Đứng
trước hay bị đặt vào bất cứ hoàn cảnh, tình huống mới nào, con người đều cần biểu
hiện một cách ứng xử, chọn lựa một thái độ, thích nghi một vị thế.
Như từ
ngoài trời sáng bước vào phòng tối, đôi mắt phải vận động để chọn lựa “sống với”
và thích nghi với bóng tối. Thiếu khả năng chọn lựa và thích nghi, mắt sẽ không
thấy gì khi thay đổi môi trường tối - sáng. Cũng như người con gái giã từ thời
độc thân đi vào đời sống hôn nhân, nàng phải chọn lựa và cố gắng thích nghi với
đời làm vợ, làm mẹ khi chấp nhận thay đổi từ nếp nghĩ, nếp sống, đến nếp nhà, và
bỏ lại nếp nghĩ thời con gái, nếp sống độc thân, nếp nhà cha mẹ.
Kết hôn
là bắt đầu cuộc đời chung của vợ chồng. Ly hôn là bắt đầu cuộc đời riêng của vợ
chồng quyết định chấm dứt tình trạng chung sống. Nghiã là từ ngày ly hôn, vợ chồng
sẽ không còn gì chung: không chung nhà,
chung giường, chung mâm, chung hướng, chung sức, chung lòng, chung tình, “chung
đụng”. Tắt một lời là không còn gì để “chung nhau”.
Vì bắt
đầu một cuộc sống riêng khi bước ra khỏi đời
chung sống, người trong cuộc bị đặt
trước một tình thế mới, không giống như những gì có hôm qua, không bình thường
như tuần trước, nên một lối sống, kiểu sống, lẽ sống, nếp sống mới phải được tức
khắc cập nhật.
Có nhiều
chọn lựa khác nhau, vì mỗi người đều có tự do làm điều mình cho là đúng và
thích hợp nhất. Không ai có quyền bắt buộc người khác phải theo mô hình của
mình, vì chẳng hoàn cảnh nào giống hoàn cảnh nào, chẳng cuộc tình nào giống cuộc
tình nào, và tất nhiên chẳng có hai cuộc chia tay ly dị rập chung một khuôn mẫu. Chính vì thế, điều cần
ghi nhận trước tiên chính là tính đặc thù, “không giống ai” của từng cặp vợ chồng
ly dị.
Tính
cách đặc thù bắt nguồn từ những nguyên nhân đưa đến ly hôn. Có hằng ngàn vạn
nguyên nhân to nhỏ, quan trọng, tầm thường khác nhau đã góp phần làm nên đổ vỡ
hôn nhân. Cặp này ly dị vì áp lực gia đình, cha mẹ; cặp khác bỏ nhau vì không
chịu nổi tính hư tật xấu của nhau; đôi này chia tay vì không hợp lối sống; đôi
nọ đứt gánh vì làm ăn thất bát, nợ nần chồng chất đã đẩy đến tình trạng phải xa
nhau. Trăm đôi thì ngàn lý do đưa đến ly dị. Ngàn đôi thì vạn nguyên nhân khác
biệt dẫn đến ly hôn. Vấn đề là một khi đã chia tay rồi, người ta sẽ phải đối diện
với chính mình để lại phải bắt đầu lên đường, vì đã làm người không ai được
phép dừng lại trên đường đời, nhưng luôn phải bước, dù bước thế nào mặc lòng, bởi
đường đời cứ cuốn người đi, đi mãi trên đường đời cho đến khi đôi bàn chân người
xếp thẳng, dựng đứng, bất động, không còn chạm đất.
1. Tái hôn :
Phần
đông nghĩ đến chuyện tái hôn, vì có đến
52% các cặp vợ chồng trong thời chuẩn bị ly dị đã có người mới và không lạ gì
khi 63,5% nguyên nhân đưa đến ly dị là do quan hệ ngoài luồng trong khi vợ chồng
còn chung sống.
Tái hôn
là giải pháp của đa số những người ly dị, vì nhiều nhu cầu:
a. Nhu cầu
tâm lý:
Người
ta khó có thể sống cô đơn, ngay cả bậc tu hành cũng cần đến cộng đoàn để có thể sống mà không rơi vào
trầm cảm, u uất, thất vọng. Cuộc sống con người tự thân đã là cuộc sống với: với
người khác, nên khi phải cô đơn, con người đánh mất tính chất cộng đoàn, một điều
làm con người đau khổ không ít, cũng như vì muốn thoát ra khỏi cô đơn mà phần đông đã cưới vợ, lấy chồng. Rất nhiều
người lập gia đình vì cần được yêu thương, cảm thông, chia sẻ, tức ra khỏi cảnh
cô đơn hơn là vì những nhu cầu khác.
b.
Nhu cầu sinh lý:
Nhu cầu
sinh lý cũng là nhu cầu không thể thiếu, vì
người nam và người nữ cần đến thân xác của nhau để bổ túc, hoàn chỉnh,
kiện toàn nhân cách và đem lại hạnh phúc cho nhau. Sinh lý là sinh hoạt quan trọng,
vì con ngưòi có thân xác, và thân xác ấy cũng như tinh thần có những nhu cầu cần
được đáp ứng hợp lý. Ngoài nhu cầu ăn, uống còn nhu cầu tình dục. Nhờ có nhu cầu
tình dục mà giống nòi được bảo tồn và đời sống tâm lý của con người được quân
bình phát triển.
c.
Nhu cầu xã hội:
Phải
tái hôn vì chưa có con, tái hôn vì cha mẹ muốn, tái hôn để nói cho mọi người biết:
“tôi vẫn còn ngon cơm, chứ không bết bát, tầm thường như người ta tưởng”.
Biến cố
ly hôn ít nhiều cũng hạ thấp người bị “bó buộc” ly hôn trước mắt người chủ động
nộp đơn ly hôn và gia đình, phe cánh bên nguyên đơn. Tái hôn vì thế cũng là dịp
để bầy tỏ quan điểm và biểu dương khí thế và giá trị của người bị miễn cưỡng ly
hôn.
Ngoài
ra, có thể vì chỗ đứng trong xã hội, và uy tín nghề nghiệp, có khi cũng vì phải
xóa cái tiếng “bất lực, đồng tính”, nếu chẳng may người vợ cũ đã tàn nhẫn rêu
rao bí mật phòng the trong thời gian đấu đá trước ly dị mà người đàn ông phải gấp
rút tái hôn.
Trong
các động lực thúc đẩy tái hôn, gần 47% là do tác động xã hội; nghiã là người ta
phải tái hôn, nếu không sẽ khó cam nổi những áp lực từ bên ngoài, do người khác
ảnh hưởng.
d.
Nhu cầu nuôi dưỡng con cái:
Nhiều
người sau khi ly dị đã không giải quyết được vấn đề nuôi và giáo dục con, vì bó
buộc của nghề nghiệp hoặc vì không có khả năng giáo dục con cái đã phải gấp rút
tìm một chỗ dựa mới để bảo đảm tương lai con cái. Có nhiều cuộc tái hôn không
vì tình yêu, nhưng vì lợi ích của con cái, nhất là khi cả hai bên đều đã vly dị
và có con riêng . Họ cần nhau để cùng lo cho hai đàn con riêng mà từ nay dù muốn
dù không, chúng phải chung sống hoà bình
dưới một mái nhà.
Nhưng
không phải tất cả những người đã ly dị có thể tái hôn một cách dễ dàng và thành
công. Nguyên nhân có thể là:
·
Tuy muốn
tái hôn, nhưng tâm lý chưa ổn định sau biến cố ly hôn; do tâm trạng sợ sệt, lo
lắng một hôn nhân mới cũng sẽ đổ vỡ sau này. Tâm trạng chung của hầu hết những người
đã một lần ly dị là rất vui vì sẽ tái hôn, nhưng băn khoăn, nghi ngại vỉ bị ám ảnh
bởi cuộc hôn nhân cũ.
Kinh nghiệm không hẳn lúc nào cũng làm người ta tự tin, vững
tâm tiến bước, nhất là những kinh nghiệm
ấy hằn sâu đổ vỡ, thất bại. Nó
thường trở nên nỗi ám ảnh khó phai, mà người trong cuộc nếu không đủ nghị lực để tẩy xóa sẽ khó có thể làm lại
hôn nhân lần nữa mà không tiếp tục gẫy đổ.
Nhiều
người tự an ủi: nhờ có kinh nghiệm từ cuộc hôn nhân cũ đã đổ vỡ, ta sẽ tái hôn
thành công. Nhưng đó cũng chỉ là một phần lợi thế có tính chủ quan.
·
Cả người
đàn ông và người đàn bà đã ly dị đều rút ra những bài học nhớ đời từ thất bại
ly hôn trước đó, nên khi tái hôn, cả hai đều mang nặng ý nghĩ phài thủ thân, phải
nghiêm ngặt đề cao cảnh giác người bạn đời mới, đồng thời cũng là đối
phương bằng thủ sẵn những khí giới tự vệ
tinh thần như không quá vồ vập, không
quá nuông chiều, không qúa tin tưởng, không qúa ký thác, không qúa buông lỏng,
không qúa dễ dãi; nghiã là cái gì cũng
phải thắng, phải kềm, phải dè dặt và tên của vũ khí được xử dụng không
giới hạn là “Không Qúa”.
Nhưng tình yêu không thể nhốt vào khuôn khổ một
cách tàn nhẫn, bởi tình yêu là hào sảng, bao la, ngùt ngàn, sâu thẳm, diệu vợi, mênh mông. Nhờ đam mê như chất
xúc tác, tình yêu sẽ như trăng như sao, như mây như gió, như nhiệm mầu, phép lạ,
nên không thể giam hãm tình yêu trong những cũi sắt “không qúa”; bởi tình yêu
mà bị buộc trói, bị gông cùm sẽ phát sinh trăm nỗi bất hạnh trái ngược kết qủa của tình
yêu là hạnh phúc. Và rất nhiều nguy cơ từ đó sẽ dấy lên đe dọa sự bền vững và hạnh
phúc của hôn nhân mới.
·
Trước
khi tái hôn, người ta thường ngây thơ nghĩ rằng: hôn nhân mới chắc chắn sẽ
không có nhiều vấn đề phức tạp và đời sống sẽ dễ thở, thoải mái, thư thả hơn
hôn nhân cũ. Điều này có thể đúng và có thể sai. Đúng vì sẽ bớt sai phạm những
lỗi lầm của qúa khứ, cũng như sẽ khôn ngoan, sáng suốt, nhậy bén hơn trước những
dấu hiệu tiêu cực để tránh hoặc chỉnh sửa kịp thời. Sai vì mỗi cuộc sống, mỗi
giai đoạn, mỗi hoàn cảnh có những khó khăn riêng. Đàng khác, hôn nhân mới với
người mới, chưa kể những đứa con riêng rất mới của vợ mới, chồng mới sẽ hứa hẹn
nhiều bất ngờ mới, những bất ngờ vừa hứa hẹn vừa đe doạ,
Nhiều người ly dị sau khi
bước vào hôn nhân mới đã thú nhận: không khó khăn nào giống khó khăn nào,
cũng như không vợ nào giống vợ nào, nên gia đình cũ có vấn đề của gia đình cũ,
hôn nhân mới có khó khăn của hôn nhân mới, chẳng ai có thể đoán trước, lường hết
được những trắc trở, thử thách, nhiêu khê.
·
Đàn bà
đã ly dị thường khó tái hôn phần vì tâm lý ngao ngán đời hôn nhân, phần vì khó
tìm gặp ý trung nhân mới. Nếu chưa có con, tái hôn còn tương đối dễ, nhưng nếu đã có con,vấn đề
trở nên phức tạp hơn vì chủ thể dè dặt, do dự và những điều kiện khách quan sẽ không dễ dàng thoả mãn.
Như thế,
tái hôn là một giải pháp được phần đông người đã ly dị chọn như con đường nhập
cuộc mới. Con đường hôm nay cũng gập ghềnh, chông gai không kém con đường tình
họ đã đi. Trên con đường này, hạnh phúc
cũng vẫn lơ lửng treo đầu ngành
đong đưa cám dỗ. Đạt được hay không là ở hai người mới tái hôn. Chính họ
lại một lần nữa quyết định vận mệnh và hạnh phúc đời mình như đã có một ngày rất vui, rất tình, rất đẹp năm
xưa, chính họ đã tin tưởng ký hôn ước.
2. Trở về
đời độc thân:
Như ngườivừa
thoát chết, nhiều người đã mô tả cuộc sống
hôn nhân của họ như một lần chết với nấm mồ chôn đời lứa đôi bất hạnh. Hôn nhân
trở nên ghê tởm, đáng ghét, buồn nôn và người ta không mảy may nghĩ đến một lần
khác nữa bước vào đời sống hôn nhân.
Với những
người này, hôn nhân thất bại đã phá hủy đời họ; hôn nhân tan vỡ đã cướp khỏi đời họ bao nhiêu
ước mơ, hy vọng; hôn nhân đổ vỡ đã làm hoen ố, dơ bẩn, tan nát đời họ và
đẩy họ xuống vực sâu nuối tiếc. Vì thế,
trở về và ở lại trong đời độc thân là chọn lựa vô điều kiện, hiển nhiên. Họ
không thể làm khác, vì tâm hồn đã chai đá trước mời gọi của tình yêu mới. Họ
không thể thay đổi tư duy,vì hôn nhân đã làm họ sợ và không còn là ý niệm ấn tượng.
Độc thân từ nay là hạnh phúc, dù hạnh phúc ấy thực chất chỉ là sự vắng mặt của
lo sợ, đe doạ, khống chế. Độc thân từ nay là
bình an, dẫu cho bình an mới chỉ là
sự yên lặng của bom đạn. Nhưng ở vào tâm trạng ngao ngán đến tận cùng
hôn nhân không hạnh phúc, người ta chỉ còn biết bám lấy đời độc thân như chiếc
phao cứu hộ an toàn giữa con nước xóay đục ngầu.
3. Sống chung không hôn phối:
Đây là
kiểu sống thời đại mới đang thịnh hạnh, ăn khách. Lối sống không ràng buộc,
không cột trói, không ai có quyền trên ai. Hai người tự nguyện sống chung, chia
sẻ đồng đều vật chất, nhưng tránh không can dự đời riêng của nhau. Tuy ở chung,
ăn chung, nằm cùng, nhưng đời ai nấy sống, tiền ai nấy tiêu, việc ai nấy làm,
tương lai ai nấy lo. Con cái là tai nạn phải tránh để không là sợi giây buộc
trói nhau. Vì không khế ước, giao kèo, thề thốt nên vui thi ở, buồn thì chia
tay, không ai phải tơ vương, bận vướng điều gì, cũng chẳng phải ngậm ngùi, lưu luyến
khi tình thế xô đẩy phải xa nhau.
Lý thuyết
thì thế, nhưng thực tế không hẳn như vậy; bởi ai làm chủ, be bờ được những cơn sóng đam mê, tình cảm ở mình
và nơi người khác? Ai ngăn nổi những bước
liều lĩnh của cảm xúc ? Ai biết trước đường bay của trái tim ?
Nhưng
vì không làm chủ được mình và tình huống không ngừng biến động, nên người ta sẽ rơi vào tình trạng ngàn lần phức
tạp hơn quyết định chính thức tái hôn, vì không định vị, gọi tên, nhận diện, mô
tả chính xác được nếp sống nửa vời, nửa chừng, nửa nạc nửa mỡ mà họ đang “nửa sống nửa chết” thoi thóp cầm cự.
4. Tiếp tục
sống đời tầm gửi:
Có những
người quen sống bám víu, cậy nhờ, nương bóng người khác, mà suốt đời không bao
giờ có thể tự mình đứng vững, tự chủ, tự lập. Không thiếu những vợ chồng phải đi đến ly hôn vì một trong hai
người đã qúa ỷ nại, lười biếng, yếu đuối và khoán trắng đời mình cho người bạn
đời mà không chút liêm sỉ, hổ thẹn.
Những người
quen sống tầm gửi, lệ thuộc sẽ khó có thể tự mình làm cuộc sống sau khi ly dị,
nên vẫn tiếp tục mon men tìm lại người cũ đã ly dị để bám víu, cậy nhờ.
Thực ra
không chỉ lệ thuộc vật chất mà còn lệ thuộc tinh thần và lệ thuộc thứ hai này mới
quan trọng, vì nó điều khiển lệ thuộc thứ nhất. Tâm lý người sống tầm gửi là
không tin ở mình. Chính vì không dám tin mình, không muốn tin mình nên mất khả
năng suy nghĩ và quyết định. Con người hơn con vật ở lý trí và ý chí để suy tư
và quyết định, thế mà cả hai cơ năng quan trọng đều mất hoặc yếu liệt thì hỏi
làm sao làm người cho đúng, làm người cho xứng đáng được ?
Những
người này coi việc xé hôn thú không quan trọng, vì có hay không hôn thú, họ vẫn
tiếp tục sống đời lệ thuộc. Họ lệ thuộc bằng lì lợm không ra khỏi nhà, ngay cả
toà án đã quyết định phải ra đi. Họ lệ thuộc bằng sự có mặt trơ trẽn, không xấu
hổ, ngượng ngùng, miễn sao được nhìn thấy người mình cần bám víu, nương tựa.
Không hẳn bám víu vật chất, vì có thể họ không cần tiền, nhưng động cơ thúc đẩy
họ gắn chặt vào đời người kia là tâm lý yếu đuối, tầm gửi. Ở vào hoàn cảnh này,
người bạn đời cũ của họ sẽ là nạn nhân vô cùng đáng thương, vì không thể tái tổ
chức cuộc sống riêng mình.
5. Quên đời
đi tu:
Trên đây là một vài nếp sống tiêu biểu thời hậu
ly dị. Gọi là tiêu biểu, bởi nếp sống thì không thể giản lược khi mỗi người là
một thế giới đặc thù, riêng biệt, mầu nhiệm. Những lối sống mới, đường sống mới
trên đây thực ra chỉ là những chọn lựa bên ngoài có tính xã hội, còn một chọn lựa
ngàn lần quan trọng hơn và có giá quyết định hạnh phúc mới của mỗi người, đó là
chọn lựa nội tâm, chọn lựa của trái tim, tâm hồn.
Người ta có thể vẽ vời hàng trăm mô hình sống, hình
dung hàng ngàn kiểu cách thức thời, nhưng tất cả sẽ vô ích vì không giải quyết
được vấn đề lẽ sống, ý nghiã cuộc sống, giá trị đời sống, và nhất là không đem
lại cho đời người niềm vui sống, nếu trái tim chưa mở cửa và tâm hồn chưa tìm
được hướng đi.
Trái
tim chưa mở cửa là trái tim đầy đặc chuyện xưa, việc cũ, và vương vấn những buồn tủi, hận thù. Trái
tim chưa mở cửa là cõi lòng còn trống trải,
hoang vu vì thương cảm, thứ tha chưa vào được. Trái tim chưa mở cửa là trái tim
cố tình khép kín trước tất cả mọi mời gọi đến với người khác. Trái tim chưa mở
cửa là trái tim cô độc, khô héo giữa sa mạc tình người. Và phần lớn trái tim đã
một lần tan vỡ sau li dị là những trái
tim đầy đặc,hoang vu, trống trải, chưa mở cửa đó.
Để có hạnh phúc tái hôn hay niềm vui “ở độc
thân” sau ly dị được bảo đảm, tâm hồn phải
thông thoáng để tìm thấy hướng đi; bời cuộc
đời tự thân đã là hành trình, nên một khi có mặt trên hành trình, dù muốn dù không con người phải bước
đi.
Chính
vì phải bước đi mà tâm hồn phải định hướng. Không định hướng, hành trình cuộc đời
không có đích tới để sẽ không bao giờ “cập
bờ về bến”.
Nhưng
đâu là chià khoá để mở cửa lòng khép kín; đâu là bí quyết để trái tim ra khỏi
hoang vu, trống trải; đâu là bao la làm tan khối u đầy đặc sầu buồn, và đâu là
hướng tâm hồn phải đi ?
Hơn bất
cứ lúc nào, hậu ly dị là thời cần quảng
đại để cửa lòng thôi khép kín, để tâm hồn thôi tự chôn vùi. Quảng đại là chià
khóa vạn năng mở ra chân trời mới, mở ra cuộc sống mới tràn đầy hy vọng, đồng
thời trả lại cho người vừa ra khỏi đêm đen ly dị ánh sáng hân hoan và rạng đông
ngày mới.
Quảng đại
để quên đi những chuyện cần quên, nên quên cho tâm hồn thanh thản. Quảng đại để
không chấp nhất chuyện buồn ngày cũ, cả những chuyện cỏn con bị người cũ thổi
phồng. Quảng đại để hôm qua không làm hỏng hôm nay, và không phá hoại ngày mai
cho bước chân hôm nay được vững chắc đi vào ngày mai rạng rỡ. Quảng đại để tất
cả những gì đã qua được nhẹ nhàng qua đi trên dòng sông qúa khứ cho hôm nay bên suối mát, nguời với người lại rộn rã theo
ngày mai đi vào hy vọng. Quảng đại để thôi sầu đời hận người và cho tương lai một
cơ hội đẹp hơn. Quảng đại để thất bại hôm qua không là thảm họa định mệnh của ngày mai, nhưng chỉ là một bước
hụt hẫng đã kịp thời quân bình.
Không quảng
đại, người ta không thể làm lại cuộc đời, làm đẹp cuộc sống mới sau hôn nhân đổ vỡ, vì nợ nần cũ còn nặng nề cần
thanh toán, chuyện tình cũ còn nặng lòng cần trang trải, vợ chồng cũ còn nặng nề
ân oán hai vai. Không quảng đại sẽ không quên được tháng ngày của nước mắt đợi chờ,
trách móc, ngược đãi, tệ bạc, lừa dối…Không quảng đại sẽ tiếc nuối khôn nguôi
thời chung sống bất hạnh và giận mãi suốt
đời những ngang ngược, lầm lỗi đã làm khổ nhau. Không quảng đại sẽ chẳng bao giờ quên
oán nhớ ơn để kỷ niệm còn được là những dấu ấn của một thời thân ái. Không quảng
đại người ta sẽ mãi là pho tượng buồn cô đơn chết giữa hiện tại vì bận thở than
dĩ vãng. Và ngày mai của tượng đá buồn vẫn mãi là dĩ vãng buồn của tượng
đá.
Để thôi
làm tượng đá buồn dĩ vãng, người ta phải mở lòng để lòng người khác vào được lòng mình. Muốn ra khỏi đời
buồn vô vọng, phải hé mở trái tim mình để
đón những tia nắng hy vọng đến từ trái tim tha nhân. Đừng gắn chặt đời
còn lại vào những mảnh vụn của qúa khứ đổ
vỡ, bởi quá khứ không là hiện tại, dù qúa khứ có đóng góp ít nhiều kinh nghiệm
cho tương lai.
Nhiều
người coi kinh nghiệm qúa khứ là đáp số của tương lai. Quyết đoán này không có
cơ sở, cũng không đúng trong thực tế, khi khả năng thay đổi của con người luôn
phong phú vô tận và trí thông minh, cũng
như ý chí lựa chọn của con người chỉ chấp
nhận kinh nghiệm qúa khứ như một nhà tư
vấn có thể cho những lời khuyên hay góp ý phần nào. Nhìn nhận chính xác và công
bằng vai trò của kinh nghiệm sẽ giúp chúng ta thoát khỏi mặc cảm, ám ảnh, thành
kiến, nhờ đó, ngày mai sẽ luôn mở ra trời xanh hy vọng.
Tóm lại,
muốn xây dựng lại cuộc đời, làm lại cuộc đời hay đổi đời, thay lối sống, người
ta đều cần Quảng Đại làm nền móng. Có quảng đại tha thứ lỗi lầm xưa của mình và
của người cũ, quá khứ đau buồn mới không làm nứt tường, nẻ vách ngôi nhà mới
xây. Có quảng đại buông tha ký ức buồn, kỷ niệm không vui; qúa khứ mới không
làm reo, bắt nạt, khống chế hạnh phúc vừa
đơm bông của hiện tại. Có quảng đại nhìn nhận những tích cực của người xưa và
trân qúy, biết ơn; qúa khứ mới không đeo đuổi làm ác mộng hù doạ tình yêu mới vừa nẩy mầm. Có
quảng đại bao dung cho những khuyết điểm, thiếu sót và ngay cả tội lỗi của mình
và của người xưa; qúa khứ mới không gào thét đòi nợ xương nợ máu. Và có quảng đại quên bớt “cái tôi” thường
xuyên vĩ đại, người ta mới có thể nhẹ bước trên hành trình hạnh phúc mới.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét