Khi
Chúa Thánh Thần hiện xuống vào “ngày
lễ Ngũ Tuần, mọi người đang tề tựu ở một nơi, bỗng từ trời phát ra một tiếng động
như tiếng gió mạnh uà vào đầy cả căn nhà, nơi họ đang tụ họp. Rồi họ thấy những
hình lưỡi giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một. Và ai nấy đều được
tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tùy theo khả năng Thánh
Thần ban cho” (Cv 2,1-4).
Họ
đây là nhóm các Tông Đồ. “Tất
cả đều đồng tâm nhất trí, chuyên cần cầu nguyện” (Cv 1,14), và vừa rút thăm trúng ông Mátthia, người
“được kể thêm vào số mười
một Tông Đồ” (Cv 1,26).
Thực
vậy, biến cố Chúa Thánh Thần hiện xuống đã hoàn thành mỹ mãn lịch sử của Israel,
dân riêng Thiên Chúa, và từ nay mở ra một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của Giáo Hội
mà Đức Giêsu đã thiết lập trên nền móng các Tông Đồ: “Anh là Phêrô, nghiã là Tảng Đá, trên tảng đá này,
Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy…”
(Mt 16,18).
Đây
là mấu chốt quan trọng trong lịch sử cứu độ nhân loại của Thiên Chúa, với sự ra
đi rao giảng Đức Giêsu chịu đóng đinh đã sống lại dưới sự hướng dẫn và phù trợ
của Chúa Thánh Thần, Đấng mà Đức Giêsu đã hứa xin Chúa Cha ban cho các Tông Đồ
trước khi chịu khổ hình và tử nạn: “Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ
khác đến ở với anh em luôn mãi. Đó là Thần Khí sự thật” (Ga 14,16-17), “Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em
nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em” (Ga 14,26).
1.
Chúa
Thánh Thần huớng dẫn Giáo Hội đến Hiệp Nhất trong sự tôn trọng các khác biệt:
Khi
ban cho các Tông Đồ ơn nói các tiếng lạ, Chúa Thánh Thần muốn Giáo Hội Đức Giêsu
hiệp nhất trong sự tôn trọng các khác biệt
của mọi thành phần trong Giáo Hội: một Giáo Hội được sai đến với muôn dân,
nói với mọi dân tộc bằng mọi ngôn ngữ, một Giáo Hội lên đường đi khắp nơi, đến
tận hang cùng ngõ hẻm để loan báo Tin Mừng, một Giáo Hội không xây riêng cho mình
pháo đài và khép kín để kiêu căng như ước mơ của những người xây tháp Babel
trong Cựu Ước: “Thuở ấy,
mọi người đều nói một thứ tiếng và dùng những từ như nhau. Trong khi di chuyển ở
phía đông, họ tìm thấy một đồng bằng ở đất Sinai và định cư tại đó. Họ bảo nhau:
Nào! Ta hãy xây cho mình một thành phố và một tháp có đỉnh cao chọc trời. Ta phải
làm cho danh ta lẫy lừng, để khỏi bị phân tán trên mặt đất” (St 11,1-4).
Hình
ảnh các Tông Đồ ai nấy nhận lưỡi lửa của Thánh Thần, và “bắt đầu nói các
thứ tiếng khác, tùy theo khả năng Thánh Thần ban cho” (Cv 2,4) đã nói lên tính hiệp nhất nhưng không đồng nhất, khi cùng nhận từ một Thánh Thần
duy nhất những đặc sủng, khả năng khác nhau, và hoàn toàn khác với số phận của
những người xây tháp Babel với tham vọng “hiệp nhất nhưng đồng nhất » đã bị Đức Chúa “làm cho tiếng nói của chúng phải
xáo trộn, khiến chúng không ai hiểu ai nữa” (St 11,7), và kế hoạch kiêu căng của chúng đã đổ vỡ khi “Đức Chúa phân tán họ ra khắp nơi
trên mặt đất” (St 11,9).
Lễ
Chúa Thánh Thần hiện xuống đã khai
trương một Giáo Hội đến với muôn dân, nói với mọi dân tộc, hợp nhất mọi người
với mọi khác biệt trong Đức Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại.
2.
Chúa
Thánh Thần là Tình Yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa luôn hoạt động trong tâm hồn người
đi theo Đức Giêsu:
Cảnh
tượng “bỗng từ trời phát
ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ đang tụ tập” (Cv 2,2), nhắc nhớ hình ảnh “sấm chớp, mây mù dày đặc trên
núi… Cả núi Xinai nghi ngút khói, vì Đức Chúa ngự trong đám lửa mà xuống; khói
bốc lên như khói lò lửa và cả núi rung chuyển mạnh” (Xh 19,16.18), khi Thiên Chúa ban giao ước cho dân
riêng của Ngài.
“Khi nghe tiếng sấm sét,
tiếng tù và, khi thấy ánh lửa và núi bốc khói, toàn dân sợ hãi run rẩy…” (Xh 20,18), và Mười Điều Răn được
khắc trên bia đá.
Khác
với cảnh tượng dân riêng nhận Giao Ước ở Xinai, Chúa Thánh Thần hiện xuống, tuy
có “tiếng động như tiếng
gió mạnh ùa vào”, nhưng không làm các Tông Đồ sợ, trái lại, “ai nấy đều được tràn đầy ơn
Thánh Thần”. Đó là các
ơn khôn ngoan, ơn hiểu biết, ơn lo liệu, ơn sức mạnh, ơn thông minh, ơn đạo đức,
ơn kính sợ Thiên Chúa, kèm theo các đặc sủng để phục vụ và xây dựng Hội Thánh.
Cũng
thế, khác với Mười Điều Răn đã được khắc
vào đá, Chúa Thánh Thần hiện xuống đã ghi
Luật Tình Yêu của Đức Giêsu vào trái tim mỗi người, và làm hoan lạc tâm hồn
bằng hoa trái ngon ngọt của Tình Yêu là “nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự
đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận
thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật” (1 Cr 13,4-6).
Nhờ
thế, các Tông Đồ đã mạnh dạn, hân hoan lên đường rao giảng, làm chứng Đức Giêsu
bất chấp mọi gian truân, thử thách, bách hại.
3.
Chúa
Thánh Thần hồi sinh và đổi mới thế giới:
Thánh
Thần là Đấng đã bay là là trên nước khi thế giới được tạo dựng cũng là Đấng sẽ hồi sinh thế giới đã chết bằng một
tạo dựng mới, ở đó Ngài ban cho dân Chúa niềm hy vọng và sự sống như ngôn sứ
Êdêkien đã tuyên sấm: “Các
xương khô kia ơi, hãy nghe lời Đức Chúa. Đức Chúa là Chúa Thượng phán thế này với
các xương ấy: Đây Ta sắp cho thần khí nhập vào các ngươi và các ngươi sẽ được sống.
Ta sẽ đặt gân trên các ngươi, sẽ khiến thịt mọc trên các ngươi, sẽ trải da bọc
lấy các ngươi. Ta sẽ đặt thần khí vào trong các ngươi và các ngươi sẽ được sống.
Bấy giờ các ngươi sẽ nhận biết chính Ta là Đức Chúa” (Ed 37,4-6).
Chính
Thánh Thần làm cho “người
chết được hồi sinh và đứng thẳng lên: Đó là cả một đạo quân lớn, đông vô kể” (Ed 37,10), một hình ảnh của
dân Chúa, như Ítraen đã được Ngài mở huyệt, hồi sinh và đưa về lại đất hứa, dù họ đã như những xương cốt đã
khô, và niềm hy vọng đã tàn rụi, tiêu tan (x. Ed 37,11-14).
Với
lễ Hiện Xuống, Chúa Thánh Thần làm cho mọi thụ tạo được sống, ban lại sự sống
cho những tâm hồn đã chết, và hồi sinh những trái tim đã héo úa, tuyệt vọng. Là
Đấng ban sự sống, Ngài làm sống Giáo Hội, đổi mới đời sống người tín hữu và làm
cho mọi sự nên mới để có một “trời
mới, đất mới”, như ngôn sứ
Giôen đã tuyên sấm: “Ta sẽ
đổ thần khí Ta trên hết thảy người phàm. Con trai con gái các ngươi sẽ trở thành
ngôn sứ, người già được báo mộng, thanh niên được thị kiến” (Ge 3,1). Chính tông đồ trưởng
Phêrô đã khẳng định lại điều này khi ngài giảng cho dân chúng tại Giêrusalem
trong ngày lễ Hiện Xuống (Cv 2,14-21).
4.
Chúa
Thánh Thần làm cho chúng ta được trở nên con cái Thiên Chúa:
Thánh
Phaolô qủa quyết: “Chẳng
có ai ở trong Thần Khí Thiên Chúa mà lại nói: “Giêsu là đồ khốn kiếp!”; cũng không ai có thể nói rằng: “Đức Giêsu là Chúa, nếu người ấy
không ở trong Thần Khí” (
1 Cr 12,3).
Cũng
vậy, chính Thần Khí làm cho chúng ta được trở nên con cái, mà “không còn phải là nô lệ nữa” (Gl 4,7) như thánh tông đồ dân
ngoại viết cho giáo đoàn Galát: “Để chứng thực anh em là con cái, Thiên Chúa đã sai Thần Khí của
Con mình đến ngự trong lòng anh em mà kêu lên: ‘Ápba, Cha ơi’!” (Gl 4,6).
“Hơn nữa, lại có Thần Khí
giúp đỡ chúng ta là những kẻ yếu hèn, vì chúng ta không biết cầu nguyện thế nào
cho phải; nhưng chính Thần Khí cầu thay nguyện giúp chúng ta, bằng những tiếng
rên xiết khôn tả. Và Thiên Chúa, Đấng thấu suốt tâm can, biết Thần Khí muốn nói
gì, vì Thần Khí cầu thay nguyện giúp cho dân thánh theo đúng ý Thiên Chúa” (Rm 8,26-27).
5.
Chúa
Thánh Thần cùng với Giáo Hội lên đường truyền giáo:
Giáo Hội không
thể là Giáo Hội truyền giáo, nếu không có Chúa Thánh Thần,
và nhà truyền giáo không thể loan báo Tin Mừng, làm chứng Đức Giêsu, nếu không
có Chúa Thánh Thần ở cùng, bởi chính Đức Giêsu phục sinh, khi hiện ra với Nhóm
Mười Một, sau khi ban Bình An cho các ông đã nói: “Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh
em. Nói xong, Người thở hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận
lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ
ai, thì người ấy bị cầm giữ”
(Ga 20,21-23).
Có
Chúa Thánh Thần, Giáo Hội an tâm lên đường, hăng say rao giảng, kiên gan làm chứng.
Có Chúa Thánh Thần, Giáo Hội luôn tràn đầy sức sống, tình yêu, bình an, và hy vọng
trên đường đến với muôn dân như ý muốn
của Đức Giêsu. Và với ơn của Chúa Thánh Thần, Giáo Hội sẽ trung thành và hoàn
thành sứ vụ được trao phó.
Lậy
Chúa Thánh Thần, xin hãy đến và đốt nóng tâm hồn nguội lạnh của chúng con, như đã
cho “lưỡi lửa tản ra đậu
xuống từng người một. Và ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần” trong ngày lễ Hiện Xuống. Xin
hồi sinh và thánh hoá chúng con để chúng con được trở nên nghiã tử của Thiên Chúa,
để cùng với tất cả những người được Chúa kêu gọi là Giáo Hội, chúng con phấn khởi
lên đường loan báo Tin Mừng “Thiên
Chúa yêu thương nhân loại”
dưới sự hướng dẫn và ơn trợ giúp của Thánh Thần Tình Yêu.
Jorathe
Nắng Tím
0 nhận xét:
Đăng nhận xét