Pages - Menu

Thứ Tư, 13 tháng 5, 2020

NGƯỜI TRẺ VÀ ĐỨC TIN (5)

                                                   GIÁO HỘI
Một sự thật khó chối cãi, đó là Giáo Hội hầu như luôn bị phê bình, chỉ trích, lên án, buộc tội, chống phá cách này hay cách khác, mà rất ít được những ngày yên ổn, làm như Giáo Hội được Đức Giêsu lập ra để bị thiên hạ ghét bỏ hơn là được yêu thương, bị đe dọa, phá họai hơn là được nâng đỡ, xây dựng, và lịch sử hơn hai ngàn năm của Giáo Hội với những bách hại dưới mọi hình thức những chống phá bằng đủ phương tiện, những buộc tội ở mọi mức độ, những chỉ trích không thiếu một thành phần, những vạch trần không sót một kẽ hở đã làm chứng sự thật đau lòng này.
Có những lý do trần thế làm người ta “khó chịu” với Giáo Hội:
1.   Giáo Hội bị coi là một tổ chức độc trị, độc quyền:
Khác nhiều tôn giáo, Giáo Hội Công Giáo có hệ thống tổ chức chặt chẽ, trên dưới phẩm trật, ngang dọc khít khao, điều phối nhịp nhàng, kỷ luật bao trùm, phủ kín nên dễ cho nhiều người cảm tưởng Giáo Hội là một cơ cấu độc trị, độc quyền hơn là một đoàn thể “tự do” quy tụ những người tự nguyện đi theo Đức Giêsu.
Từ cái nhìn không mấy thiện cảm, nhiều người đã củng cố “thành kiến” về một Giáo Hội thống trị hơn phục vụ, pháo đài khép kín hơn cởi mở, “ra sâu, ra xa”, kiểm soát, thanh trừng hơn tôn trọng, khai phóng.
Cũng vì thành kiến không mấy tốt đẹp, người ta đi đến hành động soi mói, rình rập những sơ sót, vi phạm của người có trách nhiệm lãnh đạo trong Giáo Hội, và khai thác những điểm yếu “con người” nơi các vị tạo thành những “sóng thần” miệt thị, cao trào lên án kinh khủng dữ dội, ảnh hưởng nặng nề trên đời sống người tín hữu và uy tín của Giáo Hội.
2.   Giáo Hội bị coi là một tổ chức lạm dụng thần quyền:
Khi được hỏi: Tại sao bạn bất mãn với Giáo Hội? Vì Giáo Hội qúa lạm dụng thần quyền cho mục đích không chính đáng.
Đó là câu trả lời chiếm đa số, và người ta say mê kể ra hàng loạt những lạm dụng trong Giáo Hội ở mọi cấp độ, mà chúng ta khó có thể che chống, bênh vực.
Về vấn đề này, Bạn chỉ cần theo dõi những phương tiện truyền thông đại chúng sẽ thấy những nổi cộm căng thẳng bị coi là “xì căng đan” trong Giáo Hội, mà nhiều thế lực đang triệt để khai thác.
Cách chung, Giáo Hội bị tố cáo đã dung dưỡng những thành phần “lạm dụng thần quyền”, tức quyền thiêng liêng được trao ban để phục vụ, với mục đích tìm kiếm tư lợi, bằng những hành động vi phạm quyền làm người, làm con Chúa của người khác. Đó là chưa kể Giáo Hội bị rất nhiều người bực bội, vì những thái độ trịch thượng, cửa quyền, xơ cứng, vô cảm trước nhu cầu của người bé mọn, thấp cổ bé miệng đang “nài xin” lòng tốt của những con người tử tế.    
3.   Giáo Hội bị coi là một tổ chức lạc hậu, chậm tiến:
Một số không nhỏ những người trẻ không “tâm phục khẩu phục” Giáo Hội, vì cho rằng Giáo Hội với những luật lệ trói buộc, những phép tắc lỗi thời, những quy định lạc hậu, những giáo huấn không còn thích hợp và hầu như bất khả thi đối với người đương thời, những cấm cản bị coi là thiếu văn minh đã không còn khả năng  đáp ứng nhu cầu tâm linh của con người thời đại.
Người ta đòi Giáo Hội phải thay da đổi thịt, phải đổi mới, phải can đảm “làm cách mạng” để không ù lì ở mãi trong vỏ ốc cổ hủ, cũ kỹ, han rỉ, và không co mình hưởng thụ trong tháp ngà của “tình trạng lãng quên” thế giới đang chuyển mình đến chóng mặt chung quanh mình.
Nói chung, những người bực bội với Giáo Hội cho rằng Giáo Hội đã trở thành lực cản của văn minh, tiến bộ khi đi ngược trào lưu, bơi ngược dòng đời và những gì Giáo Hội chủ trương không còn hợp với con người thời đại.
4.   Giáo Hội bị coi là tập thể những người ở trên và ở ngoài cộng đồng nhân loại:
Tuy có những đóng góp cho xã hội, nhưng não trạng khó tẩy gột ở một số phần tử trong Giáo Hội, khi coi mình là thành phần ưu tú đã dẫn đến những chọn lựa bị xem là “ở trên và ở ngoài” cộng đồng nhân loại, nghiã là “đi riêng, đánh lẻ”, chứ không gần gũi thân thiện, chia sẻ tận tình, đồng hành sát cánh với mọi người. Vì thế, Giáo Hội bị coi là giai cấp “cao, xa, sang, chảnh”, thích đi với giai cấp có quyền, thích giao du với thành phần có tiền, thích làm việc với những người sang trọng, và chảnh choẹ, coi thường kẻ nghèo hèn, nên đến với Giáo Hội rất khó, gặp gỡ Giáo Hội không luôn dễ dàng vì nhiều cổng sắt, hàng rào, cửa nẻo khóa kỹ, và được chia sẻ chân thành với Giáo Hội tất nhiên là điều hầu như “không có thể”, vì Giáo Hội thường bận bịu với những việc “ở trên và ở ngoài”.
5.   Giáo Hội bị coi là nơi không có tự do:
Cảm tưởng chung của nhiều người khi so sánh Công Giáo với các tôn giáo khác là bầu khí thiếu tự do ở Công Giáo. Chẳng hạn như các tín đồ Phật Giáo, họ không bị gò bó bởi cơ cấu tổ chức nặng nề, phức tạp của giáo hội, như tín hữu Công Giáo, vì cơ cấu tổ chức của Phật Giáo thường thông thoáng, nhẹ nhàng.
Cảm tưởng này dẫn đến định kiến không có tự do trong Giáo Hội Công Giáo, khi cho rằng “nhất cử nhất động” của người tín hữu đều bị xem xét, canh chừng, kiểm soát, trừng phạt, nếu vi phạm, và Giáo Hội cuối cùng chỉ còn là thể chế bảo đảm một trật tự được lập trình sẵn cho những “niềm tin yếu đuối, dựa dẫm, tầm gửi” không bao giờ trưởng thành, vì thiếu dưỡng khí tự do.
Sau khi vắn tắt lược qua những mũi dùi nhắm vào Giáo Hội, chúng ta thấy mặt trận chỉ trích, tấn công Giáo Hội có mức độ toàn diện kiểu “vết dầu loang”, nghiã là bất cứ “vấn đề” của một cá nhân nào trong Giáo Hội đều bị coi là vấn đề của toàn thể Giáo Hội, bất cứ sai phạm của một người nào trong Giáo Hội đều được coi là sai phạm của cả Giáo Hội, bất cứ hậu qủa tai hại nào do một người của Giáo Hội gây ra đều bị xem như việc làm tắc trách, đáng lên án của tất cả Giáo Hội, đúng như kinh nghiệm dân gian thường chia sẻ: “Con sâu làm rầu nồi canh”, nhưng chính xác hơn là lời căn dặn của thánh Phaolô trong thư gửi giáo đoàn Côrintô khi Ngài dậy về Giáo Hội là Thân Thể mầu nhiệm của Đức Giêsu: “Không có chia rẽ trong thân thể, trái lại các bộ phận đều lo lắng cho nhau. Nếu một bộ phận nào đau, thì mọi bộ phận cùng đau. Nếu một bộ phận nào được vẻ vang, thì mọi bộ phận cũng vui chung” (1 Cr 13,25-26).
Riêng với người viết, trong tư cách con cái trong gia đình Giáo Hội, khi đứng trước những phê phán, chỉ trích, miệt thị, lên án, bách hại mà Mẹ Giáo Hội phải gánh chịu, tôi luôn suy nghĩ và tìm hy vọng, nghị lực ở duy nhất một điều, đó là “Ý muốn của Đức Giêsu”, Đấng sáng lập và là Đầu của Giáo Hội.  
1.   Do ý muốn của Đức Giêsu mà Giáo Hội được thành lập với sự có mặt và cộng tác của con  người để phục vụ con người:
Đức Giêsu đã không lập một Giáo Hội “không có con người”, mặc dù con người nào cũng bất toàn, nếu không muốn nói là tội lỗi, bởi Giáo Hội không là tập thể những thánh nhân, những con người hoàn hảo, những siêu sao tài đức vẹn toàn, những thiên thần giữa trần thế, nhưng là đoàn thể những người đi theo Đức Giêsu.
Chỉ một điều kiện “đi theo Đức Giêsu” thôi đã đủ để trở thành người thuộc Giáo Hội, chỉ một điều kiện “muốn trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Giêsu” thôi đã đủ trở nên chi thể của Thân Thể mầu nhiệm có Đức Giêsu là Đầu, để một khi đã thuộc về Giáo Hội, đã là chi thể của Thân Thể Đức Giêsu, người tín hữu sẽ được chính Đức Giêsu nuôi dưỡng bằng sự sống của Ngài, được  thánh hoá bằng máu Ngài, được đổi mới bằng ơn Ngài, như thánh Phaolô đã viết: “Ví như thân thể người ta chỉ là một, nhưng lại có nhiều bộ phận, mà các bộ phận của thân thể tuy nhiều, nhưng vẫn là một thân thể, thì Đức Kitô cũng vậy. Thật thế, tất cả chúng ta, dầu là Do Thái hay Hy Lạp, nô lệ hay tự do, chung ta đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể. Tất cả chúng ta đã được đầy tràn một Thần Khí duy nhất” (1 Cr 12,12-13).
Do đó, trong Giáo Hội có đủ mọi chủng tộc, mọi thành phần, mọi giai cấp, mọi trình độ với một mẫu số chung: tất cả đều là những con người yếu đuối, mỏng dòn, tội lụy muốn đi theo Đức Giêsu để được trở nên giống Ngài hơn mỗi ngày.
Đó chính là lý do chúng ta thấy trong Giáo Hội những con người đã làm gương mù gương xấu, những con người đầy thói hư tật xấu, những con người rất tầm thường, tồi tệ, những chi thể ốm yếu, bệnh hoạn, nhưng đó cũng là nền tảng sự bền vững của Giáo Hội, vì Giáo Hội được Đức Giêsu thiết lập như Nhà của Thiên Chúa cho con người yếu đuối, bệnh hoạn được nương náu, chữa lành, Mái Ấm yêu thương của Thiên Chúa giữa trần gian cho tội nhân đang cần lòng thương xót, nên bao lâu Giáo Hội còn là nơi chở che, an ủi, cứu giúp người có tội, kẻ bất hạnh phần hồn phần xác, bấy lâu Giáo Hội còn lý do có mặt giữa loài người, vì loài người cần được cứu rỗi.
Vì thế, khi bức xúc thái qúa và lên án gắt gao những tín hữu bị coi là “bất xứng” trong Giáo Hội, cũng như thất vọng, ngã lòng trước tội lỗi ngay trong lòng Giáo Hội, chúng ta đã vô tình không hiểu ý muốn của Đức Giêsu là lập một Giáo Hội gồm những con người tội lỗi để cứu những con người tội lỗi.  
2.   Do ý muốn của Đức Giêsu mà Giáo Hội được dại diện bởi một  con người có tội:
Có bênh vực đến đâu, dưới  mắt người đời, tông đồ trưởng Phêrô cũng vẫn không xóa được lý lịch chối Thầy, và vết chàm phản bội. Ấy thế mà Đức Giêsu, Đấng sáng lập Giáo Hội vẫn không thay thế vai trò “anh trưởng của Nhóm Mười Hai” bằng một vị khác có lý lịch sạch, có nhân thân bảo đảm, có qúa trình “trung tín”. Trái lại, Ngài vẫn chọn và trao cho Phêrô chià khoá Nước Trời, và thay mặt Ngài quản trị Giáo Hội ở trần thế (x. Mt 16,18-19).
Làm như thế, Đức Giêsu muốn chúng ta thấy rõ ý muốn của Ngài là “đến để cứu những tâm hồn thống hối, đến để chuộc lại những gì đã hư mất, đến để đem lại hy vọng cho những trái tim thất vọng, đến để tha thứ những bước chân trở về, đến để thương xót những giọt lệ ăn năn”, như Ngài đã âu yếm “quay lại nhìn” Phêrô bên trong dinh thượng tế, giúp ông sực nhớ lời Chúa đã bảo ông: “Hôm nay, gà chưa kịp gáy thì anh đã chối Thầy ba lần”. Và ông ra ngoài, khóc lóc thảm thiết (Lc 22,61-62), cũng như ba lần hỏi ông “Con có yêu mến Thầy không?” bên bờ hồ Galilê, để xác quyết tình Ngài dành cho ông trước sau như một, trung tín đến cùng, và đời đời bền vững (x. Ga 21,15-17).
Ý muốn chọn Phêrô với lý lịch không trong sạch làm người đại diện mình quản trị  Nhà Giáo Hội, Đức Giêsu bộc lộ ý muốn có một Giáo Hội được nuôi dưỡng bằng tình yêu thương xót, được trưởng thành với lòng thương xót khi tất cả thành phần trong Giáo Hội bất kể ai, bất kể ở đấng bậc, vị thế, trách nhiệm nào  đều phải thực hành lòng thương xót, thực sự sống lòng thương xót, thực tình phục vụ anh em với lòng thương xót, bởi Giáo Hội sẽ chỉ là Giáo Hội của Đức Giêsu khi biết chạnh lòng thương xót và khiêm tốn biết mình cần được xót thương, và bao lâu trong Giáo Hội, con người còn xót thương và còn được thương xót, bấy lâu Giáo Hội còn là dấu chỉ sự hiện diện và hoạt động của Đức Giêsu, Thiên Chúa của lòng thương xót giữa nhân loại.        
Nhận ra ý muốn của Đức Giêsu khi giao cho Phêrô, người môn đệ có tội nhưng  thống  hối trở về, chià khóa Nước Trời, chúng ta không còn những ý nghĩ tiêu cực về một Giáo Hội dành riêng cho người thánh thiện, ưu tú, không tỳ ố, hoặc Nước Trời  chỉ là nơi đón “các chư thánh, Đấng Bậc toàn thiện, toàn mỹ”. Trái lại, Giáo Hội là nhà thương của Thiên Chúa, và Nước Trời là  bến bờ hy vọng của tội nhân tín thác vào lòng Chúa xót thương. 
3.   Do ý muốn của Đức Giêsu mà Giáo Hội là đoàn thể lữ hành:
Báo trước cho các tông đồ tương lai của Giáo Hội, một hành trình nhiều sóng gió, nhiều chông gai, nhiều cạm bẫy, nhiều thử thách, bách hại, Đức Giêsu ân cần cảnh báo: “Này Thầy sai anh em đi như chiên đi vào giữa bầy sói” (Mt 10,16), nên “nếu thế gian ghét anh em, anh em hãy biết rằng nó đã ghét Thầy trước… Nếu họ đã bắt bớ Thầy, họ cũng sẽ bắt bớ anh em” (Ga 15,18.20).
Chia sẻ với các tông đồ ưu tư này,  Ngài cũng muốn nhấn mạnh với các ông: Giáo Hội của Ngài không là một pháo đài, một tình trạng chiến thắng sau khi đã đạt đích, nhưng là một hành trình, một con đường phải đi, mà tất cả những ai muốn theo Ngài đều phải lên đường, phải đi như một lữ hành, lữ khách có lúc hăng hái, chân bước rộn ràng trong gió xuân, cũng có khi mệt nhoài, mồ hôi nhễ nhãi, chân chồn gối mỏi dưới nắng hè thiêu đốt, lại có lúc run rẩy lần mò từng bước trong sương tuyết, giá lạnh mùa đông.
Vì là lữ hành trên đường dài nhiều rủi ro, thách đố, người tín hữu trong Giáo Hội biết mình không thể đơn độc trên đường dài vạn dặm, nhưng cần Chúa và cần anh em. Biết mình cần, vì không toàn năng; biết mình cần, vì có lúc yếu đuối, bất lực, không thể tự xoay sở, nên người lữ hành sẽ cần khiêm tốn để đón nhận ơn Chúa, ơn người; sẽ cần hiền lành, cởi mở để kề vai sát cánh với anh em; sẽ cần qủang đại, chân thành để chia sẻ, cộng tác với mọi người. Nhờ thế, con cái Giáo Hội sẽ không kiêu căng, vênh váo nghĩ mình là kẻ đã đạt đỉnh vinh quang thánh thiện, không tự mãn, tự phụ cho mình là kẻ chiến thắng, không cục bộ, khinh miệt, kỳ thị những người còn vất vả trên đường chiến đấu, và nhiều phen qụy ngã. Trái lại, Giáo Hội lữ hành khiêm tốn, nhẫn nại bước đi với Đức Giêsu trên con đường Từ Bỏ “những gì không thuộc về Đức Giêsu”, từ bỏ những hành trang lỉnh kỉnh, cồng kềnh ngược với Tin Mừng, từ bỏ “cái tôi” vĩ đại, hoành tráng, đỉnh cao tuyệt vời. Chính “cái tôi” ích kỷ, kiêu căng, hưởng thụ là những gì không thuộc về Đức Giêsu và không phù hợp Tin Mừng đã đục khóet Thân Thể mầu nhiệm, làm méo mó khuôn mặt Giáo Hội, lấy đi dung nhan xinh xắn, dễ thương của Hiền Thê  Đức Giêsu.
Vâng, ý muốn của Đức Giêsu mới là điều chúng ta cần bám chặt để vượt qua những cám dỗ “coi thường, khinh chê, lên án, phủ nhận” Giáo Hội, bởi một khi ý thức và xác tín: Ý muốn của Đức Giêsu, Thánh Ý của Thiên Chúa mới là mục tiêu chúng ta tìm, chúng ta sẽ không “làm khổ” Giáo Hội, “phân thây” Giáo Hội, “mổ xẻ” Giáo Hội như chúng ta muốn, như thế gian đề nghị, như ma qủy hiến kế, vì một lý do duy nhất: Đức Giêsu đã lập Giáo Hội theo ý muốn của Ngài, và ý muốn ấy bảo đảm sự sống, hoạt động và bền vững của Giáo Hội, mà “quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi” (Mt 16,18).
Thực vậy, ý muốn của Thiên Chúa không luôn phù hợp với ý muốn của con người, và thường làm chúng ta bị sốc. Tin Mừng làm chứng điều này, khi giáo huấn của  Đức Giêsu đã làm đám đông bực bội, nổi nóng phản đối Ngài, như khi Ngài tuyên bố: “Tôi là bánh  hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống… Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết, vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống” (Ga 6,51. 54-56). Ngay cả các môn đệ cũng cho rằng: “Lời này chướng tai qúa!... Từ lúc đó, nhiều môn đệ rút lui, không còn đi theo Người nữa” (Ga 6,60.66).
Là ý muốn của Thiên Chúa, nên Giáo Hội cũng như con đường Từ Bỏ phải đi của Giáo Hội đã không hấp dẫn nhiều người. Trái lại, nhiều người đã ngao ngán bỏ đi, không theo Đức Giêsu nữa, vì không thể chấp nhận ý muốn “lạ đời, khác người” của Ngài.
Với ơn Chúa, Bạn và tôi đã là con cái trong Giáo Hội, hay sắp gia nhập gia đình Giáo Hội, chúng ta chung nhau một niềm xác tín: sự toàn hảo của Giáo Hội được tỏa sáng trong chính những bất toàn, bất hảo của chúng ta, và Giáo Hội hôm qua cũng như hôm nay và cho đến tận thế vẫn là một Giáo Hội yếu đuối trong những gì của con người, nhưng vô cùng mạnh mẽ trong Chúa Thánh Thần, Đấng làm cho Giáo Hội sống và không ngừng hoạt động trong Giáo Hội.
Vì thế, nếu Giáo Hội đã không chu toàn sứ mệnh được Đức Giêsu trao phó, là vì Giáo Hội đã quy tụ những con người yếu đuối là chúng ta. Nhưng dù thế nào đi nữa, Giáo Hội luôn là đảm bảo chắc chắn của sự trung thành với Lời Thiên Chúa, và gìn giữ kỹ lưỡng kho tàng đức tin.
Trong tâm tình con cái của gia đình Giáo Hội, chúng ta xin Chúa ơn biết sống sứ mệnh của Giáo Hội mỗi ngày, đó là Hiệp Thông trong Tình Yêu Mến, Cầu Nguyện và Loan Báo Tin Mừng.
Jorathe Nắng Tím 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét