GIAN TRUÂN, ĐAU KHỔ VỚI ĐỨC GIÊSU CHỊU ĐÓNG ĐINH
Không
có nhà truyền giáo nào không gian truân, đau khổ, vì một lý do dễ hiểu: truyền giáo là hành trình vác thập giá để
loan báo và làm chứng “Đức Giêsu chịu đóng đinh” đã sống lại. Hành trình đã
được Đức Giêsu vẽ ra ngay từ buổi đầu tuyển chọn các môn đệ: “Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi,
thì không thể làm môn đệ tôi được” (Lc 14,27), và mục tiêu của con đường dành
cho những ai đi theo Ngài cũng đã được Ngài báo trước: “Này chúng ta lên Giêsrusalem, và Con Người sẽ vị nộp cho các thượng tế
và kinh sư. Họ sẽ lên án xử tử Người và sẽ nộp Người cho dân ngoại. Họ sẽ nhạo
báng Người, khạc nhổ vào Người, họ sẽ đánh đòn và giết chết Người. Ba ngày sau
Người sẽ sống lại” (Mc 10,33-34).
Vì
thế, bản chất, mục đích cũng như ý nghiã của con đường truyền giáo đã được Đức
Giêsu trình bầy không giấu diếm: từ bỏ tất cả, vác thập giá mình đi theo Ngài vào
cuộc tử nạn để được sống lại trong vinh quang với Ngài. Và vì loan báo Đức Giêsu
cũng là làm chứng Đức Giêsu qua chính cuộc
sống, nên khi loan báo và làm chứng
Đức Giêsu chịu đóng đinh, nhà truyền giáo cũng chịu đóng đinh với Đức Giêsu
như thánh Phaolô đã khẳng định: “Tôi vui mừng được chịu đau khổ vì anh em. Những
gian nan thử thách Đức Kitô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức,
vì lợi ích cho thân thể Người là Hội Thánh” (Cl 1,24).
Và
đời nhà truyền giáo từ nay chính là “kiện toàn những gì còn thiếu sót nơi khổ hình
thập giá của Đức Giêsu, vì lợi ích của dân Chúa tức Giáo Hội”. Những gian truân,
đau khổ của nhà truyền giáo phải gánh chịu trên đường truyền giáo mang một giá
trị rất lớn, không chỉ để làm chứng Đức Giêsu chịu đóng đinh, mà còn để xây dựng
Thân Thể Đức Giêsu là Giáo Hội, đem lại lợi ích thiêng liêng cho nhiều người và cho chính nhà truyền giáo, vì “Thánh
Giá dẫn đến nguồn Cứu Rỗi”.
Thực
vậy, nhà truyền giáo là người gặp lắm gian truân và chịu nhiều đau khổ: gian
truân vì được sai đến một nơi hoàn toàn xa lạ, như Ápraham; gian truân khi phải
đi gặp những người không hề quen biết, như Môsê được sai đi gặp Pharaô, vua Ai
cập và các niên trưởng của con cái Ítraen đang làm nô lệ bên đó; đau khổ vì lòng
dạ nham hiểm, phản bội của những người mình tin tưởng, trọng dụng; đau khổ vì mưu
thâm chước độc của những người ganh ghét; đau khổ vì đám đông nhẹ dạ, cả tin, a
dua, bốc đồng hôm nay ủng hộ, ngày mai đả đảo, chống phá; đau khổ vì bị hiểu lầm,
vu khống, nguợc đãi, vì không thể làm
vui lòng mọi người trong mọi sự, vì đòi hỏi của sứ vụ và vì giới hạn của khả
năng; đau khổ vì bị lừa đảo, do thiếu khôn ngoan; đau khổ vì không thực hiện
tốt đẹp những việc được trao, không hoàn thành nhiệm vụ được ký thác, không hẳn
vì lười biếng, vô trách nhiệm, nhưng vì gặp quá nhiều chống đối, phá hoại từ
phiá những người rảnh rỗi “ăn không ngồi rồi” chỉ lo rình rập, “chọc gậy bánh
xe”, kiếm chuyện vu khống.
Bên
cạnh những gian truân, đau khổ vừa kể còn rất nhiều gian truân, đau khổ khác
khi loan báo Tin Mừng, giảng dậy giáo lý khi bị những người tuy ở trong hàng ngũ
“có đạo” khích bác, châm biếm, tìm cách hạ uy tín bằng những biện bác đầy ác ý,
những tin đồn thất thiệt, những suy diễn vô căn cớ liên quan đời tư, những luận
cứ rỗng tuếch, lỏng lẻo, rời rạc với mục đích bắt bẻ, làm nhục người môn đệ Đức
Giêsu. Đó là chưa kể những gian truân, đau khổ do những nhóm “lạc đạo, bè rối”
gây ra cho nhà truyền giáo. Thánh Phaolô đã viết về những người này như sau:
Về
những kẻ huyênh hoang, kiêu ngạo: “Thật ra, chúng tôi đâu dám cho mình ngang hàng
hay so sánh mình với những kẻ tự cao tự đại kia. Nhưng khi họ lấy mình làm
tiêu chuẩn để tự đánh giá và so sánh, thì họ không được khôn” (2 Cr 10,12); hoặc
trước những người gieo rắc giáo lý sai lạc: “Thần Khí phán rõ ràng: vào những
thời cuối cùng, một số người sẽ bỏ đức tin mà theo những thần khí lừa dối và những
giáo huấn của ma qủy; đó là vì trò giả hình của những tên nói dối mà lương tâm
như bị thích dấu sắt nung” (1 Tm 4,1-2).
Như
thế, gian truân, đau khổ là hành trang thập giá của nhà truyền giáo, và với hành
trang này, nhà truyền giáo lên đường đến với muôn dân với Đức Giêsu chịu đóng đinh:
1.
Trong gian truân đau khổ,
nhà truyền giáo thấy mình gần Đức Giêsu chịu đóng đinh hơn:
Đối
tượng của truyền giáo là loan truyền và làm chứng Đức Giêsu chịu đóng đinh, nên
nhà truyền giáo sẽ không thể làm chứng cách thuyết phục, cũng không thể loan báo
với niềm xác tín, nếu chính mình không cảm
nghiệm gian truân và đau khổ Thầ đã
chịu, bởi có biết rất rõ, hiểu rất sâu, yêu rất nhiều, người ta mới thuyết phục
được người khác để họ cùng biết, cùng hiểu
và cùng yêu Đấng được
loan báo, giới thiệu.
Do
đó, giới thiệu Đức Giêsu chịu đóng đinh, mà chưa một lần thông phần đau đớn của
gai nhọn, đinh sắt, lưỡi đòng và những giây phút hãi hùng của Ngài trên Thánh
Giá; loan báo Đấng Cứu Độ đã chết cho nhân loại trên thập tự, mà chưa hề chia sẻ
thương tích thập giá với Ngài, thì qủa thực lời chứng có âm vang, khuyếch đại đến
đâu cũng không làm chạnh lòng người nghe, khó đánh động trái tim người được rao
giảng.
Vì
thế, khao khát “nên một” với Đức Giêsu chịu đóng đinh, được “đồng hình đồng dạng”
với Thiên Chúa của lòng thương xót phải là lẽ sống của nhà truyền giáo, để cảm được
những gì thánh tông đồ dân ngoại đã sống và trải nghiệm trên đường truyền giáo:
“Tôi cam chịu mọi sự, để mưu ích cho những người Thiên Chúa đã chọn, để họ cũng
đạt tới ơn cứu độ trong Đức Kitô Giêsu, và được hưởng vinh quang muôn đời. Đây
là lời đáng tin cậy: Nếu ta cùng chết với Người, ta sẽ cùng sống với Người. Nếu
ta kiên tâm chịu đựng, ta sẽ cùng hiển trị với Người” (2 Tm 2,10-12).
2.
Trong gian truân, đau
khổ, nhà truyền giáo xác tín hơn sứ vụ
loan báo và làm chứng Đức Giêsu chịu đóng đinh:
Kết
thúc bài giảng trong ngày lễ Ngũ Tuần, tông đồ trưởng Phêrô “đứng chung với Nhóm
Mười Một” (Cv 2,14) đã tuyên tín trước đám
đông gồm đủ mọi ngôn ngữ: “Đức Giêsu mà
anh em đã treo trên thập giá, Thiên Chúa đã đặt Người làm Đức Chúa và làm Đấng
Kitô” (Cv 2, 36).
Đây
chính là sứ vụ của các môn đệ, nhà truyền giáo, như thánh Phaolô đã nhiều lần qủa
quyết: “Trong khi người Do Thái đòi hỏi điềm thiêng dấu lạ, còn người Hy Lạp tìm
kiếm lẽ khôn ngoan, thì chúng tôi lại
rao giảng một Đấng Kitô bị đóng đinh, điều mà người Do Thái coi là ô nhục
không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ.” (1 Cr 1,23).
Chỗ
khác thánh nhân còn nhấn mạnh: “Thưa anh em, khi tôi đến với anh em, tôi đã không
dùng lời lẽ hùng hồn hoặc triết lý cao siêu mà loan báo mầu nhiệm của Thiên Chúa.
Vì hồi còn ở giữa anh em, tôi đã không
muốn biết đến chuyện gì khác ngoài Đức Giêsu Kitô, mà là Đức Giêsu Kitô chịu
đóng đinh vào thập giá” (1 Cr 1-2).
Nhà
truyền giáo cũng không làm gì khác ngoài loan báo và làm chứng Đức Giêsu chịu đóng
đinh, nhưng không thể loan báo Đức Giêsu
chịu đóng đinh như phát tán một tin tức, chuyển tải mớ kiến thức lạnh lùng, nhưng
làm chứng một Con Người Thiên Chúa sống
động, đang hiện diện và yêu thương, đang có mặt và hoạt động, đang ở cùng và cảm thương, chia sẻ,
trợ giúp, cứu chuộc loài người.
Sứ
vụ này đòi nhà truyền giáo phải sống thiết thân, sống kết hiệp ân tình với Đức
Giêsu chịu đóng đinh để cảm nghiệm sâu sa và xác tín mãnh liệt ơn Cứu Độ của Đức
Giêsu chịu đóng đinh và ơn Bình An của Đức Giêsu phục sinh trong công việc tông
đồ của mình, như thánh Phaolô đã cảm nghiệm: “Nhưng kho tàng ấy, chúng tôi lại
chứa đựng trong những bình sành, để chứng tỏ quyền năng phi thường phát xuất từ
Thiên Chúa, chứ không phải từ chúng tôi” (2 Cr 4,7).
Vì
thế, khi gian truân, đau khổ, nhà truyền giáo cận kề Đức Giêsu hơn, theo sát Đức
Giêsu hơn, kết hiệp mật thiết với Đức Giêsu hơn và xác tín Ơn Gọi lên đường Thánh
Giá với Đức Giêsu để không còn nghi ngờ về sứ vụ loan báo, làm chứng Đức Giêsu
chịu đóng đinh và chính mình được đóng đinh với Ngài khi làm chứng . Nhờ vậy,
nhà truyền giáo sẽ bình an với niềm vui
được sai đi, và can đảm trước gian truân, đau khổ vì cùng chịu đau khổ, gian
truân với Đấng mình yêu mến, tôn thờ, phụng sự.
3. Trong
gian truân, đau khổ, nhà truyền giáo tự tin vì có Đức Giêsu chịu đóng đinh đồng
hành:
Sở
dĩ các Tông Đồ nhận ra quyền năng phi thường của Thiên Chúa trong công việc
truyền giáo của mình, chính vì các ngài đã gặp nhiều gian truân, đau khổ để nhận
ra một chân lý vô cùng vĩ đại: Thiên
Chúa luôn có mặt, đồng hành vơi ơn sức mạnh của Ngài, như thánh Phaolô đã
viết: “Chúng tôi bị dồn ép tư bề, nhưng không bị đè bẹp; hoang mang nhưng không
tuyệt vọng; bị ngược đãi nhưng không bị bỏ rơi; bị quật ngã nhưng không bị tiêu
diệt. Chúng tôi luôn mang nơi thân mình
cuộc thương khó của Đức Giêsu cũng
được biểu lộ nơi thân mình chúng tôi. Thật vậy, tuy sống, chúng tôi hằng bị
cái chết đe dọa vì Đức Giêsu, để sự sống của Đức Giêsu được biểu lộ nơi thân xác
phải chết của chúng tôi” (2 Cr 4,8-11).
Vâng,
chính vì xác tín việc loan báo và làm chứng Đức Giêsu chịu đóng đinh là sứ vụ được
trao phó, mà nhà truyền giáo đón nhận gian truân, đau khổ như “phần không thể thiếu” trong sứ vụ thừa
tác viên của Thiên Chúa. Thánh Phaolô khẳng định điều này trong thư gửi giáo đoàn
Côrinthô: “Trong mọi sự, chúng tôi luôn chứng tỏ mình là những thừa tác viên của
Thiên Chúa: gian nan, khốn quẫn, lo âu, đòn vọt, tù tội, loạn ly, nhọc nhằn, vất
vả, mất ăn mất ngủ, chúng tôi đều rất mực kiên trì chịu đựng” (2 Cr 6,4-5).
Và
nhờ liên lỷ chung phần đau khổ của Thập Giá Đức Giêsu, nhà truyền giáo mới tự
tin, nhờ tin vào sức mạnh gìn giữ và nâng đỡ của Thiên Chúa trong gian truân,
thử thách, đau khổ. Nhà truyền giáo sẽ không tự tin ở khả năng, tài cán và khôn
ngoan của mình, nhưng tự tin vì tin ở Đức Giêsu chịu đóng đinh, mà nhà truyền
giáo được sai đi để làm chứng.
Vì
có Đức Giêsu chịu đóng đInh ở với và đồng hành, nhà truyền giáo nhìn mọi gian
truân, đau khổ bằng đôi mắt của chính Đức
Giêsu chịu đóng đinh. Đó là đôi mắt nhân từ đã đón nhận mọi đau khổ để cứu
chuộc mọi người; là đôi mắt của Thiên Chúa giầu lòng thương xót không nỡ bỏ một
con người nào mà Ngài đã dựng nên vì yêu thương; là đôi mắt bao dung rộng lượng
tha thứ cho hết mọi người đã làm tổn thương, xúc phạm, đóng đinh mình; là đôi mắt
nhìn trước tương lai được đổi mới của tội nhân; là đôi mắt thương xót tha tội và
âu yếm ban bình an ; là đôi mắt đem lại niềm vui được cứu sống và hạnh phúc được yêu thương.
Thực
vậy, đời nhà truyền giáo không thể rời
xa Thánh Giá, vì trên đó có Đức Giêsu chịu đóng đinh, đối tượng của tình yêu và
sứ vụ của nhà truyền giáo; Thánh Giá cũng là con đường Đức Giêsu đi và mời gọi
nhà truyền giáo cùng đi với Ngài.
Vì
thế, khi đón nhận gian truân và đau khổ, nhà truyền giáo thực hiện trọn vẹn Thánh
Ý, và đem lại lợi ích góp phần xây dựng Thân Thể Đức Giêsu là Giáo Hội (Cl
1,24), khi trở thành “người đồng lao cộng khổ như một người lính giỏi của Đức
Kitô Giêsu” (2 Tm 2,3), để rồi sẽ được mãn nguyện thốt lên như thánh tông đồ dân
ngoại vào cuối đời: “Còn tôi, tôi sắp phải đổ máu ra làm lễ tế, đã đến giờ tôi
phải ra đi. Tôi đã đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp, đã chạy hết chặng đường, đã
giữ vững niềm tin. Giờ đây tôi chỉ còn đợi vòng hoa dành cho người công chính”
(2 Tm, 4,6-8), bởi nhà truyền giáo khi chịu gian truân, đau khổ trên đường truyền
giáo đã luôn ý thức: “một chút gian truân tạm thời trong hiện tại sẽ mang lại cho
chúng ta cả một khối vinh quang vô tận, tuyêt vời” (2 Cr 4,17).
Jorathe
Nắng Tím
0 nhận xét:
Đăng nhận xét