Cha mẹ nào cũng có kinh nghiệm mệt mỏi với những câu hỏi
“cắc cớ, chết người” của con cái. Bé có thể hỏi: “Mẹ ơi, sao con không có cu
như ba?” trước mặt mấy người khách của mẹ mà không biết mặt mẹ đỏ bừng như gấc.
Bé cũng có thể hỏi những câu mà ba mẹ ngẩn ngơ vì bị bất ngờ trước “sức nặng” của
vấn đề: “Mẹ ơi, sau này con có phải chết không?”.
Tuổi thơ là tuổi khám phá những gì trước mặt, là tuổi
tìm hiểu các mối tương quan: tương quan với đồ vật, tương quan với thú vật,
tương quan với thiên nhiên vạn vật, tương quan với mọi người chung quanh. Vì thế,
ở tuổi này, điều gì cũng hay, cũng mới lạ với em và em muốn biết hết. Khi đặt
câu hỏi, em muốn bắc nhịp cầu khám phá,
và làm cuộc mạo hiểm vào thế giới bên ngoài.
Em hỏi bất cứ ai, bất cứ lúc nào khi em thấy một sự vật,
một hiện tượng em cần biết. Thấy bác thợ điện đang sửa đèn, em hỏi: “Tại sao
bóng đèn sáng khi bật công tắc?”. Thấy người ăn xin, em hỏi : “Tại sao xin tiền
và em có thể đi xin tiền như ông già ấy không?”. Thấy mẹ ngủ chung giường với
ba, em hỏi: “Tại sao em không được ngủ chung với mẹ?” Thấy anh chị học bài muộn,
em thắc mắc: “Tại sao em không được thức khuya?”. Thấy ba ở nhà, bé hỏi: “Tại
sao ba không đi làm? Tại sao ba mất việc?”. Và liên tục em hỏi ba mẹ, anh chị
hàng trăm câu hỏi “đến mệt người”.
Em bé 3, 4 tuổi hay đặt những câu hỏi về giới tính và
về đời sống riêng tư của cha mẹ. Những câu hỏi như: “Tại sao con không có chim?”
“Mẹ đẻ con ở đâu?” “Sao ba cứ hay ôm mẹ?” “Sao mẹ nhớ ba?” là những câu các bé
thường hỏi mẹ. Sở dĩ quanh quẩn với các đề đề tài này, vì thế giới tuổi thơ của
bé còn nhỏ lắm, mới chỉ có bé và cha mẹ, gia đình thôi…
Lớn hơn một chút, bé sẽ hỏi về mọi chuyện, kể cả chuyện
chết chóc… khi bé thấy có người chết hay thấy đám tang, người khóc trong xóm, trên
tivi.
Khi bị em bé “chất vấn”, cha mẹ thường có nhiều thái độ
khác nhau. Có người cha bực bội khi con hỏi đến câu thứ ba và tìm cách bỏ đi.
Có người mẹ nổi sùng ngay khi con bắt đầu câu hỏi thứ nhất, nếu bà đang bận nấu
ăn hay đang vội đi làm. Có người lững lờ trả lời cho qua chuyện. Cũng có người
làm em “cụt hứng” bằng quát mắng “cả vú
lấp miệng em”, cấm em “không được hỏi linh tinh”.
Cả bốn phản ứng trên đều sai và đáng trách. Sai vì người
lớn đã chặn đứng khao khát hiểu biết của em. Đáng trách vì người lớn đã không
lương thiện, nhưng lười biếng và dùng bạo lực để bắt em phải dừng lại trên đường
tìm sự thật. Người lớn đã lộ cho em thấy cái bất lực của người lớn và việc xử dụng quyền lực không đúng chỗ của họ.
Từ đó, em không còn tin tưởng và mất hứng thú để được cùng người lớn đồng hành
trên hành trình truy tìm sự thật. Một cách nào đó, ta có thể nói: người lớn đã
làm em thất vọng .
Giáo dục đòi đồng hành và đồng hành đòi hiện diện. Trả
lời câu hỏi của con là cơ hội hiện diện. Đó là những dịp tốt để cha mẹ cùng đi
với con trên đường tìm sự thật, sự thật không bị áp đặt nhưng sự thật được
chính con tìm ra với sự trợ giúp, hướng dẫn cần thiết của cha mẹ. Còn cơ hội
nào tuyệt vời hơn là được đi vào đối thoại với con khi con hỏi? Còn phương tiện
nào hữu hiệu hơn để soi sáng tâm trí còn non nớt của con khi cắt nghiã cho con
những thắc mắc về con người, vạn vật, cuộc đời? Không trả lời hay trả lời cho
qua chuyện là đóng mọi cánh cửa vào kho tàng kiến thức và chặt đứt phương tiện
tìm tòi, giao lưu với đời sống của con. Cha mẹ khi đó đã tự đào nhiệm khỏi bổn
phận làm người đồng hành bằng từ khước sự có mặt của mình trên đường giúp con tìm sự thật.
Ở đây, ta cần lưu ý đến hai nguyên tắc căn bản khi trả
lời các câu hỏi tạm được gọi là “linh tinh, lang tang” nhưng không thể coi thường
của con cái:
a. Tuyệt đối
không nói dối cho qua chuyện:
Sự thật là nguyên tắc vàng trong câu trả lời của cha mẹ. Ngay cả những
câu hỏi tế nhị, khó trả lời, cha mẹ cũng không được bóp méo, thay đổi sự thật.
Có thể trình bầy sự thật một cách nhẹ nhàng, không gây sốc, nhưng bắt buộc sự
thật vẫn phải là sự thật và là nội dung của câu trả lời.
Đừng quên: điều tệ hại đáng kinh tởm nhất trong tất cả các điều tệ hại
là gian dối trong giáo dục. Vì thế, cha mẹ phải nằm lòng nguyên tắc vàng này và
tuyệt đối không để bị cám dỗ nói dối con.
b. Luôn trong
tư thế đối thoại:
Khi con hỏi, tức là con muốn đối thoại với cha mẹ. Khi con đặt vấn đề là
lúc con chờ một giải đáp thoả đáng. Đối thoại với con là điều cha mẹ cần nắm lấy
khi con đặt câu hỏi. Rất khó hình thành được đối thoại giữa cha mẹ - con cái,
nên khi có dịp, cha mẹ phải lợi dụng ngay và tận dụng đúng mức để đi vào tâm tư
và cuộc đời con cái hầu giúp chúng trưởng thành trong tư duy, tình cảm, hành động.
Đừng sợ mất giờ vì con, vì thời giờ cho con là thời gian không bao giờ mất.
Ước mong cha mẹ là những câu trả
lời cho đời con thơ nhiều thắc mắc, nhưng không là cái máy “hỏi - thưa” vô hồn,
tự động mà là trái tim của mẹ “rung” với
con trong từng câu hỏi, và là đầu cha “động não” cho tuổi thơ con dồi dào, sinh
động.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét