏi mới: phải trở nên người có Đức để có thể giữ được Phúc của Thiên Chúa và ban cho mọi người.
Thực vậy, nhà truyền giáo không nhận sứ vụ rồi lên đường như “người máy”, và oang oang loan báo Tin Mừng như chiếc loa vô hồn, vô cảm phát ra âm thanh mang tính tuyên truyền, xáo rỗng, nhưng nhà truyền giáo loan báo Đức Giêsu, con người - Thiên Chúa sống động, bằng làm chứng qua chứng từ sống động của chính đời sống nhà truyền giáo.
Vì thế, người được nghe Tin Mừng, được giới thiệu Nước Trời, được mời gọi đón nhận Đức Giêsu sẽ khó có thể nhận ra những gì nhà truyền giáo loan báo, rao giảng, trình bầy, nếu con người, và đời sống của nhà truyền giáo không phù hợp với sứ vụ và nội dung của sứ điệp. Và điều này ảnh hưởng không nhỏ trên công cuộc truyền giáo của người môn đệ Đức Giêsu.
Kinh nghiệm cho thấy, ngay phút đầu gặp gỡ, nhà truyền giáo đã được nhận diện và “cảm nhận” bởi những người vừa được nhà truyền giáo chào thăm, chúc bình an; ngay phút đầu gặp gỡ, những người được rao giảng đã có thể đánh giá tư cách, thái độ của nhà truyền giáo khi đến với họ; ngay phút đầu gặp gỡ, những người  chung quanh nhà truyền giáo đã nhận định về con người nhà truyền giáo, và cũng ngay từ phút đầu gặp gỡ, hình ảnh nhà truyền giáo đã ghi sâu vào tâm khảm người được rao giảng Tin Mừng: một hình ảnh được đặt trên nền tảng phúc đức.
Sở dĩ đại đa số đánh giá nhà truyền giáo trên cơ sở phúc đức, mà không đánh giá trên những tiêu chuẩn khác, vì phần đông đều cho rằng nhà truyền giáo là người mang phúc đến cho họ, người chúc phúc cho họ, và để  bảo đảm giá trị ơn phúc nơi người ban phúc, đám đông muốn  người chúc phúc, người ban bình an ấy phải là người đức độ, người đạo hạnh, người có đức. 
Là người mang phúc đến cho người khác, người ta không mong nhà truyền giáo giỏi giang, khoa bảng, lịch lãm, quyền thế, giầu có vật chất, hay đẹp như người mẫu, nhưng họ chỉ mong nhà truyền giáo là người có đức. Cũng như không ai đòi hỏi nhà truyền giáo phải thế này thế kia, phải có điều kiện này điều kiện nọ, nhưng luôn tìm kiếm ở nhà truyền giáo một con người đức độ.
Đức ở đây được hiểu là thái độ sống của một người. Như người làm phúc, làm từ thiện, thái độ làm phúc, làm từ thiện của họ quan trọng hơn “việc phúc, việc thiện” họ làm, vì người nhận ơn phúc sẽ hạnh phúc gấp bội từ thái độ thân thiện, dễ thương, chia sẻ, cảm thông, tôn trọng của người làm phúc. Chính thái độ có “đức” của “người cho” làm ấm lòng “người nhận”; cung cách yêu thương, gần gũi của người ban phát mới thực sự an ủi, nâng đỡ người đang lâm cảnh khốn cùng, vì trong mọi tình huống, không gì có thể thay thế được trái tim đức độ ăm ắp tình người.
Vì thế, người ta luôn tự cho phép mình đánh giá người đem phúc đến cho họ, qua Nhân Đức của người ấy, định lượng đức độ, phẩm hạnh của người ấy qua cung cách, thái độ, bởi tuy làm việc phúc thiện, thực hiện điều tốt lành, nhưng làm với cung cách “kẻ cả”, trịch thượng, thực hiện với thái độ hống hách, thiếu tôn trọng người nhận, thì người làm phúc không được coi là người  phúc đức, và tất nhiên không được kể là người đáng qúy, đáng tin cậy.
Đức Giêsu sau khi sống lại đã hiện ra và ban Bình An phục sinh của Ngài cho các môn đệ để Bình An ở với các ông và cũng để các ông ban Bình An ấy cho những người các ông gặp gỡ, rao giảng trên đường truyền giáo.
Như các môn đệ, nhà truyền giáo đã nhận ơn Bình An của Đức Giêsu phục sinh, nhưng để ơn Bình An ở mãi với mình, nhà truyền giáo không những phải đón nhận “Hơi Thở của Thiên Chúa”, mà Đức Giêsu phục sinh đã “thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Chúa Thánh Thần” (Ga 20,22) liền ngay sau khi ban Bình An cho các ông, nhưng còn phải giữ Hơi Thở ấy trong mình, và sống bằng Hơi Thở ấy.
Giữ Hơi Thở và sống bằng Hơi Thở của Thiên Chúa trong đời mình, nhà truyền giáo mới có thể là người có phúc như Đức Maria, để có Chúa và đem Chúa cho mọi người; thở bằng Thần Khí Thiên Chúa, nhà truyền giáo mới lớn lên với cây phúc được trồng trong tâm hồn, cây phúc mà Đức Giêsu muốn nhà truyền giáo hằng ngày chăm bón để sinh hoa kết trái, chứ không như cây vả đã bị Ngài trách mắng, vì chỉ có lá mà không sinh qủa (x. Mt 21,19).
Sống bằng Hơi Thở của Thiên Chúa, nhà truyền giáo mới có thể trở nên người  người có đức để bảo quản ơn phúc nhận được từ Thiên Chúa, bởi ơn phúc không thể tồn tại, nếu thiếu dưỡng khí của Chúa Thánh Thần, nguồn của mọi ơn phúc.
Sống bằng Hơi Thở của Thiên Chúa, nhà truyền giáo mới nhận ra ơn phúc cao cả, trổi vượt nhất trong các ơn phúc là đức mến, như thánh Phaolô đã qủa quyết (x. 1 Cr 13,1-3), và chọn đức mến để xây dựng mình thành người phúc đức.  
Chính đức mến làm cho nhà truyền giáo luôn ở trong ơn phúc và bình an của Đức Giêsu; làm cho cây phúc trong tâm hồn nhà truyền giáo lớn nhanh và xum xuê hoa trái; làm cho đời nhà truyền giáo trở thành người chúc phúc cho mọi người, người đem Bình An của Chúa cho mọi người, bởi “Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả” (1 Cr 13,4-7) là tất cả những gì cần thiết để trở thành nhà truyền giáo đích thực, người môn đệ trung tín đầy ơn phúc.
Với đức mến, nhà truyền giáo không chỉ lớn lên trong ơn phúc, và bình an của Đức Giêsu phục sinh, mà còn làm cho những người được gặp gỡ, lắng nghe nhà truyền giáo rao giảng cũng nhận được phúc lành và ơn Bình An của Đức Giêsu phục sinh từ tay nhà truyền giáo, nhất là tin nhận Đức Giêsu là Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ giầu lòng thương xót qua đời sống phúc đức của các vị.
Với đức mến là Nhân Đức cao vời, tuyệt hảo, cốt lõi của Tin Mừng, nhà truyền giáo sẽ tinh tế nhận ra một trong những lý do mà người khác đã không “xứng đáng” với ơn bình an được ban, cũng như đã không đón tiếp và nghe lời nhà truyền giáo (x. Mt 10,13-14), chính là nhà truyền giáo đã không để họ nhận ra mình là người có đức, do thái độ và cung cách không phù hợp với người được sai đi để loan báo Tin Mừng và chúc phúc, ban bình an của Thiên Chúa.     
Tóm lại, Phúc luôn đi đôi với Đức. Phúc là ơn lành, ơn huệ, hạnh phúc, bình an. Đức là tư cách của người ban, và cũng là thái độ của người lãnh nhận. Người không có Đức mà ban Phúc thì làm người nhận Phúc nghi ngờ giá trị của Phúc. Người nhận Phúc mà không xây dựng tâm hồn thành ngôi nhà có Đức thì Phúc có đến cũng ra đi, có vào cũng quay gót, không ở lại, nên Phúc đòi cả người cho, người nhận, Phúc muốn cả người ban phát lẫn người thụ hưởng đều phải nuôi cây Đức, đều phải sống có tấm lòng.
Vâng, chỉ có trái tim yêu thương mới nuôi được cây Đức, chỉ có đức mến mới làm cây Đức sinh hoa kết trái xum xuê, bởi duy nhất đức ái mới nối kết, quy tụ, hiệp nhất; duy nhất đức mến trong Đức Giêsu mới biến đổi cả nhà truyền giáo và người được loan báo Tin Mừng thành môn đệ đích thực, chính danh; duy nhất Hơi Thở của Chúa Thánh Thần là Tình Yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi mới đổi mới tất cả chúng ta, những người đang rao giảng Đức Giêsu chịu đóng đinh, và những người đang được nghe giới thiệu Đức Giêsu đã chết và sống lại, để tất cả được Thiên Chúa chúc phúc và được gọi là “người phúc đức”, như lòng Chúa mong uớc.
Jorathe Nắng Tím

0 nhận xét: