Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật IV Mùa Vọng,
Năm B
Trình
thuật về buổi gặp gỡ giữa sứ thần Gabrien và trinh nữ Maria ở Nadarét mà thánh
sử Luca đã chi tiết kể lại xem ra đã không đặt trọng tâm vào người nhận sứ điệp
“Truyền Tin” là Đức Maria, nhưng đặt trọng tâm vào “Ngôi Lời Thiên Chúa” sắp được
thụ thai bởi quyền phép Chúa Thánh Thần,
và được sinh ra từ cung lòng Đức Trinh Nữ (x. Lc 1,26-38).
Thực
vậy, ngay từ lời chào khởi đầu cuộc diện kiến, sứ thần đã giới thiệu Đức Chúa,
và khẳng định : “Bà đầy ơn sủng, Đức Chúa ở cùng bà” (Lc 1,28). Tiếp liền
sau đó, sứ thần cho Trinh Nữ biết Tên của Con Trẻ mà Trinh Nữ sẽ mang thai và hạ
sinh, và Đấng có tên Giêsu ấy chính là Con của Thiên Chúa Tối Cao, Đấng “được
Thiên Chúa xức dầu tấn phong và sai đến”, mà toàn dân hằng mong đợi, như Kinh
Thánh đã nói về Ngài : “Ta sẽ cho dòng dõi ngươi đứng lên kế vị ngươi, một
người do chính ngươi sinh ra, và Ta sẽ làm cho vương quyền của người con ấy được
bền vững… Đối với người ấy, Ta sẽ là Cha, và đối với Ta, người ấy sẽ là con” (2
S 7,12.14), “Phần ngươi, hỡi Bêlem Épratha, ngươi bé nhỏ nhất trong các thị tộc
Giuđa, nhưng từ nơi ngươi, Ta sẽ cho xuất hiện một vị có sứ mạng thống lãnh
Ítraen. Nguồn gốc của Người có từ thời trước, từ thuở xa xưa” (Mk 5,1), và
chính xác, rõ ràng hơn là “Đức Chúa sẽ ban cho các ngươi một dấu chỉ : Này
đây một trinh nữ sẽ mang thai, sinh hạ con trai, và đặt tên là Emmanuen” (Is
7,14).
Nhưng
điểm quan trọng hơn mà thánh Luca muốn nhấn mạnh, đó là : qua Đức Giêsu, mầu
nhiệm về Thiên Chúa vốn được giữ kín tự ngàn xưa, nay “được thông báo cho muôn
dân biết, để họ tin và vâng phục Thiên Chúa” ( Rm 16,26) hầu được cứu rỗi, bởi
Đức Giêsu là Con Một Thiên Chúa và là Ngôi Lời của Thiên Chúa “đã trở nên người
phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1,14 ), và chỉ người Con Một này, “Đấng hằng ở
nơi cung lòng Chúa Cha” mới tỏ được cho chúng ta biết mầu nhiệm về Thiên
Chúa, bởi ngoài Ngôi Lời, chưa bao giờ có ai thấy Thiên Chúa (x. Ga 1,18).
Đến
lúc này thì sứ thần gặp phải vấn nạn của Trinh Nữ : “Việc ấy sẽ xảy ra
cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng” (Lc 1,34).
Vấn
nạn rất thông minh và nhân bản, vấn nạn rất chân thành và đơn sơ, vấn nạn rất
lương thiện và công bằng, vì việc thụ thai mà không “ăn ở” với đàn ông là việc
ngoài sức tưởng tượng, việc của thượng giới, việc của trời thần, chứ loài người
làm sao thực hiện được. Cũng vì là việc không thể có, và vượt trí khôn nhân loại,
mà những người chống lại Giáo Hội mãi mãi dùng sự kiện “Trinh Nữ thụ thai và
sinh hạ con trai” làm tiền đề để bôi bác, chể diễu, phỉ báng Kitô giáo, và chụp
cho người Kitô hữu cái mũ “mê tín nhảm nhí, phản khoa học, mê muội trước một đức
tin huyền hoặc, phi lý, phản tự nhiên”.
Qủa
thực, nếu Thiên Chúa không can thiệp thì việc ấy không thể thực hiện ; nếu
Chúa Thánh Thần không tác động, thì bào thai không thể thành hình trong cung
lòng của Trinh Nữ ; nếu quyền năng Đấng Tối Cao không rợp bóng trên con
người, thì không bao giờ có chuyện trinh nữ mà thụ thai và sinh con, vì đi ngược
luật tự nhiên của chính Đấng Tối Cao thiết lập trên thụ tạo của Ngài.
Nhưng
chính vì luật tự nhiên, quy trình tự nhiên, đòi hỏi tự nhiên, điều kiện tự
nhiên trong việc cưu mang và sinh sản con người nằm trong tay Thiên Chúa, do
chính Thiên Chúa tạo dựng, nên đối với Thiên Chúa, việc thay đổi luật tự nhiên
cũng không khác việc lập nên luật tự nhiên ấy. Nói cách khác, Ngài có toàn quyền
làm điều Ngài muốn, toàn năng để thực hiện những việc mà loài người không thể
tưởng tượng, chưa hề quan niệm, nhất là Ngài toàn thiện để mọi sự được trở nên
tốt đẹp đối với những ai yêu mến Ngài.
Ở
đây, dù là việc thụ thai khi chưa hề chung sống với chồng là việc bất khả thể đã gây bối rối cho Đức Maria, nhưng vì là người
đặt trọn niềm tin vào Thiên Chúa toàn năng và yêu mến Thánh Ý Ngài, nên Đức
Maria đã không nghi nan, lo sợ nữa, khi được sứ thần Gabrien trấn an : “Thánh
Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà”, và
để lời mình có giá trị thuyết phục, sứ thần đã cho Đức Maria biết : “Kìa
bà Êlisabét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người
con trai : bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu
tháng”, và sứ thần kết luận : “Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không
thể làm được” (Lc 1,35-37).
“Không
có gì là không thể làm được”, khi Thiên Chúa đến với con người, “đến trong con
người”, trở thành “người con” của con người, được sinh ra từ cung lòng của một
con người.
“Không
có gì là không thể làm được”, khi cho cung lòng con người được cưu mang Thiên
Chúa, cho thân xác con người được trở thành nhà Thiên Chúa ở, Đền Thờ Thiên Chúa
ngự, cho Máu Thịt Thiên Chúa trở nên của ăn, của uống nuôi sống con người.
“Không
có gì là không thể làm được”, khi Thiên Chúa không “tàng hình” để cứu chuộc,
không “vô hình” để cứu chữa, nhưng làm người hữu hình như mọi người, để chịu
đau đớn trên thân xác, chịu đau khổ trong tâm hồn, bị đóng đinh chết và chôn
trong mồ như mọi người, để mọi người được làm con Thiên Chúa, chia sẻ thiên
tính của Ngài khi được “đồng hình đồng dạng” với Ngài.
“Không
có gì là không thể làm được”, khi sống lại vinh quang từ cõi chết, và cho mọi
người được “nhìn thấy Đấng Cứu Độ của mình” (x. Ga 20 ; Mt 5,8).
Vâng,
vì tin chắc rằng : “đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được”,
Trinh Nữ Maria đã đón nhận ơn gọi và sứ vụ “làm Mẹ Ngôi Hai Thiên Chúa” là mầu
nhiệm vượt xa khả năng hiểu biết của loài người ; vì tin “đối với Thiên
Chúa, không có gì là không thể làm được”, Đức Maria, người Kitô hữu tiên khởi
đã sẵn sàng trở thành khí cụ trong tay Thiên Chúa để Lời Hứa của Thiên
Chúa với Ítraen, dân Ngài trong Cựu Ước được hoàn thành mỹ mãn trong Tân Ước, với
Giáo Hội của Đức Giêsu, một Giáo Hội mở ra cho hết mọi người của mọi thời và mọi
nơi.
Cùng
với Đức Maria, chúng ta ngợi khen Chúa, vì những việc kỳ diệu, mà loài người
cho là “không thể làm được” Ngài đã thực hiện, vì xót thương ; tạ ơn Chúa
vì biết bao “điềm thiêng, dấu lạ”, mà loài người “không thể tin là có được” đã
được Chúa ban phát trong cuộc đời mỗi người, và với Đức Maria, người tín hữu
gương mẫu, Kitô hữu tuyệt vời đã tín thác trả lời sứ thần : “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của
Chúa, xin cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1,38), chúng ta hãy giúp nhau
tín thác dấn thân phụng sự Chúa trong mọi người, bằng “loan truyền Chúa chịu chết,
và tuyên xưng Chúa sống lại cho tới khi Đức Giêsu, Đấng Cứu Độ, Chúa chúng
ta lại đến”.
Jorathe
Nắng Tím
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét