Pages - Menu

Thứ Tư, 19 tháng 9, 2018

Chương VI NGHỆ THUẬT THƯỞNG - PHẠT


   Là nhà giáo dục, cha mẹ như người trông cây phải bát sâu, tỉa lá, cắt cành khi cần để cây lớn nhanh, tươi tốt làm đẹp cho đời. Con cái cũng như cây non cần được uốn nắn, nếu không sẽ biến thành cây hoang, cỏ dại vất vưởng, vô tích sự. Uốn nắn đòi sửa chữa, uốn nắn cần thưởng phạt: thưởng để khuyến khích, thúc đẩy;  phạt để sửa trị, chấn chỉnh. Giáo dục không thưởng phạt sẽ không mang lại hiệu quả, nhưng thưởng phạt không dễ, vì đó là một nghệ thuật trong giáo dục, mà bất cứ cha mẹ nào cũng phải nắm vững những nguyên tắc căn bản để thưởng phạt không phản tác dụng, gây thiệt hại cho người được giáo dục: con cái.  Đã làm cha mẹ thì ai cũng biết thưởng, phạt con,  nhưng có cha mẹ thưởng nhiều hơn phạt, một số khác chỉ hăm he, rình rập phạt mà lơ là khen thưởng.

1. Cha mẹ chỉ lo khen thưởng
   Phần đông, những cha mẹ này lúc đầu dùng phần thưởng để khuyến khích, nhưng dần dà phần thưởng biến thành mồi câu “con”. Khen thưởng đến một lúc không còn giá trị khuyến khích, thúc đẩy, mà biến thành một thứ trao đổi. Đứa con quen được thưởng sẽ mất ý thức phải làm việc, phải học như một bổn phận, và thành quả thu hoạch là điều đương nhiên. Mất ý thức bổn phận, con sẽ tự cho mình quyền được cha mẹ khen thưởng mỗi   khi làm được việc gì, và cha mẹ tự động rơi xuống phận  con nợ. Nhưng nguy hiểm lớn nhất chính là con cái sẽ   không còn chân nhận giá trị đích thực của lời khen, phần thưởng, mà chỉ coi như một quyền lợi tất nhiên, một sở  hữu có sẵn.
2. Cha mẹ chỉ lo sửa phạt  
     Trái ngược với cha mẹ chỉ lo khen thưởng, những cha mẹ này lại chỉ lăm le bắt lỗi, trừng trị, sửa phạt. Bầu khí gia đình lúc nào cũng nặng nề, căng thẳng, vì cha  mẹ rình rập sai phạm của con để quát mắng, đe loi, trừng phạt. Cha mẹ từ nay biến thành cảnh sát, ông kẹ, ngáo ộp làm ngột ngạt đời sống con cái. Với những cha mẹ  này, con cái là những cục đất sét để tha hồ nặn nên hình tượng như ý muốn. Và để được nặn thành hình tượng, đất sét phải câm nín, cúi mặt, đánh mất đời mình. Đất sét chính là số phận của những đứa con thường xuyên bị cha mẹ la mắng, trừng phạt, mà không được khen thưởng, khuyến khích. Chỉ lo trừng phạt, cha mẹ làm tổn thương nhân vị, làm bế tắc đời sống tâm lý, và đánh mất lòng tự tin, ý chí tiến thủ của con cái. Ý hướng tốt của cha mẹ là muốn con nên người, thành công, thành đạt, nhưng “chính sách đao tạo”  bằng trừng phạt, đe loi đã làm hỏng tất cả, khi con cái trở thành những đứa bé nhút nhát, sợ sệt, khép kín, không tin ở mình, và cũng chẳng dám tín thác, tin tưởng ai. Sửa phạt mà không khen thưởng, hay chỉ khen thưởng mà quên sửa phạt, cả hai đều thái quá, bất cập và đưa đến nhiều hậu quả tiêu cực, mà nạn nhân là con  cái: họặc sẽ trở thành những ông vua, bà chúa bắt người  khác phải đáp ứng yêu sách vô lối của mình, hoặc thành những người có tuổi đời lớn mà tinh thần mãi non dại, ấu tri, yếu đuối, nhát đảm, lệ thuộc. Như thế, khen thưởng và sửa phạt, cả hai đều cần thiết trong giáo dục, nhưng không phải khen thưởng thế nào cũng được, và sửa phạt thế nào cũng xong. Vì là nghệ thuật, nên khen thưởng phải khôn ngoan, và sửa phạt phải khéo léo, nếu muốn đem lại hiệu quả giáo dục. Chúng ta lần lượt đề cập những nguyên tắc căn bản của hai nghệ thuật khen thưởng và sửa phạt này:
a. Khen thưởng 
    Mục đích của khen thưởng là chân nhận và khuyến  khích. Khi khen con, cha mẹ chứng thực việc con làm là đúng: đúng bổn phận, đúng đạo lý, đúng lương tâm, đúng đòi hỏi, đúng nhu cầu, đúng đường hướng. Vì thế, một việc xấu, không đúng, không hợp sẽ không được khen. Cũng thế, khi thưởng con, cha mẹ khích lệ, ủng   hộ việc con làm, thúc đẩy, khuyến khích con tiếp tục cố gắng phát huy, vì đó là việc tốt, điều hay, mang lại lợi  ích chính đáng. Chân nhận công việc tốt, cũng là chân nhận khả năng của con. Khuyến khích con cố lên nữa, cũng là tỏ cho con sự hài lòng, mãn nguyện của cha mẹ trước thành quả của công việc. Nhưng cả hai điều trên không có nghia biến con thành ân nhân của cha mẹ, ân nhân của người khác khi lấy đi ý thức bổn phận và trách nhiệm nơi con. Nói cách khác, hành động khen thưởng của cha mẹ phải dừng lại trước ngưỡng cửa “bổn phận” của con, để con biết rằng: Cha mẹ khen con vì con đã cố gắng chu toàn  một nghia vụ phải chu toàn, một bổn phận phải thực  hiện. Như em bé học giỏi, được điểm cao được cha mẹ khen thưởng. Nếu cha mẹ không khôn ngoan khi khen   thưởng, em sẽ coi việc học của mình là ân huệ em ban cho cha mẹ, thay vì học là bổn phận em phải thực thi, bởi mỗi lần được điểm cao, em lại thấy cha mẹ vui, nên  có cảm tưởng mình là “người ban ân huệ”. Xóa nhòa ý  thức bổn phận nơi con cái khi khen thưởng, cha mẹ đã   thay ngôi đổi vế, để con là người cần được giáo dục trở  thành người chủ có quyền đòi hỏi cha mẹ khen thưởng mỗi khi làm xong việc mình phải làm.
    Tóm lại, ra khỏi mục tiêu “chân nhận, khuyến  khích” khi khen thưởng, cha mẹ có thể đẩy con ra khỏi quỹ đạo của bổn phận và biến con trở thành những người vô trách nhiệm, khi mất ý thức bổn phận vì được cha mẹ khen thưởng cách thái quá, và thiếu khôn ngoan. Đã làm cha mẹ, ai cũng thích khen con, thưởng con, nhưng khen không đúng cách, thưởng không đúng đường sẽ làm con mất hướng trên hành trình cuộc sống và đẩy con rơi xuống vực thẳm kiêu hãnh, ích kỷ, tai hại cho chính con mình.  
    b. Sửa phạt  
   Có nhiều cha mẹ không phạt, đúng hơn là không   dám phạt con bao giờ. Lý do có thể: 
 • Vì cha mẹ có nhiều lầm lỗi, nên mang mặc cảm có tội với con.  
• Vì bất nhất trong hình phạt, nên hình phạt không còn tác dụng.  
• Vì thiếu uy quyền, nên sợ con “trừng phạt” lại.  
• Vì không độc lập kinh tế ma phải lệ thuộc vao con, nên không dám sửa phạt con. 
 • Vì biết có phạt cũng chẳng đi đến đâu; bởi “chứng  nào tật ấy” sẽ không thay đổi được gì ở con. Làm cha mẹ, không ai phủ nhận sự cần thiết của  việc sửa phạt con cái, vì con như cây non, không uốn nắn sẽ “chẳng ra làm sao”, hoặc sẽ thành người vô tích sự sau này. Bỏ qua những cha mẹ vì nhiều lý do khác biệt đã không dám sửa phạt con cái, chúng ta cùng chia sẻ vấn đề sửa phạt với các cha mẹ đang thao thức với  nghĩa vụ, và công trình giáo dục mà sửa phạt nắm giữ  phần quan trọng. Trước hết, ý nghia sửa phạt đã được nêu rõ trong danh xưng: sửa chữa sai trái, chỉnh sửa lệch lạc kèm theo   hình phạt tương xứng. Nhưng tại sao đã chỉnh sửa rồi mà còn chịu phạt? Thưa, hình phạt cần thiết không chỉ như một đền bù  bất công đã gây ra, mà còn cần thiết để nhắc nhớ trách nhiệm đã không được chu toàn, bổn phận đã không được thực hiện. Khi sai phạm điều gì, người ta cần phải nhận ra điều mình đã sai, việc mình đã phạm, đồng thời phải ý thức trách nhiệm cá nhân trên những việc, những điều sai trái đó. Hình phạt mang sứ mệnh đánh dấu những thiếu sót trong nghia vụ, cũng như những sai phạm vì vô trách nhiệm. Hình phạt như một hàng kẻ chạy ngang trang giấy để đánh dấu và đóng lại chuyện cũ lỡ lầm. Đón nhận hình phạt như sang trang sách mới, người có ý thức trách nhiệm sẽ không coi hình phạt như nhục hình, nhưng vui vẻ và trưởng thành đón nhận với một tâm hồn  đầy thiện chí thăng tiến, đổi mới. Vì thế, cha mẹ phải học sửa phạt để sửa phạt không trở thành phương tiện cha mẹ trút giận, hay thùng rác cha mẹ tuôn đổ điên cuồng, nhưng sửa phạt luôn giữ  phong cách giáo dục của mình. Bài học sửa phạt mà cha mẹ cần lưu ý gồm những nguyên tắc sau: 
     a.1. Sửa phạt là thương yêu rất nhiều  
    Không bao giờ để sửa phạt lạc ra khỏi quỹ đạo của tình yêu, trái lại cha mẹ phải chứng tỏ cho con cái thấy: Vì yêu nhiều nên mới cam lòng sửa phạt; vì thương lắm nên mới se dạ thắt lòng sửa phạt để uốn nắn, để con hiểu được điều này, cha mẹ tránh thái độ gầm gừ, đắc thắng, trấn áp, thống trị, nhưng bình tinh, điềm đạm để phân  tích từng chi tiết của lý do đưa đến quyết định sửa phạt. Thái độ bình an của cha mẹ sẽ giúp con nhận ra cha mẹ vẫn luôn yêu thương, và sửa phạt không ra ngoài mục  đích giúp con vượt qua yếu đuối, lỗi lầm để thăng tiến. Thái độ yêu thương khi sửa phạt rất quan trọng, bởi khi bị sửa phạt, con cái quan sát rất kỹ thái độ của cha mẹ, và qua thái độ khi sửa phạt, con cái sẽ biết mức độ yêu thương của cha mẹ.  
    a.2. Không đồng hóa con và lỗi lầm con phạm  
   Trong cơn nóng giận, cha mẹ thường bị đẩy vào một sai lầm nguy hiểm, đó là đồng hóa con mình với lỗi lầm con vừa phạm, và nặng lời lên án, đại loại như: Mày là thằng ăn cắp, mày là đứa mất dạy, mày là đồ bất hiếu, mày là đứa lăng loàn, mày là phường đi thoa… Bằng những ngôn từ “phản giáo dục”, cha mẹ có thể gán cho con những nhãn hiệu rất đáng kinh tởm, và quên rằng những nhãn hiệu tồi tệ đó sẽ đi theo con suốt cuộc đời,  nếu không trong gia đình, lối xóm, thì ít nữa cũng khắc sâu trong tâm khảm của con. Đồng hóa con với tội lỗi con phạm, và gắn lên đời con những nhãn hiệu không mấy tốt đẹp là hành động thiếu nhân bản, nếu không muốn nói là tàn ác, bởi con sẽ   suốt đời mang mặc cảm bị nguyền rủa thậm tệ, bị kết án độc địa từ chính miệng của cha mẹ, là người sinh thành   và ước mơ hạnh phúc cho con. Khó có thể đo được mức tàn phá tinh thần vì thái độ cay nghiệt, tàn nhẫn của cha mẹ, và cũng khó lường nổi vết thương lòng ngày càng hoắm sâu của con khi bị cha mẹ gọi mình bằng tên của “tội lỗi”. Như thế, khi sửa phạt, cha mẹ sửa lỗi con đã phạm, phạt con vì con đã sai lỗi, nhưng không hạ danh dự của con, làm tổn thương nhân phẩm của con, không cấm vận  hạnh phúc, và tình yêu của con, nhất là không vùi dập, chà đạp “nhân tính” của con khi gán cho con tên của một   thứ tội.  
    a.3. Không quên mục đích của sửa phạt là giúp con ý thức trách nhiệm để trưởng thành hơn 
     Hình phạt không mang mục đích mưu tìm hạnh phúc là hình phạt man rợ, phi nhân. Khác với tra tấn, hành hạ,  sửa phạt của cha mẹ là sửa phạt của yêu thương nhằm mục đích giúp con ý thức trách nhiệm trên hành động của mình. Người trưởng thành là người bước đi trên đôi chân của mình, làm chủ đời sống mình, mà không lệ thuộc, sống đời tầm gửi. Một trong những điều kiện của trưởng thành là có trách nhiệm. Có trách nhiệm là nhận ra chính mình trên công việc, và kết quả của công việc mình làm. Vì nhận ra mình, nên không sợ nhận mình đã làm sai, làm hỏng; không hèn nhát đổ thừa, đổ lỗi, vu oan cho người khác; càng không chối quanh, lươn lẹo “đánh bùn sang ao” khi công việc bất thành, hay đem lại hậu quả tiêu cực. 
     Khi cho con biết mục đích của sửa phạt là giúp con bước vững chắc vào đời bằng chính đôi chân mình, là bay vào trời rộng bằng đôi cánh của mình, con cái sẽ vui vẻ đón nhận hình phạt, vì biết rõ hình phạt chỉ là phương cách giáo dục, giúp con để trưởng thành hơn. Khi đó, cả cha mẹ và con cái sẽ cùng nhìn hình phạt như phương tiện mưu tìm tương lai cho con và hạnh phúc chung cho mọi người. Tóm lại, không thể phạt con mà không cho con biết  mục tiêu của hình phạt, và để được như thế, cần có đối thoại cởi mở, thân tình giữa cha mẹ và con cái trước khi hình phạt được công bố và thi hành. Nói đến đối thoại, chúng ta mường tượng ngay một bầu khí thông cảm, hiểu biết, và yêu thương giữa cha mẹ, con cái. Nhờ đối thoại, mọi căng thẳng sẽ được hóa giải, mọi hiểu lầm, mâu thuẫn sẽ được giải quyết, nếu không toàn bộ, thì ít ra là một phần, nhưng chắc chắn bầu khí sẽ thân thiện, tươi vui và bình an hơn.  
    a.4. Cha mẹ phải tuyệt đối tránh những hình phạt xúc phạm đến căn tính của con
 • Đó la những kiểu phạt hạ nhục, châm biếm con bằng những lời thô tục, miệt thị, nguyền rủa như “Mày là đồ bỏ, đồ vô tích sự, đồ ăn hại, sống làm chi cho chật đất”. 
 • Những hình phạt lam tổn thương lòng tự trọng như chửi rủa con trước mặt người khác, lột quần áo con giữa đường phố, bắt con quỳ trước cửa nha, cạo trọc đầu con rồi bắt đi tạ tội với người   nay người nọ…  
• Những hình phạt ảnh hưởng đến an toan thân thể  như không cho ăn, bắt nhịn đói, ngủ ngoai đồng đầy muỗi, đánh bằng roi, gậy…  
• Những hình phạt mang tính tạo áp lực tinh thần, gây khủng hảng tâm lý như một mẩu tin trên mạng đã viết về một người cha trừng phạt con gái mình. Người cha ấy đã nói trong cơn nóng giận: “Nếu  mày không khai hết, tao sẽ lột trần truồng may, rồi chụp hình tung lên mạng, cho may hết lấy chồng   …”. Thật tồi tệ và dã man!  
• Những hình phạt xúc phạm đến niềm tin tôn giáo của đứa con bị phạt.
     Tóm lại, người viết chỉ nêu lên một cách vắn tắt những nguyên tắc cần được cha mẹ lưu ý khi sửa phạt con cái. Sửa phạt là điều không tránh khỏi trong gia đình, vì con cái cần được sửa phạt để nên người tốt, nên người có ích. Giáo dục không loại bỏ sửa phạt, vì con cái không được uốn nắn, sửa trị sẽ nhanh chóng biến thái thành những con người không đạo đức, không tử tế, không lề luật, không sống xứng đáng danh phận làm  người, để rồi không tương lai, không hạnh phúc trong cuộc sống. Với sự khôn ngoan của tình yêu, cha mẹ hãy chọn những hình phạt có công hiệu tập cho con biết trách   nhiệm, thay vì những hình phạt linh tinh, chẳng mang lại lợi ích cho ai. Thí dụ: Phạt con sắp xếp lại thật ngăn nắp căn phòng con đã bay bừa. Khi sắp xếp lại như vậy, con sẽ nhận ra chính mình đã là tác giả của mất trật tự, và nhận ra mình có trách nhiệm. Một thí dụ khác: Đi đá  bóng về, con không bỏ quần áo thể thao dơ vào máy giặt như cha mẹ đã dặn. Để giúp con ý thức trách nhiệm của mình, cha mẹ cứ để đó, không tự bỏ đồ dơ của con vào máy. Chờ đến lần đá bóng tới, con sẽ hết quần áo sạch để mặc, nhưng phải mặc lại quần áo dơ chưa giặt. Như  thế, con đã tự phạt mình, thay vì cha mẹ phải ra tay. Có nhiều hình phạt, nhưng phải biết chọn những hình phạt tích cực, nghia là sẽ mang lại một bài học trách nhiệm, vì mục đích của sửa phạt là giúp con trưởng thành nhờ biết trách nhiệm trên chọn lựa và hành động của mình.
Chia sẻ với cha mẹ về thưởng phạt, người viết nhớ lại một lần bị bố đánh ngày xưa khi còn bé… Tuy những “vết lươn” trên mông không còn, nhưng ký ức về trận đòn vẫn còn đó. Không biết có phải nhờ trận đòn “nhớ đời” thời thơ ấu mà người viết nên người, hay ngược lại, những lằn roi mây ngày xưa khi còn bé bỏng đã làm người viết trở nên dị ứng với những cha mẹ đánh con, mà thỉnh thoảng người viết vẫn gặp trong những ngày về quê.

Quý độc giả vui lòng đọc tiếp chương 7: http://tinmungduongpho.blogspot.com/search/label/CMYT-chuong7