Mỗi lần mừng lễ thánh Gioan Tẩy Giả, tôi lại chạnh lòng thuơng ngài. Sắp
đến ngày Ngài chịu chém cổ, tôi lại thấy lòng mình se thắt hơn.
Tôi chạnh lòng thương ngài, vì các thánh khác thì ai cũng được tuyên
phong và có triều thiên, phẩm hàm, ngai toà chính xác như thánh tông đồ, thánh
giám mục, thánh tiến sĩ, thánh tử đạo, thánh hiển tu, thánh anh hài .., nhưng
ngài thì ở ngoài những phạm trù, hàng ngũ trọng vọng nhưng quen thuộc, biên chế
đó. Ngài chỉ được mang cái tên “Gioan,
Người Làm Phép Rửa”, cái tên thiên hạ đặt cho khi thấy ngài rửa tội xám hối cho
đám đông người Do Thái bên bờ sông Giorđan. Vậy mà cái tên ấy, ngay lập tức đã
bị chính ngài giản lược, xì hơi, tháo bỏ ngòi nổ ngay : “Tôi đây chỉ làm phép Rửa
trong nước thôi, nhưng có một vị đang ở giưã các ông mà các ông không biết. Người
sẽ đến sau tôi và tôi không đáng cởi quai dép cho Người” (Ga 1, 26-27).
Tôi chạnh lòng mến phục ngài, vì ngài không chộp giựt cơ hội, nắm bắt
cao trào, lợi dụng đám đông, mê hoặc quần chúng cho thế lực và vinh quang của
riêng mình, mặc dù ở thời điểm đó, ngài được xem như siêu sao, trúng thời như diều gặp gió. Được hỏi
: Ông là ai ? Ngài tuyên bố thẳng thắn : “Tôi không là Đức Kitô, không là Êlia,
cũng không là ngôn sứ” (Ga 1,19-20). Từ bỏ đến thế là cùng, khi thanh thản và qủa quyết : Không là Đấng Cứu
Thế mà thiên hạ đang trông ngóng, không
là Êlia mà cả dân Do Thái ngưỡng mộ, cũng không là ngôn sứ , người của Thiên Chúa
sai đến nói với dân.Không là ai trong số những nhân vật quan trọng và được tuyệt
đối trọng vọng này thì là ai? Vì ngoài
những đấng bậc này, chẳng còn ai để dân
có đạo Do Thái phải kính sợ, tôn sùng.
Tôi chạnh lòng ngưỡng mộ ngài, vì ngài
khiêm tốn nhận mình là "tiếng người hô trong hoang địa" : “Hãy sửa đường cho thẳng
để Đức Chúa đi” (Ga 1,23). Eo ơi, ghê quá,
vì một mình đi trong hoang địa : cô đơn và nguy hiểm! Uổng công lắm, vì tiếng
người chứ đâu phải tiếng sấm sét hay tiếng gấu cọp đâu mà mong có người nghe giữa
sa mạc? Dễ bị coi là ảo tưởng, mát giây, chạm điện, tưng tửng lắm vì Đức Chúa nào
lại cần con người dọn đường, mà có dọn thì cũng chỉ dọn dẹp đại lộ, xa lộ, hay cao tốc thôi, chứ Đức Chúa nào lại xuống sâu dưới thung lũng, vượt núi đồi hiểm trở, trèo dốc đá cheo leo, bì bõm
lội đầm lầy? (Lc 3,5).
Tôi chạnh lòng trân qúy ngài, vì ngài không giữ lại cho mình những môn đệ
mà ngài đã dầy công đào tạo, vì cứ thói thường : sư phụ nào cũng muốn có môn
sinh ở gần để có người lắng nghe, ở bên để có người sai bảo, kề cận đêm ngày để
có người hầu hạ, thực hiện ý muốn, chương trình của mình. Nhưng Gioan thì khác,
ngài đã vui vẻ giới thiệu và chuyển giao tất cả môn đệ của mình cho Đức Giêsu,
và can đảm nhìn họ quay gót bỏ ông để đi theo Đức Giêsu (Ga 1,35-37).
Và tôi chạnh lòng cảm thương ngài khi nghe Hêrôđê truyền
đem đầu của ngài từ trại giam lên cho mẹ con bà Hêrôđia : “Số là vua Hêrôđê
đã sai người đi bắt ông Gioan và xiềng ông trong ngục. Lý do là vì vua đã lấy bà
Hêrôđia, vợ của anh là Philípphê, mà ông Gioan lại bảo : Ngài không được phép lấy
vợ của anh ngài”! Bà Hêrôđia căm thù ông Gioan và muốn giết ông, nhưng không được...(Mc
6,17-19).
Một ngày thuận tiện đến : nhân dịp mừng sinh nhật của mình, vua Hêrôđê mở
tiệc thiết đãi bá quan văn võ … Con gái bà Hêrôđia nhảy múa làm cho nhà vua và
khách dự tiệc vui thích. Nhà vua nói với cô gái : “Con muốn gì thì cứ xin, ta sẽ
ban cho con”. Vua lại còn thề : “Con xin gì, ta cũng cho, dù một nửa nước của
ta cũng được”. Cô gái đi ra hỏi mẹ : “Con nên xin gì đây?” Mẹ cô nói : “Đầu
Gioan Tẩy Giả”. Lập tức cô trở vào đến bên vua mà xin rằng : “Con muốn ngài ban
ngay cho con cái đầu ông Gioan Tẩy Giả, đặt trên mâm”. Nhà vua buồn lắm, nhưng đã
trót thề, lại thề trước khách dự tiệc, nên không muốn thất hứa với cô. Lập tức,
vua sai thị vệ đi và truyền mang đầu ông Gioan tới. Thị vệ đi, chặt đầu ông ở
trong ngục, bưng đầu ông trên một cái mâm trao cho cô gái, và cô gái trao cho mẹ
(Mc 6,17-28).
Gioan chết vì sự thật, vì dám nói
sự thật, dám đem mạng sống mình để làm chứng và bảo vệ sự thật, nên phải
mất đầu, thiệt mạng, bởi số phận của người nói thật, nhân chứng của sự thật ở đâu
và thời nào cũng đều hẩm hiu, thê lương giống nhau. Gioan đã bị chém đầu vì yếu
đuối của vua Hêrôđê trước đàn bà. Thế mới
biết đàn ông rất khó đứng vững trước đàn bà, một khi đàn bà đã quyết tâm giăng
bẫy, ngay cả trước đó đã ý thức nguy hiểm của cạm bẫy, và lượng định mức độ cực
kỳ lợi hại của phụ nữ, kể cả dồn hết quyết
tâm và kiên định không để bị sập bẫy như vua Hêrôđê không chỉ biết rõ : “Gioan là người công chính thánh thiện,
mà còn sợ ông và muốn che chở ông nữa” (Mc 6,20).
* **
Sáng nay, đang khi viết về thánh Gioan Tẩy Giả, tôi chợt nhớ bài giảng của
Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm, Giám Mục Mỹ Tho trong thánh lễ mừng ngân khánh
Giám Mục của Đức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn. Theo ngài, Giám Mục, qua
con người của Đức Hồng Y Gioan Baotixita, là người vun trồng sự hiệp nhất và bảo
đảm tương quan hài hoà. Để thực hiện đòi hỏi ấy, Giám Mục là người nhìn từ trên cao, để có thể nhìn xa, nhìn
rộng, nhìn bao qúat. Giám Mục còn phải có lòng bao dung và điềm tĩnh để có thể đón
nhận những khác biệt, vượt qua những khác biệt và hoá giải những khác biệt, bởi
tổ chức, cộng đồng càng lớn, khác biệt, xung đột càng nhiều.
Giám Mục nói về Giám Mục thì còn gì phải thêm bớt? Đắc ý với Đức Cha Phêrô, tôi cũng thú vị với ý
nghĩ lạc đề của mình, và liều lĩnh viết
ra đây :
Gioan Tẩy Giả đã khởi sự sứ vụ “Người Làm Phép Rửa” của mình vào một hoàn
cảnh, ở đó người ta qúa say mê ngưỡng mộ, và cuồng nhiệt thần tượng ông. Đám đông đã tự động, tự phát,
đồng tình gán cho ông những danh hiệu cao qúy, huy hoàng mà ông không có : Đấng
Cứu Thế, Êlia, Ngôn Sứ ; Giám Mục ở ngày
tấn phong cũng được vô số người chúc tụng và được đám đông biến thành siêu sao
với đủ mầu sắc huyền thoại, mặc dù các ngài không muốn, không tìm, cũng chẳng hề
hay biết, nhưng dư luận thì cứ tha hồ luận
dư ra, và huyền thoại cứ thi nhau tung hứng mà tăng cấp hão huyền..Thật tội
nghiệp !
Gioan Tẩy Giả là người của quần chúng, đứng trên cao, trước mặt nhiều người
nên không thể không công khai lý lịch, và đám đông đã “gay gắt” hạch hỏi ông đến
cùng, mặc dù ông đã trả lời đến ba lần : tôi không phải là người này, người kia
; Giám Mục cũng là đối tượng bị chiếu tướng bởi
nhiều người, vì trách nhiệm lãnh đạo, sờ sờ trước mắt nhân dân, sừng sững
“đứng mũi chịu sào”, nên trăm bề khổ sở với đủ thứ thắc mắc linh tinh, ý kiến ý
cò được đặt ra bởi đủ thứ người : thương - ghét, phò- chống, xa- gần, có mặt - vắng mặt, thân hữu - đối phương.
Tẩy Giả nói sự thật, nên bị
bắt giam ; không đầu hàng sự ác nên bị chém đầu ; Giám mục cũng thế thôi, tuy
không bị chém đầu đổ máu, nhưng cũng chết lên chết xuống, lên bờ xuống ruộng và ngậm đắng nuốt cay đủ kiểu, đủ điều. Và cuối đời
sứ vụ, cũng như Gioan Tẩy Giả một mình tức
tưởi bị chém trong ngục, hầu hết Giám Mục đều
chung một kết cục: ra đi lặng lẽ cô đơn. Viết đến đây, với lòng yêu mến
sâu xa, con xin được tưởng nhớ Đức Cha
Micae Nguyễn Khắc Ngữ, Đức Cha Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm, Đức Cha Giuse Vũ Duy
Thống và Đức Tổng Phaolô Bùi Văn Đọc là những Giám Mục đã góp phần lớn làm nên đời
con.
Thiết tưởng với hai thái độ căn bản này, chúng ta đã làm được bước chân thứ nhất, là bước chân luôn khó trên
hành trình cùng xây dựng Hiệp Nhất và Hài Hoà
trong cộng đồng dân Chúa luôn luôn nhiều khác biệt nhưng phong phú tuyệt
vời.
Mừng thánh Gioan Tẩy Giả, xin Ngài là “tiếng hô trong hoang địa” cho chúng con tinh
thần “Thiên Chúa phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ đi” để có thể hiệp thông cùng với
Đấng Bản Quyền là các Giám Mục giới thiệu Đức Giêsu, “Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian” cho thế giới hôm nay (Ga
1,29).
Jorathe Nắng Tím