Tìm kiếm Blog này

Thứ Ba, 30 tháng 6, 2020

TẠI SAO NGƯỜI TRẺ CÔNG GIÁO ĐI THEO GIÁO PHÁI? (6)


                            NGƯỜI TRẺ CẦN BỐN BƯỚC ĐỒNG HÀNH 
Hiện tượng người trẻ công giáo bỏ đạo đi theo các giáo phái ở những thành phố lớn là sự thật không thể coi nhẹ, và đòi buộc chúng ta, những bậc cha anh có trách nhiệm phải xem lại nhiều điều, nhiều sự, mà một trong những sự việc cần xem lại và điều chỉnh chính là đồng hành với các em.
Chúng ta rất hay nói đến đồng hành và có nhiều sáng kiến đồng hành, nhưng thực hiện một quy trình đồng hành toàn phần thì dường như chưa mấy được quan tâm.
Thực vậy, đồng hành với người trẻ là đi với họ trên đường dài, rất dài, nên sẽ không thành công trong sứ vụ đồng hành, nếu chỉ đi với họ dăm ba cây số đã mỏi chân rời xa họ; sẽ khó có thể thành tựu trong công tác đồng hành với người trẻ, nếu chỉ phơn phớt, lưa thưa, thời vụ, mà không trường kỳ “theo đuổi” kiểu “mưa dầm thấm lâu”; sẽ dở dang nửa vời hành trình, nếu đồng hành kiểu “biến cố, sự kiện”, mà không từng bước tiệm tiến, “bám sát” từng ngày. Tắt một lời, đồng hành với người trẻ trên hành trình đức tin đòi kiên tâm đi với người trẻ suốt hành trình, và kiên nhẫn cùng người trẻ đi qua bốn bước quan trọng như Đức Giêsu đã cùng đi với Nhóm Mười Hai Tông Đồ của Ngài.
1.   NGHE:
Bước thứ nhất là Nghe. Người trẻ cần nghe, nhưng chỉ nghe khi có người nói, người giảng. Giảng càng thuyết phục, nói càng chí lý, người trẻ càng chú ý lắng nghe.  
Đức Giêsu đã bắt đầu với các tông đồ hành trình đồng hành giáo dục đức tin bằng nói với các ông, giảng cho các ông giáo lý của Ngài. Ngài nói nhiều, giảng nhiều để các ông nghe, vì mọi tương giao, thông tin, thông cảm đều khởi đi từ nói cho nhau nghe và lắng nghe nhau nói.
   Nhưng nói với người trẻ không dễ. Càng khó hơn vì nói Lời Thiên Chúa, giảng giáo lý, giáo huấn của Giáo Hội, nên không phải ai cũng “nói được và được nói”, vì người nói phải được chuẩn bị khả năng và trang bị kiến thức tương đối đầy đủ.  
2.   HIỂU:
Nghe nhưng không hiểu, nghe nhưng chưa nắm vững vấn đề, nghe nhưng chưa “tâm phục khẩu phục”, nghe nhưng còn nhiều nghi vấn, thắc mắc. Đó là điều tất nhiên, nên bước thứ hai của đồng hành là Cắt Nghiã để người trẻ hiểu điều đã nghe, là lý giải chi tiết từng điểm, từng đọan để người nnghe hiểu thấu đáo, hiểu rõ ràng, hiểu sâu sa.
Vì thế, chúng ta phải sẵn sàng đón nhận những ý kiến, những thắc mắc của người trẻ, và đừng bao giờ giập tắt những vấn nạn, những nghi vấn, kể cả những bất đồng quan điểm của các bạn ấy, bởi làm như thế vô tình chúng ta cắt đứt giao lưu, đóng đường đi tới và tuyên bố bỏ cuộc chơi “đồng hành” với người trẻ.
Như Đức Giêsu đã kiên nhẫn cắt nghiã cho các môn đệ, chúng ta cũng phải kiên trì chịu đựng mất thời giờ, chịu đựng “giữ bình tĩnh”, dù đôi lúc đã phải than thở như Đức Giêsu, khi đức tin của các môn đệ còn qúa yếu kém: “Tôi còn phải ở với các người cho đến bao giờ, còn phải chịu đựng các người cho đến bao giờ nữa?” (Mt 17,14).
3.   TIN  
Tin Mừng Gioan đã thuật lại rất chi tiết phép lạ hoá nước thành rượu giữa tiệc cưới ở Cana (x. Ga 2,1-12), và kết luận: “Đức Giêsu đã làm phép lạ đầu tiên này tại Cana miền Galilê và bày tỏ vinh quang của Người, để các môn đệ tin vào Người” (Ga 2,11).
Để người khác tin, chứng nhân phải làm chứng bằng hành động thiết thực, qua việc làm cụ thể, bởi lời giảng, lý luận, chú giải, cắt nghiã, tất cả chỉ là “dọn đường” cho hành động, vì người nghe chỉ tin người nói khi người nói thực hiện và sống điều mình nói, mình cắt nghiã, mình rao giảng.  Đó là lý do Đức Giêsu đã dùng những phép lạ để các môn đệ và đám đông tin vào Ngài. Ngài đã nói với họ Ngài là Đấng Thiên Sai, là Con Thiên Chúa hằng sống, là Đấng Cứu Độ, và những gì Ngài nói về mình đã được chứng minh qua các phép lạ chữa lành người đau ốm, trừ qủy, có quyền trên thiên nhiên, làm cho kẻ chết sống lại. Vì thế, người nghe mới tin Ngài, đám đông đi theo nghe Ngài giảng mới tin Ngài, những ngư phủ được Ngài gọi đi với Ngài mới tin Ngài, và chính chúng ta, những nngười đang sống mới tin Ngài là Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ muôn dân. 
Phần chúng ta, những chứng nhân của Đức Giêsu, chúng ta không được mời gọi “làm phép lạ” hoá nước thành rượu, hay cho người chết sống lại, nhưng được mời gọi làm phép lạ yêu thương. Đây chính là “năng quyền làm phép lạ” Thiên Chúa ban cho tất cả mọi người để làm chứng điều chúng ta nói về Ngài, làm chứng Đấng chúng ta tin yêu và phụng thờ, làm chứng chúng ta là môn đệ của Đức Giêsu, và anh em của mọi người, đồng thời là bảo chứng chắc chắn chúng ta là khí cụ bình an, đem lại hạnh phúc cho nhau và nhân loại.
Vâng, duy nhất Tình Yêu là việc chúng ta phải làm để người trẻ tin điều chúng ta nói, tin điều chúng ta dậy, tin lời chúng ta giảng dậy, cắt nghiã, nên chỉ nói mà không thực hành đức ái, giảng mà không sống đức yêu thương, chú giải mà không hành động như giới luật yêu thương đòi hỏi, chúng ta chẳng xây dựng được niềm tin của ai, cũng không đồng hành được với bạn trẻ nào trên hành trình đức tin đích thực. Thánh Phaolô đã qủa quyết điều này, khi ngài viết: “Giả như tôi nói được các thứ tiếng của loài người và của các thiên thần đi nữa, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng khác gì thanh la phèng phèng, chủm choẹ, xoang xoảng. Giả như tôi được ơn nói tiên tri, và được biết hết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu, hay có được tất cả đức tin đến chuyển núi rời non, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng là gì. Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi” (1 Cr 13,1-3).
Ngài cũng  cho chúng ta thấy hoa trái của phép lạ tình yêu, khi chúng ta làm chứng điều mình nói, giáo lý mình giảng dậy bằng hành động đức ái cụ thể, sống động, thiết thực: “Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian dối, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả” (1 Cr 13,4-7).
Với những hoa trái vừa kể thì qủa thực Thiên Chúa đã ban cho các chứng nhân của Ngài hồng ân vô cùng nhiệm lạ, bởi với những hoa trái ngọt ngào của Đức Ái, không ai sẽ có thể từ chối không tin vào Thiên Chúa là Tình Yêu, Đấng mà các chứng nhân của Ngài đang “làm chứng” bằng hành động, và đời sống yêu thương, như Đức Giêsu đã khẳng định: “Người ta cứ dấu này mà nhận biết chúng con là môn đệ Thầy, là chúng con thương yêu nhau” (Ga 13,35).
4.   THEO
Và sau cùng là đồng hành như người bạn đường biết thông cảm và chia sẻ với người trẻ trên hành trình theo Đức Giêsu.
Sở dĩ phải biết thông cảm, vì người trẻ không thích đi với ai lúc nào cũng ra vẻ “kẻ cả, trịch thượng, hối hả lên lớp, vội vã phê bình”; sở dĩ phải biết chia sẻ, vì người trẻ không chấp nhận lên đường với người thích “diễn sâu” vai cấp trên hống hách, ông chủ ki bo, khép kín, dè dặt, nghi ngại. Vì thế, không dễ đi với người trẻ, không đơn giản cùng người trẻ kề vai sát cánh, nhưng đòi chúng ta phải  xóa mình, bỏ mình, quên mình để có thể trẻ trung như người trẻ, đơn sơ, nhẹ nhàng như tuổi trẻ, thông thoáng, qủang đại như tâm hồn trẻ. Có như thế, con đường cùng bạn trẻ đến và ở lại với Đức Giêsu mới không rủi ro bất chợt giữa chừng đổi hướng.
Xin Thánh Tâm Chúa Giêsu ban cho chúng ta trái tim hiền lành và khiêm nhường  để biết nói, biết cắt nghiã, biết hành động, biết bước đi trong Thiên Chúa là Tình Yêu với người trẻ trên hành trình đức tin.
Jorathe Nắng Tím

0 nhận xét: