Hình
ảnh người môn đệ truyền giáo, cũng là người Kitô hữu truyền giáo đích thực và sống
động mà chúng ta gặp được trong Tin Mừng của ngày lễ Giáng Sinh chính là những
mục đồng ở Bêlem, trong đêm Chúa sinh ra đời.
Thánh
Luca ghi lại rất rõ những gì đã xẩy ra với họ trong đêm hồng phúc ở Bêlem : Họ là những người “thức đêm canh giữ đàn vật”. “Bỗng
sứ thần đứng bên họ, và vinh quang của
Chúa chiếu tỏa chung quanh, khiến họ kinh khiếp hãi hùng. Nhưng sứ thần bảo họ :
“Anh em đừng sợ. Này tôi
báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân : Hôm
nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đavít, Người là Đấng
Kitô, Đức Chúa. Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người : anh em sẽ thấy một trẻ
sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ”
(Lc 2,8-12). Họ đã cùng nhau hối hả sang Bêlem. “Đến
nơi, họ gặp bà Maria, ông Giuse, cùng với Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ… Rồi các
người chăn chiên ra về, vừa đi vừa tôn vinh ca tụng Thiên Chúa, vì mọi điều họ đã
được mắt thấy tai nghe, đúng như đã được nói với họ”
(Lc 2,16.20).
Những
biến cố dồn dập xẩy ra trong đêm Giáng Sinh với những người chăn chiên, chính là trình tự có lớp lang của hành trình trở thành người Kitô hữu truyền
giáo :
1. Người
Kitô hữu truyền giáo là người lắng nghe và đáp trả tiếng gọi của Thiên
Chúa :
Thiên
Chúa gọi rất nhiều người, nhưng không nhiều người đã lắng nghe và đáp trả. Những
người này đã không như những mục đồng ở Bêlem đã lắng nghe lời sứ thần và đáp
trả bằng bảo nhau : “Nào
chúng ta sang Bêlem, để xem sự việc đã xảy ra, như Chúa đã tỏ cho ta biết”, và “họ
liền hối hả ra đi” (Lc 2,15-16).
Bởi
có tin lời sứ thần, là tiếng gọi của Thiên Chúa, họ mới hối hả ra đi, và có vội
vã lên đường đi tìm, họ mới gặp “một trẻ
sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ”
(Lc 2,12) như dấu chỉ mà sứ thần đã báo trước cho họ.
2. Người
Kitô hữu truyền giáo là người nhận ra
Thiên Chúa qua hình hài con người bé nhỏ, nghèo hèn, yếu đuối :
Nhận
ra Thiên Chúa sẽ rất dễ trên thiên đàng, hay sẽ không qúa khó trong những thánh
đuờng nguy nga, ở những buổi lễ hoành tráng, long trọng. Nhưng vô cùng khó nhận
ra Ngài qua hình hài một trẻ sơ sinh, bọc tã, nằm trong máng cỏ, ở chuồng chiên
lừa, giữa đêm khuya, với cha mẹ đơn sơ, nghèo nàn.
Mặc
dù đã được sứ thần báo trước, và đã thấy xẩy ra đúng như dấu chỉ của sứ thần,
nhưng chấp nhận một Thiên Chúa sinh ra làm người trong hình hài bé nhỏ, yếu đuối,
hoàn cảnh cùng cực, túng quẫn, nghèo hèn như những gì thấy trước mắt là một thách
đố vô cùng cam go của các mục đồng, vì vượt qúa sức tưởng tượng của họ.
Đây
cũng là thách đố lớn của người Kitô hữu truyền giáo, bởi Thiên Chúa không luôn
oai hùng, dũng mạnh, vinh quang, bách chiến bách thắng, nhưng thường ẩn mình
sau dáng dấp tiều tụy, bước đi siêu vẹo, nước mắt nhục nhằn, thân xác bầm tím,
sâu hoắm những vết thương của những con người bị đời nguyền rủa, lên án, khai
trừ ; và kín đáo giấu mình trong thân phận hẩm hiu, bất hạnh của những con người
bị khinh miệt, bạc đãi, bỏ rơi, tẩy chay, bóc lột, chà đạp, dầy xéo.
3. Người
Kitô hữu truyền giáo là người lên đường sau khi đã gặp Đức Giêsu để làm chứng về
Ngài, bằng kể lại “những việc kỳ diệu Thiên Chúa đã
làm”.
Tin
Mừng ghi rõ : các người chăn chiên “ra
về, vừa đi vừa tôn vinh ca tụng Thiên Chúa, vì mọi điều họ đã được mắt thấy tai
nghe, đúng như đã được nói với họ”
(Lc 2,20).
Như
họ đã hối hả cùng nhau “lên đường”
từ cánh đồng chăn giữ chiên cừu đến hang Bêlem để gặp Hài Nhi Giêsu, nay họ cũng
vội vã “lên đường” trở về nơi họ đang sống, nơi họ đang làm
việc, với cha mẹ, vợ con, anh chị em, hàng xóm láng diềng, người thân kẻ lạ
chung quanh và công khai tôn vinh chúc tụng Thiên Chúa, và kể cho mọi người những
điều họ đã nghe, đã thấy.
Họ
đã kể lại và làm chứng trước mọi người về những gì đã xẩy ra từ giây phút sứ thần
đánh thức họ, báo tin cho họ, đến khi họ được thấy tận mắt Hài Nhi mà họ nhận là
Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ của họ và của toàn dân, vì tin vào lời sứ thần (x. Lc
2,11).
Thực
vậy, người Kitô hữu từ giây phút đầu, từ khởi điểm của hành trình đi theo Đức
Giêsu cho đến khi trở thành người Kitô hữu truyền giáo đích thực đã nhịp nhàng
theo bước chân những người chăn chiên ở cánh đồng Bêlem năm xưa trong đêm Giáng
Sinh, ở đó, cả mục đồng và người Kitô hữu đã cùng lắng nghe và đáp lại tiếng gọi
đi gặp Đức Giêsu ; cả hai đã lên đường đi tìm Đức Giêsu, đã đón nhận mầu
nhiệm Thiên Chúa làm người qua hình hài con người yếu đuối, bé nhỏ, nghèo hèn ;
và sau khi đã có Đức Giêsu, cả hai đã lại lên đường vừa đi vừa tôn vinh ca ngợi
Thiên Chúa và loan báo Tin Mừng Cứu Độ.
Sở
dĩ không thể tách người Kitô hữu ra khỏi người loan báo Tin Mừng, nhưng gọi người
Kitô hữu là “Kitô hữu truyền giáo” như tựa đề của bài chia sẻ, vì truyền
giáo là căn tính làm nên người Kitô hữu, bởi nếu chỉ gặp Đức Giêsu, biết Đức Giêsu,
tức có Đức Giêsu, mà không giới thiệu Đức Giêsu cho người khác cùng đến gặp, không
kể lại và làm chứng cho mọi người những việc kỳ diệu Đức Giêsu đã làm, không
loan báo sứ điệp cứu độ của Đức Giêsu cho người khác, thì danh xưng Kitô hữu sẽ
trở thành “hữu danh vô thực”, vì không có người Kitô hữu không truyền
giáo, không có người có Đức Kitô mà không làm chứng, loan báo, rao giảng Đức
Kitô.
Qủa
thực, Thiên Chúa đã rất khôn ngoan và quan phòng khi chọn những người chăn chiên
dốt nát, nghèo hèn, bị xã hội và Giáo Hội thời bấy giờ xếp vào hạng “ô uế”
làm những người Kitô hữu ở giờ đầu của lịch sử Nhập Thể, Cứu Chuộc, sau Đức Mẹ
và thánh Giuse, để nói cho chúng ta biết :Thiên Chúa đặc biệt yêu thương
những người bé nhỏ, như Đức Giêsu đã mặc khải qua lời cầu nguyện của Ngài với
Chúa Cha : “Lậy Cha là Chúa Tể trời
đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái
biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. Vâng, lậy Cha,
vì đó là điều đẹp ý Cha” (Mt 11,25-26).
Bên
cạnh là mặc khải về căn tính truyền giáo của người Kitô hữu, đó là người Kitô hữu
có Chúa Giêsu để ban phát Chúa Giêsu, có Chúa Giêsu để làm cho Chúa Giêsu được
biết và yêu mến, có Chúa Giêsu để “làm
cho mọi người trở thành môn đệ”
(Mt 28,19).
Tóm
lại, qua sứ điêp Giáng Sinh, chúng ta được Thiên Chúa dậy bảo : mỗi người
Kitô hữu là một nhà truyền giáo, một môn đệ rao giảng Tin Mừng, và không ai được
miễn trừ trách nhiệm và quyền lợi truyền giáo do đòi hỏi của “căn tính Kitô hữu”.
Chân lý này còn nhắc chúng ta việc truyền giáo không là đặc lợi, đặc vụ, độc
quyền của hàng giáo phẩm, giáo sĩ, tu sĩ, và những người có kiến thức thần học,
nhưng là sứ vụ của tất cả mọi Kitô hữu, là trách nhiệm và quyền lợi của mỗi người
Kitô hữu, bởi Thiên Chúa dùng mỗi người
một cách khác nhau để loan báo Tin Mừng, và điều Ngài cần ở mỗi người là tình yêu
dành cho Ngài, là kinh nghiệm yêu thương, hiệp nhất với Đức Giêsu, là lòng quảng
đại của trái tim người môn đệ đích thực luôn khao khát cho “danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến, Ý
Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời”.
Ước
gì Giáng Sinh năm nay, tất cả người Kitô hữu chúng ta được đồng hành với anh em
mục đồng nghèo khó, chân chất, đơn sơ, hồn nhiên trong tĩnh lặng của cánh đồng
Bêlem giữa đêm khuya thanh vắng đang hối hả cùng nhau đến gặp Chúa, và trên đường
trở về, như người Kitô hữu truyền giáo được cùng họ tôn vinh Thiên Chúa và kể lại
cho mọi người những kỳ công Thiên Chúa đã làm cho chính mình và nhân loại.
Jorathe
Nắng Tím
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét