Người viết phải minh định ngay : hai chữ văn hoá được dùng ở đây thật gượng gạo, trái ý, nghịch lòng, vì ý nghiã của câu chuyện « văn hoá thằng nó » chẳng có chút gì được gọi là văn hoá..
Câu chuyện xẩy ra vào mùa hè năm nay, trên chuyến xe điện ở Paris. Hôm ấy tôi ngồi đối diện với ba chị Việt Nam, tuổi đời khoảng ba mươi, bốn mươi. Cả ba đều ngồi, và đứng trước họ là một nhóm người Ấn Độ. Vì ngồi đối diện, nên tôi nghe được những đối thoại khá lớn tiếng của các cô xoay quanh mấy người Ấn Độ chen chúc trước mặt : « Mấy thằng đen này hôi qúa ! ». Một cô khai hoả. Hai cô bên cạnh được dịp xối xả tiếp sức bằng những lời rất ngạo mạn, khinh bỉ và làm tổn thương những người da mầu trước mặt, mà có lẽ đã làm các cô khó chịu, bực bội vì chật chội, và trời mùa hè lại oi bức, nóng nực. Đại loại các cô gọi họ bằng thằng, bằng nó, và nặng lời xúc phạm màu da, chủng tộc …
Bất ngờ, một thanh niên vạm vỡ trong nhóm Ấn Độ sấn tới, giận dữ chỉ vào mặt các cô và bằng tiếng Việt hét lớn làm mọi người trong toa xe hoảng hốt, vì lúc này ai cũng phập phồng lo sợ bị khủng bố ở các nơi công cộng, đông người : « Tôi mời các cô xuống xe nói chuyện với chúng tôi ». Thế là khi cửa xe vừa mở ở trạm ngừng Concorde, cả đám người Ấn Độ ép ba cô phải xuống xe với họ… Không nói thì qúy bạn cũng mường tượng được chuyện gì đã xảy ra, khi cả đám người « Ấn Độ da đen nói và hiểu tiếng Việt vì trước đây có ở Việt Nam » đã bao vây « hạch tội » ba « người con gái da vàng » nhà mình. Rất may là tôi đã có mặt, như người « giao hoà, xin lỗi thay cho các cô », nhân danh tình đồng bào, đồng hương !
Tội nghiệp ba cô hôm ấy ngượng ngùng thì ít, nhưng sợ hãi thì nhiều, vì lầm những người Ấn Độ trước đây ở Việt Nam là người Châu Phi nên đã gọi họ bằng thằng, bằng nó, để xúyt nữa bị phiền phức, rắc rối to.
Câu chuyện xẩy ra làm tôi ngẫm nghĩ nhiều đến thói quen của chính mình mỗi khi ngồi đấu láo với bạn bè : cái thói quen gọi người ta bằng thằng, bằng nó, mà rất ít gọi người vắng mặt được nói đến bằng ông, bằng bà, bằng cô ấy, anh ta, như mấy cô học trò có chồng Tây mỗi lần điện thoại thì chẳng cô nào gọi chồng mình bằng anh ấy, hay chồng em, chồng con, nhưng đều gọi chồng bằng nó, bằng thằng, khi tôi hỏi thăm về chồng con họ.
Cái « văn hoá thằng nó » ấy xem ra đã ăn sâu trong máu thịt nhiều người Việt, đến nỗi người ngoại quốc nào khi được nói tới trong câu chuyện cũng được gọi bằng thằng, bằng con, như thằng Tây, con Mỹ, thằng Nhật, con Bỉ, thằng Hoà Lan, con Đan Mạch ; có khi còn bị bôi bác, châm biếm gọi là thàng Chệt, con Xẩm, thằng Mẽo, con Đầm, thằng Miên, con Mọi, mà tuyệt nhiên không gọi bằng những danh xưng bình thường, tử tế như ông Nga, bà Ý, anh Thái Lan, cô Lào.
Cái văn hoá « thằng, nó » ấy cũng không tha chính đồng bào mình. Bằng chứng là trong câu chuyện hằng ngày ngoài đường phố, người ta quen tai với những « thằng bộ trưởng, thằng giám đốc, con cán bộ, con thư ký », mà ít được nghe ông bộ trưởng, ông giám đốc, cô cán bộ, cô thư ký… Làm như ngôn ngữ khinh miệt là ngôn ngữ dễ xử dụng và ăn khách hơn cả ở quê nhà.
Viết đến đây, tôi lại thấy buồn, khi nhớ lại lời người thanh niên Ấn Độ hôm ấy. Bằng tiếng Pháp, anh ta nói : « Tôi không thể ngờ người Việt Nam các anh mà tôi rất kính phục vì tinh thần kiên cường, anh dũng trong các cuộc chiến tranh vĩ đại lại có những người tầm thường như mấy cô đây ».
Tận thâm tâm, tôi không nghĩ gì về ba chị, mà chỉ suy nghĩ từ đâu, và tại sao chúng ta mắc phải cái văn hoá « không ra làm sao này », để bị người ta cho là tầm thường, nếu không muốn nói là « không tử tế ». Không lẽ chúng ta có gien kiêu căng, hãnh tiến đến độ coi các dân tộc khác đều là man di mọi rợ ? Không lẽ chúng ta có máu cao ngạo đến độ khinh miệt hết mọi người, và bất cứ ai dưới mắt chúng ta may lắm cũng chỉ được là « thằng cha, con nhỏ », mà không được là ông, bà, anh, chị, câu ta, cô ấy ? Không lẽ chúng ta ăn phải bả kỳ thị nặng đến độ không còn đủ lòng kính trọng để gọi người khác một cách có văn hoá, nhân văn ? Không lẽ chúng ta bị đầu độc tinh thần « hiếu chiến, bạo lực » đến độ nói về bất cứ người nào cũng phải bắt đầu bằng chà đạp họ với những đại danh từ « thằng, con, nó » rất tồi tệ, và trầm trọng tổn thương ?
Qủa thực, nếu chúng ta không có can đảm nhìn lại mình, với những thiếu sót không nhỏ như nếp sống « văn hoá thằng, nó » rất tai hại, thì bao giờ chúng ta mới là một dân tộc lớn thưc sự, văn minh thực sự, đạo đức thực sự, mà nền tảng căn bản phải có ở bất cứ đâu và thời nào, với bất cứ sắc dân, chủng tộc nào luôn là lòng tôn trọng người khác phát xuất từ Nhân Ái, và lòng khiêm tốn phát sinh từ tình Huynh Đệ .
Jorathe Nắng Tím
0 nhận xét:
Đăng nhận xét