Pages - Menu

Thứ Ba, 31 tháng 7, 2018

II. THIÊN CHÚA YÊU CON NGƯỜI YẾU ĐUỐI


Con người yếu đuối vì tự do của con người bị tội lỗi bủa vây là sự thật không thể chối cãi, cũng là cảm nghiệm rất rõ nét trong mỗi người, nhưng Thiên Chúa lại yêu con người yếu đuối.
Tình yêu Thiên Chúa dành cho con người là một mầu nhiệm không ngừng gấy sốc, bởi làm sao có thể hiểu được một Thiên Chúa lại đắm đuối yêu con người, là thụ tạo của mình đến độ chết cho con người ? Có Đấng Chủ Tạo nào lại qùy dưới chân thụ tạo của mình vì yêu thương thụ tạo đó ? Có Thiên Chúa nào tự nguyện bỏ ngai toà vinh quang, bỏ quyền làm Thiên Chúa để trở nên như con người, vì yêu con người? Các thánh đều ngây ngất khi suy niệm mầu nhiệm yêu thương vô cùng, tuyệt đối và điên cuồng, táo bạo này của Thiên Chúa.
Cho đến tận thế, con người cũng sẽ không hiểu được sự vĩ đại, bao la của tình yêu này, nhưng đó là sự thật đã được chính Đức Giêsu, Con Thiên Chúa làm người nói với nhân loại : "Thiên Chúa yêu chúng ta đến nỗi cho chúng ta được gọi là con Thiên Chúa" (1 Ga 3,1) và "Tình Yêu của Thiên Chúa được biểu lộ như thế này : Thiên Chúa đã sai Con Một của Ngài đến thế gian để nhờ Con Một của Ngài mà chúng ta được sống. Tình yêu cốt ở điều này : không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa trước, nhưng chính Ngài đã yêu thương chúng ta, và sai Con Một Ngài đến làm của lễ đền tội cho chúng ta" (1 Ga 4,9-10).
Thánh Gioan cũng xác quyết : "Thiên Chúa là Tình Yêu" (1 Ga 4,8), và từ miệng Đức Giêsu "Thiên Chúa là người cha nhân hậu, giầu lòng xót thương", như hình ảnh người cha trong dụ ngôn "Đứa con hoang đàng" (Lc 15, 11 - 32). Tình yêu nơi Thiên Chúa là tình yêu đời đời, vô củng, thủy chung. Ngài đã yêu con người từ thưở đời đời, và cho đến đời đời vẫn mãi yêu, dù con người đã dùng chính hình ảnh của Ngài  là tự do để làm nguợc thánh ý Ngài, mà thánh ý của Ngài là con người được hạnh phúc trong hạnh phúc làm con cái Thiên Chúa.
Có hạnh phúc nào lớn hơn hạnh phúc làm con Thiên Chúa? Có hạnh phúc nào vĩ đại hơn được "sống và sống dồi dào" (Ga10,10) trong sức sống của Thiên Chúa Chủ Tạo? Có hạnh phúc nào qúy giá hơn được Thiên Chúa làTình Yêu đồng hành, ở cùng? Tất cả hạnh phúc đó, Thiên Chúa dành hết cho con người, vì yêu con người.
Chúng ta thường quá lo lắng về những cám dỗ xác thịt, tiền bạc, danh vọng, mà bỏ quên cơn cám dỗ khởi đầu và sau cùng của đời người, đó là cám dỗ "Thiên Chúa không yêu thương con người, vì con người tội lỗi". Ma qủy không sợ con người làm phép lạ, vì phép lạ ma qủy có thể làm, nhưng ma qủy sợ con người bám víu vào tình yêu Thiên Chúa, vì chúng không thể yêu thương. Ma qủy chỉ sợ và đầu hàng con người khi con người yêu thương, bởi yêu thương là vũ khí cực mạnh mà ma qủy không thể có. Khi con người yêu thương chính là lúc ma qủy bại trận, đầu hàng. Và người bám víu vào tình yêu Thiên Chúa là người chiến thắng vẻ vang ma qủy, thần dữ, điạ ngục.
Kinh Thánh đã mô tả cơn cám đỗ đầu tiên ma qủy dùng để tấn công Evà : Rắn Độc là ma qủy đã khéo khơi dậy trong lòng Evà mối nghi ngờ về tình yêu tuyệt đối của Thiên Chúa dành cho ông bà khi thỏ thẻ, rủ rê Evà : Chẳng chết chóc gì đâu trái cây ấy, nhưng Thiên Chúa dấu bà và ông nhà nhiều chuyện, vì thế, "nếu ăn trái này, mắt ông bà sẽ mở ra, và ông bà sẽ trở nên những vị thần biết hết thiện ác, lành dữ" (St 3,5). Nghe Rắn Độc, Evà nghi ngờ tình Thiên Chúa dành cho vợ chồng mình, nên nghĩ rằng : Thiên Chúa còn dấu giếm mình nhiều chuyện, nhiều sự, nhiều đặc lợi, đặc quyền khác, mà tình yêu thì không dối nhau, không so đo tính toán. Evà bị sập bẫy ma qủy là chuyên viên dối trá, hận thù và chia rẽ, nên đã không tin rằng : Thiên Chúa yêu thương mình vô cùng và cưu mang mình từng giây phút trong hạnh phúc viên mãn, đời đời của Ngài.
Tội của ông bà nguyên tổ là không tin vào tình yêu Thiên Chúa. Đó là cội rễ, tâm điểm, cốt lõi của tội nguyên tổ. Chuyện ăn trái cấm, hay bất tuân lời dặn chỉ là hành động đến sau, một hệ qủa tất yếu của trái tim đang nhen nhúm ngờ vực, phản bội. Ma qủy chỉ nhắm một mục tiêu là đánh bật Thiên Chúa ra khỏi trái tim con người, như đã đánh bật Thiên Chúa ra khỏi trái tim Evà, Ađam.
Nếu "đánh bật tình yêu con người ra khỏi tình yêu Thiên Chúa" đã là cơn cám dỗ khởi đầu của con người, thì đó cũng sẽ là cơn cám dỗ sau cùng của con người trước khi chết. Giờ chết của mỗi người sẽ là giờ chiến đấu cam go chống lại cơn cám dỗ "nghi ngờ lòng thương xót Chúa". Người ta sẽ sợ hãi Thiên Chúa khi nhìn lại đời sống sa đoạ, tội lỗi đã qua ; người ta sẽ ngã lòng khi thấy tội mình đầy tràn, chồng chất ; người ta sẽ buông xuôi, thả nổi số phận khi cảm nghiệm sức nặng vô song của tội mình đã phạm…Chính trong lúc sợ hãi, xao xuyến, thất vọng là lúc ma qủy dữ dội tấn công để con người buông tay, không bám vào Thiên Chúa nữa. Không để con người bám víu vào Tình Yêu thương xót của Thiên Chúa ở giờ lâm chung là mục tiêu phải đạt của ma qủy và là cơn cám dỗ sau cùng của con người.
Như thế, ma qủy là dối trá, ghen ghét, hận thù sẽ chỉ mong làm cho con người không yêu mến Thiên Chúa, không yêu thương đồng lọai. Chúng không ghen ghét thay con người được, cũng không thế chỗ con người để gây hấn, báo thù , nhưng chỉ thúc đẩy, cám dỗ, lôi kéo con người dùng tự do làm người của mình để ghen ghét, thù hận. Ma qủy không có quyền trên tự do của con người, nhưng có khả năng cám dỗ, rủ rê để con người chọn lựa sự dữ, điều xấu xa, việc gian ác.
Ý thức về sự cao cả của tự do, chúng ta sẽ cẩn trọng hơn trong chọn lựa, mà chọn lựa mang tính chiến lược đời đời, chính là chọn Thiên Chúa là Tình Yêu cứu độ.
Chọn Thiên Chúa là Cha giầu lòng xót thương con cái mình trong mọi cảnh huống, tình trạng là điều chúng ta không thể quên, và sao lãng. Tin Mừng đã cực tả thái độ và tâm tình tín thác của những người đã chọn  Thiên Chúa xót thương, và được Đức Giêsu Thiên Chúa yêu thương, chữa lành khi khẩn khoản, van nài : "Xin Chuá thương xót con"!.
Ở đây chúng ta có thể nói được rằng : "nỗi lo" của Thiên Chúa là con người hững hờ với tình Ngài dành cho họ, và "nỗi buồn" của Thiên Chúa chính là con người nghi ngờ tình Ngài trao ban. 
Cũng chính vì "quá lo", và "hay buồn" khi con người không nhận ra mình là Tình Yêu cứu chữa, Tình Yêu thương xót, Tình Yêu đời đời, Tình Yêu vô thủy vô chung, mà Thiên Chúa đi đến cùng Tình Yêu của mình, bằng một sáng kiến táo bạo, làm run rẩy các thiên thần, vượt tầm hiểu biết của con người, và thay đổi toàn bộ cục diện đời người khi tự nguyện xuống thế làm người, để làm Thiên Chúa ở giữa con người. Sáng kiến liều lĩnh này là kết qủa của tình yêu tuyệt đối, mầu nhiệm của tình yêu vô cùng, mà con người chỉ có thể qùy gối, cúi mình thờ lậy. Việc Thiên Chúa từ bỏ tất cả vinh quang Thiên Chúa để làm con người yếu đuối là vì con người,  vì yêu con người, để  từ nay vinh quang của Thiên Chúa là hạnh phúc của con người.
Khi chọn hạnh phúc của con người là vinh quang của mình, Thiên Chúa đã biểu lộ căn tính Tình Yêu của Ngài, bởi  yêu ai là mưu tìm hạnh phúc cho người mình yêu. Thiên Chúa cũng mặc khải giá trị cao qúy của con người, bởi con người mang hình ảnh Thiên Chúa. Thiên Chúa và con người gắn chặt với nhau. Vận mệnh của con người là khắc khoải của Thiên Chúa, số phận mỗi người là ưu tư của Thiên Chúa, bởi yêu ai là gánh vác số phận, định mệnh của người mình yêu.   
Quý độc giả vui lòng đọc chương kế tiếp!   

Thứ Hai, 30 tháng 7, 2018

KẺ TỐ CÁO (Chương III)


Chương III 
CHÚNG TA ĐƯỢC QUYÊN XÉT ĐOÁN ANH EM ?
         Tin Mừng qủa quyết Thiên Chúa cấm chúng ta xét đoán anh em mình, và nói rõ : nếu chúng ta xét đoán anh em, chính chúng ta sẽ bị Thiên Chúa xét đoán; cũng như chúng ta chỉ có thể lãnh nhận lòng thương xót của Chúa, nếu biết xót thương anh em mình :
-         “Anh em đừng xét đoán, thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán. Anh em đừng lên án, thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án. Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha” (Lc 6, 37).  
-         “Anh em xét đoán thế nào, thì anh em cũng bị Thiên Chúa xét đoán như vậy; và anh em đong đấu nào, thì Thiên Chúa cũng sẽ đong đấu ấy cho anh em. Sao anh thấy cái rác trong mắt của người anh em, mà cái xà trong mắt của mình thì lại không để ý tới”? (Mt 7, 2-3).
-         “Hỡi người, dù bạn là ai đi nữa mà bạn xét đoán, thì bạn cũng không thể tự bào chữa được.Vì khi bạn xét đoán người khác, mà bạn cũng làm như họ, thì bạn tự kết án chính mình” (Rm 2,1); “Vậy chúng ta đừng xét đoán nhau nữa.Tốt hơn, anh em hãy xét sao để tránh cho anh em mình phải vấp hay phải ngã” (Rm 14,13);  “Xin anh em đừng vội xét xử điều gì trước kỳ hạn, trước ngày Chúa đến. Chính Người sẽ đưa ra ánh sáng những gì ẩn khuất trong bong tối,  và phơi bầy những ý định trong thâm tâm con người” (1Cr 4,5).
-         “Thưa anh em, anh em đừng nói xấu nhau. Ai nói xấu hoặc xét đoán anh em mình là nói xấu và xét đoán Lề Luật. Nếu anh xét đoán Lề Luật, thì anh không còn là kẻ vâng giữ, mà là kẻ xét đoán Lề Luật.Chỉ có một Đấng ra Lề Luật và xét xử, đó là Đấng có quyền cứu thoát và tiêu diệt. Còn anh là ai mà dám xét đóan người thân cận”? (Gc 4,11-12).
    Những đoạn Tin Mừng vừa được trích dẫn đã nói lên đòi hỏi triệt để : không được quyền xét đoán người khác của Đức Giêsu. Các tông đồ đã hiểu thấu đáo đòi hỏi này, nên không ngừng nhắc nhở các giáo đoàn phải thận trọng và xa lánh việc xét đoán anh em.    
   Nhưng tại sao Đức Giêsu lại không muốn, đúng hơn là cấm môn đệ của Ngài xét đoán người khác?  
    Thực ra, trong Tin Mừng, Đức Giêsu cũng như các tông đồ đã không hề có ý hay tìm cách hủy bỏ sự hiện diện cũng như công việc của toà án, bởi nếu các môn đệ của Đức Giêsu luôn được nhắc nhở, mời gọi yêu thương, thì họ cũng vẫn tiếp tục yếu đuối với thân phận người dòn mỏng, và những sai phạm của họ ít nhiều đều mang lại những hậu qủa đáng buồn, đáng trách, ảnh hưởng đến cộng đoàn. Trong trường hợp có sai phạm, thì phản ứng tự nhiên của mọi người là xét đoán người đã lầm lỗi để biết họ sai phạm vì sơ ý, lãng quên, yếu đuối hay cố tình.Và lý do thứ nhất cũng là lý do tuyệt vời nhất luôn được đưa ra để giải thích cho quyền xét đoán là “vì lợi ích của chính đương sự, để giúp người sai phạm nhận ra lầm lỗi và trở nên tốt hơn”.
    Qủa thực, nếu tất cả mọi người đều thực hiện công việc xét đoán người khác với lương tâm ngay thẳng, trái tim yêu thương, và ý hướng nâng dậy người yếu đuối, hỗ trợ, xây dựng người lỗi lầm, giáo dục người trót làm điều sai trái, thì không còn gì phải nói, bởi điều ấy hoàn toàn hợp thánh ý Thiên Chúa. Nhưng Đức Giêsu biết rõ trái tim con người, nơi bất cứ lúc nào đều có thể trở thành sào huyệt của gian ác: ganh ghét, ghen tương, kèn cựa, oán thù, kiêu căng...
    Ngài biết ta thường dựa vào lý do: vì ích lợi của người có tội, vì muốn giúp người sai đường lạc lối trở về chính lộ, để lương tâm được ru ngủ trong “thanh thản, bình an giả tạo”, hầu được tự do tố cáo, xét đoán, luận xử, kết án, dập vùi, chặt chém, phân thây xẻ thịt anh em. Ngài biết sự ganh ghét là tội nguyên tổ đang nằm phục ở cửa lòng mỗi người, như Thiên Chúa Giavê đã phán với Cain, khi ông ganh ghét và giết chết em ruột mình là Aben : “Tội lỗi đang nằm phục sẵn ở cửa, nó thèm muốn ngươi ; nhưng ngươi phải chế ngự nó” (St 4,7). Vì ganh ghét, ta sẽ lợi dụng yếu đuối, sai lầm, tội lỗi của anh em để lên án họ, hầu thăng thưởng mình, dập vùi họ để tuyên dương mình, chà đạp họ để tự nâng mình lên, dưới nhãn hiệu bác ái : sửa lỗi anh em, đổi mới anh em , thăng tiến anh em.
      Ở đây, ta thấy Đức Giêsu đã nói nhiều về đôi mắt: “Sao anh thấy cái rác trong mắt của người anh em, mà cái xà trong mắt của chính mình thì lại không để ý tới”? Sao anh lại có thể nói với người anh em: “Này anh, hãy để tôi lấy cái rác trong mắt anh ra, trong khi chính mình lại không thấy cái xà trong con mắt của mình”. Hỡi kẻ đạo đức giả! Hãy lấy cái xà ra khỏi mắt ngươi trước đã, rồi sẽ thấy rõ, để lấy cái rác trong con mắt người anh em ! (Lc 6,41-42). Ngài muốn ta hiểu rằng: không thể dùng lỗi lầm của người khác để bảo kê những đức tính của mình. Cũng vậy, những lý do, chứng cớ để xét đoán, lên án người khác, dù chính xác, chặt chẽ đến đâu cũng không bao giờ  miễn trừ cho ta khỏi đối diện với những vấn đề và yếu đuối riêng của bản thân mình; nói cách khác, ta không được cho mình cái quyền ve vuốt tự ái  bằng lên án, xét đoán người khác, như Đức Giêsu đã kể dụ ngôn người Pharisêu và người thu thuế lên đền thờ cầu nguyện với một số người tự hào cho mình là công chính mà khinh chê người khác  (x. Lc 8,9-14), bởi kinh nghiệm đời thường cho thấy: sự nghiêm khắc, cứng rắn của nhiều người khi xét đoán người khác chẳng qua chỉ là bình phong che đậy tình trạng bất an  của tâm hồn và nỗi lo sợ sẽ bị xét đoán, lên án của chính họ.
     Trong Tin Mừng Mátthêu, Đức Giêsu cũng nói đến mắt: “Đèn của thân thể là con mắt.Vậy nếu mắt anh sáng, thì toàn thân anh sẽ sáng. Còn nếu mắt anh xấu, thì toàn thân anh sẽ tối.Vậy nếu ánh sáng nơi anh lại thành bóng tối, thì tối biết chừng nào”! (Lc 6,22-23). Ngài muốn nói đến cái nhìn của mỗi người : có lúc tốt, có lúc xấu ; có lúc sáng, có lúc tối, tùy theo tâm hồn ở tình trạng nào : ghen tức hay yêu thương, muốn phá đổ hay xây dựng, thiện ý hay tà ý, như trong dụ ngôn thợ làm vườn nho, Ngài đã  vạch trần lòng ghen tức của những người trách móc Ngài đã trả cho người vào làm sau chót cũng một quan tiền như người vào làm trước nhất: “Hay vì thấy tôi tốt bụng, mà bạn đâm ra ghen tức”? (Mt 20,15).
     Bên cạnh lòng ghen tức, tham vọng thống trị cũng là nguyên nhân thúc đẩy người ta xét đoán, lên án nhau như  thánh tông đồ Phaolô đã viết: "Đừng làm gì vì ganh tị hay vì hư danh, nhưng hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi người khác hơn mình" (Pl 2,3).Vì thế, càng coi mình vĩ đại, tuyệt hảo, người ta càng dễ xét đoán, lên án người  khác.    
     Tóm lại, Đức Giêsu biết loài người yếu đuối vì ganh ghét, và kinh nghiệm sống cũng cho thấy : Chúng ta rất yếu trước gió ganh ghét, và dễ đuối dưới nắng ghen tuông. Bằng chứng là không ai thích người khác vượt trội hơn mình, giỏi hơn mình, giầu hơn mình, thành công hơn mình ; trái lại vui và phấn khởi khi người khác thua sút, gặp khó khăn, nhất là sai phạm lỗi lầm. Chẳng thế mà thánh tông đồ Phaolô đã tha thiết kêu gọi cộng đoàn của Ngài phải hết sức thận trọng, đừng để lòng ganh ghét thống trị cộng đoàn, bằng cùng nhau thực hiện một cố gắng rất thực tế, nhưng cũng cực kỳ khó khăn: “Vui với ai mừng vui, khóc với ai đang khổ sầu” (Rm 12, 15). Thánh nhân biết có nhiều người bực tức, sầu buồn khi người khác được may mắn, hạnh phúc, và nhiều người hớn hở, vui mừng khi những người chung quanh gặp tai ương, khốn khó. Nếu thái độ thiếu bác ái, huynh đệ đó lan tràn, bành trướng, thì tình hình cộng đoàn dân Chúa sẽ ra sao? Thưa sẽ tan nát vì cao trào tố cáo, sẽ vỡ vụn vì bom đạn xét đoán, sẽ không còn dấu tích trường tồn vì sóng thần ghen tuông.
     Khi tuân giữ lệnh truyền  không được xét đoán người khác của Đức Giêsu, không ít người trong chúng ta cảm thấy bàng bạc ý nghĩ về một thái độ dửng dưng, bàng quan, vô trách nhiệm và hoàn toàn thụ động trước lỗi lầm của anh em ; nói cách khác, vì không được phép xét đoán, người ta sẽ rơi vào tình trạng không cần quan tâm, không cần can thiệp, cũng chẳng cần phải đổi mới, xây dựng đối tượng đang có vấn đề, bởi thà nhắm mắt làm ngơ, còn hơn nhanh nhẩu lên tiếng phân định xấu- tốt, để mang lấy rủi ro phạm tội xét đoán, lên án người khác.
      Thực ra, người Kitô hữu không được nhắm mắt, làm ngơ trước sự dữ đang lan tràn, và phá vỡ công trình của Thiên Chúa trên con người. Kinh Thánh luôn nhắc nhở khả năng phân định tốt- xấu, lành- dữ, sự thật- gian dối. Trong Tin Mừng Mátthêu, tiếp ngay đoạn căn dặn “Anh em đừng xét đoán, để khỏi bị Thiên Chúa xét đoán..” (Mt 7, 1-5), Đức Giêsu đã nói về việc biết phân định để “đừng quăng của thánh cho chó, ngọc trai chớ liệng cho heo, kẻo chúng giày đạp dưới chân, rồi còn quay lại cắn xé anh em” (Mt 7, 6).  Chỗ khác, Ngài qủang diễn  : “Mù mà lại dắt mù được sao? Lẽ nào cả hai lại không sa xuống hố”? (Lc 6,39).
   Nói điều này, Ngài qủa quyết người Kitô hữu có bổn phận ngăn chặn sự dữ, và nghiã vụ hướng dẫn người lạc đường trở về chính lộ, bằng bầy tỏ ý muốn : người mù phải được hướng dẫn đúng đường, đúng hướng. Ở đây, Đức Giêsu tỏ ý chống lại những người không đủ điều kiện, khả năng mà liều lĩnh dẫn đường cho người khác, khi ví những người này như những anh mù. Dưới mắt Ngài, họ là những hướng dẫn viên bất tài, thiếu đức, và theo văn mạch, chính họ là những người xét đoán và lên án anh em cách hồ đồ thay vì ân cần hướng dẫn, tận tâm chỉ dậy.
   Thế nên, nếu không từ bỏ thói xét đoán hàm hồ, tính xấu tùy tiện lên án người khác, chúng ta sẽ mãi là những người mù không thấy đường, và vì không thấy đường, chúng ta xét đoán anh em cách bừa bãi, vô căn cớ, và tất nhiên hố sâu sẽ là điểm đến của chúng ta, và mãi mãi sẽ chẳng bao giờ có chuyện dắt đưa người khác về đường ngay nẻo chính.
   Thánh Phaolô cũng  cắt nghĩa vấn nạn với cộng đoàn Rôma, khi ngài phân biệt hai ý nghiã của từ "xét đoán" trong Rm 14,13 : "Vậy chúng ta đừng xét đoán nhau nữa.Tốt hơn, anh em hãy xét sao để tránh gây cớ cho anh em mình phải vấp hay phải ngã".
   “Đừng xét đoán nhau nữa” ở vế thứ nhất mang ý nghiã tiêu cực, được coi như những thị phi, hồ đồ, nói hành nói xấu nhau. Kiểu xét đoán với ác ý này phải được chấm dứt, và một khi không còn xét đoán hồ đồ, lệch lạc về nhau nữa, người ta sẽ có điều kiện tốt để “xét sao cho anh em mình không phải vấp phạm” ở vế thứ hai. Cũng như khi viết cho môn đệ Timôthê: “Hãy rao giảng Lời Chúa, hãy lên tiếng, lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện; hãy biện bác, ngăm đe, khuyên nhủ, với tất cả lòng nhẫn nại và chủ tâm dậy dỗ” (2Tm 4, 2).
     Thánh nhân nhấn mạnh lòng nhẫn nại và chủ tâm dậy dỗ, được xem như hai điều kiện cần thiết để xét đóan trở thành một việc làm  mang lại lợi ích đích thực cho người được “xét đoán”. Xét đoán ở đây mang tính tích cực, vì không chịu ảnh hưởng, áp lực của ganh ghét, kiêu căng, ích kỷ, ác ý, ác tâm, nhưng hoàn toàn vì yêu thương và phục vụ khi nhẫn nại, kiên trì, chịu đựng đồng hành với người anh em sa chân lỡ bước, để giúp người anh em vượt qua khó khăn, thử thách.
    Thánh nhân cũng nhắc đến thái độ bình tĩnh, thong thả, nhẹ nhàng, ân cần, tế nhị khi dùng hai chữ “đừng vội”. Đừng vội tức đừng nóng lòng, sốt ruột khi xét đoán một hành động, càng không nên hấp tấp, nhẹ dạ, thiếu cân nhắc, phân định khi xét đoán một con người, vì xét đoán là một việc hết sức quan trọng không thể sơ sài, liến phiến, cẩu thả, bởi hậu qủa của nó thật khôn lường.
     “Anh em đừng vội xét xử điều gì trước kỳ hạn, trước ngày Chúa đến” (1Cr 4,5)
  Và với cung giọng đầy trắc ẩn, thương xót, thánh nhân viết tiếp: “Thưa anh em, chúng tôi khuyên nhủ anh em: hãy khuyên bảo người vô kỷ luật, khích lệ kẻ nhút nhát, nâng đỡ người yếu đuối và kiên nhẫn với mọi người. Hãy coi chừng: đừng có ai lấy ác báo ác, nhưng hãy luôn luôn cố gắng làm điều thiện cho nhau cũng như cho mọi người” (1 Tx 5,14-15). Với kinh nghiệm mục tử, thánh Phaolô còn cho ta thấy chỉ có yêu thương và hy sinh phục vụ mới đổi mới được người yếu đuối, tội lỗi, mà không cần phải xét đoán, lên án họ: “Suốt ba năm, ngày đêm, tôi đã không ngừng khuyên bảo mỗi người trong anh em, lắm khi phải rơi lệ” (Cv 20,31).
      Ở chỗ khác, một cách cụ thể, Tin Mừng Mátthêu cho chúng ta cách giúp ngườI anh em tội lỗi : “Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi. Nếu nó chịu nghe anh, thì anh đã chinh phục được người anh em. Còn nếu nó không chịu nghe, thì hãy đem theo một hay hai người nữa, để mọi việc được giải quyết, căn cứ vào lời hai hoặc ba nhân chứng. Nếu nó không nghe họ, thì hãy đi thưa Hội Thánh. Nếu mà nó cũng chẳng nghe, thì hãy kể nó như một người ngoại hay một người thu thuế” (Mt 18,15-20).
     Quy trình khởi sự từ gặp gỡ cá nhân, nghiã là không ồn ào, xôn xao, tạo nên xì-căng- đan có thể làm tổn thương danh dự của người anh em tội lỗi. Quy trình loại trừ những màn tố cáo, hạch tội, bôi nhọ, công bố loại trừ,  nhưng kín đáo, nhẹ nhàng làm việc với một, rồi hai, ba người, nếu cần với cộng đoàn trong tinh thần cảm thông, tôn trọng “tư cách anh em” của người có tội, nghiã là không phải vì phạm tội mà mất quyền làm anh em với mọi người. Và chẳng đặng đừng, trong trường hợp cực kỳ ngoan cố, Đức Giêsu mới cho phép coi người anh em đó như ở ngoài cộng đoàn. Một chi tiết cũng đáng chúng ta chú ý, đó là Đức Giêsu đã đưa ra phương cách giúp người anh em yếu đuối trót phạm tội này, sau khi kể dụ ngôn con chiên lạc : Anh em nghĩ sao? Ai có một trăm con chiên mà có một con đi lạc, lại không để chín mươi chín con kia trên núi mà đi tìm con chiên lạc sao? Và nếu may mà tìm được, thì Thầy bảo thật anh em, người ấy vui mừng vì con chiên đó, hơn là vì chín mươi chín con không bị lạc. Cũng vậy, Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, không muốn một ai trong những kẻ bé mọn này phải hư mất (Mt 18,12-14). Tất cả đã nói lên ý muốn của Thiên Chúa  không muốn ai phải mất đi, và đòi hỏi  phải tha thứ liên lỷ, “không chỉ đến bảy lần, nhưng là đến bẩy mươi lần bẩy”, khi trả lời câu hỏi của tông đồ Phêrô : “Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không”? ( Mt 18, 21-22) 
   Để kết luận, chúng ta có thể khẳng định: Chúa không muốn chúng ta xét đoán nhau, vì : “Anh là ai mà xét đoán người nhà của kẻ khác” (Rm 14,4), và vì chúng ta dễ bị lôi cuốn bởi ganh ghét, kiêu căng, trục lợi, khi nhận xét về người khác ; Chúa không cho phép chúng ta lên án nhau, vì biết chúng ta dễ dàng bị khuynh hướng thống trị cuốn trôi, khi bình phẩm tha nhân; Chúa cũng cấm chúng ta luận xử nhau, vì biết chúng ta sẽ dùng tình trạng yếu đuối, hoàn cảnh lỗi lầm của anh em để làm bàn đạp cho đường lên của mình. Nhưng Chúa biết với lòng xót thương của trái tim Chúa, trái tim con người sẽ có đủ lý do để vực dậy người anh em ngã gục, nâng đỡ người anh em yếu đuối, dẫn về đường ngay nẻo chính người anh em lầm lạc mà không cần phải xét đoán, xếp loại người anh em; Chúa biết chỉ cần một giọt máu cứu độ từ cạnh sườn Đức Kitô trên thánh giá, bàn tay con người có thể làm cho tất cả được nên mới, mà không cần lên tiếng hạch sách, thẩm tra nhau ; Chúa cũng biết với thành tâm - thiện chí và ơn bình an của Thánh Thần Tình Yêu, mọi sự sẽ nên tốt, mà không cần truy cứu, săn lùng, xét xử. Quyền xét đoán thuộc về một mình Chúa và duy một mình Chúa mới là Đấng thấu suốt tâm can mỗi người: “Ta dò xét lòng người, thử thách mọi tâm can” (Gr 17,10).
 -  Nếu quyền xét đoán, phân xử thuộc về một mình Thiên Chúa, thì quyền ấy cũng sẽ chỉ được trao cho những người thuộc về Chúa, được Chúa tuyển chọn. Người được trao sứ vụ tế nhị và khó khăn này phải là người có những điều kiện cần thiết:
- Phải được Thiên Chúa trao quyền phán đoán, xét xử, như các tông đồ: Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha ; anh em cầm giữ ai thì người ấy bị cầm giữ (Ga 20, 22-23).
- Vì thi hành sứ vụ dưới sự hướng dẫn và với ơn của Chúa Thánh Thần là Tình Yêu, người được trao quyền phán đoán, xét xử phải tràn ngập tình yêu, lòng bao dung, thương xót và “không làm điều gì vì ganh tị hay vì hư danh, nhưng lấy lòng khiêm nhường mà coi người khác hơn mình” (Pl 2,3).
- Để biết chạnh lòng trước bất hạnh, yếu đuối của người khác, như “Đức Giêsu thấy đám đông thì chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt” (Mt 9, 36); “Ra khỏi thuyền, Đức Giêsu trông thấy một đoàn người đông đảo thì chạnh lòng thương, và chữa lành các bệnh nhân của họ” (Mt 14, 14).
- Để sẵn sàng mang lấy tội lỗi, bất xứng của người khác, như Đức Giêsu đã mang hết tội lỗi, và vết thương của ta vào thân thể mà đưa lên thập giá, để ta được nên công chính và chữa lành (x. 1 Pr 2,24).
- Để trong khi thi hành sứ vụ xét đoán, phân xử, người được Chúa tuyển chọn vẫn không quên mình là tạo vật cần được xót thương, tha thứ, như tâm tình của Giêrêmia trong sách Ai Ca: “Xin nhớ đến nỗi khốn cùng của con,và cuộc đời con vất vưởng nuốt cay ngậm đắng. Nỗi niềm riêng canh cánh bên lòng, khiến hồn con tiêu hao mòn mỏi. Đây là điều con suy đi gẫm lại, nhờ thế mà con vững dạ cậy trông” (Ac 3,19).
   Nhờ thế, người được Chúa chọn ngồi ghế xét đoán, phân xử sẽ không đi ra ngoài chương trình cứu độ và lòng thương xót bao la của Ngài, như Thánh Vịnh 103 đã cực tả:
 Chúa tha cho ngươi muôn ngàn tội lỗi,
 Thương chữa lành các bệnh tật ngươi.
Cứu ngươi khỏi chôn vùi đáy huyệt,
Bao bọc ngươi bằng ân nghiã với lượng hải hà,
Ban cho đời ngươi chứa chan hạnh phúc,
Khiến tuổi xuân ngươi mạnh mẽ tựa chim bằng..
Vì Chúa là Đấng từ bi và nhân hậu,
Người chậm giận và giầu tình thương,
Chẳng luôn luôn trách cứ,
Không mãi mãi oán hờn
Người không cứ tội ta mà xét xử,
Không trả báo ta xứng với lỗi lầm. (Tv 103, 3-5;8-10).
   “Lậy Chuá, xin tạo cho con một tấm lòng trong trắng, đổi mới tinh thần  cho con nên chung thủy” (Tv 51,12), để đời con được bình an trong lòng thương xót Chúa và lòng tốt của mọi người. Chỉ một điều này thôi, lậy Chúa, đã cho con thấy mình bất xứng, luôn cần Chúa và mọi người, để chẳng bao giờ dám xét đoán ai. 
   Quý độc giả vui lòng đọc chương kế tiếp

TIN MỪNG TỬ TẾ


                                                                           
  Tin Mừng Luca mà người viết mời bạn cùng suy niệm dưới đây là đoạn Tin Mừng tường thuật Đức Giêsu chữa người nô lệ của viên sĩ quan ngọai giáo (Lc 7,1-10), và cho con trai bà góa thành Nain sống lại (Lc 7,11-17). Đọan Tin Mừng rất đặc biệt vì tất cả các nhân vật được nêu tên đều là những người tử tế. Vì thế, người viết mạo muội đặt tên cho đoạn Tin Mừng này là Tin Mừng Tử Tế:
        “Sau khi đã nói hết những điều ấy cho dân chúng nghe, Đức Giêsu vào thành Ca-phác-na-um. Một viên đại đội trưởng kia có người nô lệ bệnh nặng gần chết, Ông ta yêu qúy người ấy lắm. Khi nghe đồn về Đức Giêsu, ông cho mấy kỳ lục của người Do Thái đi xin Người đến cứu sống người nô lệ của ông.
    Họ đến gặp Đức Giêsu và khẩn khoản nài xin Người rằng: “ Thưa Thầy, ông ấy đáng được Thầy làm ơn cho. Vì ông qúy mến dân ta. Vả lại chính ông đã xây cất hội đường cho chúng ta”. Đức Giêsu liền đi với họ. Khi Người còn cách nhà viên sĩ quan không bao xa, thì ông này cho bạn hữu ra nói với Người : “Thưa Ngài, không dám phiền Ngài qúa như vậy, vì tôi không đáng rước Ngài vào nhà tôi". Cũng vì thế, tôi không nghĩ mình xứng đáng đến gặp Ngài. Nhưng xin Ngài cứ nói một lời, thì đầy tớ của tôi được khỏi bệnh. Vì chính tôi đây, tuy dưới quyền kẻ khác, tôi cũng có lính tráng dưới quyền tôi. Tôi bảo người này : “Đi !” là nó đi; bảo người kia “Đến !” là nó đến; và bảo người nô lệ của tôi : “Làm cái này !” “là nó làm”. Nghe vậy Đức Giêsu thán phục ông ta. Người quay lại nói với đám đông đang theo Người rằng: “Tôi nói cho các ông hay: ngay cả trong dân It-ra-en, tôi cũng chưa thấy một người nào có lòng tin mạnh như thế”. Về đến nhà, những người đã được sai đi thấy người nô lệ đã khỏi hẳn.
     Sau đó, Đức Giêsu đến thành kia gọi là Nain, có các môn đệ và một đám rất đông cùng đi với Người. Khi Đức Giêsu đến gần cửa thành, thì đang lúc người ta khiêng một người chết đi chôn, người này là con trai duy nhất, và mẹ anh ta lại là một bà góa. Có một đám đông trong thành cùng đi với bà. Trông thấy bà, Chúa chạnh lòng thương và nói: “Bà đừng khóc nữa !”. Rồi Người lại gần sờ vào quan tài. Các người khiêng dừng lại, Đức Giêsu nói: “Này người thanh niên, tôi bảo anh : hãy chỗi dậy !”. Người chết liền ngồi lên và bắt đầu nói. Đức Giêsu trao anh ta cho bà mẹ. Mọi người đều kinh sợ và tôn vinh Thiên Chúa rằng:” Một vị ngôn sứ vĩ đại đã xuất hiện giữa chúng ta, và Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người”. Lời này về Đức Giêsu được loan truyền khắp cả liền Giuđê và vùng lân cận ( Lc 7,1-17)
     
       Điều dễ nhận ra nhất trong cuộc sống xã hội là hiện tượng của hai thành phần cùng chung sống nhưng rất khác biệt, đó là những người tử tế và những người không tử tế. Người tử tế được đánh giá là người tốt bụng, có lòng, có tâm, có nhân nghiã, có trước có sau, có trên có dưới, trung tín, biết ơn, nhất là thương yêu, hy sinh và hay giúp đỡ mọi người. Khác với người tử tế, người không tử tế  rơi vào phạm trù của những tiêu cực như không lương thiện, lừa đảo, lợi dụng, bất nhân bất nghiã, vô ơn, thiếu nhân cách, ích kỷ, vu khống, bạo lực. Và tất nhiên, xã hội kính trọng những người tử tế và đánh giá thấp những người không tử tế.
       Thánh sử Luca đã tinh tế vẽ lên bức tranh phác họa chân dung những người tử tế trong Tin mừng của ngài. Nhưng  họ là ai và đã làm gì?

1.    Họ là những người quan tâm đến người khác:
   Viên sĩ quan đại đội trưởng, tuy là sĩ quan cao cấp trong quân đội Rôma, nhưng ông rất quan tâm đến tình trạng sức khỏe của một tên nô lệ  là giai cấp tận cùng đáy sâu xã hội : sinh ra để làm tôi mọi,  suốt đời phục dịch người khác và hầu như chẳng bao giờ được người khác đối xử tử tế. Ở vào thời Đức Giêsu, những người nô lệ bị coi như thú vật và phải cật lực làm việc, mà không được trả công. Các ông chủ có quyền sinh sát trên những người nô lệ mà họ đã bỏ tiền ra mua, và khoảng cách giữa ông chủ - nô lệ thì xa thăm thẳm.
     Thế mà viên sĩ quan, người có địa vị cao trong quân đội Rôma hùng mạnh lại “yêu qúy người nô lệ” của mình rất nhiều, yêu nhiều đến nỗi bối rối, hốt hoảng khi nghe tin anh này đau nặng sắp chết (Lc 7,2). Qủa thực, phải là người  từ tâm, bác ái lắm mới có thể cúi xuống thật thấp, thấp đến không còn có thể thấp hơn để quan tâm đến người nô lệ mà ngay đến sự sống, sự chết của họ, nói chi đến bệnh tật, thường chẳng bao giờ được  ông chủ, bà chủ đóai hoài, nhìn ngó đến.
    Viên sĩ quan cao cấp đã yêu thương và thể hiện tình yêu bằng thái độ ân cần quan tâm. Ông quan tâm bằng chạy chọt sự can thiệp của người khác : biết mình là người ngoại đạo, không thế giá với Đức Giêsu, ông sĩ quan này đã cậy nhờ mấy kỳ mục, là những chức sắc trong đạo Do Thái, có thế gía trước mọi người thay ông đi gặp Đức Giêsu để xin Ngài cứu chữa người nô lệ. Thái độ cầu cạnh  một vài kỳ mục nói lên sự quan tâm lo lắng đặc biệt mà viên sĩ quan dành cho người nô lệ, bởi nếu không yêu thương, ông đã không phải “xuống nước” nhờ vả mấy ông kỳ mục, vì ông là người ngoại đạo, chẳng bao giờ phải cần đến những chức sắc trong đạo Do Thái này. 
    
2.    Họ là những người biết ơn :
     Ca ngợi các ông Biệt Phái và kỳ mục trongTin Mừng  là điều rất hiếm hoi, nhưng rất may mắn, ta gặp được  mấy vị kỳ mục rất tử tế, dễ thương trong đọan Tin Mừng này.
      Mấy vị kỳ mục này qủa là tử tế khi chấp nhận đề nghị của viên sĩ quan ngoại đạo đi gặp Đức Giêsu để xin Ngài cứu sống người nô lệ làm việc trong nhà viên sĩ quan. Nhưng điều đáng khâm phục hơn cả là lòng biết ơn của các vị kỳ mục. Các vị đã năn nỉ Đức Giêsu cứu chữa người nô lệ của viên sĩ quan bằng ca tụng, tuyên dương công trạng của viên sĩ quan với Đức Giêsu: “Thưa Ngài, ông ấy đáng được Ngài làm ơn cho. Vì ông qúy mến dân ta. Vả lại, chính ông đã xây cất hội đường cho chúng ta” (Lc 6,4-5).
      Nói lên việc làm tốt của người khác, làm chứng hành vi  tốt của người khác, mà không “đánh lận con đen”, “nhận vơ ” cho mình đã là qúy hiếm, nhưng cất công đi năn nỉ người khác giúp người đã làm ơn cho mình và kể công đức của người ơn ấy còn qúy hiếm hơn rất nhiều, bởi tâm lý bình thường và rất thường gặp trong cuộc đời là xóa ơn, quên ơn, phụ ơn người đã làm ơn cho mình để xóa hẳn mặc cảm  một thời yếu kém, dốt nát, nghèo nàn, thất thế đã  cần sự giúp đỡ của nhiều người ; để tỏ ra mình là siêu nhân, vĩ nhân chẳng bao giờ cần đến ai, nhưng tự mình làm nên tất cả, làm được tất cả. Thói kiêu căng bao giờ cũng kéo theo tật xấu vô ơn, xóa bỏ hình bóng người đã làm ơn cho mình. Điều chúng ta hay lầm tưởng, đó là nhớ ơn dễ, nhưng trong thực tế, cái khó nhất của mỗi người chính là nhớ ơn, biết ơn, trả ơn người đã thi ân cho mình.    
       Vì thế, hơn nhiều người, mấy vị kỳ mục đã biết ơn, nói lên công ơn và trả ơn cách thiết thực và ân tình viên sĩ quan, ân nhân của cộng đoàn Do Thái giáo vùng đó. Các vị đã thực hiện đòi hỏi của người tử tế là biết ơn và trung thực ghi nhớ công ơn, trung thực nói lên những ân huệ đã nhận được từ người ơn. Thái độ biết ơn xuất phát từ tâm tình tri ân ấy đã nâng các vị lên hàng những  người tử tế đáng ngưỡng mộ.

3.    Họ là những người tình nghiã:
      Tình nghiã là chuyện ai cũng biết, nhưng cách để nhận ra ai là người thực sự tình nghiã với mình là khi ta gặp khó khăn, ai đã là người ở bên ta. Ở bên, ở với, ở cùng ai đó khi họ có vấn đề là tình yêu ở mức độ rất cao, bởi không ai chịu mất giờ, mất sức, mất công việc, mất nếp sống quen thuộc, mất thời khóa biểu riêng tư, mất không gian thư thái, tiện nghi để ở gần một người và phập phồng chia sẻ những lo âu, rủi ro, nguy hiểm của người ấy.
      Ông sĩ quan đại đội trưởng có những người bạn tình nghiã  ở bên ông khi ông bấn lọan, lo lắng vì người nô lệ ông thương nhiều lắm lâm trọng bệnh, sắp chết. Chắc chắn ông hoảng loạn lắm, chẳng thế mà ông chạy đôn đáo, cậy nhờ cả đến mấy kỳ mục đi tìm Đức Giêsu, vì ông biết ngoài Đức Giêsu, Đấng đang làm nhiều phép lạ  không ai có thể cứu sống người nô lệ ông thương yêu. Biết ông hoảng lọan, các bạn hữu của ông đã đến với ông, ở bên ông. Sự hiện diện tình nghiã lúc này là quan trọng và qúy báu. Có bạn hữu ở bên, ông bớt lo lắng; có bạn ở cạnh kề, ông an tâm hơn. Các bạn của ông đã ở gần bên ông và sẵn sàng làm những gì ông cậy nhờ. Ông đã cậy nhờ các bạn ra đón Đức Giêsu thay ông và nói với Ngài : “Thưa Ngài, không dám phiền Ngài qúa như vậy, vì tôi không xứng đáng rước Ngài vào nhà tôi. Cũng vì thế, tôi không nghĩ mình xứng đáng đến gặp Ngài” (Lc 6,6-7).
     Các bạn ông đã làm đúng những gì ông nhờ. Thật tình nghiã cái tình tự do nhưng gắn bó, thảnh thơi ; bền chặt, đơn sơ nhưng đậm đà ; nhẹ nhàng nhưng sâu lắng ; hồn nhiên nhưng thiết tha, mặn mà. Tình ấy là tình bạn, thứ tình thông thoáng tự do nhưng tuyệt vời vì không khế ước ràng buộc, không  huyết thống lien kết như tình cha mẹ - con cái , anh chị em, họ hàng ; không hôn ước buộc chặt như tình vợ chồng. Tình bạn hoàn toàn tự do, đến đi tùy ý, gắn bó - buông bỏ mặc sức, không ai kiện tụng ai, tranh chấp ai. Nhưng chính vì tự do hoàn toàn mà tình bạn luôn là tình tuyệt vời cao qúy.
       Khuôn mặt cao qúy của những người bạn viên sĩ quan trong Tin Mừng Luca đã nói lên nét tử tế khi con người sống với nhau bằng tình nghiã thật : tình nghiã nên có nhau trong mọi hoàn cảnh ; tình nghiã nên ở gần, ở bên, ở cùng để hiện diện yêu thương, hiện diện cảm thông, hiện diện chia sẻ, hiện diện phục vụ.

4.    Họ là những người  “vui với người vui, khóc với người khóc”:
      Thoáng nghe chúng ta tưởng “vui với người vui, khóc với người khóc” là chuyện dễ làm, nhưng thực tế chứng minh ngược lại khi không có mấy người đã vui mừng khi người khác thành công hơn mình, đã khấp khởi, hân hoan khi người chung quanh gặp may mắn. Trái lại, lòng ganh ghét luôn rình rập ngăn cấm ta vui khi người khác vui, và buồn khi người khác đau khổ. Tính ích kỷ cản trở ta chia sẻ nỗi đau của người khác và làm lớn hơn niềm vui của họ. Vì thế, thánh Phaolô đã không nhắc nhở gì khác hơn là khuyên chúng ta sống bác ái bằng biết “vui với ai mừng vui, và khóc với ai đang khổ sầu”(Rm 12,15).
      Đoạn Tin mừng được tiếp nối với “đám đông trong thành cùng đi” với người  đàn bà góa bụa trên đường đưa tiễn đứa con trai xấu số ra mộ phần (Lc 6, 12). Đám đông cùng đi với bà hôm ấy là đám đông cùng khóc với bà nỗi đau mất con ; cùng nức nở, quặn thắt với bà nỗi buồn cô đơn chất ngất ; cùng chia sẻ với bà phận góa bụa, đơn độc rất tang thương ngày con trai bà mất. Đám đông đi với bà để cùng ngậm ngùi với bà trong  thương nhớ ngút ngàn và chung giòng nước mắt xót xa với bà để bà vơi sầu, nhẹ đau, bớt khổ.
    Qủa thực, đám đông của Tin Mừng Luca trong đám tang con trai bà góa thành Nain là đám đông yêu thương đã “vui với người vui, khóc với người khóc”; là đám đông biết chạnh lòng xót thương và thực hiện lòng xót thương ấy bằng những bước đồng hành chia sẻ. Nhìn đám đông lặng lẽ từng bước, ngậm ngùi thương cảm người mẹ góa bụa đang vật vã, Đức Giêsu “chạnh lòng thương và nói : “Bà đừng khóc nữa !”… (Lc 6,13). “Bà đừng khóc nữa” là ước mong của đám đông đang khóc với bà. “Bà đừng khóc nữa” là lời ủi an phát xuất từ đáy lòng của đám đông đang  nức nở với bà, và mọi người đi theo bà ra nghiã trang đang khóc với bà để “bà đừng khóc nữa”,  đang đau xót, thổn thức với bà để “bà đừng khóc nữa”, đang nghẹn ngào với bà để “bà đừng khóc nữa”, đang ngậm đắng nuốt cay với bà để “bà đừng khóc nữa”. Và bất ngờ, Đức Giêsu “lại gần, sờ vào quan tài”, và gọi người thanh niên đã chết hãy trỗi dậy (Lc 6,14-15). 
   Phép lạ đã được thực hiện nhờ những tấm lòng chạnh đau của đám đông, nhờ cõi lòng tan nát của người mẹ góa bụa, và nhờ trái tim chạnh lòng thương xót của Đức Giêsu, để rồi phần thưởng được dành cho những người biết khóc với người khóc là niềm vui lớn cho mọi người đang khóc, niềm vui trọn vẹn cho người mẹ khổ đau vì mất con, khi Đức Giêsu cho con bà sống lại và “trao anh ta cho bà mẹ” (Lc 6,15). 
      
5.    Họ là những người khiêm tốn phục vụ:
     Tất cả mọi người được nhắc đến trong đọan Tin Mừng tử tế đều là những người khiêm tốn phục vụ:  
·       Viên sĩ quan đã  khiêm tốn phục vụ khi  kín  đáo xây cất hội đường mà không huyênh hoang kể công. Ông còn khiêm tốn  khi nhận mình “không xứng đáng đón Đức Giêsu vào nhà ”, và hơn thế nữa, còn nghĩ mình “bất xứng để đến gặp Ngài”  (Lc 6, 6-7).
·       Các bạn của viên sĩ quan cũng đã khiêm tốn phục vụ, khi làm đúng những gì viên sĩ quan nhờ, mà không ồn ào phản đối hay linh tinh “ý kiến ý cò”.
·       Các kỳ mục còn tuyệt vời hơn khi khiêm tốn đến gặp Đức Giêsu và khẩn khoản nài xin Ngài thương tình cứu sống người nô lệ của viên sĩ quan.
·       Ngay cả những người khiêng quan tài cũng khiêm tốn phục vụ. Thái độ đằm thắm vâng phục “dừng lại”, khi Đức Giêsu “ lại gần, sờ vào quan tài” biểu hiện sự ân cần phục vụ và khiêm tốn dễ thương của họ.

6.    Họ là những người lương thiện:
Tất cả đều lương thiện khi không bóp méo sự thực như mấy kỳ mục đã lương thiện tuyên dương công trạng của viên sĩ quan ngoại giáo: “Vì ông qúy mến dân ta. Vả lại chính ông đã xây cất hội đường cho chúng ta” (Lc 6,5). Bởi thường tình, thì người ta hoặc “cướp cơm chim”, hoặc cắt xén thế nào cho công trạng của người khác teo hóp lại, còn vinh quang của mình phình béo ra. Ở đây, tuy không cùng đạo, nhưng mấy kỳ mục Do Thái đã rất lương thiện khi kể công của viên sĩ quan trước mặt Đức Giêsu để Ngài thương cứu sống người nô lệ của ông.
     Viên sĩ quan cũng lương thiện khi nói về mình. Ông không phủ nhận mình có quyền, nhưng cũng lương thiện nhận mình dưới quyền nhiều người khác : “Vì chính tôi đây, tuy dưới quyền kẻ khác, tôi cũng có lính tráng dưới quyền tôi” (Lc 6,8). Khác với nhiều người “nổ long trời, nổ thấy ớn”, nổ có bằng cấp: không có, nổ cho có; có chút đỉnh, nổ cho to, nên chẳng còn biết ai thật, ai giả trong xã hội ngày nay, nên lắm lúc cũng đành cắn răng dè dặt với mọi người…
           Nhưng điểm nổi bật ở những người có mặt trong đám tang con trai bà góa thành Nain là lòng trung thực, lương thiện và thái độ khách quan, tôn trọng sự thật: “Mọi người đều kinh sợ và tôn vinh Thiên Chúa rằng: “Một  vị ngôn sứ vĩ đại đã xuất hiện giữa chúng ta và Thiên Chúa  đã viếng thăm dân Người” (Lc 6,16). Đám đông hôm ấy đã nói điều họ đã nghe và đã thấy ở Đức Giêsu mà không vo tròn, bóp méo, giũa gọt sự thật, nên  lời chứng của họ về Đức Giêsu có sức thuyết phục và  “được loan truyền khắp cả miền Giuđê và vùng lân cận” (Lc 6,17) .
         Qủa thực, Tin Mừng không chỉ mang lại bình an, hạnh phúc thiêng liêng, mà còn cho chúng ta niềm an ủi bên những con người tử tế. Chúng ta cần sống tử tế, như chúng ta cần có những người tử tế sống với mình. Tử tế không chỉ  làm đẹp cuộc đời, làm vui cuộc sống, mà còn là nội dung của Tin Mừng, điều kiện để đón nhận Tin Mừng. Những đức tính nhân bản làm nên người tử tế. Cũng chính những đức tính nhân bản ấy làm nền cho các nhân đức siêu nhiên, bởi không biết quan tâm đến tha nhân, không tình nghiã, không biết ơn, không thông cảm sẻ chia “vui với người vui, khóc với người khóc”, không khiêm tốn phục vụ, không lương thiện - trung thực, hỏi làm sao có thể sống Bác ái : “tìm an ủi người hơn được người ủi an, tìm hiểu biết người hơn được người hiểu biết, tìm yêu mến người hơn được người mến yêu ” ; làm sao có thể sống thứ tha và cầu nguyện cho kẻ làm hại mình ; làm sao có thể trở thành của lễ đền tội mình và đền tội người khác nữa ?
    Thiên Chúa đã dựng nên chúng ta là con người, nên chúng ta không thể bỏ qua bổn phận làm người tử tế trước khi bước vào hàng ngũ những người được Chúa mời gọi nên thánh như Thiên Chúa là Đấng thánh. Vì thế, Tin Mừng mời gọi chúng ta nên thánh, nhưng đồng thời cũng thúc giục chúng ta sống tử tế như nền tảng vững chắc xây dựng đời sống thánh thiện như ý Chúa muốn nơi mỗi người. Ước gì thế giới ngày càng thêm đông đảo những con người tử tế, với những nét tử tế của Tin Mừng.
Jorathe Nắng Tím

Suy Niệm TIN MỪNG Chúa Nhật 18 Thường Niên, Năm B


Suy Niệm TIN  MỪNG Chúa Nhật 18 Thường Niên, Năm B : Gioan 6, 24-35
    Vậy khi dân chúng thấy Đức Giêsu cũng như các môn đệ đều không ở đó, thì họ xuống thuyền đi Ca-phác-na-um tìm Người. Khi gặp thấy Người ở bên kia Biển Hồ, họ nói : Thưa Thầy, Thầy đến đây bao giờ vậy? Đức Giêsu đáp : “Thật, tôi bảo thật các ông, các ông đi tìm tôi không phải vì các ông đã thấy dấu lạ, nhưng vì các ông đã được ăn bánh no nê. Các ông hãy ra công làm việc không phải vì lương thực hay hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh, là thứ lương thực Con Người sẽ ban cho các ông, bởi vì chính Con Người là Đấng Thiên Chúa Cha đã ghi dấu xác nhận”. Họ liền hỏi Người : chúng tôi phải làm gì để thực hiện những việc Thiên Chúa muốn ? Đức Giêsu trả lời : “Việc Thiên Chúa muốn cho các ông làm, là tin vào Đấng Người đã sai đến”. Họ lại hỏi : Vậy chính ông, ông làm được dấu lạ nào cho chúng tôi thấy để tin ông? Ông sẽ làm gì đây? Tổ tiên chúng tôi đã ăn man-na trong sa mạc, như có lời chép : Người đã cho họ ăn bánh bởi trời.
     Đức Giêsu đáp : “Thật, tôi bảo thật các ông, không phải ông Môsê đã cho các ông ăn bánh bởi trời đâu, mà chính là Cha tôi cho các ông ăn bánh bởi trời, bánh đích thực, vì bánh Thiên Chúa ban là bánh từ trời xuống, bánh đem lại sự sống cho thế gian”. Họ liền nói : Thưa Ngài, xin cho chúng tôi được ăn mãi thứ bánh ấy. Đức Giêsu bảo họ : Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói ; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ ! Nhưng tôi đã bảo các ông : các ông đã thấy tôi mà không tin.
    Tin Mừng hôm nay, thánh Gioan cho chúng ta thấy rõ Đức Giêsu đã điểm trúng tim đen của đám đông đang ùn ùn kéo nhau đi tìm Ngài sau phép lạ hoá bánh ra nhiều cho hàng chục ngàn người ăn no nê, mà Tin Mừng Chúa Nhật trước đã cặn kẽ tường thuật (x. Ga 6, 1-15)
    Trả lời câu hỏi của đám đông : "Thưa Thầy, Thầy đến đây bao giờ vậy"? (Ga 6,25), Đức Giêsu đã không ngần ngại bóc trần điều đám đông đang nghĩ về Ngài và điều đám đông đang tìm ở Ngài : “Thật, tôi bảo thật các ông, các ông  đi tìm tôi không phải vì các ông đã thấy dấu lạ, nhưng vì các ông đã được ăn bánh no nê” (Ga 6,26) :
1. Đám đông nghĩ  Đức Giêsu sẽ nuôi họ bằng phép lạ.
   Vì họ đã thấy phép lạ rất ngoạn mục Ngài làm khi hoá bánh ra nhiều  từ năm chiếc bánh và hai con cá, nên nghĩ  Đức Giêsu sẽ tiếp tục và liên tục làm phép lạ nuôi họ. Họ nghĩ như thế, vì như bất cứ con người nào, đám đông hôm ấy cũng mang chung một nỗi lo Ăn.
     Qủa thực, Ăn là nỗi lo triền miên của con người, vì không ăn, người ta không sống được. Tuy sống không phải chỉ để ăn, nhưng không ăn thì không có sự sống, bởi sự sống nào, kể cả động vật đều cần ăn để bảo tồn và phát triển sự sống. Chính vì phải ăn để sống, nên ăn ám ảnh đời  người : cha mẹ mở mắt ra là lo ăn cho con cái ; làm lụng vất vả cũng chỉ vì miếng ăn ; tranh giành, đấu đá cũng chẳng ra ngoài nhu cầu ăn uống, và người ta đã mất nhiều thời gian, tiêu hao phần lớn qũy thời gian sống để lo chuyện ăn uống. Lắm lúc chúng ta cũng trộm nghĩ : nếu sống mà không cần ăn uống, thì cuộc sống chắc sẽ đơn giản, nhẹ nhàng, thảnh thơi hơn rất nhiều..
2. Đám đông nghĩ sẽ không phải làm lụng vất vả, vì đã có Đức Giêsu làm phép lạ nuôi ăn.
  Sở dĩ ăn trở thành là nỗi ám ảnh lớn ở con người, vì kiếm ăn, tìm lương thực là công việc nặng nề đối với bất cứ ai, và hầu như tất cả chúng ta đều đã có kinh nghiệm kiếm ăn nuôi thân mình, hay nuôi  cha mẹ, vợ con. Kinh nghiệm ấy chắc chắn không luôn vui, không luôn đẹp, nhưng thấp thoáng buồn thương, đôi khi hằn sâu ê chề, tủi nhục. Nhìn những người phu quét rác ban đêm, những người ăn xin thất thểu dưới nắng, những bác phu hồ nhễ nhãi mồ hôi, chúng ta hiểu  nhu cầu ăn uống cấp bách và cần thiết đến mức nào, đồng thời cũng chua cay, đắng đót dường bao !
     Chính vì kiếm ăn vất vả, có của ăn là việc khó, mà đám đông được Đức Giêsu nuôi ăn no nê hôm nào nhất định đi tìm Ngài, vì họ nghĩ đi theo Đức Giêsu, họ sẽ không còn phải làm lụng vất vả để kiếm ăn.      
       Thực ra, cả hai điều đám đông nghĩ  đều quy về  một ước mơ, đó là được ăn no nê mỗi ngày mà không phải làm việc vất vả. Họ trông đợi ở Đức Giêsu có bấy nhiêu, họ mơ Ngài làm cho họ có bấy nhiêu, vì hiểu lầm Ngài đến để cho họ ăn, như ngày xưa tổ tiên của họ đã được ăn man-na trong sa mạc (x.Ga 6,31). Họ đã không hiểu điều Đức Giêsu muốn khi làm phép lạ hoá bánh ra nhiều để  họ được ăn no nê :
3. Đức Giêsu muốn họ tin nhận Ngài là Con Thiên Chúa :
   Ngài  trách họ tuy được thấy phép lạ mà vẫn không nhận Ngài là Con Thiên Chúa, “Đấng Thiên Chúa Cha đã ghi dấu xác nhận”  (Ga 6,27). Ngài tỏ ra không hài lòng vì họ không thực hiện ý muốn của Thiên Chúa khi được chứng kiến phép lạ : “Việc Thiên Chúa muốn cho các ông làm, là tin vào Đấng Người đã sai đến” (Ga 6,29). Và nhất lạ Ngài ngỡ ngàng trước câu hỏi và thái độ nghi ngờ của họ, dù chính họ đã được xem thấy tỏ tường phép lạ Ngài làm khi hoá bánh ra nhiều cho họ ăn : Vậy chính ông, ông làm được dấu lạ nào cho chúng tôi thấy để tin ông? (Ga 6,30).
     Hôm ấy, Đức Giêsu chắc hẳn đã không mấy vui vì đám đông đã tìm ăn, hơn tìm Ngài. Đám đông không tìm Ngài nên mới không nhận ra Ngài là Con Thiên Chúa, Đấng Thiên Chúa sai đến. Bao nhiêu phép Ngài làm, bao nhiêu lời Ngài giảng dậy cũng chỉ quy về một mục đích là làm cho mọi người nhận ra Ngài là Con Thiên Chúa. Thế mà, đám đông tìm đến Ngài hôm ấy, dù đã được thấy phép lạ và được ăn no nê vẫn trơ trơ, cứng cỏi, không tin Ngài là Đấng Thiên Chúa sai đến, lại còn ngang ngược thách thức : Ông sẽ làm gì đây? để chúng tôi tin ông (Ga 6,30).
4. Đức Giêsu muốn họ tin Ngài là chính là Lương Thực đem lại sự sống :
    Vì mơ ước tìm được của ăn vĩnh viễn, nghiã là ăn một lần là hết đói cả đời, ăn một lần là no mãi, nên đám đông mới nhốn nháo xin Đức Giêsu cho họ thứ lương thực tuyệt vời ấy (Ga 6,34). Họ nghĩ lương thực ấy không phải là Đức Giêsu, nhưng là một thứ của ăn Ngài cho họ, như cho một cái gì đó ở ngoài Ngài, không là Ngài. Đám đông hôm ấy cũng giống đám đông hôm nay đều rất thực dụng. Họ muốn có ăn, mà không muốn tin Đấng ban cho họ của ăn. Họ muốn tất cả đều dễ dàng, và được quyền sở hữu, hưởng thụ một cách rất tự nhiên, không cần phải đáp ứng bất cứ điều kiện nào. Bằng chứng là đám đông đã thưa với Đức Giêsu : Xin cho chúng tôi được ăn mãi thứ bánh ấy (Ga 6,34), tức bánh trường sinh, bánh ăn một lần là no mãi, no đời đời, khi họ nghe Ngài nói “bánh bởi trời, bánh đem lại sự sống cho thế gian” (Ga 6,33) nhưng lại không tin vào Ngài, không nhận Ngài là Con Thiên Chúa, như Đức Giêsu đã qủa quyết : “Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói ; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ ! Nhưng tôi đã bảo các ông : các ông đã thấy tôi mà không tin”. (Ga 6,35).
      Đã thấy Thiên Chúa mà không tin, đã ăn bánh Thiên Chúa ban bởi trời mà không tin Ngài là Lương Thực đem lại sự sống đời đời là căn bệnh nan y của nhiều người đương thời với Đức Giêsu và cũng là căn bệnh khó chữa của người thời nay. Không muốn tin, đó là vấn đề của con người trước Thiên Chúa, Đấng luôn mời gọi con người tin ở Ngài, vì Ngài là “Đường, Sự Thật và Sự Sống” , nhưng tin hay không là quyền của mỗi người, mặc dù Thiên Chúa biết : không tin sẽ đóng tất cả niềm hy vọng, sẽ khép lại mọi hồng ân. Bởi thế, không tin Đức Giêsu là Thiên Chúa, là Bánh trường sinh, là Lương Thực đời đời nuôi sống, chúng ta sẽ tự mình ra khỏi đồng cỏ xanh rì có Thiên Chúa là mục tử nhân lành yêu thương chăn dắt.
     Xin cho chúng con biết tìm đến  Chúa để tin Chúa là Đấng Cứu Độ giầu lòng thương xót, tìm đến Chúa để đón nhận Chúa là Bánh trường sinh cho chúng con được sống và sống dồi dào (Ga 10,10), và xin đừng để chúng con đi tìm Chúa mà không tin Chúa, đến với Chúa mà không khao khát Chúa sống trong chúng con (x.Gl 2,20). 
Jorathe Nắng Tím

Thứ Tư, 25 tháng 7, 2018

BA ĐIỀU KHÔNG THỂ ĐỂ MẤT


          Đời người vốn vô thường, nên không có gì được coi là vĩnh cửu, không đổi dời, bất biến, trái lại tất cả đều có thể phôi pha, tan biến như  hoa sớm nở tối tàn, như dòng sông lúc đục lúc trong. Vì thế, mất - còn là chuyện bình thường và người ta phải làm quen với những còn - mất xẩy ra trong đời, nếu không muốn đời tàn vì sốc nặng.

     Bạn cũng như tôi ít nhiều đã thấy những người sa cơ thất thế, mới hôm qua “tiền hô hậu ủng”, hét ra lửa, thở ra khói, nói ra tiền, thế mà chỉ qua một đêm không còn gì, mà còn bị truy nã, tù đầy, thân bại danh liệt, gia đình xa lánh, bạn hữu bỏ rơi, thiếu thốn, ô nhục. Có thể bạn và tôi đã nếm mùi thất bại, và hơn một lần thấm thía nỗi khổ của người kém tài năng, nỗi đau của kẻ thua cuộc, hay  nỗi buồn của người bị phản bội. Dù thế nào và tại sao, chúng ta ít nhiều đã hiểu cái trống vắng kinh khủng của mất mát: mất quyền, mất tình, mất người, mất của.

    Trước những lần mất với những cái mất tưởng như không bao giờ tìm lại được, người ta có nhiều lựa chọn khác nhau. Có người căm phẫn, oán hận, trả thù đời, báo thù người; có người sợ hãi, khiếp đảm, chán nản, buông xuôi; có người kiên trì, nhẫn nại tìm cách xây dựng lại từ đầu. Và kết qủa tùy thuộc mức độ đúng sai của mỗi lựa chọn.

     Ở đây, chúng ta không bàn về lựa chọn Çúng sai, cho bằng chia sẻ với nhau về những gì không thể để mất, ngay cả đã mất tất cả; những gì không thể coi như mất, cho dù đã rơi vào tình trạng không còn gì để mất, bởi ở con người luôn có một kho tàng vô gía, bí mật không  được để mất, vì mất kho tàng này, người ta sẽ vô phương tìm lại được những gì đã mất.
  Kho tàng ấy gồm  Khiêm Tốn, Lòng Tốt, và Hy Vọng .

      1. Khiêm tốn:
  Tự bản chất ai cũng muốn mình là nhất, số một, nổi trội hơn người. Không ai muốn thua thiệt, kém cỏi, yếu thế, nên không ai tự bản chất đã khiêm tốn, tự nhiên đã khiêm nhường, tự động là nhu mì, khiêm cung; trái lại, “cái tôi” luôn thúc dục lòng ganh ghét, tính kiêu căng cố hữu không ngừng xúi bậy đầu óc hoạch định những mưu mô, thủ đọan đốn hạ người khác để mình ngoi lên, triệt hạ đối phương để dành cho mình chỗ đứng vững, chỗ ngồi cao, thế thượng phong, vị trí ngất ngưởng. Cũng vì tiềm tàng trong lòng sự ghen tuông, mà người ta sẵn sàng sử dụng bạo lực để thực hiện mọi ý đồ sở hữu, thống trị người khác. Tính tự kiêu, lòng tự phụ, thái độ tự mãn vì thế cứ như diều gặp gió khuynh đảo lý tưởng nhân ái, nhân hoà, nhân hậu là điều không thể thiếu ở con người đạo đức.

   Thực vậy, người không khiêm tốn sẽ khó có thể đứng vững trước những mất mát trong cuộc sống, bởi kiêu căng, người ta không có khả năng chấp nhận những giới hạn của mình, trong khi giới hạn là bản chất của con người, nếu không muốn nói: giới hạn là chính con người. Bị giới hạn bởi không gian và thời gian, con người là sinh vật có nhiều giới hạn và chỉ sống hạnh phúc với ý thức và thái độ lạc quan trước giới hạn không thể tránh của mình. Vì thế, người hạnh phúc trước hết phải là người biết đón nhận giới hạn của kiếp người, dám trực diện với thân phận người vốn giới hạn, và chỉ với tinh thần thông thoáng trước giới hạn , người ta mới hiểu được ý nghiã và giá trị thực của  đời làm người, đồng thời say mê với hạnh phúc được sống đời người nhiều giới hạn.

      Chấp nhận mình có giới hạn, người ta sẽ không căm phẫn khi thất bại, không nản chí, sờn lòng khi thua cuộc, không tuyệt vọng khi mất mát, bởi tận thâm tâm đã sẵn sàng trước thân phận luôn có giới hạn của mình. Nhưng điều quan trọng hơn tất cả, đó là tâm tình và thái độ khiêm tốn ở con người biết mình có giới hạn. Họ khiêm tốn với chính mình, nên không than thân trách phận, hay tự dằn vặt, quay quắt khi thua cuộc. Họ khiêm tốn với người, nên không ghen tức, oán thù, vì ý thức giới hạn không chỉ dành cho riêng họ, nhưng mọi người đều chung số phận. Nhờ thế, họ hiền lành được với mình và bao dung được với người khi sa cơ, khánh kiệt. Người khiêm nhường khác người kiêu căng trong thất bại, khi họ bình tĩnh và đằm thắm chấp nhận những vô thường của kiếp người vốn dĩ giới hạn ở mọi bình diện. Nếu người ngạo mạn phẫn nộ, từ chối giới hạn để sa lầy trong thất bại vì kiêu căng, thì người khiêm tốn làm lại được tất cả từ vực sâu mất mát, bởi họ đứng được trên đôi chân và đi từng bước bằng bàn chân của chính mình. Lòng khiêm tốn cho phép thành công nẩy mầm và nâng đỡ những bước chân tuy có yếu đuối, nhưng không run rẩy, sợ hãi, đầu hàng.

     Tóm lại, trong mọi thất bại và tình huống bi thảm, khốc liệt, chúng ta vẫn không được để mất lòng khiêm tốn, vì chỉ với khiêm tốn, ta mới thương được  mình, hiền lành được với  mình, bao dung được cho mình khi cỗ xe cuộc đời thê thảm đổ dốc, mộng ước không thành, công danh sự nghiệp tiêu tan, bởi chính lúc này, cái mình mới thực là đối tượng bị nguyền rủa, chê bai, trách móc và đáng thương hơn cả. Đánh mất khiêm tốn, mình sẽ cay nghiệt trách móc mình, mình sẽ nghiêm khắc lên án mình, mình sẽ tàn nhẫn hành hạ mình. Đánh mất khiêm tốn, mình sẽ uất hận trước thành công của người khác khi mình thất bại; sẽ bực bội trước may mắn của người khác khi mình  gặp vận xui; sẽ bất mãn, bất bình trước những người có điều kiện thăng tiến hơn mình. Đánh mất khiêm tốn, mình cũng sẽ mất lòng thương của người khác, vì có mấy ai thương kẻ kiêu căng, hợm hĩnh, và mấy người rộng lượng chia sẻ, giúp đỡ kẻ ngạo mạn, ngang tàng?

      Cố giữ  lòng khiêm tốn, dù tất cả có thể mất, để có thể hiền lành, nhẫn nåi làm lại tất cả, tìm lại những gì đã mất. Khiêm tốn chính là chià khóa của thành công và điều kiện của an bình, mà chúng ta không thể để vụt mất.

   2. Lòng tốt:
     Lòng tốt là kho tàng người ta dễ đánh mất nhất, mặc dù là kho tàng không thể để mất, vì vô cùng qúy giá. Người ta dễ đánh mất lòng tốt vì ghen tuông, ích kỷ, không muốn làm cho người khác điều tốt lành, vì sợ người khác hạnh phúc hơn mình. Người ta dễ coi thường lòng tốt vì toan tính, so đo, khi biết tốt với ai là chính mình phải tốn kém, hy sinh cho họ trước. Người ta dễ bỏ quên lòng tốt, vì  thực dụng nghĩ rằng lòng tốt chỉ là xa xỉ của giao tế, đồ trang sức của quan hệ xã hội. Chính vì coi lòng tốt như đồ phụ tùng không cần thiết, mà lòng tốt không luôn giữ được vị trí trọng yếu của mình nơi con người. 

    Lòng tốt được gọi bằng nhiều danh xưng khác nhau như lòng nhân, nhân đạo, nhân ái, thiện tâm, lòng thành. Tuy mỗi danh xưng có một sắc thái riêng biệt, nhưng tựu trung tất cả đều quy về tấm lòng tốt  con người dành cho nhau. Lòng tốt vì thế nói lên phẩm chất cao qúy của con người, nét đẹp nhân loại mà chỉ loài người mới có. Điều này có nghiã : nếu làm người mà không có lòng tốt, thì qủa thực không xứng đáng là người, không xứng hợp với địa vị của con người được sinh ra trong đời từ lòng tốt của mẹ cha, lớn lên nhờ lòng tốt của nhiều người, và có lòng tốt với người khác là bổn phận phải chu toàn. Do đó, người không có lòng tốt, thiếu thiện tâm, nhân ái, lòng thành là người không có đạo đức làm người, và người đời thường nặng lời lên án là hạng người “lòng lang dạ thú”, lang đây là lang sói, thú đây là thú dữ, như lời nguyền rủa  nặng nề dành cho những người không ăn ở tốt, không cư xử tốt với người chung quanh.

   Ở đây chúng ta bàn về lòng tốt như cọc neo kềm giữ  con thuyền  trước sóng gió, như ngọn hải đăng trong đêm tối mịt mù, như núi đá an toàn che chở những chiếc thuyền bé bỏng, mong manh, khi cuộc đời bước vào những khúc rẽ nguy hiểm, những  dốc núi cheo leo, những cây số cơ cùng, thảm hại. Chính  lúc không còn gì để mất lại là lúc phải giữ và không chịu để mất lòng tốt như chiếc phao  cứu sinh, điều mà chúng ta thường không mấy quan tâm, chú ý.
   
  Thực vậy, khi  thất bại chính là lúc lòng tốt ở chúng ta bị chao đảo hơn bao giờ hết, bởi không dễ tiếp tục làm điều tốt khi lòng tốt bị lợi dụng; không dễ nghĩ tốt cho người khác khi người khác chơi xấu, phản bội; không dễ kiên nhẫn trao ban những điều tốt lành, khi người bên cạnh không chỉ “ăn cháo đá bát” mà còn nhẫn tâm trân tráo truy diệt. Lòng tốt còn bị thử thách nặng nề khi vì lòng tốt mà chịu thua thiệt toàn phần, mất mát toàn bộ. Không thiếu những người đã rất tốt, nhưng sau những vô ơn, phản bội đã không còn dám tốt nữa; có những người từng là đại ân nhân của nhiều người, nhưng sau những “cú đá giò lái” ngoạn mục, những màn “ném đá dấu tay” của những người đã chịu ơn mình, nay trở nên thờ ơ, lạnh lùng, xa lạ với lòng tốt và những công việc tốt năm xưa. Lòng tốt cũng dễ bị đánh gục bởi những thị phi vô trách nhiệm, và hoàn cảnh  nghiệt ngã.
        
     Nhưng nếu lòng tốt cũng bị  phũ phàng cuốn trôi theo những vô ơn, phản bội, và những mất mát, thiệt hại khác như uy tín, công danh, sự nghiệp thì qủa thực chúng ta mất hết, không còn gì, ngay cả lẽ sống cuộc đời. Nếu lòng tốt là một trong ba chân kiềng cho đời ta đứng vững để tìm lại những gì đã mất, kiến tạo lại những gì đã bị hủy hoại, tàn phá, mà bị ta đánh mất đi, thì đích thị ta là người vô phúc đã đưa vào nhà mình tai ương, hiểm họa lớn nhất.

      Rất nhiều người đã rơi vào thảm cảnh này, khi lòng tốt bị phá sản chỉ vì những giá trị khác đã bị phá sản. Không thiếu những người đã “chết chìm không sủi bọt”, khi khai tử lòng tốt, chỉ vì lòng tốt trao ban đã không được đáp trả. Và người ta gặp được nhan nhản những con người mỏi mệt, chán đời, sợ người, vắng bóng lòng tốt đang khép kín, đóng chặt đời mình trong vỏ ốc vô cảm lạnh lùng.

      Tóm lại, lòng tốt không thể bị hư hao, xuống cấp, càng không thể biến đi, dù lòng tốt ấy có bị bầm dập, chà đạp, nghiền nát đau đớn, thê lương thế nào đi nữa, bởi lòng tốt không thể rời xa con người, không thể tách khỏi con người, không thể vắng mặt ở con người, nếu không, con người sẽ đánh mất giá trị sau cùng của nó, và tiêu tan hết chất người như lẽ sống không thể thiếu.

     Vì thế, đau khổ, thất bại không thể là lý do cho phép lòng tốt vắng mặt;  thua cuộc, mất số, mất cửa không thể biện hộ cho sự ra đi của lòng tốt; thất bát, khánh kiệt cũng không thể lý giải cho việc đầu hàng, nghỉ hưu non của lòng tốt. Trái lại, lòng tốt phải ở lại, dù ở giữa đống tro tàn thất bại; lòng tốt phải bám trụ, dù sóng gió tấn công tứ phía; lòng tốt phải sống, dù tất cả dường như đã chết; lòng tốt phải dành chiến thắng cuối cùng, dù chung quanh chỉ là tro tàn, chiến bại, bởi lòng tốt có sức mạnh cứu sống, làm được phép lạ hồi sinh, thực hiện được những công trình  vĩ đại từ đổ nát, suy vong.

     Thực vậy, chúng ta không thể viện bất cứ lý do gì để triệt thoái, thối lui, trốn chạy nghiã vụ nghĩ tốt, nói tốt, làm tốt cho người khác, dù rơi vào bất cứ hoàn cảnh nào. Lòng tốt là sức mạnh, niềm vui của con người, mà rời lòng tốt ra, con người không thể nhận ra phẩm giá cao quý và hạnh phúc được làm người của mình, bởi lòng tốt là tấm gương tuyệt vời cho ta thấy mình, cho người gặp ta.      

 3. Hy Vọng:
     Không lúc nào cần hy vọng bằng khi sắp thất vọng. Người ta chết không phải vì đói cho bằng chết vì thất vọng, tuyệt vọng và tuyệt vọng thường nhanh chân có mặt khi ta làm ăn thất bát, và thất vọng thường đòi can thiệp khi công không thành, danh không toại .
     
    Mất hy vọng, ta rơi vào thất vọng, tuyệt vọng. Thất vọng khi nghĩ  mình vô tài bất tướng, tội lỗi đầy mình, sai lầm ngập lối. Tuyệt vọng khi cho đời mình vô tích sự, hoàn toàn bế tắc, không lối thoát, nhất là cuộc đời ấy không còn hướng đi, lý tưởng, ý nghiã, giá trị. Người càng tham vọng, càng dễ thất vọng; càng mơ ước cao xa, càng thẳm sâu hụt hẫng.Vì thế, những người kiêu căng, khát quyền, đói danh thường dễ thất vọng, tuyệt vọng hơn người khiêm tốn, đơn sơ.

     Cũng như khiêm tốn, lòng tốt là kho tàng không thể để mất, hy vọng cũng là báu vật phải giữ lấy suốt đời. Có hy vọng, khổ đau, ô nhục cũng phải lùi bước; với hy vọng, bế tắc cũng phải hạnh thông, bởi hy vọng đem lại ánh sáng niềm tin, đem lại nghị lực để phấn đấu, đem lại can đảm để chịu đựng và tình yêu để thăng tiến. Hy vọng là ánh sáng trong đường hầm, là người hướng đạo bền chí và trung tín. Có hy vọng, mọi vấn nạn đều có phương án, mọi khó khăn, bế tắc sẽ được giải quyết, bởi hy vọng là người bạn trung thành và giỏi giang luôn có mặt khi ta lâm nạn, cô đơn, suy sụp.
Thực ra, cả ba kho tàng đan quyện, quấn chặt vào nhau:

·          Khiêm tốn là chân móng đóng sâu vào đất làm điểm tựa vững chắc cho cuộc đời, nhờ thế, cuộc sống không chênh vênh vì tham vọng ngôi thứ, không phập phồng sợ mất ghế, mất ngôi, nhưng vững chãi, bền bỉ. Khiêm tốn được xem như thành qúach an toàn của bình an, vì người khiêm tốn tránh được nhiều tai họa do tính kiêu căng, tự mãn. Họ được người thương và bình an như phần thưởng lớn nhất dành cho con người luôn ở với họ.

·         Lòng tốt như đôi tay giang rộng làm cho đời người rực rỡ niềm vui; như cánh tay nối dài vươn  đến vô tận của tình người; như những nhịp cầu duyên dáng đang tỏ tình với từng nhánh sông, khe suối trên cùng đường về đại dương yêu thương. Lòng tốt bảo đảm tương quan tốt đẹp giữa người với người, và gìn giữ, thăng tiến tình yêu tha nhân. Lòng tốt luôn đem lại hạnh phúc cho người có nó, vì hoa trái của lòng tốt chính là bình an, hạnh phúc qúy gía nhất con người hằng tìm kiếm.

·       Một khi đã có khiêm tốn là bệ đứng vững chắc, và lòng tốt để đến với tha nhân, thì niềm hy vọng sẽ xuất hiện và hướng con người  lên cao, nâng con người đến tận Chân - Thiện - Mỹ. Người hy vọng là người vượt qua được tất cả, dù tất cả  có nặng nề, cồng kềnh, khó khăn, trắc trở, phức tạp, khó mang, khó vác, khó cam đến đâu. Và cùng một phần thưởng lớn nhất, người có niềm hy vọng là người  sống bình an, bởi không niềm hy vọng nào không mang về hoa thơm trái ngọt của hạnh phúc đích thực là An Bình.

   Để kết luận, ta có thế thăng bằng hoàn hảo trong mọi hoàn cảnh, tình huống. Thế thăng bằng được xây dựng theo không gian ba chiều: chiều sâu có Khiêm Tốn, chiều ngang có Lòng Tốt và chiều cao có Hy Vọng. Khiêm Tốn làm nền, Lòng Tốt vươn ra, lan tỏa và Hy Vọng vút cao ngút ngàn. Cả ba liên kết tạo nên An Bình đích thực là hạnh phúc Thiên Chúa hứa ban và con người luôn tìm kiếm.
    
Cầu chúc qúy bạn tìm được Bình An trong thế quân bình hoàn hảo trong mọi  thử thách, gian truân.    
              
Jorathe Nắng Tím