Suy niệm Tin Mừng
Lễ Chúa Thăng Thiên
Núi
trong Kinh Thánh là nơi Thiên Chúa tỏ mình, như hôm nào Đức Giêsu đã “đem các ông Phêrô, Giacôbê và Gioan là em ông
Giacôbê đi theo mình. Người đưa các ông đi riêng ra một chỗ tới một ngọn núi
cao. Rồi Người biến đổi hình dạng trước mặt các ông. Dung nhan Người chói lọi
như mặt trời, và y phục Người trở nên trắng tinh như ánh sáng” (Mt 17,1-2).
Khung
cảnh “núi cao” trở lại trong Tin Mừng Matthêu, khi “Mười một môn đệ đi tới miền
Galilê, đến ngọn núi Đức Giêsu đã truyền cho các ông đến” (Mt 28,16), nhưng lần
này, Ngài sai các ông “Hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ Thầy” và hứa
ở cùng các ông “mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,19-20).
Nhiều
nhà chú giải đồng ý: đây chính là bối cảnh ở đó Đức Giêsu từ giã các môn đệ về
trời, sau khi sai các ông đi loan báo Tin Mừng với năng quyền được chính Ngài
trao ban.
Riêng
thánh sử Luca thì một mình ngài lại có đến hai khung cảnh lên trời khác nhau:
trong Tin Mừng của ngài thì Đức Giêsu dẫn các môn đệ “tới gần Bêtania, rồi giơ
tay chúc lành cho các ông. Và đang khi chúc lành, thì Người rời khỏi các ông và
được đem lên trời.” (Lc 24,50-51); còn Công Vụ các Tông Đồ thì Luca đặt biến cố
lên trời của Đức Giêsu vào khung cảnh của bữa ăn (Cv 1,4), và khi Đức Giêsu lên
trời thì có “hai người đàn ông mặc áo trắng
đứng bên cạnh” (Cv 1,10), như cố ý làm nổi bật biến cố phục sinh, ở đó cũng “có
hai thiên thần mặc áo trắng ngồi ở nơi đã đặt thi hài của Đức Giêsu” (Ga 20,12),
và đề cao “bữa tiệc bẻ bánh” ở đó cộng đoàn Kitô hữu quy tụ cầu nguyện, làm chứng,
và chờ ngày Đức Giêsu trở lại.
Dù
được kể lại trong khung cảnh nào đi nữa, biến cố Đức Giêsu về trời đã mở sang một
trang mới, với sự có mặt và dấn thân loan báo Đức Giêsu đã chết và đã sống lại
của Giáo Hội. Nói cách khác, đây mới chính là khởi đầu của Giáo Hội, một Giáo Hội
được sai đi, một Giáo Hội lên đường, một Giáo Hội luôn trên hành trình dong duổi
với mọi người để làm chứng Đức Giêsu, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại.
Chúng
ta có thể ghi nhận ba điểm quan trọng ở thời điểm Đức Giêsu về trời, cũng là khởi
điểm hành trình loan báo, làm chứng Đức Giêsu của Giáo Hội:
1.
Giáo
Hội lên đường truyền giáo không biên giới với sức mạnh của Chúa Thánh Thần:
Sách
Công Vụ các Tông Đồ ghi lại một cách chân thực, và dễ thương câu hỏi của các
môn đệ với Đức Giêsu: “Thưa Thầy, có phải là lúc Thầy khôi phục vương quốc
Ítraen không?” (Cv 1,6).
Các
môn đệ hỏi như thế, vì các ông thấy Thầy đã thực sự sống lại, nên các ông tin rằng
việc giải phóng Ítraen khỏi tay người Rôma không còn là chuyện khó với Thầy
mình, và ước mơ thầm kín mang tính chính trị lại một lần nữa trở về với các
ông, cho đến khi Đức Giêsu khẳng định minh bạch chương trình của Ngài: “Anh em
không cần biết thời giờ và kỳ hạn Chúa Cha đã toàn quyền sắp đặt, nhưng anh em sẽ nhận được sức mạnh của
Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em. Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của
Thầy tại Giêrusalem, trong khắp các miền Giuđê, Samari và cho đến tận cùng trái
đất” (Cv 1,7-8).
Như
thế, sứ mạng của các môn đệ bây giờ là lên đường truyền giáo, con đường không biên giới trên đó Tin Mừng “Đức Giêsu
chịu đóng đinh, đã chết và đã sống lại” được loan báo cho mọi người, mọi nơi, mọi
thời, nhưng các ông không lên đường một
mình, không tự mình truyền giáo, nhưng chỉ có thể lên đường truyền giáo với ơn
của Chúa Thánh Thần, chỉ có thể rao giảng Đức Giêsu với sức mạnh của Chúa Thánh
Thần. Vì thế, Đức Giêsu đã minh bạch với các ông khi căn dặn: “Không được
rời khỏi Giêrusalem, nhưng phải ở lại mà chờ đợi điều Chúa Cha đã hứa, điều mà
anh em đã nghe Thầy nói tới, đó là: ông Gioan thì làm phép rửa bằng nước, còn
anh em thì trong ít ngày nữa sẽ chịu phép rửa trong Thánh Thần” (Cv
1,4-5).
2.
Giáo
Hội là sự viên mãn của Đức Giêsu:
Trước
khi về trời, Đức Giêsu đã chuẩn bị tất cả cho Giáo Hội. Ngài đã xin Chúa Cha
ban cho Giáo Hội Chúa Thánh Thần; Ngài củng cố niềm tin của Giáo Hội qua lời hứa
“ở lại với Giáo Hội mọi ngày cho đến tận thế” (x.Mt 28,19) để Giáo Hội tiếp tục
thực hiện công trình cứu thế của Ngài, bởi “Hội Thánh là thân thể Đức Kitô, là
sự viên mãn của Người, Đấng làm cho tất cả được viên mãn” (Ep 1, 23). Nói cách
khác, Giáo Hội được Đức Giêsu tuyển chọn làm thân thể của Ngài, và Ngài là Đầu
của thân thể đó, để Giáo Hội hoàn thành công trình cứu nhân loại đến mức viên
mãn, là thánh ý của Chúa Cha, bằng loan báo cho mọi người Đức Giêsu, Đấng Cứu Độ,
để tất cả được đón nhận ơn Cứu Độ của Ngài hầu được hạnh phúc viên mãn trong
Ngài.
3.
Đức
Giêsu hoàn toàn tin tưởng Giáo Hội của Ngài:
Chúng
ta có thể nói: lễ Thăng Thiên là lễ của Thiên Chúa đặt vào đôi tay con người trọn vẹn trách nhiệm để tiếp tục thực
hiện công trình của Ngài trên trần gian. Từ nay, mọi việc được trao cho con người,
mọi việc đều được Thiên Chúa ký thác cho con người, vì Ngài tin tưởng con người
và muốn con người cùng Ngài thực hiện
công trình cứu độ anh em mình. Một cách cụ thể, Ngài trao cho Giáo Hội, là tập thể những người đi theo Ngài sứ mạng
này, và ở với họ, cùng với Thần Khí Tình Yêu, Sự Thật và Sức Mạnh của Ngài.
Vâng,
đây chính là lúc bắt đầu thực hiện lời cầu nguyện của Đức Giêsu buổi tối thứ
năm tuần thánh: “Tất cả những gì con có đều là của Cha, tất cả những gì Cha có
đều là của con; và con được tôn vinh nơi họ. Con không còn ở trong thế gian nữa, nhưng họ, họ ở trong thế gian;
phần con, con đến cùng Cha. Lậy Cha chí thánh, xin gìn giữ các môn đệ trong
danh Cha mà Cha đã ban cho con…” (Ga 17,10-11).
Cùng
toàn thể Giáo Hội mừng lễ Chúa lên trời, chúng ta xin Chúa ban cho chúng ta, những
người con của Giáo Hội niềm vui biết mình được Đức Giêsu yêu thương, tin tưởng,
khi trao phó sứ mạng loan báo Tin Mừng cho anh em ở khắp mọi nơi, mọi thời, và
hạnh phúc được cùng Chúa Thánh Thần lên đường làm chứng Đức Giêsu đã chết và đã
sống lại, Đấng Cứu Độ, Gia Nghiệp và Phần Thưởng đời đời cho những ai đi theo
Ngài.
Jorathe
Nắng Tím
0 nhận xét:
Đăng nhận xét