Thiên Chúa là Đấng giầu có, và không bao giờ chịu thua
lòng qủang đại của chúng ta, khi chúng ta rộng lòng với Ngài và với môn đệ của
Ngài.
Cựu Ước đã nhiều lần mặc khải chân lý này, như trường
hợp ngôn sứ Êlisa khi đi qua Sunâm đã được một phụ nữ giầu sang niềm nở tiếp đón,
và “giữ lại dùng bữa… Bà còn nói với chồng làm cho ngôn sứ một phòng đầy đủ tiện
nghi để khi ngôn sứ ghé đến sẽ có chỗ nghỉ ngơi” (x. 2 V 4,8-10). Nhưng tội
nghiệp “Bà ấy không có con trai và chồng thì đã già”. Và ngôn sứ Êlisa đã thưởng
công cho lòng tốt của bà bằng xin Chúa ban cho bà một con trai. “Qủa nhiên, bà ấy
có thai, và năm sau, vào thời kỳ mà ông Êlisa đã nói thì bà sinh con trai” (2 V
4,17).
Thực vậy, đối với Thiên Chúa, bất cứ một ý nghĩ, ước
muốn, thái độ, hành động yêu thương, qủang đại nào của chúng ta, dù nhỏ bé đến đâu
cũng đều qúy giá, đáng được khen thưởng vì mang giá trị đời đời, bởi không có gì
bị quên đi, bị bỏ qua bởi Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là Đấng thấu suốt mọi sự tận
sâu thẳm tâm hồn mỗi người, và đánh giá mọi chi tiết theo mức độ của tình yêu,
như câu chuyện bà goá túng thiếu đã bỏ vào thùng dâng cúng của Đền thờ hai đồng
xu bé nhỏ, và bà đã được Đức Giêsu tuyên dương: “Thầy bảo thật anh em: bà góa này
đã bỏ vào nhiều hơn ai hết. Qủa vậy, tất cả những người kia đều rút từ tiền dư
bạc thừa của họ, mà bỏ vào dâng cúng; còn bà này, thì rút từ cái túng thiếu của
mình, mà bỏ vào đó tất cả những gì bà có để nuôi sống mình” (Lc 21,3-4).
Ở đây, chúng ta được Thiên Chúa mặc khải thêm một chân
lý khác nữa, đó là sự gắn bó thiết thân giữa Thiên Chúa và môn đệ của Ngài, thiết
thân đến độ: “Ai đón tiếp anh em là đón tiếp Thầy; và ai đón tiếp Thầy là đón
tiếp Đấng đã sai Thầy” (Mt 10,40). Như thế, giữa Chúa Cha, Đức Giêsu và môn đệ
của Đức Giêsu có một sự hiệp nhất kỳ diệu.
Thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Rôma đã cắt nghiã sự
hiệp nhất thiết thân kỳ diệu giữa người tín hữu và Thiên Chúa: “Anh em không biết
rằng: khi chúng ta được dìm vào nước thanh tẩy, để thuộc về Đức Kitô Giêsu, là
chúng ta được dìm vào trong cái chết của Người sao? Vì được dìm vào trong cái
chết của Người, chúng ta đã cùng đuợc mai táng với Người. Bởi thế, cũng như Người
đã được sống lại từ cái chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha thì chúng ta
cũng được sống một đời sống mới” (Rm 6,3-4).
Qua lời dậy trên, thánh nhân đã khẳng định sự đọan tuyệt
với đời sống cũ của người tín hữu khi tin vào Đức Giêsu và chấp nhận “coi mình
như đã chết đối với tội lỗi, nhưng nay lại sống cho Thiên Chúa trong Đức Kitô
Giêsu” (Rm 6,11).
Và Tin Mừng Mátthêu cho chúng ta biết điều kiện phải có
của người môn đệ, đòi hỏi phải được đáp ứng của người muốn đi theo và thuộc về Đức
Giêsu: “Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai giữ
lấy mạng sống mình thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm
thấy được” (Mt 10,38-39).
Xin Chuá cho chúng ta học tinh thần qủang đại của người
đàn bà đã hiếu khách khi đón tiếp ngôn sứ Êlisa là người của Thiên Chúa, bằng tập
chia sẻ, giúp đỡ đặc biệt các nhà truyền giáo là những người tận hiến cuộc đời để
chuyên lo phụng sự Chúa và phục vụ Giáo Hội. Thực hiện việc chia sẻ quảng đại đó
chính là sống từng ngày đòi hỏi của Tin Mừng, và đáp ứng điều kiện phải có của
người muốn theo Đức Giêsu để “được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10), khi bỏ mình,
vác thập giá trên con đường mà thế gian coi là ngu xuẩn, dại khờ, nhưng lại là đường
khôn ngoan, đường dẫn đến sự sống đời đời, sự sống của Thiên Chúa.
Jorathe
Nắng Tím
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét