Âu Châu có bốn mùa, và tháng Mười Một,
tháng các Linh Hồn luôn rơi vào giữa thu.
Mùa thu tất nhiên không vui bằng mùa
xuân với nắng ấm, và hoa lá nở rộ rực rỡ, với lễ Phục Sinh tưng bừng một sức sống
mới, sau đông dài lạnh lẽo, im lìm, chờ đợi. Mùa đông tuy lạnh và lặng lẽ,
nhưng người ta không thấy buồn khi mặt trời chói chan nhún nhẩy, đùa giỡn với
tuyết trắng dầy đặc rơi. Mùa hè thì khỏi nói, bởi ai cũng mong đến hè để được
nghỉ học, nghỉ làm, nghỉ hè trên núi, dưới biển, du lịch đây đó hay về Việt Nam
thăm quê hương, gia đình. Chỉ mùa thu là ảm đạm, khi mặt trời ham ngủ, làm biếng
thức ; chỉ mùa thu là làm buồn, vì lá vàng thi nhau lả chả rơi nhắc nhớ những
chia ly, tàn tạ; chỉ mùa thu là nhức nhối, với cúc vàng bầy bán la liệt trước cửa
nghiã trang gợi nhớ kỷ niệm với những người thân đã qua đời; chỉ mùa thu là làm
bâng khuâng lo sợ một ngày mai vô định; chỉ mùa thu là làm giật mình hoảng hốt
khi thấy người mà nghĩ đến ta: thấy người ra đi về bên kia thế giới mà nghĩ đến
phiên mình cũng sẽ gặp lại người ở thế giới bên kia.
Thế giới bên kia là thế giới nào? Đó là câu hỏi ai cũng hỏi và không ai
biết để trả lời. Câu hỏi đã được đặt ra cho loài người từ khi Thiên Chúa bảo
Adam và Evà, nguyên tổ của loài người: ngươi sẽ phải chết ! (St 3,19). Từ đó,
con người lo lắng, sợ hãi, chán ngán, khổ sở, thất vọng vì phải chết. Thực ra, người ta khổ không vì phải chết, cho bằng
khổ vì không biết chết khi nào; không lo lắng phải chết cho bằng không biết chết
cách nào; không sợ hãi phải chết cho bằng chết rồi đi đâu, làm gì, khổ hay sướng;
không thất vọng vì phải chết cho bằng ngã lòng vì chết chẳng đem theo được gì,
mà phải ra đi đơn độc, tay trắng, trần trụi, ngay cả đến hơi thở dù rất nhỏ bé,
nhẹ tênh cũng phải bỏ lại cõi đời.
Qủa thực, không ai đã không trải nghiệm những cảm xúc trước tin buồn một
người thân bỏ cuộc đời ra đi: cảm xúc sững sờ, bàng hoàng, thất kinh vì cái chết
thường đột ngột, bất ngờ; cảm xúc hụt hẫng, tiếc nuối, nhớ thương vì cái chết của người thân luôn là một mất mát khó có thể
thay thế, bù đắp; cảm xúc hối tiếc, ân hận vì những thiếu sót, tổn thương chưa kịp tạ lỗi, những ân nghiã chưa kịp đáp đền đối
với người ra đi; cảm xúc ngỡ ngàng, ngưỡng mộ khi cái chết mặc khải sự thật tốt
đẹp đáng yêu, đáng kính, đáng học hỏi của người đã chết, mà khi sinh thời, người
ấy đã bị hiểu lầm, vu khống, lên án oan uổng. Tất cả cảm xúc chằng chéo, pha trộn
trên tạo nên một nỗi buồn lan toả đau đớn, xót xa trên nét mặt, dáng dấp, lời
nói, cử chỉ, thái độ, sinh hoạt của thân nhân người chết trong một thời gian
dài ngắn tùy mức độ.
Với người thân thì thế, nhưng với kẻ thù qua đời thì cảm xúc thường ngược
lại: vì kẻ thù làm khổ ta, nên khi kẻ thù lăn đùng ra chết, ta vui vì biết mình
hết khổ; vì kẻ thù đe dọa, nên khi kẻ thù tắt thở, ta sung sướng sống đời bình
an; vì kẻ thù rình rập ám hại, nên khi kẻ thù nằm xuống, ta thảnh thơi, phơi phới,
tung tăng; vì kẻ thù ganh ghét, nên khi kẻ thù bỏ cuộc chơi, ta là người chiến
thắng. Cũng có những tâm hồn cao thượng không lộ liễu bộc lộ tình cảm trước cái
chết của kẻ thù, nhưng tận thâm tâm, không ai lại không phấn khởi, hả hê, thoả
mãn, bởi kẻ thù chết đi là ta được giải phóng không toàn phần thì cũng một phần
đáng kể, bởi kẻ thù nào chẳng đáng sợ, đáng ghét.
Trong giòng cảm xúc ta dành cho người chết trước cái chết của họ, ta chợt
thấy bóng hình ta lung linh trong giòng sông cảm xúc, bóng hình của chính ta
trong ngày chết. Cảm xúc mãnh liệt và đe dọa nhất chính là một ngày kia chắc chắn
ta sẽ phải chết như họ, nghiã là cũng sẽ chẳng biết mình chết lúc nào, cách
nào, ở đâu; nghiã là cũng không được mang theo bất cứ hành trang nào, dù qúy
giá, nhỏ bé, nhẹ tênh cỡ nào; nghiã là cũng sẽ có người khóc lóc, tiếc thương, ngưỡng
mộ nhưng cũng có người nguyền rủa, vui mừng, hả hê. Chỉ nghĩ đến thế cũng đã đủ
hoảng sợ, hoang mang, chao đảo, nói gì đến thảm cảnh kế tiếp khi xác thân bốc mùi
hôi thối, và người ta phải gấp rút chôn sâu hoặc thiêu nhanh cho thành tro bụi.
Thực ra, nguyên nhân lớn làm con người sợ chết, hoảng hốt, ngao ngán trước
cái chết không phải vì biết mình sẽ chết, nhưng vì không biết chết rồi mình sẽ
ra sao, ai sẽ cứu giúp, đồng hành với mình ở thế giới mà mình hoàn toàn xa lạ,
không một chút thông tin. Nếu biết rõ chết chỉ là một giai đọan, một nhịp bước
cần thiết giữa hai thế giới dương và âm, bên này và bên kia thì nỗi sợ chết sẽ
không còn nặng nề đến nỗi làm ta phải “thất kinh bát đảo”. Cũng vì không có đáp
số, câu trả lời cho vấn nạn đời sau, mà chúng ta sống không yên, sống không hết
mình, sống không lý tưởng, sống không hạnh phúc, vì đêm ngày bị cái chết và đời
sau ám ảnh đe dọa.
Là người Công Giáo, với Giáo Hội và trong Đức Giêsu, Đấng đã chết và đã
sống lại, tháng Mười Một sẽ không còn là tháng giữa thu buồn ảm đảm, tháng sầu
thê lương, tháng tang thương chết chóc, tháng mộ phần tuyệt vọng, tháng quằn quại
đớn đau, tháng khôn nguôi tiếc nhớ, nhưng là tháng Mười Một của Thiên Chúa là
tình yêu thương xót đã hiệp nhất nhân loại trong lòng xót thương của Ngài, để tất
cả trời đất, thiên đàng- luyện tội - nhân gian, cõi dương- cõi âm, thế giới bên
kia - bên này được hiệp thông với nhau trong lòng thương xót, khi các thánh
trên thiên đàng là Giáo Hội chiến thắng, các linh hồn trong luyện tội là Giáo Hội
thanh luyện, nhân loại còn đang sống trên trần gian là Giáo Hội lữ hành cùng
chia sẻ lòng xót thương trong Đức Giêsu là “Sự Sống Lại và Sự Sống” (Ga 11,25),
để cầu thay nguyện giúp cho nhau, để bênh vực, bầu cử cho nhau trước Thiên
Chúa, và hạnh phúc sẽ không chỉ chờ đời sau để nở rộ, nhưng rực rỡ, trào dâng
ngay ở đời này trong Bình An của Lòng
Thương Xót.
Thực vậy, với đức tin công giáo, câu hỏi
sự chết là gì, tại sao con người phải chết, chết rồi đi đâu, cũng như sự sống
là gì, ý nghiã của cuộc sống, và vấn nạn gai góc nhất về đời sau, về cuộc sống
bên kia thế giới, tất cả đều được Đức Giêsu, Đấng là “Sự Sống Lại và Sự Sống”,
cũng là “Đường, Sự Thật và Sự Sống” (Ga 14,6) giải đáp thỏa đáng. Không những
giải đáp thoả đáng, Ngài còn bảo đảm cho giải đáp đó, vì chỉ một mình Ngài là “Cùng
Đích và Hạnh Phúc viên mãn” của mỗi người và mọi người ở đời này và đời sau,
cho sự sống hôm nay và cuộc sống mai hậu.
Một cách rất vắn tắt, Đức Giêsu bảo
chúng ta: để sống bình an, hạnh phúc ở đời này, và thênh thang bước vào đời sau
với hạnh phúc, bình an, trước hết “hãy tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15).
Tin vào Tin Mừng, vì Tin Mừng là Tin Mừng
của Thiên Chúa (Rm 1,1), Tin Mừng Bình An (Ep 6,15), Tin Mừng Cứu Độ (Ep 1,13);
vì ngoài Tin Mừng, loài người không thể biết Thiên Chúa là ai, Ngài muốn gì,
cũng như không thể biết ý nghiã đời sống và định mệnh của chính mình, bởi sự sống,
sự chết của con người hoàn toàn thuộc quyền Thiên Chúa. Chính Tin Mừng là chià
khóa hạnh phúc của con người ở đời này và đời sau; là điều kiện để con người đạt
hạnh phúc vĩnh cửu, sau bước chân của sự chết. Tin Mừng của Thiên Chúa còn là
ánh sáng cho hành trình cuộc đời, là niềm vui cho từng ngày sống và bảo đảm chắc
chắn sự sống vĩnh cửu đời sau. Có năm điểm quan trọng khi chúng ta Tin vào Tin
Mừng:
1. Tin
Mừng là Lời Thiên Chúa nói với con người qua Đức Giêsu về dung mạo đích thực của
Thiên Chúa.
Thiên Chúa mặc khải dung mạo đích thực của Ngài qua Đức Giêsu, như Đức Giêsu đã khẳng định:
“Tôi là ánh sáng thế gian. Ai theo tôi, sẽ không phải đi trong bóng tối, nhưng
sẽ nhận được ánh sáng đem lại sự sống” (Ga 8, 12). Chỗ khác Ngài qủa quyết: “Ai
tin vào tôi, thì không phải tin vào tôi, nhưng là tin vào Đấng đã sai tôi... Thật
vậy, không phải tôi tự mình nói ra, nhưng là chính Chúa Cha, Đấng đã sai tôi,
truyền lệnh cho tôi phải nói gì, tuyên bố gì. Và tôi biết: mệnh lệnh của Người
là sự sống đời đời. Vậy, những gì tôi nói, thì tôi nói đúng như Chúa Cha đã nói
với tôi” (Ga 12, 44.49-50).
Dung mạo đích thực của Thiên Chúa chính là Tình Yêu (1Ga 4, 8). Và “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban
Con Một của Người, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống
muôn đời” (Ga 3,16).
Như thế, việc đầu tiên phải làm khi tin vào Tin Mừng là tin Đức Giêsu
Kitô - Ngôi Lời nhập thể, Con Thiên Chúa, Đấng đến trong thế giới để mặc khải mầu
nhiệm Thiên Chúa và mầu nhiệm con người.
Chúng ta cũng nhận thấy: các đọan Kinh Thánh vừa được trích dẫn đều qủa
quyết Tình Yêu Thiên Chúa luôn đem lại sự sống đời đời cho con người, bởi sự sống
gắn liền với Thiên Chúa là Nguồn Sống, sự sống phát sinh do Tình Yêu là Thiên
Chúa, nên không lý do gì một Thiên Chúa là Tình Yêu và Sự Sống lại để con người
mình yêu phải chết. Bởi thế, ngay trong ý định đời đời của Thiên Chúa, con người
đã được dựng nên để sống và sống đời đời trong hạnh phúc của Tình Yêu tuyệt đối
là Ngài, vì Thiên Chúa đã không dựng nên con người để con người phải chết,
nhưng chết là hậu qủa của tội lỗi. Dù vậy,
Thiên Chúa vẫn trung tín và đi đến cùng ý định đời đời của Ngài là con người phải
được sống vĩnh cửu trong tình yêu của Ngài. Đó là lý do Đức Giêsu, Con Thiên
Chúa đã đến để chết làm giá cứu con người khỏi chết, nhưng được sống đời đời.
Tóm lại, khi mặc khải Thiên Chúa Tình Yêu, Tin Mừng của Đức Giêsu cùng
lúc đã mặc khải con người được Thiên Chúa yêu thương, cứu sống, để Tình Yêu
Thiên Chúa và Sự Sống con người luôn sánh đôi, không thể tách rời, vì Thiên Chúa
là “Thiên Chúa của người sống” (Mc 12,27), và
như Đức Giêsu đã khẳng định với
chị em Mácta, Maria khi gọi em trai hai cô là Ladarô từ cõi chết sống lại: “Ai
tin vào Thầy thì dù đã chết, cũng sẽ được
sống. Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết” (Ga 12, 25-26).
2. Tin
Mừng vạch ra một con đường để con người được sống hạnh phúc đời này và đời sau:
Đó là con đường của tâm hồn nghèo khó, hiền lành, khao khát điều công
chính, bao dung tha thứ, trong sạch, xây dựng hoà bình và tràn đầy lòng xót
thương (x. Hiến chương Nước Trời: Mt 5,3-9).
Đức Giêsu đã công bố Hiến Chương Hạnh Phúc của Nước Trời, và tất cả những
ai sống theo đường lối này sẽ được Thiên Đàng làm gia nghiệp, Nước Trời làm quê
hương, Thiên Chúa là Cha hiền, sự sống đời đời là phần thưởng. Bước đi trên con
đường này là đi với Đức Giêsu vào Sự Sống bất diệt, vì đây là con đường Thiên
Chúa muốn con người đồng hành với Ngài trên hành trình vào Đất Hứa (Mt 5,4).
Hiến Chương Nước Trời cũng là Hiến Chương của Lòng Thương Xót, bởi tất cả
những điều khoản được nêu ra trong Hiến Chương đều là đặc tính của người có
lòng thương xót, cũng là điều kiện của đời sống xót thương.
3. Tin
Mừng đưa ra duy nhất một giới luật Tình Yêu để bảo đảm sự sống đời đời:
Tin Mừng không kê “tràng giang đại hải” hằng trăm khoản luật phải giữ,
nhưng Đức Giesu chỉ vắn tắt nhắn nhủ các Tông Đồ: “Đây là điều răn của Thầy:
anh em hãy thương yêu nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Không có tình yêu nào
cao cả hơn tình yêu của người đã hy sinh mạng sống vì bạn hữu của mình” (Ga 15,
12-13).
Yêu như Đức Giêsu đã yêu là tất cả “bộ luật” dành cho công dân Nước Trời,
nói cách khác, yêu thương tha nhân là đòi hỏi để được sống đời đời trong Chúa,
bởi “ai không yêu thương thì không biết Thiên Chúa” (1Ga 4,8), và “nếu chúng ta
yêu thương nhau, thì Thiên Chúa ở lại trong chúng ta, và tình yêu của Người nơi
chúng ta mới nên hoàn hảo” (1Ga 4,12). Tình yêu hoàn hảo là tình yêu đem đến sự
sống đời đời, nên khi yêu mến anh em, chúng ta yêu mến Thiên Chúa và ở trong Thiên
Chúa. Nhờ ở trong Thiên Chúa và có tình yêu Thiên Chúa, chúng ta có sự sống
vĩnh cửu, vì “Thiên Chúa là Tình Yêu”, là “Sự Sống Lại và Sự Sống”.
4. Tin
Mừng mời gọi chúng ta đi theo và noi gương Đức Giêsu:
Loan báo những gì Đức Giêsu đã nói và làm chưa đủ, nhưng còn phải trở
thành môn đệ đi theo Ngài, bước trên những bước chân của Ngài. Đi theo và noi
gương Đức Giêsu là đề nghị của Tin Mừng với mỗi người, như Đức Giêsu đã gọi các
Tông Đồ ngày xưa bên biển hồ Galilê: “Anh em hãy theo tôi !” (Mt 4,19).
Đi theo Đức Giêsu để được Ngài biến đổi, noi gương Đức Giêsu để được trở
nên đồng hình đồng dạng với Ngài, Thiên Chúa giầu lòng xót thương, mục tử nhân
lành đến để cho Ềđàn chiên được sống và sống dồi dàoỂ (Ga 10,10).
Vì thế, điều mà Đức Giêsu mời gọi chúng ta trong Tin Mừng chính là bắt
chước, noi gương Ngài: “Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy
đã làm cho anh em” (Ga 13,15).
5. Tin
Mừng loan báo sứ điệp Phục Sinh của Đức Giêsu:
Sứ điệp đầu tiên các Tông Đồ đã loan báo chính là sự sống lại của Đức
Giêsu: “Đức Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta, đúng như lời Kinh Thánh, rồi Người
đã được mai táng và ngày thứ ba đã trỗi dậy, đúng như lời Kinh Thánh” (1Cr 15,
3-4).
Biến cố Phục Sinh của Đức Giêsu Kitô là một phần của Tin Mừng, ở đó,
Chúa Cha đã cho Con Một Ngài sống lại từ cõi chết để nhờ ơn cứu sống đến từ sự
chết và sự sống lại của Đức Giêsu Kitô, con người được chia sẻ quyền làm con
Thiên Chúa với Đức Giêsu để có thể yêu như Đức Giêsu đã yêu; tha thứ như Đức
Giêsu đã tha thứ; vượt qua thử thách, đau khổ như Đức Giêsu đã vượt qua; chết
như Đức Giêsu đã chết, và được sống lại với Đức Giêsu phục sinh, như thánh Phaolô đã viết cho môn đệ
Timôtê: “Nếu ta cùng chết với Nguời, ta sẽ cùng sống với Người. Nếu ta chịu khổ
với Người, ta sẽ hiển trị với Người” (2Tm 11-12).
Qủa thực, Tin Mừng Phục Sinh không chỉ bảo
đảm cho sự sống đời sau, mà còn là nền tảng của đức tin ở đời này. Thánh Phaolô
đã trình bầy rất minh bạch điều này trong thư gửi giáo đoàn Côrintô:
“Nếu kẻ chết không sống lại, thì Đức Kitô đã không trỗi dậy. Mà nếu Đức
Kitô đã không trỗi dậy, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả đức
tin của anh em cũng trống rỗng. Thế ra chúng tôi là những chứng nhân giả của
Thiên Chúa, bởi vì đã chống lại Thiên Chúa mà làm chứng rằng Người đã cho Đức
Kitô trỗi dậy, trong khi thực sự Người đã không cho Đức Kitô trỗi dậy, nếu qủa
thật kẻ chết không trỗi dậy. Vì nếu kẻ chết không trỗi dậy, thì Đức Kitô cũng
đã không trỗi dậy. Mà nếu Đức Kitô đã không trỗi dậy, thì lòng tin của anh em
thật hão huyền, và anh em vẫn còn sống trong tội lỗi của anh em. Hơn nữa, cả những
người đã an nghỉ trong Đức Kitô cũng bị tiêu vong. Nếu chúng ta đặt hy vọng vào
Đức Kitô chỉ vì đời này mà thôi, thì chúng ta là những kẻ đáng thương hơn hết mọi
người” (1Cr 15, 13-19).
Như thế, khi tin vào Tin Mừng, chúng ta tìm được đáp số cho tất cả vấn nạn
liên quan đến cuộc đời, trong đó có câu hỏi về sự chết và đời sau luôn ám ảnh nặng
nề và không ngừng đe dọa. Với Tin Mừng, chúng ta biết mình vào đời và làm người
vì được Thiên Chúa yêu thương. Tình yêu thương trung tín ấy đồng hành với chúng
ta qua ngưỡng cửa vào đời sau, là sự chết.
Tuy sự chết là hậu qủa đáng buồn của tội lỗi, nhưng nhờ sự chết và phục sinh của
Đức Giêsu, Thiên Chúa làm người, sự sống đời đời của chúng ta không mất đi,
nhưng được bảo đảm bằng máu của Đức Giêsu, Đấng đã chết với chúng ta trong thân
phận con người phải chết, để chúng ta được sống lại và sống đời đời với Ngài trong
Vương Quốc của Thiên Chúa. Và để cuộc sống hôm nay trên cõi trần này được hài
hoà tiếp nối bằng sự sống vĩnh cửu, Đức Giêsu muốn chúng ta đồng hành với Ngài
trên con đường Hạnh Phúc Ngài đã vạch, con đường dẫn đến cuộc sống trường sinh,
bất diệt bằng tín thác ở Ngài là Tình Yêu tuyệt đối, và noi gương Ngài yêu
thương anh em như Ngài đã yêu thương.
Sự sống đời sau, Thiên Đàng hay bất cứ sự tốt đẹp nào chúng ta mơ ước
chiếm hữu sau khi chết cũng không gì bằng chính Thiên Chúa. Thiên Chúa chính là
Gia Nghiệp, là Hạnh Phúc tuyệt đối, là Thiên Đàng tuyệt hảo, mà không sự gì có
thể so sánh. Vì thế, hạnh phúc bất diệt trong thế giới bên kia sẽ không là gì
khác hơn Thiên Chúa, Đấng chúng ta yêu mến, phụng sự ở đời này. Cũng một Thiên
Chúa toàn năng và giầu lòng thương xót luôn đồng hành với chúng ta trên hành
trình dương thế sẽ là Đấng đón chúng ta vào Vuơng Quốc dành cho những tâm hồn
biết chạnh lòng và thực hiện lòng thương xót với anh em mình trong cuộc sống, bởi
Thiên Chúa là Tình Yêu, nên duy nhất với
Tình Yêu, Ngài nhận ra những người thuộc về Ngài; duy nhất bằng Tình Yêu, Ngài
phán xét, thưởng phạt trong ngày chung thẩm; duy nhất trong Tình Yêu, Ngài cho
những ai có lòng xót thương cư ngụ trong nhà Cha Ngài (x. Phán Xét chung: Mt
25, 31- 46 và dụ ngôn người Samari nhân lành: Lc 10, 25-37).
Tin vào Tin Mừng và sống những điều Tin Mừng đề nghị cũng là sắm sẵn cho
mình hành trang đi vào đời sau, bởi duy nhất Tình Yêu là hành trang người chết
có quyền mang theo khi vào thế giới bên kia; duy nhất lòng thương xót là công
trạng có giá trị người chết có thể đệ trình Thiên Chúa; duy nhất Yêu Thương là dấu chỉ Đức Giêsu sẽ nhận ra ai
là môn đệ của Ngài ở cửa đời sau,
như mọi người ở đời này chỉ có thể nhận
ra ai là môn đệ Đức Giêsu khi họ yêu thương nhau (Ga 13,35).
Và như thế, tháng Mười Một sẽ không còn là tháng buồn ảm đạm với lá vàng
rơi làm nhức nhối nỗi sợ chia ly, chết chóc; mùa thu sẽ không còn chìm sâu
trong bóng tối trước tương lai mịt mù, vô vọng của phận người phải chết. Nhưng
từ nay, tháng Mười Một là tháng Hiệp Thông của lòng thương xót, với các thánh cầu
bầu, các linh hồn hy vọng, và người sống cầu thay nguyện giúp; tháng Mười Một
cũng là tháng của nhớ thương, cầu nguyện, của ân tình đền đáp, và cũng tháng Mười
Một, niềm hy vọng được sống lại với Đức Giêsu nâng tâm hồn lên cao để chiêm ngắm
những sự trên Trời.
Vâng, có Đức Giêsu rảo bước đồng hành, có Tin Mừng Phục Sinh chiếu sáng,
đường Emmau chiều thu hôm nao của hai môn đệ, cũng như đường đời hôm nay của mỗi
người chúng ta không còn tăm tối, và nặng nề những bước chân sầu buồn, tuyệt vọng,
nhưng xôn xao, rạo rực một niềm vui khôn
tả của những người được cứu độ và sẽ sống lại trong ngày Chúa đến. Alléluia
!
Jorathe Nắng Tím