Tìm kiếm Blog này

Thứ Ba, 26 tháng 5, 2020

NGƯỜI TRẺ VÀ ĐỨC TIN (12)

NIỀM HY VỌNG KHÔNG BAO GIỜ LÀM THẤT VỌNG
Các môn đệ khi xưa đã không ít lần bâng khuâng tự hỏi: Theo Đức Giêsu, các ông được gì, vì đường dài và gian nan, trong khi tương lai không có dấu hiệu huy hoàng, ngời sáng. Tâm trạng mênh mang một nỗi niềm khó đặt tên khi lòng chùng xuống ấy chắc ít nhiều cũng đã chiếm cứ tâm hồn người trẻ nói riêng và người Kitô hữu nói chung, bởi tất cả chúng ta đều là môn đệ Đức Giêsu, nên chung một đức tin, một đức ái, một niềm hy vọng, một thử thách.
Sở dĩ chúng ta hy vọng vì thất vọng đang rình rập bủa vây; sở dĩ đi tìm hy vọng, vì dáng dấp thất vọng đã quanh quẩn đâu đó đe dọa, bởi sẽ không có ý niệm hy vọng, nếu trước đó đã không có tư tưởng thất vọng, không có mơ ước “hy vọng”, nếu thất vọng, tuyệt vọng đã không một lần làm chúng ta hoảng sợ, rùng mình.
Kinh hãi thất vọng vì bị phản bội, hoảng sợ thất vọng khi bị bán đứng, bỏ rơi, và chúng ta hiểu thế nào là kinh nghiệm đắt giá của tính trung thực, lòng trung tín, và biết rõ nguyên nhân của hầu hết thất vọng chính là lời hứa không được tôn trọng.
Tất nhiên chúng ta cũng thất vọng vì nhiều nguyên nhân khác, như thất vọng vì thiếu sót, lầm lỗi của chính mình, thất vọng vì “lực bất tòng tâm”, thất vọng vì  khả năng giới hạn của người khác mà mình đã lầm khi đánh giá qúa cao, thất vọng vì không gặp “thiên thời, địa lợi, nhân hoà”, thất vọng vì hoài bão không thành… Nhưng nguyên nhân chính của thất vọng vẫn là “lòng người đổi trắng thay đen”, con người không trọn lời thề, không giữ lời hứa, thất tín, bất trung với nhau.
Chính vì “chết lên chết xuống” do những tai nạn trong tương quan giữa ta với người ở đời thường, mà chúng ta bị ám ảnh cả trong đời sống tâm linh, khi “phân vân, nghi ngờ” Lời Hứa của Đấng chúng ta tin, và trên con đường theo Đức Giêsu, con người “đức tin” của chúng ta đã có những lúc mệt mỏi, chán chường, hoang mang, mất hướng, như thách đố phải vượt qua, như cám dỗ phải lướt thắng, như thử thách để trưởng thành. Nhưng chính trong những thách đố, cám dỗ, thử thách tưởng không thể vượt qua đó, có Đức Giêsu “toát mồ hôi máu” trong vườn  Cây Dầu khi sấp mặt xuống xin Chúa Cha cất đi chén đắng khổ hình Ngài sắp phải uống (x. Mt 26,39), có Đức Giêsu đau đớn rướn mình thổn thức trên Thánh Giá: “Lậy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?” (Mt 27,46) hiện diện và đồng hành với chúng ta. Cũng chính lúc không còn thắm thiết, nồng nàn, không còn nhiệt huyết, hăng say với ơn gọi và sứ vụ lại là lúc trái tim quặn thắt của Đức Giêsu trước thinh lặng xa vắng, lạnh lùng của Chúa Cha đang chung nhịp đập với qủa tim muốn vỡ toang, nát vụn vì thử thách của chúng ta. Điều đó nói lên Đức Giêsu thương yêu đến cùng, và không quên Lời Ngài đã hứa, không bỏ rơi những ai đi theo Ngài, không thay mặt đổi lòng như phàm nhân bất trung, bất tín, vì Ngài là Đấng hằng trung tín, yêu thương đến cùng và không bao giờ làm ai phải ngã lòng, thất vọng.
1.   Đức Giêsu là Hy Vọng của chúng ta ở đời này và đời sau:
Nhiều người vô thần lên án người có đạo là những người không sống đời này, không quan tâm đến cuộc sống hôm nay, với những vấn đề của thế giơi hiện tại, nhưng chỉ mơ màng đời sau, mơ ước viển vông cuộc sống ở thế giới bên kia, một thế giới không biết có hay không, thực hay hư, chắc chắn hay hão huyền. Và người ta nhìn người Kitô hữu như những con người không bao giờ sống, không biết sống, không trân trọng cuộc sống, sống bên trên và  ngoài lề cuộc sống.
Thực ra, lý tưởng sống, lẽ sống, ý nghiã sống của người Kitô hữu chính là thế giới này, cuộc đời này, với những con người đương thời, đồng thời đang sống, bởi giới luật duy nhất của Kitô giáo là “mến Chúa yêu người”, và mến Chúa chỉ có giá trị khi yêu người, bởi Nếu ai nói: “Tôi yêu mến Thiên Chúa, mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy” (1 Ga 4,20)
Hơn nữa Đức Giêsu, Thiên Chúa của Kitô giáo là “Thiên Chúa làm người”, một Thiên Chúa không chỉ ở trời, chỉ ở trên cao, nhưng xuống thế gian làm người, sống như con người giữa thế giới loài người, nên làm người Kitô hữu chính là làm người như Đức Giêsu Thiên Chúa, trở nên con người như con người Đức Giêsu, khi trân qúy, xây dựng cuộc đời, và yêu mến, phục vụ con người cùng sống trong thế giới.
Vì thế, niềm hy vọng được hạnh phúc ở đời này cũng thúc bách người tín hữu như hy vọng được hạnh phúc đời sau. Cả hai “đời này và đời sau” đều quan trọng và  cùng lúc khơi dậy trong lòng người Kitô hữu niềm hy vọng ở Lời Hứa mà Đức Giêsu đã hứa cho những ai đi theo Ngài.
Trước câu hỏi của Phêrô: “Phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy. Vậy chúng con sẽ được gì?” (Mt 19,27), Đức Giêsu đã khẳng định niềm hy vọng hạnh phúc của chúng ta ở đời này và đời sau là có nền tảng: “Phàm ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái hay ruộng đất, vì danh Thầy thì sẽ được gấp bội, và còn được sự sống vĩnh cửu làm gia nghiệp” (Mt 19,29). Thánh sử Luca còn nhấn mạnh: “Chẳng hề có ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, mẹ cha, con cái hay ruộng đất vì Thầy và vì Tin Mừng, mà ngay bây giờ, ở đời này, lại không nhận được nhà cửa, anh em, chị em, mẹ, con, hay ruộng đất gấp trăm… và sự sống vĩnh cửu đời sau” (Lc 10,29-30).
Như thế, niềm hy vọng hạnh phúc đời này và đời sau của chúng ta được bảo đảm do Lời Hứa của Đức Giêsu. Và đức tin mời gọi chúng ta tin Đức Giêsu không thất hứa, không nuốt lời, không lừa dối, bịp bợm, không thay dạ đổi lòng, nhưng thực hiện trọn vẹn Lời Hứa, như đã sống lại ngày thứ ba đúng y lời Ngài đã hứa, mà các môn đệ của Ngài đã không nhớ và không tin.
Chính sự sống lại từ cõi chết như Lời Hứa của Đức Giêsu đã đảm bảo lẽ sống của cuộc sống hôm nay, và hạnh phúc đời sau đối với những ai tin ở Ngài.
2.   Đức Giêsu đã làm chứng Ngài là Thiên Chúa trung tín với Lời Hứa:
Suốt cuộc đời dương thế, Đức Giêsu đã không làm ai phải thất vọng, nếu tin vào Ngài: Ngài không làm thất vọng những người đau ốm, tật bệnh: khi “thiên hạ mang đến cho Người mọi kẻ ốm đau, mắc đủ thứ bệnh hoạn tật nguyền: những kẻ bị quỷ ám, kinh phong, bại liệt; và Người đã chữa họ” (Mt 4,24); Ngài không làm thất vọng viên sĩ quan đại đội trưởng ngoại đạo, khi ông khiêm tốn xin Ngài: “Thưa Ngài, tôi chẳng đáng đón rước Ngài vào nhà tôi, nhưng xin Ngài chỉ nói một lời là đầy tớ tôi được khỏi bệnh” (Mt 8,8); Ngài không để niềm hy vọng của người đàn bà ngoại đạo xứ Canaan biến thành tuyệt vọng, khi bà một mực tin tưởng con bà sẽ được chữa lành, mặc dù Ngài đã tỏ ra lạnh lùng để thử lòng tin của bà (x. Mt 15,21-28); Ngài đã biến tuyệt vọng của bà goá thành Nain, và chị em Mátta, Maria ở Bêtania thành niềm vui khôn tả, khi cho con trai bà goá, và em trai hai chị em Mátta, Maria sống lại (x. Lc 7,11-15 ; Ga 11,1-44).
Là Đấng được Thiên Chúa sai đến, để “loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn, công bố cho kẻ giam cầm biết họ đươc tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức…” (Lc 4,18), Đức Giêsu đã trung tín với sứ vụ của Ngài khi được Chúa Cha sai đến thế gian. Không những chữa lành bệnh tật, xoa dịu những đau đớn của thân xác, Ngài còn là niềm Hy Vọng cho những tâm hồn đau khổ vì nghèo khó, bị ăn hiếp vì hiền lành, chịu thiệt thòi vì sống và làm điều công chính, bị bắt bớ, truy lùng vì xây dựng công lý, hoà bình, bị vu khống, bách hại vì sống ơn gọi và thực hiện sứ vụ được Thiên Chúa trao phó, để tất cả những ai tin theo Ngài sẽ gặp được ở Ngài niềm ủi an, lòng thương xót, bình an đích thực, và phần thưởng vô cùng lớn lao là được thấy Thiên Chúa và hạnh phúc trong Vương Quốc của Ngài (x. Mt 5,1-12).  
Là Thiên Chúa của lòng thương xót, Đức Giêsu đã không để ai tin tưởng Ngài phải thất vọng, vì không được Ngài  xót thương, như đôi lúc chúng ta thấy mình tội lỗi quá, và ý nghĩ “khó có thể được Chúa thứ tha” làm chúng ta lo sợ, hoảng hốt, thất vọng.
Tâm trạng lo lắng do chưa đủ tin tưởng ở Lời Hứa của Đức Giêsu: “Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi” (Mt 9,13), cũng như “không đến để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mt 20,28) rất thường ám ảnh chúng ta, và đó là đòn rất thâm độc của ma qủy, khi đánh phá niềm hy vọng được Thiên Chúa thương xót, bởi đánh gục được niềm hy vọng, ma qủy nắm chắc phần thắng, như đã cướp mất niềm hy vọng vào Thầy mình của Giuđa, sau khi bán Thầy và nghe tin Thầy bị kết án đóng đinh. Chính vì để mất niềm hy vọng vào lòng thưong xót, bao dung, yêu thương vô cùng và đến cùng của Thầy, mà Giuđa đã bỏ cuộc, và tuyệt vọng đi thắt cổ tự tử. Khác với Phêrô, tuy cũng phản bội như Giuđa khi chối Thầy, nhưng Phêrô  giữ được niềm hy vọng vì biết đón nhận lòng thương xót từ ánh mắt của Đức Giêsu, nhờ đó, đã không tuyệt vọng gục ngã (x. Lc 22,61-62).
Là Thiên Chúa bao dung với Lời Hứa: “tìm  cho kỳ được con chiên bị mất, tìm cho kỳ được đồng tiền không may bị đánh rơi” (Lc 15,4.8), và mở tiệc ăn mừng “vì con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy” (Lc 15,24), Đức Giêsu đã không làm thất vọng bước chân trở về của Giakêu, người thu thuế tham ô, tội lỗi, khi đến tận nhà dùng bữa với gia đình ông, và âu yếm chúc lành: “Hôm nay ơn cứu độ đã đến cho nhà này… Vì Con Người đến để tìm và cứu những gì đã hư mất” (Lc 19,9-10).
Là Thiên Chúa nhân hậu với Lời Hứa “không lên án ai”, Đức Giêsu đã ban lại niềm hy vọng được sống cho người đàn bà ngoại tình bị bắt qủa tang đã hoàn toàn tuyệt vọng trước các kinh sư, Biệt Phái và đám đông rất hung dữ tay cầm sẵn đá để xử tử chị theo luật Môsê, khi Ngài  hỏi các ông quan toà giả hình, gian ác: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi” (Ga 8,7). Còn Ngài chỉ vắn tắt nhẹ nhàng nói với chị: “Tôi không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa” (Ga 8,11).
Là Thiên Chúa yêu thương sẵn sàng “hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13), Đức Giêsu đã không để người tử tội cùng chịu đóng đinh với Ngài phải tuyệt vọng, khi anh nài xin: “Ông Giêsu ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi!”, nhưng đã hứa cho anh Nước Trời: “Tôi bảo thật anh, ngay hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng” (Lc 23,42-43).
Thực vậy, không ai phải thất vọng khi tin vào Lời Hứa của Đức Giêsu, bởi Ngài là Thiên Chúa trung tín, như ngày xưa trên dương thế, Ngài đã không làm ai phải thất vọng, nhưng ban hạnh phúc của niềm hy vọng cho tất cả những ai tin vào Ngài.
3.   Giáo Hội làm chứng Đức Giêsu là Hy Vọng không bao giờ làm thất vọng:
Lịch sử Giáo Hội, tức lịch sử của đoàn thể những người đi theo Đức Giêsu, lịch sử của Dân Chúa từ bao đời đã làm chứng Đức Giêsu là niềm Hy Vọng của nhân loại, và hành trình đi theo Ngài chính là hành trình tràn đầy hy vọng.
Vì là hành trình tràn đầy Hy Vọng trong Đức Giêsu, Đấng Cứu Thế, mà dân Chúa  từ đời này đến đời kia, người Kitô hữu từ thế hệ này qua thế hệ khác đã không chùn bước Vượt Qua bao nhiêu thử thách cam go để xây dựng một thế giới được đổi mới nhờ lắng nghe Tin Mừng, một nhân loại hạnh phúc với “trời mới, đất mới”, ở đó “Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt họ. Sẽ không còn sự chết; cũng chẳng còn tang tóc, kêu than và đau khổ nữa...” (Kh 21,4).
Với niềm hy vọng trong Đức Giêsu, người Kitô hữu không còn sợ gian truân, khốn khó, vu khống, bách hại, không nản chí bỏ cuộc, buông tay đầu hàng sự dữ, thần dữ trên đường yêu thương phục vụ anh em, bởi chung quanh họ, không ít người đã thất vọng trước vô ơn, đã tuyệt vọng trước tráo trở phản bội, và thu mình vào vỏ ốc an toàn, an thân, an phận vì qúa sợ tha nhân, qúa ngại tình đời, qúa ngao ngán lòng người đổi trắng thay đen.
Những nhân chứng sống động của niềm hy vọng nơi Đức Giêsu trong Giáo Hội thì vô kể. Họ là những Giám Mục, linh mục, tu sĩ nam nữ tận hiến đời mình để làm chứng niềm hy vọng Nước Trời, đã trao dâng đời mình để đem niềm hy vọng của Tin Mừng, Lời Hứa của Thiên Chúa đến với muôn dân, đã hy sinh chính mạng sống mình để niềm hy vọng của Tin Mừng tình yêu được gieo vãi, nẩy mầm, lớn lên giữa lòng thế giới đầy bạo lực, như bẩy tu sĩ Pháp đã bị giết dã man năm 1996 tại Tibéhirine, Algérie, nơi các vị phục vụ những người dân nghèo, bởi những người hồi giáo qúa khích. Họ cũng là những giáo dân làm chứng niềm hy vọng nơi Đức Giêsu, khi tin vào Lời Hứa được Thiên Chúa yêu thương và cứu độ; là những người thành tâm thiện chí thao thức, khắc khoải và nỗ lực đi tìm niềm hy vọng ở Lời Hứa của Thiên Chúa. Và mãi mãi đến tận thế, đoàn thể những người  khao khát sống niềm hy vọng ở Lời Hứa vẫn theo nhau lên đường, tiếp nối nhau và cùng đi trên hành trình tràn đầy hy vọng của Đức Giêsu.
Qủa thực, không đặt niềm hy vọng nơi Đức Giêsu là Thiên Chúa trung tín với Lời Ngài hứa, người môn đệ khó có thể vượt qua những thử thách cam go, những thách đố kinh khủng, những cám dỗ không luôn dễ lướt thắng. Không hy vọng ở Đức Giêsu là ơn phù trợ và quan phòng của người cha nnhân hậu thương yêu con cái mình, chúng ta khó kiên trì để “bắt đầu lại” mỗi ngày, “trở lại” liên lỷ, sau vô số những vấp ngã vì yếu đuối. Và không hy vọng ở Lời Hứa bao dung thứ tha, chúng ta làm sao dám ngẩng mặt nài xin ơn tha tội và khiêm tốn lên đường trở về nhà cha, như người con hoang đàng trong Tin Mừng Luca? (x. Lc 15,11-32), không hy vọng ở tương lai cuối đường hầm có Thiên Chúa giang tay đợi chờ như người cha nhân hậu hằng ngày ra đầu ngõ ngóng con, chúng ta làm sao có thể chết bình an như người trộm lành khi giờ Chúa đến?
Vâng, đời chúng ta tuy ngắn nhưng cũng đủ dài để thấm thiá những thất vọng do cuộc đời, người đời và do chính chúng ta gây ra cho mình và cho anh em; qũy thời gian tuy không lớn, nhưng cũng đủ để chúng ta “ngậm đắng nuốt cay” vì những giờ phút ngã lòng, thất vọng. Tuy thế, những kinh nghiệm chán chường, nản chí, thất vọng với tình đời, người đời, chuyện đời ấy ít nhiều cũng thúc bách chúng ta lên đường đi tìm Niềm Hy Vọng không bao giờ làm thất vọng là Đức Giêsu, Thiên Chúa làm người, Đấng luôn có mặt và đồng hành với những ai tin vào Ngài.
Nếu đời không tin ta và ta không tin đời, và hy vọng của ta với người đời lịm tắt thì đây là đau khổ lớn của đời làm người, đau khổ mà chỉ một mình Đức Giêu, nguồn Hy Vọng mới chữa lành được vết thương Thất Vọng; nếu ở đời, tin người là tự sát, hy vọng ở người là mang vào mình tuyệt vọng thì qủa thực đời là biển khổ, là đại dương sầu buồn, và đó là bất hạnh lớn của thân phận người, mà chỉ một mình Đức Giêsu, Thiên Chúa của Lời Hứa mới ban lại cho chúng ta niềm vui sống, niềm tin tưởng ở cuộc đời, lòng tín nhiệm người chung quanh, bởi trên đường đời muôn lối, giữa muôn người đời, không mấy ai luôn gặp may mắn để chẳng bao giờ phải thất vọng.
Và lời Đức Giêsu luôn văng vẳng bên tai người môn đệ trên từng cây số đường đời nhiều rủi ro thất vọng: “Anh em đừng xao xuyến! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy” (Ga 14,1), “Cứ yên tâm, có Thầy đây, đừng sợ!” (Mc 6,50) để niềm hy vọng chúng ta có trong Đức Giêsu, Thiên Chúa không bao giờ làm chúng ta thất vọng.
Jorathe Nắng Tím   

0 nhận xét: