Hai
tinh thần, hai thái độ, hai nguyên tắc, hai lối sống “Hưởng và Thủ” không chỉ
được nhận ra giữa người dân của những nước tân tiến, phát triển và những nước
nghèo, chậm tiến, mà còn thấy rõ giữa hai giai cấp giầu nghèo trong một quốc
gia, một vùng miền.
Lần
đầu về lại Việt Nam sau nhiều năm ở Âu Châu, tôi không mấy hiểu và thông cảm với
cô em khi cô tính toán, chắt chiu từng đồng và thận trọng khi chi tiêu. Quen lối
sống tạm gọi là “vô tư thụ hưởng” của người Âu Châu : đau bệnh đã có qũy bảo hiểm
chi trả trăm phần trăm viện phí, thuốc men ; nghỉ việc có qũy thất nghiệp “trả
lương” ; hưu trí có lương hưu ; già cả
có tiền trợ cấp người cao niên ; tàn tật, mất sức lao động có qũy xã hội
bảo đảm cuộc sống ; mẹ độc thân có lương nuôi con ; học sinh, sinh
viên đi học được miễn phí, chưa kể học bổng
hằng năm tùy khả năng và hoàn cảnh; gia đình có ba con trở lên được hưởng quy
chế trợ cấp của “gia đình đông con” rất hậu hĩnh từ tiền nhà, tiền điện, tiền
đi xe đến tiền giải trí, nghỉ hè, nên tôi
rất ngỡ ngàng khi thấy phần đông dân mình, tất nhiên dân nghèo tuy lam lũ, vất
vả nhưng không dám hưởng đồng tiền mình làm ra. Tôi càng ngạc nhiên hơn khi thấy
những người thân luôn nơm nớp lo lắng trước những rủi ro còn trong tưởng tượng như gia đình có người đau bệnh, tai nạn, bất
trắc đủ loại có thể xẩy ra… Xem ra không ai được bình yên, an lòng trong cuộc sống…
Những
lần về thăm quê hương sau này giúp tôi nhận rõ hơn đời sống dân mình thật bấp
bênh, không có gì bảo đảm để dám nghĩ đến chuyện hưởng thụ cuộc sống. Tôi dần
dà thấm thía nỗi cơ cực phải “sống thủ” của dân tôi, trừ một số rất ít đại gia
và giai cấp lãnh đạo giầu có sống hưởng thụ vượt mức.
Qủa
thực, không thủ sao được, khi việc làm không vững chắc vì không được bảo vệ,
nên đồng lương tháng này phải thủ cho nhiều tháng khác, nếu bất ngờ mất việc mà
không được bồi thường ; không thủ sao được, vì đau ốm là phải tiêu những
khoản tiền lớn, ngay cả có bảo hiểm và đi đúng tuyến, bởi bệnh viện đâu có cung
ứng miễn phí thiết bị, thuốc men và đòi người nhà phải túc trực ngày đêm để lo
săn sóc bệnh nhân, công việc mà ở nước ngoài tuyệt đối không bao giờ gia đình
người bệnh được làm ; không thủ sao được khi tiền học của con cái là một nỗi
lo canh cánh của cha mẹ ; không thủ sao được khi cơ man ngàn trùng những
tương quan xã hội đòi phải được gìn giữ, phát huy bằng tiền, nếu không thì vô
cùng khó sống ; không thủ sao được khi giá trị con người, thanh danh gia
đình, bề thế gia tộc được đánh giá bằng nhà cửa, đất đai, của cải ; không
thủ sao được khi các hệ thống vay nợ đều là những “máy chém” kinh khủng tàn
sát, sắc bén ; không thủ sao được khi tình trạng tham nhũng, lừa đảo bao
trùm xã hội làm mất hết niềm tin và nhuệ khí của những người tốt muốn chia sẻ,
giúp đỡ ; không thủ sao được khi virút vô cảm ngày càng đục khoét, ăn sâu
trong máu của nhiều người biến mọi người thành những ốc đảo xa lạ, lạnh
lùng ; không thủ sao được khi ý thức công bình không còn tồn tại, bởi nhà
đất của mình đã ở từ bao đời vẫn có thể bất ngờ
bị cưỡng chiếm, cướp đọat.
Thực
vậy, trong một xã hội không có gì được bảo đảm vững chắc, thì người ta bắt buộc
phải sống thủ, thủ cho mình, thủ cho cha mẹ, thủ cho con cái, vì ngày mai bấp
bênh, nhiều rủi ro đe doạ, và bất cứ rủi ro nào cũng có thể làm sụp đổ tất cả sự
nghiệp, cơ đồ, bởi không có một cơ chế bảo hiểm nào đáng tin cậy.
Sống
thủ đã trở thành nguyên tắc sống của mọi người trên đất nước mình. Người khỏe mạnh
lao động để “thủ” cho gia đình, người thân đã đành, người sắp chết cũng không
được quên nguyên tắc ấy, như người bạn của tôi. Khi biết mình mắc căn bệnh quái
ác ung thư phổi, anh đã quyết tâm từ chối vào bệnh viện chữa trị, mặc dù tuổi đời
mới sáu mươi. Bên giường bệnh tại nhà ở Thị Nghè, từng tiếng nặng nề đứt quãng trong
hơi thở khó khăn ở giai đọan chót ung thư, anh tâm sự : nếu vào bệnh viện,
ngôi nhà này sẽ phải bán mới có tiền chi phí, nên anh chấp nhận ở nhà chết để vợ
con còn có một mái nhà che nắng trú mưa.
Sở
dĩ bên Âu Châu, dân tình thong thả và bình an hơn với cuộc sống, vì họ không lo
nhiều qúa như dân mình, khi xã hội bảo đảm phần lớn an sinh và tương lai cho họ
và con cái họ. Cũng vì thế, họ hưởng cuộc sống, và an tâm hưởng hạnh phúc từ những
gì họ làm ra, trong khi phần đông dân mình không dám hưởng hoa trái công lao
khó nhọc của chính mình, vì phải thủ cho ngày mai nhiều bất ngờ không vui, nhiều
biến chuyển hụt hẫng.
Bây
giờ thì tôi chẳng dám trách gì em gái tôi, khi thấy cô chắt chiu, tằn tiện từng
đồng… Lắm lúc thấy cô không chịu sắm sửa cho riêng mình, tôi cũng chỉ bùi ngùi
thương em và thương cả dân tôi bao nhiêu đời vẫn vất vả mà chưa một ngày dám hưởng
cuộc sống, chỉ vì tương lai qúa bấp bênh, nên cứ phải triền miên bóp bụng “sống
thủ” từng ngày, chờ một tương lai sáng hơn.
Jorathe
Nắng Tím
0 nhận xét:
Đăng nhận xét